Tuần 80: (Tuần 5 phần Tân Ước) Thư thứ nhất Côrintô (chương 1 – 7)
I. ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI (1,10 – 6,20)
1. Những chia rẽ trong cộng đoàn (1,10 – 4,21)
Đời sống Kitô hữu được đặt nền trên sứ điệp của thập giá. Sứ điệp này hàm chứa trong Tin Mừng mà thánh Phaolô rao giảng, và Tin Mừng đó nối kết mọi người thay vì gây chia rẽ. Chính vì thế, sự kiện có những chia rẽ trong cộng đoàn Côrintô là điều không thể chấp nhận. Trong phần này, thánh Phaolô than phiền về những chia rẽ trong cộng đoàn (1,10-17), trình bày nghịch lý của thập giá như là sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1,18 – 2,5), và giúp cộng đoàn Côrintô nhận diện sự khôn ngoan của thập giá khác với sự khôn ngoan thế gian.
Trước hết, thánh Phaolô than phiền về tình trạng chia rẽ trong cộng đoàn (1,10-17). Một số người cho mình là môn đệ của Phaolô, một số người khác lại tự hào mình là môn đệ của Apollo hay Kêpha…. Thế nhưng mọi người đều đã chịu Phép Rửa nghĩa là đã trở nên những chi thể trong cùng một thân mình Chúa Kitô (12,12-30). Chúa Kitô không chỉ là một mẫu mực cho ta noi theo trong đời sống luân lý nhưng Người là Đấng làm cho ta nên một lòng, một trí (x. Phil 2,1-2). Như thế, việc chia rẽ là điều không thể chấp nhận.
Thánh Phaolô nhấn mạnh: “Chúa Kitô đã không sai tôi đi làm Phép Rửa nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng” (1,17) và Tin Mừng đó là thập giá Chúa Kitô. Thập giá phân chia nhân loại thành hai khối: những người khước từ thập giá và như thế đi trên đường dẫn đến hư vong, còn những ai đón nhận sứ điệp thập giá sẽ cảm nghiệm quyền năng cứu độ của Thiên Chúa. Như thế thập giá chính là sự xét xử của Thiên Chúa. Người Do thái mong đợi những dấu lạ và người Hi Lạp kiếm tìm sự khôn ngoan thế gian; vì thế họ coi thập giá là điên rồ và ngu xuẩn. Thế nhưng trong ánh sáng Tin Mừng, sự khôn ngoan thế gian trở thành điên rồ “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất” (Mc 8,35). Ngược lại, chính thập giá mà thế gian cho là điên rồ và yếu đuối lại là nguồn ơn cứu độ, vì sự điên rồ và nỗi yếu đuối của Thiên Chúa hơn hẳn mọi khôn ngoan và sức mạnh thế gian. Bản thân thánh Phaolô kinh nghiệm điều này khi ngài xin Chúa cất cái dằm khỏi thân xác ngài, và Chúa trả lời, “Ơn Cha đủ cho con” (2 Cr 12,9). Người Kitô hữu phải xác tín vào chân lý này: “Đối với loài người thì không thể, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể” (Mt 19,26).
Để cụ thể hoá, thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Côrintô nhìn lại chính hoàn cảnh của họ (1,26-31). Thế gian ca tụng những người giàu sang, quyền thế, quý phái. Nhưng các tín hữu Côrintô đâu thuộc hạng người này. Cho nên khi Thiên Chúa chọn họ, Ngài không chọn vì họ là những người quyền quý cao sang; đúng hơn, Chúa chọn họ để hạ nhục những kẻ hùng mạnh và quyền thế, để không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Chúa.
2. Những tội lỗi khác trong cộng đoàn (5,1 – 6,20)
Trường hợp loạn luân (5,1-13): Điều đáng quan tâm ở đây là tính kiêu ngạo đã làm mờ mắt một số người. Họ nghĩ rằng mình có sự hiểu biết vượt trên những lề luật luân lý và những cấm đoán liên quan đến đời sống gia đình. Vì thế họ phạm tội loạn luân mà lại còn tự hào tự đắc (5,2). Thánh Phaolô phản ứng rất mạnh trước trường hợp này: phải loại trừ kẻ làm điều ấy ra khỏi cộng đoàn… phải nộp con người đó cho Satan (5,2.5). Đồng thời ngài dùng hình ảnh men và bánh để nói về đời sống Kitô hữu. Cũng như người Do thái loại mọi thứ men ra khỏi nhà để cử hành lễ Vượt Qua, thì các Kitô hữu cũng phải loại trừ khỏi cộng đoàn mọi thứ gian tà và độc ác, để sống trong tinh tuyền và chân thật (5,8).
Kiện nhau ở toà đời (6,1-11): Thật đáng xấu hổ khi các Kitô hữu kiện cáo nhau ở toà đời. Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng khi có những tranh chấp xảy ra, cần phải giải quyết ngay trong cộng đoàn (6,1-6). Nền tảng của đời sống Kitô hữu là bí tích Thánh tẩy. Ân sủng Thiên Chúa ban trong bí tích Thánh tẩy giúp cho các Kitô hữu đối xử với nhau cách thân ái như chính Chúa đối xử với họ (x. Mt 5,45). Vì thế, người Kitô hữu thà bị lừa gạt hơn là trả thù người khác (x. Mt 5,21-26, 38-42; Rm 12,14, 19-21).
