🙏Xin quý cộng đoàn cầu nguyện cho linh hồn Vinh Sơn (Bố của tác giả website này) vừa được Chúa gọi về.🙏

0:00

0:00

Status:
Audio Bài giảng
Đạo diễn:
Bài Giảng của ĐGM Phêrô Nguyễn Khảm
Diễn viên:
Bài Giảng của ĐGM Phêrô Nguyễn Khảm
Thể loại:
Audio Bài giảng, Kinh Thánh 100 Tuần
Sản xuất:
Phim Công giáo HD
Thời lượng:
45 Phút
Năm phát hành:
2014

Tuần 100: Tin Mừng theo Thánh Luca (chương 19 – 24)

Tuần 100: TIN MỪNG THÁNH LUCA (Chương 19-24)

——o0o—–

CHÚA GIÊSU VÀ ĐỀN THỜ GIÊRUSALEM (19,45 – 20,8)

Tuần 100: Tin Mừng theo Thánh Luca (chương 19 – 24)

Với sự kiện Chúa Giêsu đến Giêrusalem, thảm kịch thập giá bắt đầu và diễn tiến rất nhanh cho đến cao điểm. Chúa Giêsu vào Đền thờ, thanh tẩy Đền thờ rồi giảng dạy tại đó. Trong bối cảnh này, cuộc xung đột với hàng lãnh đạo Do thái được đẩy lên cao trào (chương 20). Chúa nói đến ngày tận cùng của Giêrusalem và của thế giới (chương 21). Rồi đến những ngày khổ nạn của Chúa (chương 22-23) và cuối cùng là sự chiến thắng của cuộc xuất hành mới do Chúa Giêsu thực hiện (chương 24).

Trình thuật thanh tẩy Đền thờ không những được thánh sử Gioan mà cả Tin Mừng nhất lãm cũng ghi lại; trong đó, bài tường thuật của Luca ngắn nhất. Luca không mô tả những hoạt động mua bán và đổi tiền ở Đền thờ, cũng giảm nhẹ bầu khí xung đột. Ngài chỉ trích dẫn Isaia 56,7 và Giêrêmia 7,11 như lý do đủ để nói lên phản ứng của Chúa Giêsu: “Nhà Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành hang trộm cướp”.

Thanh tẩy Đền thờ là sự chuẩn bị nơi cho vị Thầy đích thực giảng dạy. Đền thờ trở thành trung tâm thi hành sứ vụ của Chúa Giêsu. Ngay ở đầu chương 20, thánh Luca ghi nhận sự thách thức của hàng lãnh đạo Do thái về quyền bính của Chúa: “Ong lấy quyền nào mà làm các điều ấy?” (20,2). Điều đó cho thấy Chúa Giêsu thi hành sứ vụ giảng dạy trong một bầu khí xung đột, không ngừng bị các đối thủ tấn công – nhóm Sađucê, Pharisêu, kỳ lão – và tìm cách triệt hạ.

Ở câu cuối của phần này, Luca cho biết: “Ban ngày, Chúa Giêsu giảng dạy trong Đền thờ, nhưng đến tối, Người đi ra và qua đêm tại núi gọi là núi Oliu” (21,37), hàm nghĩa Chúa Giêsu ở đó cầu nguyện trong mối hiệp thông sâu xa với Chúa Cha. Đây quả là mẫu mực cho đời sống của tất cả những ai dấn thân vào các hoạt động tông đồ.

TIỆC VƯỢT QUA (22,7-20)

Cũng như Marcô và Matthêu, Luca trình bày bữa Tiệc Ly như là tiệc Vượt Qua. Còn trong Tin Mừng Gioan, bữa Tiệc Ly diễn ra vào đêm trước lễ Vượt Qua, và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá xảy ra vào thời điểm người ta sát tế Chiên Vượt Qua.

Phêrô và Gioan được sai đi chuẩn bị mọi sự: nơi chốn, thức ăn, những thứ khác. Có lẽ Chúa Giêsu không nói rõ địa điểm vì muốn đề phòng Giuđa nghe được. Người cho Phêrô và Gioan một dấu hiệu: gặp một người đàn ông mang vò nước. Thông thường phụ nữ mới mang vò nước, còn đàn ông thì xách thùng.

