DẪN VÀO TÂN ƯỚCI. THIÊN CHÚA NÓI VỚI CON NGƯỜICon người thời nay ngây ngất trước những vật thể vô cùng nhỏ và vô cùng lớn trong vũ trụ. Họ nghiên cứu những hạt tử nhỏ bé nhất và dự đoán được tuổi của vũ trụ. Ðối với nhiều người, vũ trụ mang dấu vết của Thiên Chúa, đó là nơi Thiên Chúa tỏ mình cho con người (x. Rm 1,19-20). Nhưng hình ảnh Thiên Chúa ta thấy qua vũ trụ còn nhiều nét chưa rõ ràng. Thiên Chúa khôn ngoan và nhân hậu không chỉ bằng lòng với việc tỏ mình qua tự nhiên, Người còn muốn ngõ lời với con người đã được dựng nên theo hình ảnh Người và đã gieo vào lòng họ nỗi khao khát khôn nguôi là được nhìn thấy Thiên Chúa. Ðể tỏ mình cho toàn thể nhân loại, Người đã chọn một nhóm người để làm thành một dân tộc, dân Ítraen. Người huấn luyện họ để họ cảm nhận được tình thương của Người và đáp lại bằng một lòng trung tín sắt son. Người đã đi vào dòng lịch sử của dân Ítraen để mặc khải bằng Lời và bằng các biến cố. Thưở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta qua các ngôn sứ (Dt.1,1). Thiên Chúa đã nói với con người qua con người và bằng ngôn ngữ loài người. Những nghiên cứu mới về ngữ học trong các thập niên vừa qua đã làm nổi bật tầm quan trọng của động từ "nói". Thật vậy, khi khám phá ra những giá trị độc đáo của ngôn ngữ và những chiều kích phong phú của nó, con người mới thấy sự khôn ngoan của Thiên Chúa khi Người muốn mạc khải bằng ngôn ngữ loài người. Thiên Chúa đã nói qua miệng các ngôn sứ, nhưng những lời đó lại nhằm chuẩn bị cho Ngôi Lời, Con của Người xuất hiện vào thời viên mãn. Ngay cả những biến cố trong lịch sử dân Ítraen, tuy có giá trị và thế đứng riêng biệt, nhưng lại hướng về cái sắp đến. Chính Thiên Chúa đã đặt trong mỗi biến cố một mầm mống siêu vượt chính mình, để chuẩn bị cho Biến cố của mọi biến cố là Ðức Kitô. Dường như, nhờ một thời gian dài suy tư, chính người Do-thái cũng nhận ra điều đó. Họ thấy rằng những biến cố quá khứ chỉ là sự biểu lộ một phần ý định của Thiên Chúa ở một cấp độ bất toàn và càng lúc Người càng mặc khải trọn vẹn hơn ý định của Người. Biến cố xuất Aicập hướng đến việc giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Giao Ước Xinai bằng máu những con bò hướng đến một giao ước mới được ghi khắc trong lòng người (Gr. 31,31-34). Ðất hứa Canaan chỉ là hình bóng mờ nhạt của Thành Giêrusalem mới. Ngay cả những nhân vất trong lịch sử như vua, ngôn sứ, thủ lãnh, tư tế cũng xuất hiện như những người dọn đường cho một Ðấng khác cao vượt hơn họ. II. CÁC SÁCH TÂN ƯỚC VÀ NHỮNG THỂ VĂN CHÍNHTrong lịch sử dân Ítraen, Thiên Chúa đã lập giao ước với tổ phụ Ápraham (St. 15,18) và qua ông Môsê, Người đã lập giao ước với cả dân tộc này (Xh. 24,8). Trong niềm tin vào Ðức Giêsu Kitô, các nhà thần học Kitô giáo đầu tiên đều có chung một xác tín, đó là Ðức Giêsu khai mở giai đoạn chung cục của lịch sử cứu độ. Nơi Người mọi lời hứa với cha ông được thành tựu, và niềm hy vọng từ bao đời nay được Thiên Chúa cho thành hiện thực. Một giao ước mới đã thành hình, giao ước trong máu Ðức Kitô (1 Cr. 11,25), đổ ra một lần là đủ (Dt. 9,23-26). Thánh Phaolô đã gọi luật Môsê là giao ước cũ (2 Cr 3,14). Giao ước cũ và giao ước mới có một sự duy nhất, vì do cùng một Thiên Chúa là tác giả. Giao ước cũ đạt được sự hoàn tất viên mãn của mình nơi Ðức Giêsu. Các Kitô hữu thế hệ đầu tiên, cũng như các người Dothái bây giờ, coi Kinh Thánh là lời của Thiên Chúa; nhưng Kinh Thánh lúc đó mới chỉ là phần mà ngày nay chúng ta gọi là Cựu Ước thôi. Phải đợi một thời gian lâu sau, những sách mà nay ta gọi là các sách Tân Ước mới được nhìn nhận là Lời Chúa, ngang hàng với các sách khác của Cựu Ước. Chúng ta sẽ bàn về diễn tiến của việc xác định thư quy trong phần sau. Tập sách Tân Ước gồm 27 cuốn, được viết bằng tiếng Hylạp phổ thông trong thời bấy giờ. tuy gọi là cuốn, nhưng thực ra có những thư chỉ dài khoảng một hai trang (2 Gioan, 3 Gioan, Philêmôn). Ta có thể tạm chia các sách Tân Ước làm bốn loại, dựa trên bốn thể văn khác nhau. 1. Thể văn TIN MỪNGBốn sách đầu tiên của bộ Tân Ước được viết theo thể văn này, đó là các sách Tin Mừng (còn gọi là sách Phúc Âm) theo thánh Matthêu, thánh Máccô, thánh Luca và thánh Gioan. "trong toàn bộ Kinh Thánh và thậm chí ngay cả Tân Ước nữa, các sách Tin Mừng có tính ưu việt trên hết, vì những sách đó là những chứng từ tuyệt vời về cuộc đời và lời giáo huấn của Ngôi Lời nhập thể, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta" (MK 18). Công đồng Vaticanô II đã coi các sách Tin Mừng như những chứng từ thành văn của các Tông Ðồ hay của những vị đã sống bên các Tông Ðồ ghi chép lại do ơn linh hứng của Thánh Thần. Ðó là một chứng từ đức tin mang hai đặc điểm sau đây. Trước hết, chứng từ này được viết lại sau những biến cố nền tảng của Kitô giáo: phục sinh, thăng thiên và hiện xuống. Các biến cố này như những luồng sáng chiếu dọi vào toàn bộ cuộc đời Ðức Giêsu, khiến cho các Tông Ðồ có một hiểu biết thâm trầm hơn về các việc làm và lời nói của Người. Kế đó, chứng từ này mang đậm nét đặc thù của từng tác giả. Khi soạn thảo các sách Tin Mừng, mỗi tác giả đã phải chọn lựa những yếu tố đã được truyền khẩu hay được ghi lại thành văn, cộng thêm những hiểu biết riêng của mình mà làm nên một tác phẩm. Tác phẩm này được viết cho một giáo đoàn nhất định và với một mục đích nhất định. Có một câu hỏi được đặt ra một cách gay gắt trong suốt thế kỷ XX, đó là câu hỏi về lịch sử tính của các sách Tin Mừng, hay nói khác đi: những gì các sách Tin Mừng kể lại có thật không? Công đồng Vaticanô II đã long trọng khẳng định lịch sử tính của các sách Tin Mừng: các sách này trung thành truyền lại những gì Ðức Giêsu thực sự đã làm và đã dạy, các tác giả thánh luôn luôn truyền đạt cho chúng ta những điều chân thật về Ðức Giêsu (x. MK 19). Nhưng vì các sách Tin Mừng là những chứng từ đức tin, nên ta đừng hiểu lịch sử tính ở đây theo nghĩa là các tác giả đã ghi âm hay chụp lại những gì Ðức Giêsu đã nói và làm vào chính lúc xảy ra. Các