Tội tà dâm (6,12-20): Trước hết, thánh Phaolô cảnh giác các tín hữu về việc lạm dụng tự do. Giáo huấn của thánh Phaolô về tự do xem ra đã bị hiểu sai, và người ta nhân danh tự do để biện minh cho những hành động tội lỗi, cụ thể là tội tà dâm. Để thuyết phục tín hữu về việc tránh xa tội tà dâm, thánh Phaolô nhấn mạnh ba nền tảng: (1) thân xác chúng ta sẽ được phục sinh, (2) qua bí tích Thánh tẩy, chúng ta trở nên phần thân thể của Đức Kitô, (3) thân xác con người là đền thờ Chúa Thánh Thần.
II. TRẢ LỜI CHO NHỮNG VẤN NẠN CỦA CÁC TÍN HỮU CÔRINTÔ (7,1 – 11,1)
1. Những lời khuyên về đời sống hôn nhân và độc thân (7,1-16)
Kitô hữu phải đón nhận luật yêu thương của Chúa Giêsu như luật tối thượng. Mọi chọn lựa và quyết định của Kitô hữu phải được đặt nền trên tình yêu và trách nhiệm. Trong ý hướng đó, ta mới hiểu đúng những lời khuyên của thánh Phaolô về đời sống vợ chồng. Vợ chồng có bổn phận đối với nhau, thuộc về nhau (câu 3-5). Bổn phận ở đây không chỉ mang tính lề luật và tiêu cực nhưng là cách thể hiện tình yêu và giúp nhau sống trung tín với giao ước hôn nhân.
1 Cr 7,15 được coi như nền tảng cho điều mà ta gọi là đặc ân thánh Phaolô (cho phép ly dị trong một vài trường hợp có khác biệt và bất đồng tôn giáo). Tuy nhiên, cần hiểu cho đúng ý hướng của thánh Phaolô. Vào thời đó, thói quen trong xã hội đòi hỏi những người vợ và nô lệ phải theo tôn giáo của chồng và của chủ. Điều này khiến cho những người vợ Kitô hữu có chồng là ngoại giáo lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Thánh Phaolô đưa ra hướng giải quyết là: bao lâu người chồng ngoại giáo chấp nhận cho người vợ Kitô hữu giữ đạo thì đời sống hôn nhân cứ tiếp tục. Nhưng nếu người chồng ngoại giáo không muốn sống với người vợ là Kitô hữu thì đôi bạn có thể tách ly, vì đối với Kitô hữu, cam kết trong bí tích Thánh tẩy là cam kết quan trọng nhất và không thể để cho lời cam kết này bị đe doạ.
Về đời sống độc thân, xem ra thánh Phaolô đánh giá cao hơn (câu 25,26). Lý do là ngài xác tín rằng các Kitô hữu đã bắt đầu ngay từ bây giờ cuộc sống trên thiên quốc, mà trên thiên quốc sẽ không còn đời sống hôn nhân, nên hôn nhân không hẳn là cần thiết cho các Kitô hữu. Tuy nhiên có một số tín hữu đã đi đến chỗ quá khích đến nỗi xem hôn nhân là tội lỗi (x. 1 Tim 4,1-5). Thánh Phaolô khẳng định ngược lại rằng hôn nhân không phải là tội lỗi, và đó là bậc sống của phần lớn nhân loại. Vì thế thà kết hôn còn hơn là lờ đi những nhu cầu tự nhiên của thân xác và có nguy cơ “bị thiêu đốt” (câu 9). Dù sống đời hôn nhân hay độc thân, đều phải trung thành và tỉnh thức. Ở đây cần phải nhớ lại giáo huấn của Chúa Giêsu về độc thân như một ơn ban chứ không chỉ là nỗ lực của con người (x. Mt 19,11-12).
2.Vấn đề thịt cúng và đức ái mục tử (8,1-11,1)
Trong các vấn đề tạo nên sự chia rẽ giữa các tín hữu Côrintô, có vấn đề ăn của cúng, tức là ăn những thức ăn được dâng cho các thần ngoại giáo. Những người tự cho mình là hiểu biết lý luận rằng: vì chỉ có một Thiên Chúa và không có thần nào khác, cho nên ăn của cúng chẳng có tai hại gì. Thế nhưng họ đã vô tình hay cố ý gây tổn thương cho những người không hiểu biết được như thế.
Chính ở đây, thánh Phaolô đưa ra những lời khuyên rất tinh tế. Theo ngài, tuyên xưng rằng chỉ có một Thiên Chúa là Cha và Đức Giêsu là Chúa vẫn chưa đủ; còn cần phải nhạy bén trước những nhu cầu của người khác. Thánh Phaolô nhắc nhớ cộng đoàn Côrintô rằng có nhiều người trong cộng đoàn mới trở lại, và trước đây họ vẫn dâng của cúng cho các thần ngoại giáo. Sự hiểu biết của họ còn giới hạn, tinh thần đức tin còn yếu, do đó phải tránh những gì gây xúc phạm cho họ. Đây là điều ta cần quan tâm không chỉ trong vấn đề ăn của cúng mà còn trong mọi lãnh vực khác của đời sống.
Từ đó thánh Phaolô đưa ra những nguyên tắc cho đời sống Kitô hữu (9,1-10,22). Những nguyên tắc này được rút ra từ chính ơn gọi tông đồ của thánh nhân và từ mẫu gương của Israel được ghi lại trong Thánh Kinh. Trong 9,1-27, thánh Phaolô đưa ra những suy tư về đời sống tông đồ, lấy chính cách sống của ngài làm gương cho những người tự hào mình hiểu biết mà gây xúc phạm cho người khác: “Tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người” (câu 19). Đồng thời, thánh nhân nhắc lại kinh nghiệm của dân Israel trong Thánh Kinh để cảnh giác các Kitô hữu.
[…] Tuần 80: Thư thứ nhất Côrintô (chương 1 – 7) […]