Tuần 112 TIN MỪNG GIOAN (Chương 6-12)
—–o0o—–
HOÁ BÁNH RA NHIỀU (6,1-15)
Lễ Vượt qua là lễ bánh không men, vì thế ghi chú về lễ Vượt qua (câu 4) có mục đích chuẩn bị cho chúng ta hiểu về dấu lạ hoá bánh ra nhiều sắp xẩy ra. Đây là phép lạ duy nhất được cả bốn sách Tin Mừng kể lại (Marco kể hai lần 6,31-34 và 8,1-10; Matthêu kể hai lần 14,13-21 và 15,32-38; Luca 9,10-17). Sự kiện đó cho thấy tầm quan trọng của trình thuật này trong đời sống Giáo Hội sơ khai. Thật vậy, những gì Chúa Giêsu đã làm khi hoá bánh ra nhiều trở thành chuẩn mực cho việc cử hành Thánh Thể trong các cộng đoàn. Trong trình thuật của Tin Mừng nhất lãm, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho… Các thừa tác viên cũng làm như thế khi cử hành Thánh Thể. Trình thuật của Gioan cũng mang tính nghi lễ như thế, nhưng ngài thêm một chi tiết vốn là nét đặc trưng của Kitô giáo : Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, và phân phát (6,11). Trong tiếng Hi lạp, từ mà ta dịch làtạ ơn là eucharisteo, cũng là từ được dùng để nói về Thánh Thể. Thánh Gioan còn nhắc lại ý nghĩa này ở 6,23: “Có những thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh sau khi Chúa dâng lời tạ ơn.”
Thánh Gioan gọi phép lạ này là dấu lạ: “Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói…” (6,14). Dấu lạ này có mục đích làm cho mọi người khám phá ra Chúa Giêsu chính là Bánh ban sự sống, chủ đề sẽ được Gioan khai triển trong suốt chương 6. Phản ứng của dân chúng ở câu 14, “Hẳn ông này là vị tiên tri, Đấng phải đến thế gian”, nhắc nhớ đến vị tiên tri như Môsê (x. Đnl 18,15.18) mà người ta mong đợi sẽ xuất hiện vào thời cuối cùng. Như Môsê đã nuôi dân bằng manna trong sa mạc thì Chúa Giêsu cũng nuôi dân như thế.
Ghi nhận cuối cùng nên quan tâm là hai môn đệ được nêu tên trong trình thuật này là Philipphê và Anrê. Đây cũng là hai vị đã giới thiệu Nathanael và Simon Phêrô đến gặp Chúa Giêsu (Ga 1,41.45). Sau này, cũng chính hai vị này trở thành tông đồ cho người Hi Lạp (12,20-22). Như thế, vai trò của hai vị tông đồ này được quan tâm đặc biệt trong Tin Mừng Gioan. Đồng thời, những ghi nhận trên cũng thoáng mở chiều kích truyền giáo của dấu lạ hoá bánh ra nhiều : Chúa Giêsu làm phép lạ không chỉ để thoả mãn cơn đói chóng qua của con người nhưng để giúp người ta nhận ra Ngài là Bánh hằng sống.
NGƯỜI MÙ TỪ THUỞ MỚI SINH (9,1-41)
Trình thuật này được xây dựng rất công phu như một vở kịch sống động với 6 cảnh tuần tự diễn ra, với những cuộc đối thoại sâu sắc và những nhân vật đủ sắc màu. Điều quan trọng là cố gắng nắm bắt những giáo huấn mà thánh sử muốn trao gửi cho người đọc.
1. Ý nghĩa Phép Rửa
Điều chắc chắn là trình thuật này đã được vận dụng vào việc dạy giáo lý về Phép Rửa. Không phải vô tình mà thánh Gioan ghi chú rằng người mù đi rửa ở hồ Siloe, ( Siloe có nghĩa là người được sai đến). Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu chính là người được sai đến. Như thế, thánh Gioan không chỉ kể chuyện người mù mắt được chữa lành nhưng qua đó, ngài còn muốn nói đến việc chữa lành sự mù loà thiêng liêng. Việc chữa lành này được ban cho những ai chịu Phép Rửa : họ được rửa trongĐấng được sai đến, nghĩa là chính Chúa Giêsu (chịu Phép Rửa là dìm mình vào trong Chúa).