sách Tin Mừng còn có một bề dày phong phú hơn nhiều. Ðó vừa là chứng từ về Ðức Giêsu lịch sử, vừa là chứng từ về niềm tin của các Tông Ðồ sau phục sinh, và cũng là công trình soạn thảo của các tác giả thánh. Vậy thể văn Tin Mừng là một thể văn đặc biệt, nó có lịch sử tính nhưng lại không phải là một bài phóng sự hay tường thuật tại chỗ những gì đang xảy ra. Các sách Tin Mừng được viết sau những năm dài nghiền ngẫm, cầu nguyện và sống, không phải của một cá nhân, mà thường là của cả một cộng đoàn Giáo Hội địa phương. Bốn sách Tin Mừng là bốn cái nhìn về cùng một thực tại là Ðức Giêsu, bốn cái nhìn khác nhau nhưng bổ túc cho nhau, để ta có một cái nhìn trọn vẹn về Con Thiên Chúa. 2. Thể văn LỊCH SỬ TÔN GIÁOSách Công Vụ Tông Ðồ thuộc thể văn này. Sách này kể lại buổi đầu của Giáo Hội và công cuộc loan báo Tin Mừng cho các dân tộc. Ðây không phải là một tài liệu thuần túy lịch sử như kiểu hồi ký hay niên sử, nhưng cũng không phải là một sách giáo lý thuần túy, vì mang nhiều yếu tố lịch sử. Có thể nói Công Vụ là một lịch sử nhằm giáo huấn. Tác giả Luca đã viết sách này cho những tín hữu gốc dân ngoại để nói lên rằng sứ điệp cứu độ được gởi đến cho mọi người, trước hết là người Dothái, sau là dân ngoại. Các diễn từ chiếm gần một phần ba sách Công Vụ, dĩ nhiên đây không phải là nguyên văn các bài giảng, bởi vì chúng quá ngắn, lắm khi lại quá giống nhau. Thánh Luca đã soạn ra những diễn từ này dựa trên những yếu tố trong các bài giảng của các Tông Ðồ. Còn các trình thuật cũng được ghi lại một cách khá tự do vì thời xưa các sử gia không quá bận tâm đến tính chính xác của biến cố xảy ra. Luca cho chúng ta một hình ảnh tốt đẹp về Giáo Hội sơ khai, ông cố tránh nhắc đến những khía cạnh kém đẹp của Giáo Hội, như vụ bất đồng ý kiến giữa hai Tông Ðồ Phêrô và Phaolô ở Antiôkhia (Gl 2,11-14) chẳng hạn. Thế nên có lẽ phải coi những bản tóm lược ở Cv 2,42-47; 4,32-35; 5,12-16 là những bức họa lý tưởng hơn là một mô tả về thực tại của Giáo Hội ở Giêrusalem. 3. Thể văn THƯ TÔN GIÁO CHÍNH THỨCTân Ước có 21 lá thư, một số lớn của thánh Phaolô, số còn lại của các vị Tông Ðồ khác. Ðây là những lá thư thực sự vì được gửi đến cho những cá nhân như Timôthê, Titô, Philêmôn, hay cho những Giáo Hội ở đó đây trong đế quốc Rôma. Các thư phát xuất từ những hoàn cảnh cụ thể, nhằm đáp ứng những nhu cầu cụ thể như cũng cố niềm tin, khích lệ trong cơn bách hại, xác định những điểm giáo lý, uốn nắn những lệch lạc, ngăn ngừa những sai lầm ... Các thư này thường được đem đọc công khai trong buổi họp cộng đoàn tín hữu (1 Tx 5,27), và cũng có thể được trao đổi giữa các Giáo Hội (Cl 4,16). Vì các thư trong Tân Ước không phải chỉ là những thư thuần túy riêng tư, cũng không phải là những luận thư (épitre) theo kiểu của các triết gia Hylạp, nên chúng ta có thể coi chúng thuộc về thể văn "thư tôn giáo chính thức". Ðây là tài liệu do một nhóm hay một vị có thế giá gửi cách chính thức và công khai cho những cá nhân hay cho những cộng đoàn nhất định, nhằm một mục đích chủ yếu có tính tôn giáo. Như các sách Tin Mừng, các thư được soạn thảo do ơn linh hứng của Chúa Thánh thần. Tuy không có những trình thuật về đức Giêsu nhưng các thư lại "trình bày càng ngày càng rõ hơn giáo lý đích thực của Người" (MK 20). Có thể nói các thư phản ánh việc sống lời Chúa của các cộng đoàn dân Chúa ở thế kỷ đầu, với những khó khăn riêng; tuy nhiên ta vẫn có thể khám phá thấy nơi các thư một sứ điệp luôn mới mẻ cho đức tin của mình, miễn là biết thích ứng sứ điệp đó cho thời đại mình đang sống. 4. Thể văn KHẢI HUYỀNSách cuối cùng trong bộ Tân Ước là sách Khải Huyền. Ðây là một thể văn thịnh hành trong văn chương Dothái trong khoảng thời gian hai thế kỷ trước đến một thế kỷ sau CN. Thể văn này sử dụng nhiều hình ảnh, con số, tên gọi và màu sắc mang ý nghĩa tượng trưng. Ðể hiểu được ý nghĩa của chúng, ta cần quy chiếu về Cựu Ước và các sách Khải Huyền khác, chứ không nên hiểu theo nghĩa đen. Sách Khải Huyền được viết để củng cố niềm hy vọng các tín hữu đang bị bách hại vì đức tin. Tác giả sách này đã phác họa một loạt những thị kiến có tính tượng trưng để mô tả cuộc giao tranh trong vũ trụ giữa sự thiện và sự ác, giữa Ðức Kitô và Xatan, cuối cùng Ðức Kitô và các thánh sẽ toàn thắng. Ðó là động lực giúp người tín hữu vững tâm đợi chờ sự can thiệp của Thiên Chúa. Như thế sách Khải Huyền vẫn có giá trị cho mọi thời, vì lịch sử vẫn còn là cuộc tranh chấp cho đến ngày Ðức Kitô trở lại. Tuy nhiên chúng ta phải tránh thái độ coi sách này như một thứ "Sấm Trạng Trình" và đem áp dụng vào những biến cố lịch sử đang hay sẽ xảy ra trên thế giới. III. THƯ QUY TÂN ƯỚC VÀ CÁC SÁCH NGỤY THƯNhư đã nói ở trên, các Kitô hữu thời sơ khai coi bộ sách thánh của Dothái giáo là bộ Kinh Thánh duy nhất mà họ tôn kính. Trong khoảng một thế kỷ đầu của Kitô giáo (30-130 sao CN), bộ sách này không hề được gọi là các sách Cựu Ước, bởi lẽ bộ Tân Ước chưa thành hình. Ngày nay, các Kitô hữu, dù là công giáo, chính thống hay tin lành, đều nhìn nhận 27 sách trong bộ Tân Ước là sách thánh, là Kinh Thánh, có giá trị như hay thậm chí còn hơn cả bộ sách thánh mà người Dothái quen gọi là "Luật và các ngôn sứ". Ðể Giáo Hội Ðông Phương và Tây Phương đi tới việc nhìn nhận này, cần cả một thời gian dài mấy thế kỷ. Chúng ta không ghi lại đây những diễn biến phức tạp của lịch sử, chỉ phác thảo một vài nét chính. Trên hết là vị trí trung tâm của Ðức Giêsu trong Kitô giáo. Tất cả đều quy về Người, những lời nói và việc làm của Người bày tỏ khuôn mặt của chính Thiên Chúa ở một mức độ siêu việt chưa từng thấy. Sau khi Ðức Giêsu về trời, nhịp cầu duy nhất nối liền các Kitô hữu với Ðức Giêsu là các Tông Ðồ, những chứng nhân về toàn bộ cuộc đời trần thế của Người. Các Tông Ðồ chủ yếu làm chứng bằng lời rao giảng (Cv 6,2-4; Rm 10,14-15), nhờ đó đức tin được khơi dậy và nuôi dưỡng trong lòng các tín hữu. Có hai yếu tố khiến cho các Kitô hữu nghĩ đến chuyện phải viết lại những chứng từ về Ðức Giêsu. Trước hết là sự bành trướng của Kitô giáo sau quyết định của hội nghị ở Giêrusalem năm 49 (Cv 15). Cả một thế giới bao la của dân ngoại mở ra, Giáo Hội không còn chỉ đóng khung ở quanh Giêrusalem, nhưng đã vươn tới những miền xa tắp. Các Tông Ðồ phải liên tục đi nhiều nơi nên việc liên lạc bằng thư từ với các Giáo Hội trở nên cần thiết. Các thư của thánh Phaolô là một thí dụ về việc này. Kế đó là việc các Tông Ðồ dần dần trở nên già yếu và qua đời. Làm sao bảo tồn được những chứng từ về lời nói và việc làm của Ðức Giêsu? Hơn nữa, nhu cầu huấn giáo cũng đòi hỏi việc sắp xếp lại những chứng từ truyền khẩu cho có hệ thống. Thế nên đã có những sưu tập, truyền khẩu cũng như thành văn; đây là những chất liệu cho các tác giả viết Tin Mừng sau này. Trong khoảng thời gian hơn một thế kỷ, đã xuất hiện nhiều tác phẩm của các Kitô hữu. Vấn đề được đặt ra rõ nét từ giữa thế kỷ II là vấn đề xác định xem đâu là danh sách những tác phẩm cần được bảo tồn và coi như sách thánh, nói cách khác, đó là xác định thư quy của Tân Ước. Có một vài tiêu chuẩn hướng dẫn công việc này:
Sau đây là một vài thời điểm đặc biệt trong lịch sử hình thành thư quy:
Ta thấy một tác phẩm được nhận vào thư quy vì nó là bản văn được linh hứng, nhưng ta chỉ biết chắc chắn là nó được linh hứng khi nó được nhận vào thư quy. Giáo Hội trước khi nhận vào đã phải suy nghĩ về truyền thống được coi là bắt nguồn từ các Tông Ðồ, đó là tiêu chuẩn để chọn lựa. Khi thư quy được xác định, một số lớn tác phẩm không được kể vào thư quy nàỵ trong đó có cả những tác phẩm nổi tiếng, thậm chí đã từng được một số vị có thẩm quyền công nhận là sách thánh, như sách Giáo Huấn của mười hai Tông Ðồ (cuối thế kỷ I hay đầu thế kỷ II), Người Mục Tử của Hécmát (đầu thế kỷ II, Rôma), thư của Banaba, hai thư của Cơlêmentê. Các tác phẩm này được bảo tồn cẩn thận và ngày nay vẫn được xếp vào các tác phẩm có giá trị của Giáo Hội buổi đầu. Nhưng cũng có những tác phẩm khác bị loại bỏ, không được Giáo Hội dùng làm nền tảng cho giáo lý của mình, và vì thế không được dùng trong phụng vụ, ta quen gọi là ngụy thư. Ngụy thư có hình thức và nội dung khá gần với các sách Tân Ước. Tuy nhiên cũng phải nhận là một số ngụy thư có chứa đựng những sai lạc về giáo lý, thí dụ nghiêng về ảo thân thuyết (docétisme, thuyết này không nhìn nhận nhân tính của Ðức Kitô) hay bài bác hôn nhân. Phần nhiều các ngụy thư đều ẩn dưới danh nghĩa các vị Tông đồ. Ta có thể chia các ngụy thư thành bốn loại như các sách trong Tân Ước:
IV. BẢN VĂN TÂN ƯỚC VÀ KHOA PHÊ BÌNH BẢN VĂNHiên nay chúng ta không còn giữ được một bản văn Kinh Thánh nào do chính tác giả viết, hay nói khác đi, bản văn gốc không còn nữa. Tuy nhiên chúng ta lại có rất nhiều bản chép Tân Ước bằng tiếng Hylạp và những bản dịch Tân Ước cổ bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Ðây là những bản chép tay thuộc nhiều thế kỷ trước khi xuất hiện kỹ thuật in. Các bản chép này hiện đang nằm rải rác ở các thư viện trên thế giới. Các bản chép tay Tân Ước được viết trên giấy cói hay giấy da.
Bản P52 (Papyrus Rylan ds) chỉ gồm Ga 18,31-33.37-38. Ðây là bản chép Tân Ước cổ nhất hiện có. Nó được chép khoảng năm 135, nay được lưu trữ tại thư viện John Rylan ds (Anh). Bản P46, khoảng năm 200, gồm có các thư của thánh Phaolô, trừ những thư mục vụ. Bản này gồm 86 tờ giấy cói được đóng lại thành tập (codex). Bản Vaticanô (Codex Vaticanus) mang ký hiệu là B, được chép vào thế kỷ IV. Bản này bằng tiếng Hylạp gồm cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, nhưng Tân Ước thì bị thất lạc phần cuối. Hiện được lưu trữ tại thư viện Vaticanô. Bản Xinai (Codex Sinaiticus), thế kỷ IV, tìm thấy tại Tu viện thánh Catarina ở núi Xinai vào năm 1844. Bản này cũng bằng tiếng Hylạp gồm một phần Cựu Ước và toàn bộ Tân Ước, thậm chí còn thêm Thư của Banaba và một phần tác phẩm Người Mục Tử của Hécmát. Bản này mang ký hiệu là S, hiện để tại Luân Ðôn. Ðây là hai bản nổi tiếng hơn cả trong số khoảng 250 bản chữ hoa chép trên giấy da, trong khoảng từ thế kỷ III đến thế kỷ X. Như đã nói ở trên, các bản chép tay hiện có thể chỉ là những bản sao hay bản dịch từ bản gốc; chúng cũng có thể chỉ là những bản chép lại từ các bản sao. Khi đối chiếu những bản chép tay Tân Ước hiện có với nhau, ta thấy chúng có khá nhiều điểm dị biệt, cũng gọi là dị bản. Phần lớn là những dị biệt nhỏ liên quan đến các chi tiết văn phạm, từ vựng hay trật tự các từ trong câu. Tuy nhiên cũng có những dị biệt quan trọng, có ảnh hưởng đến ý nghĩa của cả đoạn. Các dị biệt trên đây bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, bản văn gốc của Tân Ước đã được các ký lục sao đi chép lại nhiều lần trong bao thế kỷ. Khi sao chép, khó tránh khỏi những sai sót vì bất cẩn hay vì thiếu khả năng. Thêm vào đó có những ký lục, do ý hướng tốt, đã đôi khi sửa đổi bản văn mẫu mà họ cho là viết sai, viết không hay, hoặc thiếu rõ ràng về mặt thần học. Ngoài ra, khi dùng các trích đoạn Tân Ước trong phụng vụ, người ta cũng thường làm cho chúng trở nên dễ đọc hơn, hay dung hòa chúng với bản văn song song của một tác giả khác trong Tân Ước. Như thế Lời Chúa trong bộ sách Tân Ước cũng chịu một số phận như những tài liệu cổ khác, đó là bị biến đổi ít nhiều qua dòng thời gian. Nhiêm vụ của khoa phê bình bản văn là phục chế, tái tạo lại hình thức nguyên thủy của bản văn gốc bằng cách dựa vào những bản chép tay hiện có. 1. trước hết là thu thập mọi bản Tân Ước chép tay, cả những bản Hylạp lẫn những bản dịch cổ bằng tiếng Latinh, Xyria, hay Aicập v.v ... Ðôi khi có những bản dịch lại sát với bản gốc hơn cả bản Xinai hay bản Vaticanô, bởi lẽ chúng được dịch từ các bản Hylạp còn cổ hơn hai bản này. Các giáo phụ thường trích dẫn Tân Ước trong các tác phẩm của mình. Những trích dẫn này cũng có thể giúp khoa phê bình tìm lại được bản văn Tân Ước ở tình trạng rất gần với bản gốc. Tuy nhiên, dựa vào các bản dịch cổ hay các trích dẫn của các giáo phụ để mong tìm lại bản văn gốc là một việc tế nhị. Ðọc một từ trong bản dịch, chúng ta không dễ biết chắc được từ tương ứng bằng tiếng Hylạp trong bản gốc. Còn những trích dẫn thì quá ngắn và nhất là các giáo phụ lại thường trích dẫn dựa theo trí nhớ chứ không trích nguyên văn. 2. Sau khi đã thu thập các tài liệu trên đây, khoa phê bình bản văn sẽ cố gắng sắp xếp lại để tiện dụng cho việc tiếp cận với nguyên bản. Các nhà chuyên môn nhận thấy rằng các bản chép tay hiện có tuy nhiều, nhưng có thể chia thành một số nhóm chính. Mỗi nhóm tượng trưng cho một loại bản văn mà ta có thể xác định được nguồn gốc của nó một cách tương đối chắc chắn. Sau đây là ba loại bản văn chính yếu:
