Tuần 99: TIN MỪNG THÁNH LUCA (Chương 14-19)
LÒNG THƯƠNG XÓT VÀ NIỀM VUI CỦA THIÊN CHÚA (chương 15)
Chương 15 của Luca là một trong những chương sách đẹp nhất của toàn bộ Thánh Kinh Tân ước. Cả chương sách bừng lên niềm vui chan chứa, niềm vui của tình yêu mà những ai sống trong quỹ đạo của ích kỷ không cảm nếm được. Bối cảnh là những người thu thuế và tội lỗi đến với Chúa Giêsu để nghe Người giảng, làm cho người Pharisêu và các kinh sư khó chịu. Bối cảnh đó làm nổi bật lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân và là lời cảnh giác cho những kẻ tự hào mình là người công chính.
Dụ ngôn “Tìm chiên lạc” (câu 4-7) mô tả Thiên Chúa như người mục tử bỏ 99 con chiên lại để đi tìm chiên lạc, và niềm vui tràn bờ khi Ngài tìm lại được con chiên lạc, đến nỗi vác nó lên vai đem về, và mời mọi người đến chung vui vì đã tìm lại được con chiên bị mất. Trong mắt của Chúa, mỗi một con người, bất kể yếu đuối và tội lỗi đến đâu, đều là một nhân vị độc đáo và không thể thay thế. Vì thế, Ngài chăm sóc từng con chiên và đau đáu đi tìm khi nó lạc bầy. Chính vì thế, không ai có quyền thất vọng về tình thương của Chúa vì tình thương ấy dứt khoát lớn hơn tội lỗi của chúng ta. Điều duy nhất cần thiết là sám hối ăn năn, nghĩa là thay đổi cách nhìn, cách nghĩ và cách sống của mình.
Tương tự như thế, Thiên Chúa được mô tả như người đàn bà nghèo có 10 đồng mà lại đánh mất một đồng, thế là lục tung cả nhà để tìm cho bằng được (câu 8-10). Và khi tìm lại được, niềm vui quá lớn đến độ phải mời mọi người đến để chia sẻ. Thật khác xa với hình ảnh một vị Thiên Chúa chỉ soi mói để tìm ra tội lỗi và trừng phạt, một hình ảnh không hẳn đã hoàn toàn biến mất khỏi tâm trí ta, khiến ta sống đạo trong sợ hãi hơn là trong niềm vui cứu độ. Điều đáng buồn duy nhất là đồng bạc bị mất chỉ nằm yên một chỗ nên nếu bà chủ quét đúng chỗ là tìm được; còn con người có tự do và đã sử dụng tự do đó để tìm mọi cách trốn thoát sự kiếm tìm của Chúa!
Trong chùm dụ ngôn về lòng thương xót, dụ ngôn “Người con hoang đàng” vẫn là dụ ngôn nổi tiếng nhất, cả về văn chương lẫn nội dung (15,11-32). Không phải vô lý mà có tác giả đã đề nghị đặt tên cho dụ ngôn này là “Người cha phung phí” thay vì “Đứa con hoang đàng”. Bởi lẽ trọng tâm của dụ ngôn không phải là sự phung phí của cải vật chất của đứa con thứ, mà chính là lòng thương xót của người cha dành cho cả hai đứa con, lòng thương xót vô bờ đến độ không thể hiểu nổi… cho nên được gọi là ‘phung phí’ tình yêu.
Theo luật Do thái, con đầu lòng được hưởng gấp đôi phần gia sản (Đnl 21,17). Theo đó, người con út trong dụ ngôn được chia một phần ba sản nghiệp. Thông thường, việc phân chia tài sản phải đợi đến khi người cha qua đời, và trong luật cũng đã có những điều khoản về hình phạt trong trường hợp việc chia gia tài tiến hành trước thời gian. Tuy nhiên điều quan trọng không nằm ở khía cạnh lề luật cho bằng về mặt tinh thần. Khi đòi hỏi chia gia tài rồi bỏ nhà đi, người con út đã đoạn tuyệt với gia đình, không thương tiếc. Anh ta đem mọi sự theo mình và không có hi vọng gì sẽ trở lại. Dĩ nhiên đây là sự mất mát lớn đối với gia đình, cách riêng với người cha.
Cuộc sống phóng đãng và phung phí dẫn người con út đến kết cục hết sức bi thảm, đến mức phải đi chăn heo. Đối với người Do thái, chăn heo gợi lên ý tưởng ô uế, “lạc đạo” và như thế, người con út đã đánh mất tư cách là thành viên trong gia đình cũng như trong Dân Chúa. Trong dụ ngôn, người con út thậm chí còn tệ hơn cả heo, vì “ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng nhưng chẳng ai cho”.
Cuối cùng, nỗi cơ cực đã giúp người con út hồi tâm. Anh ta muốn trở về nhà trong tư cách kẻ làm thuê. Anh chuẩn bị kỹ lưỡng những gì phải thưa thốt với cha mình, và lường trước sẽ bị mọi người tiếp nhận bằng cái nhìn soi mói và nghi ngờ. Thế nhưng cha anh vẫn thương anh. Ông vẫn ngày đêm trông ngóng, và khi thấy con ở đàng xa, “ông chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (câu 20) đến độ người con không kịp nói hết bài diễn văn đã soạn sẵn! Cuộc đoàn tụ này rất giống với cuộc đoàn tụ của Esau và Giacóp (St 33,4). Giacóp nhớ đến tội ác mình đã phạm chống lại anh, nhưng giống như người cha trong dụ ngôn này, Esau chỉ nghĩ đến hoà giải. Người cha ra lệnh cho gia nhân chăm sóc mọi sự cho đứa con của mình, nào là áo, nào là nhẫn, nào là bê béo… tất cả diễn tả sự nhìn nhận đây là đứa con của chủ nhà chứ không phải tôi tớ. Không có chuyện hỏi tội, không có chuyện tra khảo, cũng không có chuyện bàn bạc xem thằng con hư hỏng này có xứng đáng được tha tội không… chỉ có điều quan trọng duy nhất là: “con ta đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (câu 24).