Chúa Giêsu biết rằng “giờ đã đến” (22,14). Hành động của Người diễn tả sự tự hiến làm Chiên Vượt Qua mới. Người sẽ không ăn lễ Vượt Qua nữa “cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa” (22,16). Hội Thánh hiểu những lời này nói về bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu sắp thiết lập (22,19-20), và về bàn tiệc Nước Trời: “để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương quốc của Thầy” (22,30).

Trong bữa tiệc Vượt Qua, người ta thay nhiều đĩa và chén, kèm theo những lời nguyện và nghi thức. Chúa Giêsu cắt ngang nghi thức quen thuộc đó để hiến dâng chính mình cho các môn đệ dưới hình bánh rượu: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em… Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, đổ ra vì anh em” (22,19-20). Hành động này cho thấy Chúa Giêsu thiết lập Giao Ước mới. Trong giao ước cũ, sự kết hợp giữa Thiên Chúa và Dân được biểu tượng hóa bằng việc rẩy máu của một con vật (Xh 24,5-8). Ở đây, sự kết hợp được nên trọn vẹn nhờ máu của Đấng là Thiên Chúa và là con người. Các môn đệ được nhắn nhủ : “hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (22,19). “Làm việc này” bao hàm cả hai ý nghĩa: làm lại cử chỉ Chúa đã làm, và thực hành sự tự hiến thân mình.

CHÚA GIÊSU TỰ HIẾN TRÊN THÁNH GIÁ (22,32-49)

Thánh sử Luca không dùng từ “Golgotha” trong tiếng Aram, nhưng chỉ gọi đơn sơ là “Đồi Sọ” ((23,33), nơi Chúa Giêsu bị hành hình. Người bị đóng đinh cùng với hai tên gian phi, như Chúa đã báo trước: “Cần phải ứng nghiệm nơi bản thân Thầy lời Kinh Thánh đã chép: Người bị liệt vào hàng phạm nhân” (Lc 22,37; Is 53,12). Khi mọi người nghĩ rằng trong cơn đau đớn cùng cực, Chúa Giêsu sẽ thốt lên những lời nguyền rủa và thóa mạ, thì Người lại cất lời cầu xin ơn tha thứ cho những kẻ làm khổ mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (23,34). Lời cầu nguyện này trở thành mẫu mực và điểm son ghi dấu các vị tử đạo trong Kitô giáo, cụ thể là thánh Têphanô (Cv 7,60). Chi tiết “họ lấy áo của Người chia ra mà bắt thăm” (23,34) gọi về lời Thánh vịnh 22,19 “Ao mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn”.

Trong cái chết của Chúa Giêsu, thánh Luca nhấn mạnh sự thù nghịch và ghen tị của hàng ngũ lãnh đạo Do thái: “Họ buông lời cười nhạo: Hắn đã cứu người khác thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn” (23,35). Luca không dùng từ “Vua Israel” như Marcô và Matthêu (Mc 15,32; Mt 27,42) nhưng dùng từ “người được tuyển chọn” là từ đã dùng trong trình thuật Chúa Giêsu biến hình (Lc 9,35). Lính tráng đưa giấm cho Người uống, một cử chỉ có thể được xem là tử tế dành cho phạm nhân bị đóng đinh và đang khát cháy cổ, nhưng cử chỉ này trở thành sự cười nhạo khi cùng với việc đưa giấm cho Người uống, họ nói: “Nếu ông là vua dân Do thái, thì hãy cứu mình đi” (23,37).

Trình thuật về người gian phi sám hối là trình thuật riêng của thánh Luca. Người gian phi trách mắng tên gian phi khác vì cười nhạo Chúa Giêsu, và anh ta nài xin Chúa Giêsu: “Khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi” (23,42). Lời cầu xin này diễn tả vương quốc mêsia mà người Do thái trông mong, nay đã đến. Trong thần học của Luca, lời cầu này còn muốn nói đến Chúa Giêsu được tôn vinh qua sự phục sinh và thăng thiên. Đáp lại, Chúa Giêsu hứa cho anh được ở với Người, ngay hôm nay, trên Thiên Đàng; vì cái chết của Chúa là sự khởi đầu cuộc xuất hành mới (Lc 9,31).

