🙏Xin quý cộng đoàn cầu nguyện cho linh hồn Vinh Sơn (Bố của tác giả website này) vừa được Chúa gọi về.🙏

0:00

0:00

Status:
Audio Bài giảng
Đạo diễn:
Bài Giảng của ĐGM Phêrô Nguyễn Khảm
Diễn viên:
Bài Giảng của ĐGM Phêrô Nguyễn Khảm
Thể loại:
Audio Bài giảng, Bài giảng, Kinh Thánh 100 Tuần
Sản xuất:
Phim Công giáo HD
Thời lượng:
45 Phút
Năm phát hành:
2013

Tuần 74: Sách Thánh Vịnh | Bài Giảng của ĐGM Phêrô Nguyễn Khảm

Tuần 74: Sách Thánh Vịnh | Bài Giảng của ĐGM Phêrô Nguyễn Khảm

Tuần 74: SÁCH THÁNH VỊNH

I. TỔNG QUÁT

Ở trung tâm của mọi Thánh vịnh là sự hiện diện của Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel. Đối với tác giả Thánh vịnh, Đức Chúa hiện diện trước hết là trong Đền thờ. Được vua Salomon xây trên núi Sion ở Giêrusalem vào thế kỷ 10, và được xây lại vào thế kỷ 6 trước Công nguyên, Đền thờ là điểm quy tụ của ba ngày lễ lớn trong năm: lễ Vượt qua vào đầu mùa Xuân, bảy tuần sau là lễ Ngũ tuần, và lễ Lều vào đầu mùa thu. Trong khuôn viên Đền thánh, dân chúng gặp gỡ Đức Chúa, và qua những nghi thức phụng vụ, họ nhớ lại những thời điểm quan trọng như công trình tạo dựng và cuộc xuất hành.

Tuần 74: Sách Thánh Vịnh | Bài Giảng của ĐGM Phêrô Nguyễn Khảm

Tuy nhiên theo tác giả Thánh vịnh, Đền thờ không phải là nơi duy nhất cho dân gặp Đức Chúa. Họ còn có thể gặp gỡ Đức Chúa qua các vua là trung gian giữa Chúa và Dân Người. Một hình thức hiện diện khác của Đức Chúa là qua Lề luật. Với các Kitô hữu, Chúa Kitô và Hội thánh của Người chính là nơi Thiên Chúa hiện diện cách rõ ràng nhất.

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã trình bày thật phong phú và sâu sắc về ý nghĩa và vai trò của Thánh vịnh trong đời sống Dân Chúa:

“Các Thánh vịnh nuôi dưỡng và diễn tả tâm tình cầu nguyện của Dân Chúa là cộng đoàn quy tụ vào các dịp đại lễ tại Giêrusalem và mỗi ngày sabát trong các hội đường. Kinh nguyện này vừa có tính cá nhân vừa có tính cộng đoàn, vừa liên hệ với những người đang cầu nguyện vừa liên hệ đến toàn thể mọi người. Các Thánh vịnh vang lên từ thánh địa và các cộng đoàn Do thái tản mác khắp nơi nhưng lại bao trùm toàn thể thụ tạo; nhắc lại các biến cố cứu độ trong quá khứ và vươn đến ngày hoàn tất lịch sử; nhắc nhớ Thiên Chúa đã thực hiện những lời hứa thế nào, đồng thời chờ đợi Đấng Mêsia đến hoàn tất trọn vẹn. Được Chúa Kitô sử dụng để cầu nguyện và kiện toàn, các Thánh vịnh luôn chiếm vị trí thiết yếu đối với kinh nguyện của Hội Thánh…

Qua các Thánh vịnh, chúng ta gặp thấy những đặc điểm: lời cầu nguyện đơn sơ và tự phát, lòng khao khát Thiên Chúa qua và với tất cả những gì tốt đẹp trong vũ trụ, hoàn cảnh khó khăn của người tín hữu muốn yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự nhưng lại phải đối diện với bao thử thách và địch thù, dù vậy vẫn chờ đợi Thiên Chúa trung tín ra tay hành động; niềm xác tín vào tình yêu Thiên Chúa và phó thác theo Thánh Ý Người” (số 2586 – 2589).