Tưởng như câu chuyện đã hạ màn với cảnh đẹp tuyệt vời như thế, không ngờ lại thêm cảnh khác xen vào. Ấy là cơn giận dữ của anh con cả. Anh đã cố gắng sống công chính đến thế: “Đã bao năm con hầu hạ cha và chẳng khi nào trái lệnh” (câu 29), thế mà “chưa bao giờ cha cho lấy một con dê con để ăn mừng với chúng bạn”. Và nhân danh sự công chính đó, anh khước từ việc chia sẻ niềm vui với gia đình khi “thằng con của cha” (chứ không phải đứa em của tôi) trở về. Lại một lần nữa, tình yêu và lòng thương xót của người cha bừng sáng và xua tan mọi hận thù ghen ghét. Ông đã bước ra đón đứa con hoang đàng thì ông cũng bước ra đón người con cả, vì ông mong muốn cả hai đứa con đều được hạnh phúc. Anh con cả chỉ nhìn thấy gia tài và nỗ lực làm việc của bản thân anh. Người cha không từ chối điều đó, nhưng những điều đó đều không quan trọng bằng điều này là: một đứa con và một người anh em đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy. Vì thế, mọi chuyện khác đều phải dẹp sang một bên để “chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ” (câu 32). Lại một lần nữa, tâm trí ta nhớ đến câu chuyện Giacóp. Giống như Esau, đến giai đoạn cuối đời, Giacóp khám phá ý nghĩa và tầm quan trọng của đoàn tụ, nên khi nghe tin Giuse vẫn còn sống, ông quên hết những tội ác mà chính những anh em trong nhà đã gây ra cho Giuse, và chỉ nhớ một điều: “Thế là đủ. Giuse con ta vẫn còn sống” (St 45,28).
Mỗi nhân vật trong dụ ngôn đều là tấm gương soi cho ta tìm bóng chính mình, để tự vấn, để lắng nghe, để tiến lên. Cho niềm vui tràn ngập trong đời mình và trong cộng đồng Dân Chúa.
CHỮA LÀNH NGƯỜI MÙ Ở GIÊRIKÔ (18,35-43)
“Khi Chúa Giêsu gần đến Giêrikô…” (18,35), ghi chú này cho thấy đây là giai đoạn cuối cùng của Chúa Giêsu trong hành trình lên Giêrusalem. Ở đây cũng như trong trình thuật về các trẻ em, các môn đệ cố gắng ngăn cản “kẻ bé mọn” đến gần, sợ họ làm phiền Chúa: “Người ta còn đem cả trẻ thơ đến với Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng. Thấy vậy, các môn đệ la rầy chúng”; “Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi” (18,39). Ghi chú “những người đi đầu” có ý nhắc nhở các vị lãnh đạo trong Hội Thánh đừng xem thường, bỏ qua nhu cầu của những người bé mọn trong cộng đoàn. Trong cả hai trường hợp, Chúa Giêsu đều can thiệp: “Hãy để trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cản chúng”; “Chúa Giêsu dừng lại, truyền dẫn người mù đến”. Người đã đến trần gian để mang ơn giải thoát cho tất cả mọi người, cách riêng những người thấp cổ bé miệng trong xã hội.
Trong Tin Mừng Marcô, tên của người mù được nói rõ là Bartimê (Mc 10,46). Khao khát được thấy, anh kêu lên: “Lạy ông Giêsu, Con Vua Đavít” (18,38). Hai lần, anh gọi Chúa Giêsu bằng danh hiệu Mêsia “Con Vua Đavít”. Khi Chúa Giêsu dừng lại và hỏi “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” thì anh thưa: “Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy” (18,41). Và Luca ghi nhận: “Lập tức, anh ta nhìn thấy được và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa” (18,43).
Đặt trình thuật chữa lành người mù vào trong chủ đề về hành trình lên Giêrusalem, độc giả có thể khám phá một tầng ý nghĩa khác. Ở đây không chỉ đơn thuần là chữa lành sự mù lòa thể lý nhưng còn là sự mù lòa đức tin, không nhìn thấy con đường cứu độ ngang qua thập giá của Chúa Giêsu. Hiểu như thế, ngay cả các môn đệ đang đồng hành với Chúa cũng bị mù lòa, vì họ vẫn chưa “thấy” được con đường cứu độ này, cho nên khi Chúa Giêsu bước vào cuộc khổ nạn, hầu hết các môn đệ bỏ Thầy mà chạy trốn.
Vẫn mãi như thế trong lịch sử Hội Thánh và trong cuộc đời mỗi Kitô hữu. Vì thế cần đặt mình vào nhân vật người mù và khiêm tốn kêu xin: “Lạy Ngài, xin cho con được thấy”. Không chỉ thấy, nhưng còn “đi theo Thầy”.
(Audio: Anh Tuấn)
[…] Tuần 99: Tin Mừng theo Thánh Luca (chương 14-19) […]