Vậy vấn đề là phải phân loại và lượng giá các bản văn, cũng như xác định vị trí của chúng trong không gian và thời gian. Nhờ đó ta có thể nhận ra đâu là những hình thức cổ nhất của bản văn, nghĩa là những hình thức dễ gần với bản gốc hơn. 3. Công việc trên đây là nhiệm vụ của khoa phê bình ngoại tại (critique externe). Khoa này còn cần sự trợ giúp của khoa phê bình nội tại nữa (critique interne). Trước những dị bản, tức là những chỗ mà các bản chép không đồng nhất với nhau, khoa này sẽ giúp ta chọn dị bản nào có khả năng gần với bản gốc hơn, nhờ một số quy tắc. Sau đây là một vài quy tắc tiêu biểu:
Những quy tắc trên đây không có tính tuyệt đối, nên cần áp dụng cách uyển chuyển và thận trọng, nhất là khi quy tắc này dẫn đến một kết luận trái với quy tắc kia. Ðể tránh rơi vào thái độ chủ quan, ta chỉ nên dùng khoa này như một bổ túc cho khoa phê bình đạt được trong khoảng 150 năm qua, hiện nay bản văn của Tân Ước có thể coi như đã được xác định. V. BỐI CẢNH TÂN ƯỚCBộ Tân Ước đã được viết ra trong một hoàn cảnh đặc biệt, vào lúc đế quốc Rôma đang đặt nền đô hộ trên nhiều phần đất, trong đó có xứ Paléttin. Ðể có thể hiểu rõ các bản văn hơn, chúng ta cần biết về bối cảnh xã hội, chính trị, tôn giáo của đế quốc Rôma cũng như của xứ Paléttin, nơi Ðức Giêsu, Ngôi Lời làm người, đã sinh sống. 1. Ðế quốc Rôma Ðế quốc Rôma là một đế quốc rộng lớn, gồm những nước vây quanh Ðịa trung Hải. Ðế quốc này trực tiếp kế thừa đế quốc Hylạp do Alêxan đê đại đế gây dựng nên. Tuy mang lớp vỏ Rôma nhưng trong thực chất vẫn là nền văn minh Hylạp.
Ngoài việc thờ hoàng đế, người dân còn thờ các thần khác. Tuy nhiên tôn giáo chỉ giới hạn ở việc tế tự. Người ta dâng các sản phẩm của đất đai hay sát tế các thú vật. Một phần con vật được thiêu trên bàn thờ, phần khác được chia cho các tư tế và tín đồ hay đem bán ngoài chợ (từ đó nảy sinh vấn đề có được phép mua thịt này để ăn không, 1 Cr 8). Ðời sống tôn giáo còn thấm nhập vào các sinh hoạt của một đô thị. Mỗi thành phố hay quốc gia thường có một vị thần bảo trợ: thần Athêna của Athen, thần Atêni của Êphêxô, thần Baan của Xyria ... Ngoài ra còn phải kể đến các tôn giáo bí truyền, thí dụ đạo thờ thần Ixít và Ôxirít. Người muốn nhập đạo phải trải qua những thử thách rồi mới được nhận nghi thức khai tâm; qua nghi thức đầy bí mật này, người ấy được coi như đã bước vào cuộc sống mới, được thần hóa nhờ tham dự vào sự sống thần linh. Cuối cùng, các hệ thống triết học như chủ nghĩa khoái lạc và chủ nghĩa khắc kỷ cũng đưa ra những giải pháp nhằm giúp con người đạt được hạnh phúc. 2. Xứ Paléttin Vào thời Ðức Giêsu, vùng đất Paléttin gồm có ba phần: Galilê ở phía bắc, Samari ở giữa, và Giu đê ở phía nam. Phía tây là Ðịa Trung Hải, phía đông là dòng sông Gio đan chảy từ hồ Galilê xuống biển chết. Thiên Chúa đã chọn mảnh đất nhỏ bé này làm nơi diễn ra lịch sử cứu độ toàn thể nhân loại. Con Thiên Chúa đã trở nên một người Dothái, đảm nhận toàn bộ dòng lịch sử của dân tộc Người, một dân tộc sau khi bị lưu đầy ở Babylon lại rơi vào sự thống trị của người Batư, rồi đến người Hylạp và sau cung là người Rôma. a. Chính trị Trước việc vua Antiôkhô IV (175-164 trước CN) xúc phạm đền thờ, anh em nhà Macabê đã vùng lên khởi nghĩa và cuố cùng đã giành lại được độc lập cho đất nước trong khoảng gần một thế kỷ. Ðó là triều đại nhà Átmônê (142-63 trước CN). Vào cuối triều đại này, có sự tranh giành quyền làm vua và làm thượng tế giữa hai anh em Hiếccanô và Aríttôbulô, điều này đã nên cớ cho tướng Pompê của Rôma chiếm thành thánh (năm 63), mở đầu cho giai đoạn Rôma đô hộ. Ðức Giêsu mở mắt chao đời khi hoàng đế Augúttô đã trị vì đế quốc Rôma được 20 năm, ông này khai mở một thời kỳ tương đối ổn định trên toàn phần đất của đế quốc rộng hơn ba triệu cây số vuông. Riêng ở Paléttin, nghị viên Rôma đã đặt Hêrôđê, còn gọi là Hêrôđê Cả, làm vua từ năm 40 trước CN, nhưng phải đợi đến năm 37 ông này mới chiếm được Giêrusalem và cai trị ở đó. Hêrôđê không phải là người Dothái, ông đã giết những người thân với nhà Átmônê để bảo vệ ngôi vàng. Cũng vì tính đa nghi, ông còn giết cả người vợ Dothái là bà Mariammê cũng như ba trong số các con trai của ông. Dưới thời của ông, thượng hội đồng Dothái mất hết cả ảnh hưởng; chính ông tự cho mình có quyền bổ nhiệm và cách chức thượng tế. Khi Ðức Giêsu sinh ra (vào năm 6 hay 7 trước CN) thì Hêrôđê đã ở vào những năm cuối đời. Theo Tin Mừng Mátthêu, Người đã phải trốn qua Aicập vì bị Hêrôđê lùng bắt (Mt 2,13). Có nhiều công trình được xây dựng ở khắp nơi trong nước dưới thời Hêrôđê; nhất là từ năm 20 trước CN, ông đã cho trùng tu lại đền thờ nhỏ bé được xây sau thời lưu đày (x. Mc 13,1). Khi vua Hêrôđê qua đời năm 4 trước CN, vương quốc được chia cho ba người con trai. Hêrôđê Antipa được làm tiểu vương vùng Galilê và vùng Pêrê (Lc 3,1). Chính ông này đã giết Gioan Tẩy Giả vì Gioan không chấp nhận việc ông lấy vợ của người anh là Hêrôđê Philípphê (Mt 14,4). Ông cũng là người nhúng tay ít nhiều vào vụ án Ðức Giêsu (Lc 23,6-16). Ông đã xin Rôma phong vương cho mình, nhưng rốt cuộc ông đã bị hoàng đế Caligula cất chức năm 39 sau CN. Người con khác là Philípphê (không phải là Hêrôđê Philípphê) được làm tiểu vương các vùng Ðông Bắc của hồ Galilê (còn gọi là hồ Tibêria). Cuối cùng là Áckhêlao (Mt 