Tuần 102 SÁCH CÔNG VỤ TÔNG ĐỒ (Chương 9-18)
CUỘC TRỞ LẠI CỦA THÁNH PHAOLÔ (9,1-9)
Đối với những biến cố quan trọng, thánh Luca thường kể lại đến 3 lần, mỗi lần có khác nhau một chút về chi tiết. Cũng thế, Luca không những kể lại trình thuật Chúa kêu gọi Phaolô ở đây (9,1-9) mà còn ở chương 22,3-21 và chương 26,9-20. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của ơn gọi này cũng như ý nghĩa hàm chứa bên trong.
Khi so sánh ba trình thuật về ơn gọi của Phaolô, người ta thấy điều cốt lõi của sự kiện vẫn được giữ nguyên. Vị thượng tế truyền lệnh cho Saulê bắt và giải những người theo Đạo về Giêrusalem (9,2). “Đạo-Con Đường” có lẽ là tên gọi đầu tiên dành cho các Kitô hữu. Trên đường đi Damas, Saulê bị quật ngã ngựa, luồng ánh sáng từ trời bao phủ ông và ông nghe tiếng nói: ‘Saulê, Saulê, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” Chỉ một mình Saulê thấy ánh sáng và nghe tiếng gọi, cũng giống như những lần Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức và Fatima, chỉ có những người trong cuộc mới nhìn thấy Đức Mẹ. Trong Cv 9,7, những người cùng đi với Phaolô chỉ nghe tiếng nói, còn trong Cv 22,9 và 26,13-14, họ chỉ thấy ánh sáng. Xem ra thánh Luca không bận tâm về những chi tiết này. Điều quan trọng là cả ba trình thuật đều nhấn mạnh Phaolô có sứ mạng làm chứng về Chúa cho dân ngoại.
“Saulê, Saulê, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” Tiếng nói này khẳng định Đức Kitô tự đồng hóa mình với các Kitô hữu (có thể so sánh với Mt 25,31-46). Điều gì người ta làm cho các Kitô hữu là làm cho chính Đức Kitô. Trong cả ba trình thuật, thánh Luca đều nhắc đến chi tiết này, chứng tỏ tầm quan trọng hàm chứa bên trong. Thật vậy, đây là kinh nghiệm thiêng liêng sâu sắc với thánh Phaolô. Sau này, chính ngài – chứ không ai khác – sẽ khai triển suy tư về Hội Thánh là Thân Mình mầu nhiệm của Đức Kitô.
Một ghi nhận khác cần quan tâm: Chúa trực tiếp gọi và hiện ra với Phaolô. Dù Ananias có tìm cách ngăn cản (9,13-14) nhưng Chúa vẫn yêu cầu ông phải đi gặp Phaolô, cũng như dù thánh Phêrô có chống chế, Chúa vẫn yêu cầu phải đến gặp Cornêliô (Cv chương 10). Tuy nhiên Ngài đòi hỏi Phaolô phải chịu phép Rửa và gia nhập cộng đoàn Hội Thánh. Như thế, dù Phaolô có kinh nghiệm gặp gỡ cá nhân với Thiên Chúa, ông vẫn cần phải sống đức tin trong Hội Thánh và thi hành sứ mạng trong sự hiệp thông với Hội Thánh.
Ngoài ra, thánh Luca thường xuyên nhấn mạnh đến cầu nguyện. Thiên Chúa can thiệp và chỉ dẫn Phêrô, Ananias, Phaolô hành động khi các ngài cầu nguyện. Ghi nhận này giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng của cầu nguyện: tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa khi chúng ta lắng nghe Ngài trong cầu nguyện.
MỞ RA CHO DÂN NGOẠI (10,1-43)
Chương 10 và 11 trong sách Công Vụ ghi lại những bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Hội Thánh. Hội Thánh không còn bị giới hạn trong cộng đồng người Do thái nhưng mở ra cho muôn dân. Chính Thiên Chúa là Đấng miễn chuẩn cho dân ngoại không phải chịu phép cắt bì theo luật Do thái. Bản thân thánh Phêrô cũng cảm thấy khó khăn khi đón nhận sáng kiến này, nhưng chính vì thế mới thấy rõ đây không phải là tư tưởng của loài người, mà là của Thiên Chúa. Thật vậy, chính Chúa đã truyền lệnh mọi nam nhân thuộc dân riêng của Ngài phải được cắt bì (St 17,10-14). Nay cũng chính Thiên Chúa rút lại lệnh truyền ấy vì đã đến thời cuối cùng, Thánh Thần được ban xuống tràn đầy trên mọi xác phàm (Cv 2,17-18; 10,44-47), và việc cắt bì trở thành không cần thiết. Cả hai thị kiến của Cornêliô và thánh Phêrô đều cho thấy sự can thiệp tỏ tường của Thiên Chúa trong bước ngoặt mới mẻ này.