150 Thánh vịnh diễn tả kinh nghiệm của Israel về Đấng Thánh. Những kinh nghiệm này được trình bày qua các hình thức và truyền thống văn chương của thời đại đó. Vì thế để hiểu và lĩnh hội những kinh nghiệm tôn giáo đó, không thể không quan tâm đến cách diễn tả của thời đại đó.

Theo các học giả Thánh Kinh, có thể chia các Thánh vịnh thành ba loại: than vãn (cá nhân hay cộng đoàn), tạ ơn (cá nhân và cộng đoàn), và ngợi khen.

II. THÁNH VỊNH THAN VÃN

1. Đặc điểm

Trong những Thánh vịnh này, có những yếu tố chính như sau:

– tiếng kêu trực tiếp và chân thành hướng lên Đức Chúa.

– than thở: mô tả cụ thể nỗi đau của cộng đoàn như bị mất mùa, bị thua trận, hoặc nỗi đau của cá nhân như bệnh tật, bị lừa đảo, bị oan ức…

– tín thác: dù phải lâm vào cơn khủng hoảng, tác giả Thánh vịnh vẫn một niềm cậy trông vào Chúa. Tâm tình này thường được bắt đầu bằng từ “nhưng” hay “tuy nhiên”…

– khấn xin: tác giả Thánh vịnh xin ơn giải cứu cho dân và xin Chúa hạ gục quân thù.

– lời bảo đảm: lời khẳng định Thiên Chúa nhận lời.

– ngợi khen: ở cuối Thánh vịnh là tâm tình ngợi khen, ngược lại với nỗi âu lo thất vọng được trình bày ở đầu.

Như thế, trong mỗi Thánh vịnh theo thể loại này, có ba nhân vật: tác giả Thánh vịnh (người đọc TV), Thiên Chúa, và kẻ gian ác. Trong lời than thở, tác giả mô tả thật bi thảm nỗi đau của mình và lấy sự vô tội của mình như lý do thúc đẩy Chúa hành động: Chẳng lẽ Chúa là Đấng công chính mà lại để cho kẻ gian ác đàn áp người vô tội như thế sao? Chẳng lẽ Chúa lại để cho Israel là dân của Chúa bị quân thù đè bẹp sao? Lời bảo đảm (như đã phân tích ở trên) được nhìn như phán quyết của Chúa, khẳng định Chúa sẽ không để cho sự ác chiến thắng. Tâm tình ngợi khen ở cuối Thánh vịnh diễn tả niềm hi vọng rằng chắc chắn Đức Chúa sẽ hành động.

2. Một vài Thánh vịnh than vãn

Thánh vịnh 22

Tuy không theo sát lược đồ trên nhưng những yếu tố chính trong thể loại than vãn xuất hiện rất rõ.

– Than thở: hai lời than thở “Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?… Thân sâu bọ chứ người đâu phải, con bị đời mắng chửi dể duôi…” (câu 2-12) “Nghe cổ họng khô ran như ngói, lưỡi với hàm dính lại cùng nhau, chốn tử vong Chúa đặt vào… Áo mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn” (câu 13-22).

– Tín thác “Thế nhưng Chúa ngự nơi đền, vinh quang của Israel là Ngài” (câu 4-6) và “Đưa con ra khỏi thai bào, vòng tay mẹ ẵm Chúa trao an toàn…” (câu 10-12).

– Khấn xin “Chúa là sức mạnh con nương, cứu mau lạy Chúa, xin đừng đứng xa” (câu 20-22).

– Ngợi khen “Con nguyện sẽ loan truyền Danh Chúa… Hỡi những ai kính sợ Đức Chúa, hãy ca tụng Ngài đi” (câu 23-32).

