Kinh Thánh Cựu Ước

Old Testament

Bản dịch Việt Ngữ của Linh Mục Nguyễn Thế Thuấn, CSsR.

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Vài Nét Tiểu Sử Của Dịch Giả

Linh Mục Yuse Nguyễn Thế Thuấn, CSsR

 

Linh mục Yuse Nguyễn Thế Thuấn, dịch giả cuốn Thánh Kinh toàn bộ này, sinh ngày 8 tháng 9 năm 1922, tại La Phù, tỉnh Hà Ðông, thuộc Giáo phận Hà Nội. Ông bà thân sinh: các cụ Nguyễn Thế Trúc và Nguyễn Thị Tỷ, là những người đồng quê, đơn sơ chất phác, ngày ngày chỉ biết có làm lụng nuôi gia đình và sáng tối đi nhà thờ cầu kinh. Hồi ấy, Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, do tỉnh Sainte Anne de Beaupré, Canada, khai sáng, đã bắt đầu bành trướng. Thấy con có khiếu tu hành, ông bà đem gởi vào trường Ðệ Tử Dòng Chúa Cứu Thế Huế. Chú Thuấn vóc hình gầy gò nhỏ bé, nhưng trí thông minh thì xuất chúng. Học xong chương trình Ðể Tử Viện, chú được nhận vào Tập Viện Hà Nội, và ngày 16 tháng 8 năm 1946 thì tuyên lời khấn Dòng. Sau 5 năm Học Viện, thời cuộc đưa đẩy Người vào thụ phong Linh Mục tại Dòng Chúa Cứu Thế Saigon cùng với bốn anh em đồng lớp khác, do Ðức Giám Mục Ðịa Phận Jean Cassaigne. Ngày trọng đại ấy là 22 tháng 9 năm 1951.

Liền sau đó, Cha Nguyễn Thế Thuấn được gởi đi du học tại Roma. Lấy xong cử nhân Thánh Kinh tại Ðại Học Ðường Gregoriana, Ngài sang Thánh Ðịa Yêrusalem khảo cứu Thánh Kinh tại chổ. Ðến năm 1956, Ngài tốt nghiệp Trường Thánh Kinh Yêrusalem, rồi lên đường trở về quê nhà làm Giáo Sư Thánh Kinh tại Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế Ðà Lạt. Từ năm 1970 đến 1973, Ngài được bổ nhiệm làm Bề Trên nhà Dòng tại đó.

Cũng như các chuyên viên Kinh Thánh khác, Cha Nguyễn Thế Thuấn thông thạo nhiều ngoại ngữ rất khó, nhưng cần cho việc khảo cứu Thánh Kinh, như tiếng Hy Lạp và các thổ ngữ Do Thái xưa. Ngài còn giỏi chữ Hán, Ðức và Anh ngữ nữa.

Khi bắt đầu ngồi vào ghế giáo sư Kinh Thánh, Ngài nói: "Bây giờ tôi mới bắt đầu học". Ngài có ý nói: sau bao nhiêu năm nghiên cứu Thánh Kinh, bây giờ mới là lúc ngồi lại suy gẫm và giúp người khác cũng suy gẫm Thánh Kinh. Và Ngài liền khởi công phiên dịch Kinh Thánh ra tiếng Việt từ các nguyên bản. Chỉ vài năm sau là Ngài dịch xong và cho xuất bản phần Tân Ước. Về Cựu Ước, đáng lý cũng đã được dịch xong từ lâu. Nhưng mỗi khi nghe biết bên Thánh Ðịa Yêruslem một tài liệu nào đó về Thánh Kinh vừa mới được khám phá, "tài liệu Biển Chết" chẳng hạn, Ngài liền sửa đổi hoặc bổ túc thêm những chương đã được dịch rồi. Khi anh em trong Dòng thúc giục, thì Ngài nói: "Việc đại sự không nên vội vàng". Ðồng thời, Ngài đi huấn luyện Thánh Kinh hầu như khắp các trường và các Dòng ở Việt Nam.

Sau cùng, biết rằng không bao lâu nữa, Cha Nguyễn Thế Thuấn sẽ hoàn tất bản dịch và cho ấn hành, nhà Xuất Bản Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp Saigon liền đi đặt mua giấy từ ngoại quốc về sẵn sàng. Không ngờ đột nhiên nước nhà gặp cuộc bể dâu. Trong những ngày đầu của cơn ly loạn, Ngài còn đi giảng Mùa Chay tại Di Linh, gần Ðàlạt. Việt cộng đã tràn vào quận. Sáng ngày mồng 3 tháng 3 năm 1975, thấy tình hình có vẻ yên tĩnh trở lại, Ngài xin Cha Sở là Cha Quang, cho đi thăm các Tín Hữu chung quanh. Chiều đó không thấy Ngài trở về. Mọi người trông chờ lo lắng... Ít ngày sau, người ta tìm thấy thi thể của Ngài tại một con đường ven núi!

Sau khi dịch giả mất, các anh em trong Dòng liền xúc tiến việc ấn hành bản dịch Ngài để lại, sửa chữa đôi chút, bổ túc những chương cuối cùng, rồi cho xuất bản. Sở dĩ Dòng Chúa Cứu Thế Saigon hoàn tất được công việc vĩ đại này giữa một nghịch cảnh hầu như vô vọng, là vì, như đã nói trên, mọi sự đã được chuẩn bị trước sẵn sàng.

Cuốn Kinh Thánh toàn bộ này đã được in ra lần thứ nhất 10,000 cuốn trên giấy lụa và đóng bìa cứng rất đẹp. Bây giờ tại Việt Nam nghe đâu cũng đã tiêu thụ hết. Còn chăng nữa, cũng không dễ gì mà gởi được ra nước ngoài. Nay nhờ các bậc ân nhân giúp đỡ, chúng tôi hân hoan cống hiến lần tái bản này với hình thức bình dân khiêm tốn và giá phổ thông để Lời Chúa được phổ biến rộng rãi trong mọi gia đình.

 

Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam

nhân dịp tái bản Cuốn Thánh Kinh Việt ngữ tại Hải Ngoại

 

Trở về Mục Lục Kinh Thánh Cựu Ước

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page