Khi Chúa Giêsu sắp trút hơi thở cuối cùng, thì tăm tối bao trùm, màn trong Đền thờ bị xé ngay chính giữa (23,45). Đó là bức màn ở giữa Nơi Thánh và Nơi Cực Thánh; như thế, bằng cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã mở một con đường mới dẫn đến ngai Thiên Chúa. Người trút hơi thở cuối cùng với tâm tình hoàn toàn phó thác nơi Thiên Chúa: “Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con” (Tv 31,6; Lc 23,46).

Chứng kiến những gì xẩy ra, viên đại đội trưởng khẳng định Chúa Giêsu vô tội: “Ông này đích thực là người công chính” (23,47). Luca dùng từ “người công chính” thay vì “Con Thiên Chúa” như trong Mc 15,39 và Mt 27,54. Dân chúng “đấm ngực trở về” (23,48) hàm nghĩa vừa buồn phiền khi chứng kiến một người vô tội phải chết, vừa hối hận vì sự sai trái của mình. Thánh Luca không kể lại việc các môn đệ chạy trốn (Mc 14,50; Mt 26,56), ngài chỉ ghi nhận họ “đứng đàng xa” quan sát và theo dõi sự kiện. Lại chẳng phải là điều đáng cho mỗi Kitô hữu suy nghĩ sao, vì sự bàng quan, vô cảm, đứng đàng xa, của chúng ta khi chứng kiến những khổ đau mà Hội Thánh Chúa và bao nhiêu người vô tội đang phải chịu?

TRÊN ĐƯỜNG EMMAUS (24,13-35)

Hai môn đệ Emmaus đã cùng có mặt với Nhóm Mười Một vào sáng ngày thứ nhất trong tuần, “cùng ngày hôm ấy” (24,13), nghĩa là họ đã nghe câu chuyện của các phụ nữ và của Phêrô. Thánh Luca biên soạn trình thuật này theo cùng một lược đồ như câu chuyện về viên thái giám người Ethiopia được Philip rửa tội: trên đường đi, giải thích Kinh Thánh, hành động đặc biệt, sự biến mất lạ lùng (Cv 8,26-40).

Chúa Giêsu xuất hiện như một khách hành hương từ Giêrusalem về. Hai môn đệ không nhân ra Người. Mắt họ “còn bị ngăn cản” (24,16). Đây là thuật ngữ diễn tả sự mù lòa thiêng liêng. Nhiều trình thuật về Chúa Kitô phục sinh cho biết Người nhìn rất khác (Mc 16,12; Ga 20,14; 21,4). Chắc chắn thân xác của Đấng Phục sinh đã được biến đổi, nhưng điểm chính yếu ở đây là cần phải có cặp mắt mới, cặp mắt của đức tin, mới nhận ra Người. Thật vậy, dù chúng ta có những chứng từ đáng tin cậy về sự gặp gỡ Chúa Phục sinh, nhưng cần phải hiểu rằng việc gặp Chúa, thấy Chúa, không phải là do cặp mắt tự nhiên, nhưng do đức tin.

Hai môn đệ buồn rầu vì cái chết của Chúa Giêsu và lấy làm lạ là tại sao một sự kiện kinh thiên động địa như thế mà ông khách bộ hành lại không biết (24,18). Trong số hai môn đệ, có một người được nêu tên là Cleopas; có lẽ sau này Cleopas nắm một vai trò quan trọng trong cộng đoàn Kitô hữu. Họ mô tả Chúa Giêsu là vị tiên tri đầy uy thế, vị tiên tri được mong chờ đã lâu ((Lc 24,19; Đnl 18,15; Cv 7,22). Họ còn hi vọng Người không chỉ là vị tiên tri mà còn là “Đấng sẽ giải thoát Israel” (24,21). Thế mà “các thượng tế và thủ lãnh đã nộp Người…” (24,20). Trách nhiệm của hàng lãnh đạo lại được nhấn mạnh.