2,22), người mà vua Hêrôđê Cả muốn truyền ngôi vua cho, nhưng Rôma không chấp thuận, chỉ cho ông cai quản vùng Giu đê, Samari và Iđumê. Vì bị người Dothái và Samari khiếu nại, Áckhêlao đã bị Rôma hạ bệ năm 6 sau CN. Phần lãnh thổ của ông được giao cho tổng trấn Rôma, từ đây chế độ cai trị trực tiếp của người Rôma được thiết lập trên đất Giu đê. Trong số các tổng trấn đầu tiên, phải kể đến Philatô (26-36 sau CN), ông này chịu trách nhiệm về cái chết của Ðức Giêsu xảy ra vào năm 30. Ông bị người Dothái căm ghét vì có những hành vi khiêu khích, coi thường tôn giáo của họ. Sau vụ ra lệnh tàn sát nhiều người xứ Samari, Philatô bị cách chức. Khi Cơlau điô lên làm hoàng đế vào năm 41, ông dẹp bỏ chức tổng trấn và đưa một người bạn ông là cháu của Hêrôđê Cả lên làm vua: đó là vua Ácríppa I, Paléttin lại trở về với chế độ tổng trấn và mang tên chính thức là Giu đê. Có hai vị tổng trấn liên hệ ít nhiều đến Phaolô, đó là Phêlích (Cv 23,24) và Phéttô, ông này đã gửi Phaolô đến Rôma để được xét xử ở đó với tư cách là công dân Rôma (Cv 25,12). Từ thời tổng trấn Phêlích (52-60), các cuộc nổi loạn trong dân Dothái đã trở nên thường xuyên hơn và mảnh liệt hơn. Tháng sáu năm 66, cuộc xung đột bùng nổ và gặp sự đàn áp mạnh mẽ của người Rôma. Vào lễ Vượt Qua năm 70, tướng Titô đem bốn quân đoàn vây hãm Giêrusalem. Tháng tám năm 70, đền thờ bị chiếm và thiêu hủy. Từ đó Giu đê trở thành một tỉnh thuộc hoàng đế giống như tỉnh Xyria. Chỉ hơn nửa thế kỷ sau, người Dothái lại nổi dậy một lần nữa (132-135) khi hoàng đế Hátrianô ban chiếu chỉ cấm việc cắt bì. Cuộc khởi nghĩa bị dẹp tan sau khi đã kháng cự ác liệt với quân Rôma. Chính ở vị trí cũ của đền thờ, người ta xây một ngôi đền kính thần Dớt. Từ năm 135, tỉnh Giu đê được gọi là tỉnh Xyria Paléttin. b. Kinh tế Paléttin có diện tích khoảng 20,000 km vuông, với dân số thời đó ước chừng 600,000 người. Dọc theo bờ biển Ðịa Trung Hải là những bình nguyên màu mỡ. Ở Galilê cũng như ở vùng Samari và Giu đê, có những cao nguyên nhiều sỏi đá, không thuận lợi cho việc trồng trọt và chăn nuôi. Ngoài ra phải kể đến vùng thung lũng sông Gio đan, có chỗ thấp hơn 200 mét so với mặt biển. Mùa mưa từ tháng mười đến tháng ba, nước mưa được giữ cẩn thận để dùng trong mùa nắng. Paléttin là một nước nông nghiệp. Ngũ cốc được trồng chủ yếu ở Galilê. Lúa mì, lúa mạch ở đây còn dùng để cung ứng cho thủ đô Giêrusalem, nhất là vào các dịp lễ lớn. Cũng có nhiều loại cây ăn trái trong số đó phải kể đến cây chà là ở vùng Giêri khô. Cây vả dễ trồng và được dùng để xuất khẩu. Cây nho trồng ở khắp nơi trong nước, vừa cho trái để ăn vừa dùng để làm rượu nho, một số đồ uống thông dụng. Cây ôliu cũng là một cây hết sức quen thuộc ở Paléttin, cây này cho dầu ăn, dầu thơm và cả dầu dùng trong phụng tự nữa. Ngành chăn nuôi chiên, dê, bò cũng được chú trọng vì nhu cầu phụng tự trong đền thờ. Riêng trong lễ Vượt Qua đã cần khoảng 18,000 con chiên để sát tế. Người ta dùng lừa để chở người và đồ, còn bò để kéo cầy, kéo xe. Ngoài ra ngư nghiệp cũng đem lại một nguồn lợi đáng kể. Cá có nhiều ở ven Ðịa trung Hải, ở các sông rạch và nhất là ở hồ Galilê, quanh hồ này có cả một kỹ nghệ làm cá khô bán khắp nơi trong nước. Thương mại không phát triển mạnh, trừ ở những đô thị gần biển như Gada, Xêdarệ Ở các đô thị mới lập, có những cửa tiệm và cả những ngân hàng nữa (x. Mt 25,27). Các cuộc hành hương về thánh đô cũng có tầm quan trọng về thương mại, vì đây là dịp trao đổi hàng hóa giữa người trong nước với các kiều dân hải ngoại. Paléttin nhập khẩu các mặt hàng cao cấp như gỗ hương bá từ xứ Libăng, hương liệu và kim loại từ Ảrập, vải vóc từ Ấn Ðộ ... và xuất khẩu thực phẩm, da thuộc ... Nói chung công nghiệp chưa phát triển, nhưng ngành tiểu thủ công lại có nét khởi sắc. c. Các nhóm xã hội Vào thời Ðức Giêsu, có sự cách biệt khá lớn giữa những thành phần trong xã hội. Có một thiểu số giàu có, đó là những người thuộc dòng họ Hêrôđê, những dòng tộc tư tế lâu đời ở Giêrusalem và các trưởng ty quan thuế. Ngược lại số người nghèo chiếm đa số. Nhân dân bị người Rôma bắt phải chịu cảnh sưu cao thuế nặng. Nhiều người bị thất nghiệp (Mt 20,1-7), nhiều người phải di cư đi nơi khác làm ăn. Cũng có một giai cấp trung lưu, nhưng số này không đáng kể. Họ là những tư tế ở vùng quê, thợ thủ công hay chủ các nông trại nhỏ. Sau đây chúng ta sẽ đề cập đến một vài giai cấp điển hình trong xã hội Dothái.
Ðứng đầu giới tư tế là vị thượng tế, vị này là thủ lãnh của dân, là tác viên chính trong phụng tự ở đền thờ và là người chủ tọa thượng hội đồng Dothái gồm 71 thành viên. Trước kia chức vụ này được trao theo lối cha truyền con nối và làm đến mãn đời. Nhưng dưới thời Rôma cai trị và dưới triều đại của vua Hêrôđê Cả, những đặc quyền này đã bị tước mất. Rôma có thể bổ nhiệm hay cách chức vị thượng tế tùy ý họ, thế nên vị thượng tế đang tại chức dễ có thái độ lụy phục đối với Rôma. Dù vậy dân chúng vẫn tỏ lòng tôn kính người mà coi họ là trung gian chính thức giữa Thiên Chúa và dân Người. Mỗi năm một lần, vị thượng tế được vào Nơi Cực Thánh trong đền thờ để làm lễ xá tội cho dân. Viên quản đốc đền thờ (Cv 4,1; 5,24) là phụ tá của thượng tế trong phụng tự và thay mặt thượng tế khi cần. Ông này cũng coi sóc an ninh trật tự đền thờ với sự trợ giúp của các đội trưởng toán quân. Các tư tế cấp dưới sống ở thánh đô hay rải rác trong nước. Người ta ước chừng có 7,200 tư tế. Mỗi năm họ tụ về Giêrusalem vào dịp lễ Vượt Qua, lễ Ngũ Tuần và lễ Lều. Họ còn chia làm 24 nhóm, thay phiên nhau phục vụ trong đền thờ, mỗi năm hai lần, mỗi lần kéo dài một tuần (x. Lc 1,5.8-9). Các tư tế sống nhờ của lễ dâng cúng. Tư tế ở thủ đô có đời sống sung túc hơn; còn các tư tế ở những nơi khác sống nhờ thuế thập phân, nhưng thường vẫn phải làm một nghề chân tay mới đủ sống. Cuối cùng là các thầy Lêvi. Họ không phải là tư tế nên không được cử hành phụng tự. Họ chỉ lo phận vụ ca hát, sử dụng nhạc khí, giữ cửa, bảo quản và bảo vệ đền thờ.