Sau thị kiến của Cornêliô (10,1-8), thánh Phêrô có một thị kiến về thực phẩm. Ngài thấy những giống vật mà Cựu Ước cho là ô uế và cấm không được ăn (vd. Lêvi 11). Thế nhưng Chúa lại truyền lệnh hãy giết và ăn (10,13). Cũng như tiên tri Ezêkiel, Phêrô bày tỏ thái độ không chịu ăn những thứ ô uế. Chính lúc ấy, Thiên Chúa lên tiếng: “Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch thì ngươi chớ gọi là ô uế” (10,15). Và việc ấy xảy ra đến 3 lần, nghĩa là điều rất quan trọng. Câu 28 giúp ta hiểu được ý nghĩa của thị kiến này: “Quý vị thừa biết, giao du hay vào nhà một người khác chủng tộc là điều cấm kỵ đối với người Do thái. Nhưng Thiên Chúa đã cho tôi thấy là không được gọi ai là ô uế hay không thanh sạch”.
Những lời này cũng cho thấy những khó khăn mà các tông đồ nói chung, thánh Phêrô và Phaolô nói riêng, phải đối diện khi mở rộng vòng tay đón tiếp dân ngoại vào gia đình Hội Thánh. Theo truyền thống lâu đời, nhiều người bị cho là ô uế và không được tham dự những cuộc hội họp hoặc việc thờ phượng ở Đền thờ.. Họ là những người không giữ luật thanh tẩy, những người phong cùi, người Samari, người thu thuế và gái điếm. Tuy nhiên trong Tin Mừng Luca và sách Công Vụ, những người này lại được Chúa Giêsu và Thánh Thần thanh tẩy. Họ cũng được Thiên Chúa kêu gọi, nhưng trước hết họ phải được thanh tẩy để có thể đến gần Chúa. Việc thanh tẩy đó hàm nghĩa họ phải từ bỏ lối sống cũ: Lêvi không thu thuế nữa, người phụ nữ tội lỗi được yêu cầu không phạm tội nữa, dân ngoại phải bỏ lối sống vô luân. Chính Cornêliô cũng ý thức như vậy khi ông nói với thánh Phêrô: “Tất cả chúng tôi đang ở trước mặt Thiên Chúa, để nghe tất cả những gì Ngài đã truyền cho ông” (10,33).
CÔNG ĐỒNG GIÊRUSALEM (15,1-21)
Một số người Pharisêu gốc Giuđê đã gia nhập Kitô giáo nhưng họ chống đối việc đón nhận dân ngoại vào Hội Thánh mà không cần chịu phép cắt bì. Phaolô và Barnaba chủ trương ngược lại. Hội Thánh tại Antiôkia quyết định cử Phaolô, Barnaba và một vài người khác lên Giêrusalem gặp các Tông đồ và các kỳ mục để bàn về vấn đề này. Sự kiện này cho thấy ngay từ những thời kỳ đầu tiên, mọi người trong Hội Thánh đã nhìn nhận vai trò lãnh đạo của thánh Phêrô, và đã có sự hiệp thông chặt chẽ giữa các Hội Thánh địa phương với thánh Phêrô trong những vấn đề quan trọng của Hội Thánh.
Tại Công đồng Giêrusalem, các đại diện của Hội Thánh Antiôkia đã trình bày những thành quả, “những gì Thiên Chúa đã cùng làm với các ông” (15,4). Nhưng những Kitô hữu gốc Pharisêu yêu cầu “phải làm phép cắt bì cho người ngoại và truyền cho họ giữ luật Môsê” (15,6). Sau khi thảo luận sôi nổi, thánh Phêrô đưa ra quyết định. Ngài nhắc lại (lần thứ ba trong sách Công Vụ) rằng Thiên Chúa đã ban Thánh Thần cho các dân ngoại qua thừa tác vụ của ngài, và đã thanh tẩy tâm hồn họ bằng đức tin. Do đó họ không còn phải là những người ô uế hoặc không xứng đáng như một vài người Do thái nghĩ. Cuối cùng, ngài đưa ra khẳng định quan trọng: “Chính nhờ ân sủng của Chúa Giêsu mà chúng ta tin mình được cứu độ, cũng một cách như họ” (15,11). Khẳng định này là nguyên lý thần học hướng dẫn cách ứng xử của Hội Thánh đối với dân ngoại xin gia nhập Hội Thánh.