Ngoài ra, nên ghi nhận sự khai mở từng bước nơi người mù được chữa lành : lúc đầu anh chỉ nói đến một người tên là Giêsu (câu 11), sau đó anh gọi ngài là tiên tri (câu 17), rồi là người từ Thiên Chúa mà đến (câu 33), rồi là Con Người (câu 35) và đỉnh cao là anh sấp mình xuống trước mặt Chúa Giêsu, một cử chỉ thờ phượng dành cho Thiên Chúa (câu 38). Cũng vậy, sau khi đã lãnh nhận Phép Rửa, người tân tòng từng bước được dẫn sâu hơn vào hành trình đức tin, khám phá nội dung đức tin, sống đời thờ phượng và đạo đức theo chuẩn mực của Tin Mừng. Nhân cơ hội này, ta cần xem xét lại cách dạy giáo lý dự tòng trong cộng đoàn giáo xứ của mình. Phải chăng nhiều khi ta đã làm quá vội vã, chưa giúp người dự tòng hiểu biết, yêu mến Chúa và thực hành cho đúng theo Lời Chúa dạy?
2. Chúa Kitô là ánh sáng muôn dân
Về mặt văn chương, câu chuyện về người mù vừa hài hước vừa thâm thuý. Những người tự cho là mình sáng mắt, thấy rõ, thì hoá ra lại mù, và mù chẳng phải vì tai nạn do ai gây ra nhưng do chính mình muốn thế : “Nếu các ông đui mù thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng ‘Chúng tôi thấy’ nên tội các ông vẫn còn” (câu 41). Ngược lại, kẻ mù loà nhưng dám liều mình làm theo lời Chúa Giêsu (câu 6) thì lại “thấy”. Cái thấy này ban đầu chỉ là thấy bên ngoài (sight) nhưng rồi được dẫn đến cái thấy bên trong (in-sight). Chúa Kitô chính là ánh sáng muôn dân để trong Ngài, chúng ta nhìn thấy ánh sáng. Có nhiều thái độ khiến ta không đón nhận được ánh sáng và cứ ở mãi trong cảnh mù loà : từ nỗi sợ hãi như cha mẹ của anh mù (câu 23) đến những thành kiến và tính toán của người Pharisêu và giới cầm quyền (câu 13-17). Cần khiêm tốn nhận diện chính mình trong những nhân vật đó để có thể mở mắt mở lòng đón nhận ánh sáng của Chúa.
3. Cộng đoàn của Gioan
Câu truyện về người mù còn phản ánh kinh nghiệm sống đức tin của cộng đoàn Giáo Hội đương thời. Câu 22 ghi nhận rằng “Người Do thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô.” Câu 34 ghi nhận sau khi được chữa lành và đối chất với những người cầm quyền, anh mù bị trục xuất khỏi hội đường. Những ghi nhận này phản ánh sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa các Kitô hữu và người Do thái. Vào thời Chúa Giêsu, kể cả thời thánh Phaolô đi rao giảng Tin Mừng, mối quan hệ này chưa đến nỗi nặng nề. Tuy nhiên, tình hình ngày càng xấu đi, nhất là khi các Kitô hữu nhấn mạnh Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa. Có thể thấy điều đó khi trong lời cầu nguyện tại hội đường Do thái, có cả lời nguyền rủa những kẻ rối đạo như những tên Kitô hữu! Không có Kitô hữu gốc Do thái nào có thể chấp nhận lời cầu nguyện như thế, và đó là lý do họ bị trục xuất khỏi cộng đoàn. Như thế, ở bất cứ thời đại nào, sống niềm tin vào Chúa Giêsu vẫn luôn là một thách đố. Nhưng chính những thách đố ấy có thể thúc bách ta dấn thân hơn và sống niềm tin sâu sắc hơn như anh mù trong câu truyện: “Anh nói : Thưa Ngài, tôi tin. Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người” (9,38).
PHỤC SINH LADARÔ (11,1-54)
Chúa Giêsu vừa là sự sống vừa là sự sống lại (11,25) và phép lạ phục sinh Ladarô chính là dấu chỉ cho lời khẳng định đó.
1. Matta và Maria
Không chỉ trong Tin Mừng Gioan, hai chị em Matta và Maria còn được nhắc đến trong Luca 10,38-42, và cả hai tác giả đều cho thấy tính cách của mỗi người. Matta xuất hiện như một người năng động nên trong Luca 10,40, chị rất bận rộn trong chuyện đón tiếp Chúa Giêsu, và trong Gioan 11,20, chị cũng là người mau mắn ra gặp Chúa Giêsu trước. Còn Maria thì ngồi ở nhà, sau đó thì dưới chân Chúa (Ga 11,20. 32), cũng giống như Maria trong Luca 10,39 ngồi dưới chân Chúa để lắng nghe lời Người.