Với người Kitô hữu, Thánh vịnh này không thể không làm ta nhớ đến Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn, những lời Ngài kêu lên từ thập giá, “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46), và những sự kiện được các thánh sử kể lại, “chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau” (Mc 15,24). Có lẽ khi bị đóng đinh trên thập giá, Chúa Giêsu đã cầu nguyện bằng Thánh vịnh này, một Thánh vịnh được bắt đầu bằng những lời than vãn dường như tuyệt vọng nhưng kết thúc với tâm tình trọn vẹn tín thác, cậy trông. Chúng ta lại không thể lấy Thánh vịnh này làm lời cầu nguyện tuyệt vời những khi phải sa cơn thử thách sao?

Thánh vịnh 51 (Thánh vịnh sám hối)

Thánh vịnh có hai phần dài gần như nhau: câu 3-10 và 11-19, và phần kết (20-21). Có thể gặp ở đây những yếu tố cụ thể trong thể loại than vãn.

– Tiếng kêu lên Chúa: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con” (câu 3).

– Than vãn: “Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm… “ Thánh vịnh mô tả tình trạng tội lỗi cách sâu sắc, “Ngài thấy cho, lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai…” (câu 5-7).

– Tín thác: ý thức mình tội lỗi nhưng luôn vững một niềm cậy trông vào Chúa, “nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật, dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan” (câu 8).

– Khẩn cầu: “Xin cho con được nghe tiếng reo mừng hoan hỉ… Xin ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi, và xoá đi hết mọi lỗi lầm” (câu 10-11). Lời khẩn cầu rất sâu xa và phong phú vì không chỉ ngưng lại ở việc xin tha tội nhưng còn xin được ở gần Chúa, sống nhờ quyền năng Chúa (câu 12-13). Nhờ đó có được niềm vui (câu 14) và trở nên chứng nhân cho đường lối Chúa giữa các tội nhân (câu 15-16)

– Ngợi khen: “Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài…” (câu 17-19).

Đây là một trong những Thánh vịnh nổi tiếng nhất và được nhiều người biết đến. Người Kitô hữu thường đọc và suy niệm Thánh vịnh này trong mùa Chay, mùa trở về, mùa sám hối. Suy niệm Thánh vịnh này giúp ta hiểu và sống tâm tình sám hối chân thật, không chỉ ngừng lại ở những dằn vặt về tội lỗi nhưng hướng nhìn lên Chúa là Tình yêu, quyết tâm trở về với Chúa và trở nên nhân chứng tình yêu của Chúa.

(Audio: Anh Tuấn)

Theo dõi
Thông báo
guest

1 Bình luận
Mới nhất
Cũ nhất Bình chọn nhiều nhất
Inline Feedbacks
View all comments
trackback

[…] Tuần 74: Sách Thánh Vịnh […]

Xem thêm...

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors
Search in posts
Search in pages
Filter by Categories
Abouts
Audio Bài giảng
Bài giảng
Blog
Các Vua
Chúa Giêsu
Cựu ước
Gương Chúa Giêsu
Hạnh các Thánh
Hoạt hình
Hoạt hình Công giáo
Hôn nhân
Kinh thánh
Kinh Thánh 100 Tuần
Lời Chúa
Lòng thương xót Chúa
Mẹ Fatima
Mẹ Lộ Đức
Mẹ Maria
Mùa Chay
Mùa Giáng sinh
Mùa Phục sinh
Mùa thường niên
Mùa vọng
Phim Công giáo
Phim Cựu ước
Phim Giáo dục Đức Tin
Phim Giáo dục gia đình
Phim Tân ước
Phút cầu nguyện
Quà tặng cuộc sống
Sách Audio
Suy niệm
Suy niệm năm A
Suy niệm năm C
Tâm lý - Tình cảm
Tân Ước
Tạo dựng
Thần học Online
Thánh ca Mp3
Thánh Giuse
Thánh Nhân
Thủ lãnh
Tiên tri
Tin tức
Tổ phụ
Video Công giáo
Video Thánh ca
Video Ý nghĩa
VietCatholic New