Ðây là những người sau nhiều năm nghiên cứu lâu dài đã trở thành những nhà chuyên môn về Kinh Thánh. Một số nhỏ kinh sư là tư tế, nhưng phần lớn là giáo dân ủng hộ lập trường Pharisêu. Họ có uy tín và ảnh hưởng lớn trong dân vì trong thời lưu đày, khi đền thờ và triều đình sụp đổ, người ta chú trọng đến việc học hỏi và sống luật Chúa. Các kinh sư là người giải thích và áp dụng luật cho hoàn cảnh mới. Có thể nói họ là những người kế tục sự nghiệp của các ngôn sứ. Họ hướng dẫn đời sống tinh thần của dân, còn tư tế chủ yếu chỉ lo phụng tự. Các kinh sư có mặt ở hội đường và càng lúc họ càng chiếm một vị thế quan trọng hơn trong thượng hội đồng Dothái bên cạnh các thượng tế và kỳ mục. Các kinh sư đã đưa ra nhiều luật lệ chi li để giúp con người lúc nào cũng được mời gọi sống trung tín với Thiên Chúa. Tuy nhiên họ cũng dễ rơi vào một thứ óc nệ luật hẹp hòi, khiến cho việc giữ luật trở thành gánh nặng và làm cho người ta quên đi cái cốt yếu của luật. Dù sao chính nhờ các kinh sư mà Dothái giáo còn tồn tại sau biến cố năm 70.
Ðây là những người có địa vị trong xã hội, họ là những bậc niên trưởng hay phú ông. Tuy có chân trong thượng hội đồng nhưng họ không có ảnh hưởng là bao. Vì muốn được tại vị nên họ khá gắn bó với Rôma cũng như với các thượng tế. Dường như họ thuộc phái Xa đốc.
Ða số là nông dân, thợ thủ công hay tiểu thương. Có nghề bị coi là ô uế như nghề thuộc da, có nghề bị coi khinh như nghề thu thuế. Cũng có cả hành khất, trộm cắp và gái điếm ở Paléttin vào thời Ðức Giêsu. Người Dothái được miễn thi hành nghĩa vụ quân sự đối với đế quốc. Nô lệ là giai cấp bị ngược đãi nhất, nhưng các nô lệ gốc Dothái thường được đối xử tử tế hơn và có thể được trả tự do sau sáu năm phục vụ. Ở trong nước và nhất là ở hải ngoại, người ta thấy có những người xin gia nhập đạo Dothái (Mt 23,15). Trước khi trở thành tân tòng, nam giới phải chịu cắt bì, được thanh tẩy và đi dâng lễ tại đền thờ. Số phụ nữ tòng giáo luôn đông hơn đàn ông. Ở Paléttin thời Ðức Giêsu, người phụ nữ không có giá bằng nam giới. Thế giới của họ chỉ là gia đình với các việc nội trợ. Họ không được đi học cả về mặt đạo lẫn mặt đời. Họ không được mời làm chứng tại tòa án cũng như không được lên tiếng trong các nghi lễ phụng tự. Họ ít khi đi ra ngoài và nếu có ra ngoài thì thường đội khăn che đầu. Theo tập tục thời đó, người đàn ông không nên nhìn một phụ nữ đã có chồng, cũng không nên trò chuyện hay chào hỏi một phụ nữ ở ngoài đường. Các thiếu nữ Dothái lập gia đình rất sớm. Họ làm đám hỏi lúc 12 hay 13 tuổi và thường làm đám cưới khoảng một năm sau. Người vợ có thể bị chồng ly dị chỉ vì những lý do không đáng gì. Sau khi chồng chết, người vợ góa phải chờ xem người anh em chồng có muốn lấy mình không, nếu người này không muốn, người vợ góa mới được đi lấy chồng khác. Chính trong bối cảnh đó mà chúng ta hiểu hơn một số đoạn Tin Mừng như Mt 22,23-32 và Lc 7,36-50. Việc có một nhóm phụ nữ đi theo Ðức Giêsu (Lc 8,2-3) hẳn là một điều lạ thường vào thời đó. d. Các nhóm tôn giáo ... Có bốn nhóm chính:
Nhóm này gồm giới giáo sĩ cấp cao, phần lớn các tư tế ở Giêrusalem và nhiều kỳ mục. Nét chung của họ là tính bảo thủ, họ chống lại mọi thay đổi về mặt thần học, phụng tự hay chính trị. Họ có thái độ hòa hoãn với người Rôma, có thể là để duy trì địa vị, bổng lộc. Dầu sao càng ngày họ càng xa rời dân chúng, uy tín của họ chỉ dựa trên chức vụ tư tế mà họ đảm nhận. Bởi vậy khi đền thờ sụp đổ năm 70, nhóm này cũng biến mất khỏi lịch sử. Xét về mặt giáo thuyết, nhóm Xa đốc phủ nhận thưởng phạt đời sau và sự phục sinh (Mt 22,23; Cv 23,6-8), bởi họ gắn bó với quan niệm truyền thống về âm phủ. Họ không coi trọng các luật truyền khẩu nhu nhóm Pharisêu, nhưng lại hết sức trung thành với nghĩa đen của Kinh Thánh. Họ quý chuộng đặc biệt Ngũ Thư hơn mọi sách thánh khác. Ðức Giêsu cũng đã có lần tranh luận với họ về sự phục sinh (Mc 12,18-27).
Ðây là một nhóm gồm đa số là dân thường thuộc giai cấp trung lưu, tuy cũng có các tư tế vùng quê và các thầy Lêvi tham dự. Không phải mọi người Pharisêu đều là kinh sư, nhưng hầu như mọi kinh sư đều là Pharisêu. ý nghĩa của từ pharisaioi còn được tranh luận; nhiền người cho rằng nó có nghĩa là "những kẻ sống tách biệt", từ đó có lối gọi "biệt phái". Nhóm này bắt nguồn từ nhóm những người đạo đức (Hassidim) ở thời Macabê. Vào thời Ðức Giêsu, các người Pharisêu rất được kính trọng vì chính đời sống đạo đức của họ. Họ họp thành những cộng đoàn nhỏ, đóng kín. Họ chuyên cần suy niệm Kinh Thánh và quyết tâm tuân giữ tỉ mỉ mọi khoản luật, thành văn cũng như truyền khẩu. So với nhóm Sa đốc, họ có tinh thần cởi mở hơn về mặt giáo lý và giải thích Kinh Thánh. Khuôn mặt người Pharisêu được mô tả trong Tin Mừng không phản ảnh hết sự thực về nhóm người này. Có lẽ Ðức Giêsu lúc còn bé đã được các người Pharisêu dạy giáo lý và cầu nguyện ở hội đường Nadarét. Hẳn đã có những người Pharisêu kiêu hãnh và giả hình, nhưng thái độ tưởng mình có thể mua được Nước trời bằng công trạng và sự thánh thiện của mình vẫn là thái độ mà chúng ta có thể rơi vào.
