Tuần 104 THƯ 1 & 2 TIMÔTHÊ Thư gửi Titô
Audio bài giảng Kinh Thánh 100 Tuần của ĐGM Phêrô Nguyễn Khảm
BẢO VỆ ĐỨC TIN (1Tm 1,3-7)
“Khi đi Macêđônia, tôi đã khuyên anh ở lại Ephêsô để anh truyền cho một số người đừng dạy một giáo lý khác” (1,3). Câu này cho thấy Timôthê được trao nhiệm vụ “giám quản” ở Ephêsô. Đối với thánh Phaolô, Ephêsô là một giáo hội có tầm quan trọng đặc biệt. Ngài đã làm việc hai năm ở đó (Cv 19,1-10) với nhiều thành công và cũng không ít đau khổ (Cv 19,11-20). Cũng ở Ephêsô, Apollô đã theo Đạo (Cv 18,24), và thánh Phaolô đã có bài diễn văn nổi tiếng với các trưởng lão tại đó (Cv 20,16-35). Hiển nhiên đây là một giáo hội có tầm ảnh hưởng lớn, nên chúng ta có cả một lá thư quan trọng của Phaolô gửi Ephêsô, và còn một thư ngắn khác trong sách Khải Huyền (2,1-7).
Nhiệm vụ của Timôthê là phải canh giữ đời sống đức tin của Dân Chúa, cụ thể là đừng để những kẻ xưng mình là thầy dạy tiếp tục rao giảng những lý thuyết sai lạc, “những chuyện hoang đường và gia phả dài dòng” (1,4). Điều chính yếu là họ không loan báo sự toàn vẹn của đức tin và đời sống đạo đức. Lời rao giảng chân chính phải “đưa tới đức mến phát xuất từ tâm hồn trong sạch, lương tâm ngay thẳng và đức tin không giả hình” (1,5). Đây cũng là điều mà ở bất cứ thời đại nào, người tín hữu phải dựa vào để phân định đâu là giáo lý tinh tuyền và đâu là thứ “giáo lý” giả dối. Nếu không, chúng ta có nguy cơ trở thành những kẻ “nói rỗng tuếch”, thích làm thầy dạy người khác nhưng chính bản thân “lại không hiểu cả điều mình nói lẫn điều mình xác quyết” (1,6-7).
SỰ GIAN KHỔ CỦA SỨ VỤ TÔNG ĐỒ (2Tm 2,1-13)
“Hỡi anh, người con của tôi, hãy nên mạnh mẽ trong ân sủng của Đức Kitô Giêsu” (2,1). Lời hiệu triệu này làm nên chủ đề chính của đoạn văn. Sứ vụ tông đồ là sứ vụ khó khăn, nhưng Timôthê đón nhận sức mạnh từ Thần khí Thiên Chúa để có thể chu toàn sứ vụ. Nhiệm vụ trước hết của sứ vụ là “những gì anh đã nghe tôi nói trước mặt các nhân chứng, thì hãy “trao lại” cho những người tín cẩn, những người sẽ có khả năng dạy cho người khác” (2,2). Động từ “trao lại” là một từ chuyên môn, vừa nhấn mạnh điều được trao lại là điều có tầm quan trọng đặc biệt, vừa đòi hỏi phải chuyển giao cách chính xác và trung thực. Thánh Phaolô đã dùng từ “trao lại” này khi nói về Thánh Thể và về sự phục sinh (1Cor 11,23; 15,3).
Sứ vụ tông đồ đòi hỏi nhiều hi sinh, nên thánh Phaolô kêu gọi Timôthê phải “đồng lao cộng khổ như một người lính giỏi của Đức Kitô Giêsu” (2,3), toàn tâm toàn ý với sứ vụ (2,4), chịu khó luyện tập (2,5) và cần mẫn làm việc như người nông dân trên đồng ruộng (2,6).
Cao điểm của đoạn văn là thánh thi (2,11-13) mời gọi chúng ta nên đồng hình đồng dạng với mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu, để được chia sẻ vinh quang với Người: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người” (2,11-12). Thánh Phaolô không chỉ kêu gọi nhưng chính ngài đã sống xác tín đó: “Vì Tin Mừng, tôi phải chịu khổ, tôi còn phải mang xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích” (2,9).
Trong thánh thi này, có một câu khó hiểu (câu 12b-13). Câu 12b viết: “Nếu ta chối bỏ Người, Người sẽ chối bỏ ta”. Đây cũng là lời cảnh cáo quen thuộc trong sách Tin Mừng (Mt 10, 32-33). Nhưng câu 13 lại viết rằng “Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình”. Phải hiểu thế nào về điều có vẻ mâu thuẫn này? Thánh Phaolô thường xuyên nhấn mạnh sự trung tín của Chúa (1Cor 1,9; 10,13; 1Thes 5,24). Tuy nhiên sự trung tín ở đây là Thiên Chúa trung tín với lời hứa cứu độ con người qua đức tin, chứ không có nghĩa là Chúa không xét xử tội lỗi của con người. Nếu con người cố tình chối bỏ tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, thì Ngài cũng chối bỏ họ, hoặc nói cách khác, tình yêu cứu độ của Thiên Chúa trở thành vô ích cho họ.
(Audio: Anh Tuấn)
[…] Tuần 104: Thư 1 & 2 Timôthê – Thư gửi Titô […]