Hai môn đệ cũng đã nghe kể về ngôi mộ trống, nhưng sự kiện ấy chỉ làm họ kinh ngạc chứ không làm cho họ tin rằng Chúa đã sống lại (24,22-24). Thật ra, sự phục sinh mà người Do thái trông mong là chiến thắng phổ quát của người công chính vào thời điểm tận cùng lịch sử, chứ không phải là sự phục sinh cá nhân trong thời gian của lịch sử.

Chúa Giêsu trách mắng hai môn đệ: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các tiên tri” (24,25). Họ đã đọc sách các tiên tri nhưng lại không nhận ra rằng trong chương trình của Thiên Chúa, phải đi qua thập giá mới đạt đến vinh quang. Cho nên Đấng phục sinh “giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (24,27).

Các môn đệ ngỡ ngàng khi nghe Chúa Giêsu giải thích Kinh Thánh và họ nài xin Chúa “ở lại” với họ (24,29). Động từ “ở lại” mang ý nghĩa rất phong phú, vd. trong Tin Mừng Gioan (Ga 14,17; 15,4-10). Khi dùng bữa với họ, Chúa Giêsu “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ” (24,30). Cử chỉ này nhắc đến phép lạ hóa bánh ra nhiều (Lc 9,16) và Bữa Tiệc Ly (22,19). Chính trong “việc bẻ bánh” (tên gọi ban đầu của cử hành Thánh Thể – Cv 2,42,46) mà hai môn đệ nhận ra Chúa, nhưng Người biến mất khỏi tầm nhìn tự nhiên của họ. Họ nhớ lại lòng mình đã bừng cháy khi nghe Chúa giải thích Kinh Thánh (24,32) mà không biết tại sao. Bây giờ họ hiểu được là mình đã gặp gỡ Đấng Phục sinh. Cũng vậy, người Kitô hữu gặp được Đấng Phục sinh khi cử hành Thánh Thể và đọc Sách Thánh.

Kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục sinh không thể giấu kín, nhưng phải được chia sẻ và loan báo (Cv 4,20). Khi hai môn đệ về đến Giêrusalem thì Tin Mừng Phục sinh đã được công bố: “Chúa sống lại thật rồi và đã hiện ra với ông Simon” (24,33). Thánh Luca không kể lại việc này, nhưng kết thúc trình thuật bằng việc nhấn mạnh đến bí tích Thánh Thể: “Hai ông huật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” (24,35).

(Audio: Anh Tuấn)

Theo dõi
Thông báo
guest

1 Bình luận
Mới nhất
Cũ nhất Bình chọn nhiều nhất
Inline Feedbacks
View all comments
trackback

[…] Tuần 100: Tin Mừng theo Thánh Luca (chương 19 – 24) […]

Xem thêm...

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors
Search in posts
Search in pages
Filter by Categories
Abouts
Audio Bài giảng
Bài giảng
Blog
Các Vua
Chúa Giêsu
Cựu ước
Gương Chúa Giêsu
Hạnh các Thánh
Hoạt hình
Hoạt hình Công giáo
Hôn nhân
Kinh thánh
Kinh Thánh 100 Tuần
Lời Chúa
Lòng thương xót Chúa
Mẹ Fatima
Mẹ Lộ Đức
Mẹ Maria
Mùa Chay
Mùa Giáng sinh
Mùa Phục sinh
Mùa thường niên
Mùa vọng
Phim Công giáo
Phim Cựu ước
Phim Giáo dục Đức Tin
Phim Giáo dục gia đình
Phim Tân ước
Phút cầu nguyện
Quà tặng cuộc sống
Sách Audio
Suy niệm
Suy niệm năm A
Suy niệm năm C
Tâm lý - Tình cảm
Tân Ước
Tạo dựng
Thần học Online
Thánh ca Mp3
Thánh Giuse
Thánh Nhân
Thủ lãnh
Tiên tri
Tin tức
Tổ phụ
Video Công giáo
Video Thánh ca
Video Ý nghĩa
VietCatholic New