Năm 1947 nhờ một khám phá tình cờ ở vùng Cumran (tây bắc Biển Chết), người ta biết đến sự hiện diện của một nhóm người Dothái, sống chung với nhau thành cộng đoàn: có thể đó là nhóm Étxênô mà sử gia Dothái Giôxêphô đã nhắc đến. Có lẽ nhóm này bắt nguồn từ thời Macabê khởi nghĩa. Ðây là một nhóm được tổ chức hết sức chặt chẽ và có tôn ti trật tự. Họ sống nghèo khó, vâng phục những người lãnh đạo và ở độc thân. Những việc chính của họ hằng ngày là: cầu nguyện sáng chiềụ lao động chân tay, thanh tẩy theo nghi thức và dành một phần ba đêm để học hỏi Kinh Thánh và các tài liệu của cộng đoàn. Khám phá ở Cumran để lại cho ta nhiều bản chép tay quý giá về Kinh Thánh và các tài liệu của cộng đoàn. Cũng có cả một hệ thống bể chứa nước dùng cho việc thanh tẩy. Phải nhìn nhận rằng đời sống thánh thiện của nhóm này quả là một đóa hoa đẹp của Dothái giáo. Tuy họ sống tách biệt nhưng đây là một cộng đoàn năng động, họ mong Chúa đến nên sống trong cầu nguyện và tiết dục để chuẩn bị đón Người. Theo các tác giả xưa như sử gia Giôxêphô thì nhóm Étxênô sống độc thân hoàn toàn. Tuy nhiên người ta lại tìm thấy những bộ xương phụ nữ ở nghĩa địa của họ và cả những tài liệu nói đến việc kết hôn một vợ một chồng. Dù sao điều này không phải là không giải thích được: có thể lúc đầu, họ nhận cả các cặp vợ chồng hay cho phép kết hôn, nhưng dần dần họ đi đến chỗ tiết dục tuyệt đối. Nhóm Étxênô tự coi mình mới là con cháu đích thực của thượng tế Xa đốc. Ðối với họ, đền thờ đã bị các tư tế làm ô uế nên họ từ chối không đến đền thờ. Họ mong Thiên Chúa đến để thanh tẩy đền thờ và tái lập một nền phụng tự thanh sạch. Về mặt chính trị, họ là những người Dothái yêu nước. Năm 68 họ lao mình vào cuộc chiến chống Rôma để rồi chấp nhận thất bại. Chắc có một liên hệ nào đó giữa ông Gioan Tẩy Giả với nhóm Étxênô ở Cumran, vì lời giảng của ông có những nét tương tự với xác tín của nhóm này: Ðấng Mêsia đã gần đến, sự cần thiết của việc thanh tẩy, sự kinh khủng của ngày thịnh nộ sắp giáng xuống ... Chẳng rõ Ðức Giêsu có biết đến nhóm người ở Cumran không, nhưng phải nhận rằng giáo lý của Ngài khác với giáo lý của họ ở một điểm khá quan trọng, đó là tính phổ quát của ơn cứu độ. Khi cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa thì người Étxênô quay ra căm thù những kẻ tội lỗi, ngoại giáo cũng như Dothái, và mong ngày Thiên Chúa tiêu diệt tất cả những kẻ vô đạo trên mặt đất. Còn Ðức Giêsu lại nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân.
Dân Samari là một nhóm người có gốc Dothái, nhưng sau cuộc lưu đày năm 722 trước CN, họ trở thành một dân có pha trộn nhiều sắc dân ngoại. Sau nhiều biến cố lịch sử đáng tiếc, dân Samari với dân Dothái nuôi mối thù ghét lẫn nhau. Người Dothái coi người Samari là lạc giáo và từ chối có sự liên hệ với họ (x Ga 4,9). Người Samari không thờ phượng ở Giêrusalem, nhưng ở trên núi Garidim, và họ chỉ nhìn nhận Ngủ Thư mà thôi. Thái độ của Ðức Giêsu đối với nhóm người này thật là khác thường trong bối cảnh thời ấy (Lc 10,33; 17,16; Ga 4,5-40). Samari cũng đã trở nên phần đất được rao giảng Tin Mừng (Cv 8,5-25). e. Ðền thờ, hội đường và các ngày đại lễ
Vào thời Ðức Giêsu, đền thờ đã trải qua một lịch sử dài. Ðền thờ đầu tiên do vua Salômôn xây đã bị quân Babylon phá hủy năm 587 trước CN. Sau khi thoát khỏi cảnh lưu đày trở về, người ta xây đền thờ thứ hai nhỏ hơn (520-515 trước CN). Ðền thờ vua Hêrôđê Cả, đền thờ được trùng tu và nới rộng: công trình bắt đầu năm 20 trước CN, mãi đến năm 64 sau CN mới hoàn tất, nhưng sáu năm sau đền thờ lại bị phá hủy hoàn toàn. Ðền thờ có nhiều tiền đình. Lớn hơn cả là tiền đình dân ngoại, nơi đây người ta buôn bán súc vật và đổi tiền để dâng cúng đền thờ (x. Ga 2,14). Một lan can bằng đá ngăn tiền đình này với tiền đình phụ nữ, người ngoại giáo vượt qua sẽ bị xử tử (x. Cv 21,28). Rồi đến tiền đình Ítraen dành cho nam giới. Sau cùng là tiền đình tư tế, ở giữa có bàn thờ dâng lễ toàn thiêu, cao 7,5 mét, mỗi cạnh dài 25 mét. Ðây là nơi dâng các vật hy sinh, đặc biệt là "hy sinh vĩnh viễn" gồm việc dâng một con chiên vào buổi sáng và buổi chiều mỗi ngày. Cuối cung là phần quan trọng nhất của đền thờ gồm Nơi Thánh và Nơi Cực Thánh. Nơi Thánh (Hêkal) có bàn thờ dâng hương (x. Lc 1,9.11), bàn dâng bánh trưng hiến và chân đèn bảy ngọn. Ði qua một bức màn là vào Nơi Cực Thánh (Debir). trước kia, trong đền thờ do vua Salômôn xây, Nơi Cực Thánh là nơi đặt Hòm Bia Giao Ước. Từ năm 587 trước CN, Hòm Bia không còn nữa nên Nơi Cực thánh hoàn toàn để trống. Người Dothái tin rằng đây là nơi Thiên Chúa hiện diện cách đặc biệt, chỉ có thượng tế tại chức mới được vào mỗi năm một lần trong dịp lễ xá tội. Ðền thơ là trung tâm đời sống phụng tự của dân Dothái, nên việc đền thờ bị phá hủy là một mất mát không gì bù đắp nổi. Từ 20 tuổi, mọi người Dothái phái nam đều phải nộp thuế đền thờ. Ði hành hương lên Giêrusalem vào ba dịp đại lễ là một niêm vui lớn cho những người mộ đạo.
Hiện nay người ta cho rằng từ thời lưu đày ở Babylon, vì đền thờ không còn nữa, nên bắt đầu xuất hiện các hội đường. Từ đó các hội đường phát triển nhanh ở trong nước cũng như ở hải ngoại. Mỗi cộng đoàn Dothái đều có hội đường. Ở các thành phố lớn có nhiều hội đường. Hội đường là một căn nhà hình chữ nhật, hướng về Giêrusalem. Phụng tự ở hội đường chủ yếu là ngày sabát, gồm có cầu nguyện và đọc Kinh Thánh: người ta đọc Kinh Thánh bằng tiếng Hípri, rồi đọc bản dịch bằng tiếng Aram (Targum), sau đó là bài giảng nhằm giải thích và áp dụng vào cuộc sống (Lc 4,16-21). Ông trưởng hội đường có nhiệm vụ tổ chức phụng vụ, chỉ định người đọc sách thánh và mời những người có khả năng lên giải thích (x Cv 13,15). Vai trò của hội đường rất quan trọng; đặc biệt sau năm 70, khi không còn đền thờ nữa, nó trở thành nơi sinh hoạt của đạo Dothái. Hội đường không những là nơi phụng tự, mà còn là trường học và là trung tâm văn hóa. Chính nhờ hội đường mà niềm tin của người Dothái được duy trì và lòng đạo đức được nuôi dưỡng.