2. Ladarô
Có điều lạ là Tin Mừng Luca không nói gì đến người em trai là Ladarô. Trong Luca có dụ ngôn về Ladarô nhưng Ladarô ở đây là một người nghèo, suốt đời khổ sở, cuối cùng được ở trong lòng Abraham. Dụ ngôn này kết thúc bằng lời cảnh cáo rất đặc biệt của Chúa Giêsu : “Nếu chúng không nghe theo Môsê và các tiên tri, thì dù có kẻ chết sống lại, chúng cũng không nghe đâu” (Lc 16,31). Nghĩa là cũng nói đến chuyện kẻ chết sống lại. Vậy có sự trùng hợp nào chăng giữa hai nhân vật Ladarô? Phải chăng thánh Gioan đã biến người hành khất trong Tin Mừng Luca thành người em trong gia đình của Matta và Maria? Không phải thế, những gì thánh Gioan kể lại đều là người thật việc thật, ở đây chỉ muốn ghi nhận sự gần gũi giữa hai bản văn.
3. Sự hồi sinh của Ladarô và sự phục sinh của Chúa Giêsu
Nếu so sánh trình thuật về sự hồi sinh Ladarô và trình thuật về sự phục sinh của Chúa (chương 20), có nhiều nét song đối với nhau :
– Maria than khóc ở gần mộ (11,31 và 20,11)
– Ngôi một bị tảng đá che kín (11,38 và 20,1)
– Khăn liệm và khăn che mặt (11,16 và 20,6-7)
– Vai trò đặc biệt của Tôma (11,16 và 20,24-28)
Như thế, thánh Gioan viết trình thuật hồi sinh Ladarô như để tiên báo về sự phục sinh của Chúa. Tuy nhiên sự phục sinh của Chúa Giêsu hoàn toàn khác với sự hồi sinh Ladarô:
– Ladarô được hồi sinh là trở lại với đời sống cũ để rồi sớm muộn cũng sẽ chết, còn Chúa Giêsu phục sinh là bước vào sự sống vĩnh hằng, trở thành Đấng hằng sống, sự chết không còn làm chủ được Người nữa.
– Ladarô được hồi sinh với thân xác cũ, còn Chúa Giêsu phục sinh với thân xác vinh hiển, thân xác không còn bị chi phối bởi những điều kiện không gian và thời gian như các trình thuật Thánh Kinh cho biết.
4. Giáo huấn
Câu 25-26 là trọng tâm của cả trình thuật : Chúa Giêsu là sự sống và sự sống lại của tất cả những ai giống như Matta, dám tin rằng Người là “Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa” (câu 27 và 31). Ai có đức tin thì cho dù phải chết cũng sẽ sống. Ai sống mà tin thì sẽ không bao giờ phải chết.
Lời của thượng tế Caipha được thánh Gioan giải thích như lời tiên tri mà chính ông ta không ngờ: “Chúa Giêsu phải chết cho dân, và không chỉ cho dân mà thôi nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi thành một mối” (câu 51-52). Lời này cũng trình bày thần học của Gioan về ơn cứu độ.
An sâu trong trình thuật này là chân lý cao cả về cuộc Vượt qua của Chúa Giêsu : Người hi sinh mạng sống mình để ban sự sống cho ta. Vì yêu thương Ladarô, Chúa Giêsu đi Bêtania để làm cho ông sống lại; nhưng khi làm như thế, Người phải chấp nhận hiểm nguy (x. các câu 7-8, 16, 50-53). Như đã nói, so sánh trình thuật phục sinh Ladarô và trình thuật về sự phục sinh của Chúa ở chương 20, ta sẽ thấy nhiều điểm tương đồng. Cả hai trình thuật đều nói đến Maria khóc lóc ở mồ (11,31 và 20,11), nấm mồ với tảng đá chắn bên ngoài (11,38 và 20,1), khăn liệm và khăn che đầu (11,44 và 20,6-7), vai trò đặc biệt của Tôma (11,16 và 20,24-28). Dường như thánh sử Gioan viết trình thuật này để báo trước cuộc phục sinh của Chúa. Vì thế, chương 11 chuẩn bị cho ta đọc chương 20.
Chúng ta có thể thắc mắc về sự trì hoãn của Chúa Giêsu (11, 4-7). Tại sao Chúa không lên đường ngay để ngăn cho Ladarô khỏi chết mà lại đợi ông ấy chết rồi mới ra tay? Thánh sử Gioan đã nhìn biến cố từ quan điểm của Thiên Chúa hơn là quan điểm của con người, và điều này được diễn tả qua lời của Chúa Giêsu: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh” (11,4). Dấu lạ đã bày tỏ vinh quang Thiên Chúa và sự hiện diện của Chúa nơi Người Con chí ái của Ngài. Dấu lạ là một cuộc thần hiện. Thiên Chúa, Đấng là Tình yêu chữa lành mạc khải chính mình qua công trình của Người Con. Như thế, khi bước theo Chúa Giêsu, chúng ta tin tưởng chắc chắn sẽ đạt đến sự sống trọn vẹn.
(Audio: Anh Tuấn)
[…] Tuần 112: Tin Mừng Gioan (Chương 6 – 12) […]