Tuần 113: TIN MỪNG GIOAN (Chương 13-17)
RỬA CHÂN CHO CÁC MÔN ĐỆ (13,1-30)
Với chương 13, chúng ta chuyển từ Sách của những dấu lạ sang Sách vinh quang, nghĩa là nói đến sự chết và sự phục sinh của Chúa. Sách này gồm những diễn từ ly biệt (chương 13-17), trình thuật về cuộc thương khó (chương 18-19), sự phục sinh (chương 20) và phần kết (chương 21). Ở đây chỉ tập trung vào trình thuật rửa chân (13,1-30).
1. Bài học luân lý
Một lần nữa, tác giả nói đến lễ Vượt qua nhưng đây sẽ là cuộc vượt qua của chính Chúa Giêsu, từ thế gian mà về cùng Cha (13,1.3). Trong trình thuật này, Chúa Giêsu vốn là tôi tớ của Thiên Chúa nay lại trở thành tôi tớ loài người. Giờ của Người đã đến và Người yêu thương những kẻ thuộc về Người đến cùng (13,1), đến cùng thời gian và đến cùng sức lực. Vì chính Chúa Giêsu đã làm nhiệm vụ người tôi tớ nên chúng ta, các môn đệ của Người, cũng được mời gọi rửa chân cho nhau: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (câu 15). Bài học về phục vụ đã rất rõ ràng và đầy sức thuyết phục.
2. Ý nghĩa về cái chết của Chúa Giêsu
Tuy nhiên, trình thuật này còn chất chứa những giáo huấn sâu xa hơn nữa. Khi Phêrô phản đối, không chấp nhận để Thầy rửa chân cho (cũng như ông đã phản đối lời loan báo về cuộc thương khó của Chúa trong Mc 8,32), Chúa Giêsu đã cho các môn đệ thấy việc được rửa chân quan trọng thế nào, đến độ nếu không chấp nhận để Chúa rửa chân thì không được chung phần với Chúa (câu 8). Câu này cho thấy trình thuật rửa chân không chỉ hàm chứa một bài học luân lý nhưng còn nói lên nhiều giáo huấn quan trọng :
– Ám chỉ cái chết cứu độ của Chúa Giêsu trong tư cách người tôi tớ. Nếu so sánh trình thuật rửa chân với thánh thi trong thư Philip 2,5-12, ta sẽ hiểu việc rửa chân ở đây nói đến mầu nhiệm huỷ mình ra không (kenosis) của Chúa Giêsu, cũng là mầu nhiệm tôn vinh.
– Hơn thế nữa, trình thuật này còn là giáo huấn về bí tích thánh tẩy. Lãnh nhận bí tích thánh tẩy là được dự phần vào cái chết cứu độ của Chúa, được sạch và không cần phải rửa nữa. Thánh Phaolô diễn tả cách khác là được dìm vào trong sự chết của Chúa để được sống lại với Người. Hiểu như thế, lãnh nhận bí tích thánh tẩy không chỉ là làm một nghi thức mà là đón nhận một lối sống, lối sống yêu thương và phục vụ như Chúa Giêsu (câu 15).
LỜI NGUYỆN LINH MỤC (chương 17)
Chương 17 thường được gọi là Lời nguyện linh mục vì ở đây, Chúa Giêsu cầu nguyện trực tiếp với Chúa Cha cho các tín hữu hiện tại cũng như tương lai. Lời kinh chuyển cầu này nói lên chức năng tư tế, đồng thời sự “thánh hiến” mà Chúa Giêsu nói đến ở câu 19 cũng liên hệ đến vai trò tư tế dâng hy tế.
1. Phân đoạn và nội dung
Chúa Cha và Chúa Con (câu 1-5)
Trong 5 câu này, Chúa Giêsu nói trực tiếp với Chúa Cha. Giờ đã đến, giờ tôn vinh, nghĩa là giờ biểu lộ sự hiện diện của Thiên Chúa. Sự sống đời đời chính là nhận biết sự hiện diện này, “nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô”. Chúa Giêsu đã biểu lộ sự hiện diện của Chúa Cha, đã hoàn tất công việc được trao phó. Bản chất đích thực của Thiên Chúa là Tình Yêu sắp được bày tỏ nơi cái chết hy tế của Chúa Giêsu.
Chúa Con và các môn đệ (câu 6-19)
Chúa Giêsu cầu xin cho các môn đệ điều gì? Ngài xin Chúa Cha cho họ :
– được Chúa Cha bảo vệ: “Xin gìn giữ chúng trong Danh Cha mà Cha đã ban cho con” (câu 11)
– được hiệp nhất trên nền tảng và theo khuôn mẫu kết hợp sâu xa giữa Cha và Con: “để chúng nên một như chúng ta là một” (câu 11)
– để những đau khổ của họ được biến thành niềm vui: “để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con” (câu 13)
– được gìn giữ khỏi ác thần: “xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần” (câu 15)
– để họ được thánh hiến, hoàn toàn hiến thân phục vụ Chúa: “xin thánh hiến chúng trong sự thật” (câu 17)
Chúa Con và các môn đệ tương lai (câu 20-26)
Đối với các môn đệ trong tương lai, ân huệ duy nhất mà Chúa Giêsu khẩn nài là ơn hiệp nhất: “để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (câu 21-23). Chỉ với chứng tá hiệp nhất này, sứ vụ của Giáo hội mới có kết quả, bởi vì chỉ khi các môn đệ hiệp nhất yêu thương nhau thì thế gian mới tin, mới nhận biết rằng Chúa Cha đã sai Chúa Giêsu đến trong thế gian, và gặp được nơi các môn đệ chính tình yêu của Chúa Cha.
2. Những chủ đề chính
Chỉ trong một lời nguyện, Chúa Giêsu kêu lên “abba” (cha ơi) những 6 lần. Tên gọi này diễn tả sự kết hợp sâu xa và thân tình giữa Chúa Giêsu và Cha của Người.
Hiệp nhất là ân huệ được nhấn mạnh đặc biệt: hiệp nhất giữa các môn đệ trong hiện tại cũng như tương lai, sự hiệp nhất theo khuôn mẫu hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con, sự hiệp nhất bắt nguồn từ tình yêu của Ba Ngôi.
Tình yêu là từ ngữ thường xuyên được nhắc đến: tình yêu của Chúa Cha với Chúa Giêsu (câu 23-24), với các môn đệ (câu 23). Mạc khải lớn nhất của Tin Mừng chính là Tình yêu của Thiên Chúa. Như thế, Giáo hội phải là một cộng đồng tình yêu, dấu chỉ sống động cho tình yêu Thiên Chúa giữa thế gian.
“Thế gian” là từ ngữ được sử dụng 17 lần trong chương này. Theo nghĩa xấu, thế gian là nơi chốn của bất tín, hận thù, căm ghét, hoàn toàn ngược lại với tình yêu là đòi hỏi mà các Kitô hữu phải sống. Giuđa (được nhắc đến trong câu 12) là minh hoạ cụ thể về sự khước từ ánh sáng và sự sống để nộp mình cho đêm tối và chết chóc. Người môn đệ Chúa sống trong thế giới vật lý này nhưng không chấp nhận sống theo não trạng vô đạo của nó. Câu 21 và 23 cho thấy Chúa Giêsu tin tưởng rằng nhờ chứng tá hiệp nhất yêu thương của các môn đệ, thế gian sẽ tin và nhận biết rằng Chúa Giêsu là Đấng Cha sai đến.
[…] Tuần 113: Tin Mừng Gioan (Chương 13 – 17) […]