Thánh Giacôbê cũng đóng vai trò quan trọng trong công đồng. Ngài là anh em với Chúa Giêsu và là người lãnh đạo Hội Thánh tại Giêrusalem lúc ấy, được mọi người nhìn nhận là vị lãnh đạo mẫu mực. Vì thế tiếng nói của ngài có ảnh hưởng lớn với cộng đoàn. Trong diễn từ của mình, thánh Giacôbê cho thấy Kinh Thánh chấp thuận cách làm ở Antiôkia: “những lời của các tiên tri cũng phù hợp với điều ấy”, nghĩa là không bắt dân ngoại phải cắt bì khi họ gia nhập Hội Thánh. Ngài nhắc lời tiên tri Amos 9,11-12 để nhấn mạnh Kinh Thánh đã báo trước không những việc khôi phục Israel, mà cả sự hoán cải của “tất cả các dân ngoại” về với Chúa Giêsu. Tất cả đều ở trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Do đó, Kitô hữu không nên đặt những chướng ngại cho dân ngoại trở lại với Chúa, nhưng chỉ đề nghị họ kiêng cữ một số điều. Trong những điều kiêng cữ, có 3 điều liên quan đến thực phẩm: những thức ăn ô uế vì đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết, kiêng ăn tiết. Còn điều thứ tư liên quan đến vấn đề gian dâm (porneia trong tiếng Hi lạp). Từ porneia này có lẽ muốn nói đến việc hôn nhân giữa những người chung huyết thống và như thế là không hợp pháp theo luật Do Thái. Nhưng có những người khác lại cho rằng porneia muốn nói đến chuyện gian dâm mà người Do thái thường phê phán dân ngoại: ngoại tình, mãi dâm, đồng tính luyến ái…tất cả những thứ đó đều xói mòn đời sống gia đình.
Kết thúc Công đồng, các Tông đồ và các kỳ mục cùng với toàn thể Hội Thánh đã gửi một lá thư, có thể gọi là Quyết Nghị của các Tông đồ, cho Hội Thánh ở Antiôkia (15,23-29). Lá thư ấy đem lại niềm vui lớn cho cộng đoàn (15,31).
DIỄN TỪ CỦA PHAOLÔ TRƯỚC ĐỒI ARÊÔPAGÔ (17,16-34)
Ở Atêna, thánh Phaolô rao giảng Tin Mừng bằng hai cách: giảng cho người Do thái và những người kính sợ Chúa trong các hội đường, và thuyết trình ở nơi công cộng cho những người qua đường. Việc thánh Phaolô thuyết trình ở nơi công cộng cũng giống cách thế các triết gia thời đó thường làm, họ rao giảng cho bất cứ ai họ gặp trên đường.
Vào thế kỷ I, trong đế quốc Rôma, có nhiều tôn giáo và giáo phái mới xuất hiện, đặc biệt là từ phương Đông. Đối với người nghe, xem ra thánh Phaolô đang muốn giới thiệu một tôn giáo mới, tập trung vào nhân vật tên là Giêsu.
Thánh Phaolô đã có diễn từ nổi tiếng ở đồi Arêôpagô là nơi gặp gỡ của giới trí thức Atêna. Bài nói chuyện của ngài khác với nhiều bài giảng khác cho người Do thái. Khi giảng cho người Do thái, Phaolô lập luận khởi đi từ Thánh Kinh. Còn khi nói chuyện với các triết gia Hi Lạp, ngài trình bày những lập luận triết học nhưng vẫn bám rễ trong Thánh Kinh. Đây là điều mà các Kitô hữu phải học hỏi, nghĩa là vận dụng những bằng chứng trong thế giới tự nhiên để trình bày về Thiên Chúa. Trong Thánh Kinh Cựu Ước, không thiếu thứ “thần học tự nhiên” này, vì thế cả người Do thái lẫn các Kitô hữu đều không thấy gì là mâu thuẫn giữa thần học tự nhiên và chân lý mạc khải trong Thánh Kinh.
Mặc dù Cv 17,16 ghi nhận là Phaolô “nổi giận vì thấy thành phố nhan nhản những tượng thần”, nhưng trong diễn từ ở Arêôpagô, Phaolô lại ca tụng dân Atêna là sùng đạo (17,22). Từ đó, ngài nhắc đến bàn thờ “kính thần vô danh” và giới thiệu cho họ “Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ” (17,23). Ở đây Phaolô tỏ ra là một nhà hùng biện có tài!
Rồi thánh Phaolô giới thiệu vị Thiên Chúa siêu việt: “Đấng làm Chúa tể trời đất, không ngự trong những đền do tay con người làm ra…không cần được bàn tay con người phục vụ như thể Ngài thiếu thốn gì” (17,24-25). Đồng thời, vị Thiên Chúa siêu việt ấy lại là Đấng nội tại: “Ngài không ở xa mỗi người chúng ta…chính trong Ngài mà chúng ta sống, cử động, hiện hữu” (17,28).
Vị Thiên Chúa ấy, con người có thể nhận biết nhờ lý trí tự nhiên và nhờ mạc khải: “may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Ngài” (17,27). Thế nhưng sự phục sinh của Chúa Giêsu quả là điều hoàn toàn mới mẻ, cho cả người Do thái lẫn Hi lạp. Cho nên khi Phaolô nói đến sự sống lại thì “có kẻ nhạo cười, có kẻ nói: để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông nói” (17,32).
[…] Tuần 102: Sách Công vụ Tông đồ (chương 9 – 18) […]