Có ba dịp lễ lớn hàng năm kỷ niệm những lần Thiên Chúa can thiệp trong lịch sử để giải phóng dân Người. Ðó là lễ Vượt Qua, lễ Ngũ Tuần và lễ Lều. Trong các lễ này, trên nguyên tắc, mọi người Dothái phái nam phải đi hành hương Giêrusalem. Lễ Vượt Qua là lễ trọng hơn cả, kéo dài trọn một tuần. Chiều ngày 14 tháng Nixan (khoảng tháng ba, tháng tư dương lịch), người ta sát tế chiên tại đền thờ, rồi tư tế sẽ lấy máu chiên mà đổ dưới chân bàn thờ. Khi đêm xuống, người ta sẽ ăn tiệc chiên vượt qua theo gia đình hay theo nhóm. Lễ Vượt Qua được cử hành như một cuộc tưởng niệm nhằm giúp mỗi người sống lại kinh nghiệm của cha ông họ xưa kia được giải phóng khỏi Aicập. Trong bữa tiệc Vượt Qua người ta ăn thịt chiên với bánh không men và rau đắng. Ngoài ra người ta cũng uống với nhau bốn chén rượu đã được vị chủ tọa bữa tiệc chúc lành. Trong bầu khí linh thánh của bữa ăn đặc biệt này, vị chủ tọa sẽ kể lại biến cố Xuất Hành. Lúc tiệc gần tàn, người ta đọc các thánh vịnh ca ngợi (Hallel) tức là Tv 113-118. Khi nhớ lại cuộc giải phóng xưa, người ta hy vọng Chúa sẽ giải phóng dân Người trong tương lai. Chính vì lễ Vượt Qua là một lễ có thể khơi dậy lòng ái quốc và vì số người đổ về Giêrusalem rất đông (khoảng 200,000 người), nên dịp này chính quyền Rôma canh phòng cẩn mật hơn nhiều để tránh bạo loạn. Lễ Ngũ Tuần được cử hành 50 ngày sau lễ Vượt Qua. Nguyên thủy đây là lễ mùa gặt, người ta dâng cho Chúa những của đầu mùa (Xh 23,16). Sau này lễ Ngũ Tuần (còn được gọi là lễ Các Tuần ở Xh 34,22) trở thành một lễ tưởng niệm việc Chúa ban giao ước và luật trên núi Xinai. Thật là ý nghĩa khi chính trong ngày lễ Ngũ Tuần của người Dothái mà Thánh Thần đã được ban xuống để kết thúc cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô (Cv 2). Lễ Lều nguyên thủy là lễ thu hoạch những hoa trái của ruộng đồng (Xh 23,16). Sử gia Giôxêphô cho rằng đây là lễ thánh nhất và trọng nhất của người Dothái. Lễ này cử hành vào mùa thu, khi vụ thu hoạch đã kết thúc (Lv 23,39), trái cây đã được hái xong. Khách hành hương dựng lên những cái lều, họ ở đó trong bảy ngày để nhớ lại thời gian sống trong sa mạc (Lv 23,42-43). Ngoài ra có nhiều cuộc rước tưng bừng, người ta phất cành lá vạn tuế (lulab) để tung hô. Mỗi ngày các tư tế đi rước nước ở hồ Silôa đem về rưới lên bàn thờ. Buổi tối, tiền đình phụ nữ rực rỡ ánh đèn, có ca múa suốt đêm. Tin Mừng Gioan đã minh nhiên nói đến lễ này ở 7,2 và có lẽ đã ám chỉ đến lễ ấy ở 7,37-38 và 8,12. Ngoài ba đại lễ trên còn những lễ khác như lễ Xá Tội, lễ Cung Hiến đền thờ (x. Ga 10,22) và lễ Tân Niên. Ngày sabát là ngày cầu nguyện và nghỉ ngơi, ngưng mọi công việc sau sáu ngày lao động. Ngày sabát bắt đầu từ chiều thứ sáu đến chiều thứ bảy, đó là ngày thánh hiến cho Thiên Chúa. Ðức Giêsu không coi thường ngày sabát, Người chỉ phản đối một lối hiểu hẹp hòi về ngày lễ này, bởi lẽ ngày sabát cũng là ngày sống cho tha nhân (Mt 12,12). VI. TÂN ƯỚC VÀ CÁC KITÔ HỮUThánh Giêrônimô đã khẳng định: "Không biết Kinh Thánh là không biết Ðức Kitô". Khẳng định đó còn phù hợp hơn biết bao đối với Tân Ước đến nỗi ta có thể nói: không biết Tân Ước, không biết bốn sách Tin Mừng, là không biết Ðức Kitô. Biết Ðức Kitô thật là mối lợi tuyệt vời mà mọi Kitô hữu ước ao có được trong đời. Công Ðồng Vaticanô II đã dành chương cuối của Hiến Chế về Mặc Khải để nói về tầm quan trọng của Kinh Thánh trong đời sống Giáo Hội và đời sống của từng Kitô hữu. Công Ðồng muốn lời Chúa được trao gửi đến mọi Kitô hữu thuộc mọi thời đại, mọi ngôn ngữ (MK 22). Ðây là một điều mới mẻ, vì từ thế kỷ XIII và nhất là từ thế kỷ XV, có khuynh hướng không khuyến khích việc dùng Kinh Thánh bằng tiếng bản xứ, và muốn dành riêng cuốn Kinh Thánh cho những nhà thần học. Dùng một hình ảnh mạnh mẽ và sâu sắc, Công Ðồng khẳng định việc dân Chúa được dưỡng nuôi bằng bánh ban sự sống từ trên bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Mình Chúa Kitô (MK 21). Như thế, Lời Chúa thật là lương thực hàng ngày cho Kitô hữu, song song với việc họ được nuôi dưỡng bằng bàn tiệc Thánh Thể. Công Ðồng khuyến khích đặc biệt mọi Kitô hữu đọc Lời Chúa thường xuyên. Khi nghe đọc Lời Chúa trong phụng vụ thì Chúa Kitô "hiện diện trong Lời của Người, vì chính Người nói khi ta đọc Kinh Thánh trong Giáo Hội" (PV 7). Vậy khi Giáo Hội đọc Kinh Thánh, thì lúc đó Thiên Chúa nói với Dân Người và Ðức Kitô loan báo Tin Mừng cho Giáo Hội (PV 33). Tuy nhiên, Công Ðồng còn khuyến khích tín hữu đọc Kinh Thánh một cách riêng tự Ðây là một hướng mới của lòng đạo đức Kitô giáo. Việc đọc Kinh Thánh có một vị trí trổi vượt trong số các việc đạo đức. Kinh Thánh là một tập sách cổ, ngay bộ Tân Ước cũng đã cách xa ta gần 20 thế kỷ. Chính vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi gặp những đoạn văn khó hiểu và xa lạ với nền văn hóa của ta. "Lòng yêu mến nồng nàn và sống động đối với Kinh Thánh" (PV 24) được thể hiện qua việc học hỏi không ngừng. Các bài dẫn nhập, các ghi chú, các sách chú giải và những khóa học về Lời Chúa sẽ giúp ta rất nhiều để hiểu đúng và sâu về Lời Chúa trong truyền thống Giáo Hội. Thái độ đầu tiên của người đọc Lời Chúa là thái độ đức tin. Tin rằng chính qua đoạn Kinh Thánh mà tôi đang suy niệm hay chiêm niệm, Thiên Chúa muốn ngỏ lời với tôi: "Trong sách Thánh, Cha trên trời dịu dàng đến với con cái Người và đi vào cuộc đối thoại với họ" (MK 21). Nhưng để có thể đối thoại, ta cần biết mở lòng lắng nghe cách ân cần và khiêm tốn. Tiếng Chúa đến với tôi ở đây, bây giờ; tiếng ấy có thể khác với những dự định của tôi và đòi tôi bước vào một cuộc mạo hiểm của lòng tin phó thác. Cuộc gặp gỡ với Lời Chúa sẽ soi sáng cho từng cá nhân cũng như cho cả tập thể trước những quyết định và chọn lựa trong hoàn cảnh cụ thể hôm nay. Như thế suy niệm Lời Chúa đòi chúng ta phải dấn thân bằng cả cuộc đời. Ðọc Lời Chúa với thái độ tin tưởng lắng nghe là đã bắt đầu cầu nguyện. "Cầu nguyện phải đi đôi với việc đọc Kinh Thánh, để cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người được thiết lập" (MK 25). Dĩ nhiên cầu nguyện không nhất thiết phải nói ra lời, nhưng có thể chỉ là sự yên lặng thẳm sâu của người thấy mình sống trong tình yêu Chúa. Kinh Thánh sẽ chỉ là mớ chữ vô hồn nếu Chúa Thánh Thần không đến tác động trên người đọc. Nhờ Người mà một bản văn cổ trở thành lương thực nuôi dưỡng các tín hữu mãi cho đến tận thế. Nhờ Người mà Ðức Giêsu lịch sử trở nên gần gũi với chúng ta. Người sẽ dẫn chúng ta vào chân lý trọn vẹn. Vậy để hiểu được một bản văn do Thánh Thần linh hứng, chúng ta cũng cần có Thánh Thần soi sáng và thúc đẩy. "Ðối với con cái Giáo Hội, Kinh Thánh là sức mạnh cho đức tin của họ, là lương thực cho linh hồn họ, là nguồn suối trong ngần và thường hằng cho đời sống thiêng liêng của họ" (MK 21). Bản dịch Tân Ước mà bạn đang cầm trên tay là một đóng góp nhỏ bé cho nhu cầu đọc, suy niệm và sống Lời Chúa trên quê hương Việt Nam, và trong Giáo Hội. |