Thánh Vịnh tạ ơn | Bài Giảng của ĐGM Phêrô Nguyễn Khảm tuần 75 Thánh Vịnh tạ ơn.
Tuần 75: THÁNH VỊNH (tiếp theo)
I. THÁNH VỊNH TẠ ƠN
1. Đặc điểm
Trong Thánh Kinh, tạ ơn không có nghĩa là nói câu “cảm ơn” nhưng là công khai loan báo về ơn giải thoát mình đã nhận. Người nghe loan báo sẽ nhận ra quyền năng Chúa và ngợi khen Chúa, vinh quang Chúa sẽ được tỏ hiện. Hiểu như thế, trong các Thánh vịnh này, trước hết tác giả dâng lời tạ ơn rồi ngay sau đó mô tả hành động giải thoát của Chúa: sống trong cảnh cùng quẫn, kêu cầu Chúa trợ giúp, và được cứu thoát.
2. Một vài Thánh vịnh tạ ơn
Thánh vịnh 40
Tác giả Thánh vịnh mô tả ơn giải thoát của Chúa bằng những từ ngữ cụ thể, “Người kéo tôi ra khỏi hố diệt vong, khỏi vũng lầy nhơ nhớp, đặt chân tôi đứng trên tảng đá, làm cho tôi bước đi vững vàng” (câu 3).
Câu 4 xác định rằng ngay cả việc tạ ơn cũng là hồng ân Chúa ban vì “Chúa cho miệng tôi hát bài ca mới, bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta.”
Việc ca tụng đó trở thành lời chứng trước mặt mọi người về Thiên Chúa, “Thấy thế, nhiều người sẽ kính sợ và tin tưởng vào Chúa.”
Sau đó, tác giả liên kết ơn giải thoát mà mình được lãnh nhận với những kỳ công Chúa thực hiện trong lịch sử của Dân Chúa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, những kỳ công Ngài đã thực hiện và những điều Ngài dự định cho chúng con, thật nhiều vô kể” (câu 5-6).
Trong câu 7-9, người được giải thoát muốn dâng lễ phẩm cho Chúa nhưng xác định ngay rằng Chúa yêu thích sự vâng phục hơn là của lễ. Khẳng định này nhắc ta nhớ đến lời của Samuel nói với vua Saulê (1Sam 15,22). Của lễ tốt đẹp nhất là hiến dâng chính mình, “Này con xin đến. Trong sách có lời chép về con rằng con thích làm theo thánh ý, và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con.”
Như thế, người được giải thoát sẽ vào Đền thánh dâng lời tạ ơn, không phải bằng những lễ tế nhưng bằng bài ca mới và sự tận trung với Lề luật: “Đức công chính của Ngài, con loan truyền giữa lòng đại hội… Lòng thành tín và yêu thương của Ngài sẽ giữ gìn con mãi.”
Tác giả thư Do thái đã nhắc lại những tâm tình trong Thánh vịnh này và cắt nghĩa, “Trước hết Đức Kitô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề luật truyền. Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. Theo ý đó, chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ” (Dt 10, 8-10).
Thánh vịnh 139
Đây là Thánh vịnh tạ ơn, trong đó tác giả kể lại sự chăm sóc Chúa dành cho mình (câu 1-18); kèm theo là một lời than vãn và xin Thiên Chúa trừng phạt tội nhân (câu 19-24).
Tác giả Thánh vịnh nhận biết cách sâu sắc sự hiện diện và ánh nhìn yêu thương của Chúa: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi…” (câu 1-6).
Sự hướng dẫn của Chúa mọi nơi mọi lúc và sự quan phòng của Chúa trên chính bản thân: “Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài, lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan?…”(câu 7-12).
Câu 17-18 tóm kết lại, nói lên nỗi ngỡ ngàng khâm phục: “Lạy Chúa, con thấy tư tưởng Ngài khó hiểu biết bao, tính chung lại, ôi nhiều vô kể. Đếm sao nổi vì nhiều hơn cát, dù có đếm xong, con vẫn ở với Ngài.”
Duy nhất chỉ có một điều có thể làm cho ta xa cách Chúa, đó là tội lỗi. Các câu 19-24 nói về tội lỗi: “Ước gì bọn khát máu đi cho khuất mắt con… Lạy Chúa, kẻ ghét Ngài, làm sao con không ghét? Làm sao con không tởm kẻ đứng lên chống Ngài?”;
Và tác giả cầu xin Chúa, “Lạy Chúa, xin dò xét con để biết rõ lòng con, xin thử con cho biết những điều con cảm nghĩ. Xin Ngài xem con có lạc vào đường gian ác, thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời.”
II. THÁNH VỊNH NGỢI KHEN
Những Thánh vịnh này có cấu trúc đơn giản: một lời mời gọi thờ phượng và ngợi khen, ví dụ Tv 117 “Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa. Ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Ngài”. Phần chính của Thánh vịnh trình bày những lý do ca ngợi Chúa, thường bắt đầu bằng từ “vì”; ví dụ “Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt, lòng thành tín của Người bền vững muôn năm” (Tv 117).
Một Thánh vịnh quen thuộc: Thánh vịnh 8
Thánh vịnh mở đầu bằng tâm tình ngợi khen: “Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay Danh Chúa trên khắp cả địa cầu” (c.2).
Lý do dâng lời ngợi khen là vì Chúa đã ban cho con người phẩm giá, trách nhiệm cao quý: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?” (câu 4-5).
Ở đây có thể đối chiếu với Kn 1,1 – 2,3 để cảm nghiệm sâu sắc hơn sự vĩ đại của công trình tạo dựng và địa vị cao cả mà Thiên Chúa ban cho con người: “Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (câu 6-7).
Tất cả chỉ để lời ca tụng ngợi khen càng vút cao hơn nữa: “Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con, lẫy lừng thay Danh Chúa trên khắp cả địa cầu” (câu kết).
Bài đọc thêm
NHỮNG CHỦ ĐỀ CHÍNH TRONG SÁCH THÁNH VỊNH
I. THIÊN CHÚA
Rõ ràng Thiên Chúa là chủ đề lớn nhất của các Thánh vịnh đến nỗi có thể nói rằng các Thánh vịnh chỉ nói với Chúa và về Chúa. Mọi chủ đề khác cuối cùng cũng hướng về Chúa: thế giới này hiện hữu là do Ngài và phải tôn vinh chúc tụng Ngài; dân Israel là dân được Chúa tuyển chọn, dẫn đưa, yêu thương và trừng phạt trong suốt dòng lịch sử; mỗi tín hữu được Ngài dẫn từng bước đi. Quả thật, Thiên Chúa hiện diện trong từng lời, từng chữ của các Thánh vịnh.
Khi nói về Chúa, các Thánh vịnh có thể sử dụng ngôn ngữ như nhân, diễn tả Thiên Chúa bằng những kinh nghiệm và tình cảm của con người. Tuy nhiên đây chỉ là hình ảnh, còn tự thâm sâu, tác giả Thánh vịnh ý thức rõ ràng Thiên Chúa siêu việt trên mọi thụ tạo của Ngài. Tính siêu việt này gắn với tính độc nhất, nghĩa là chỉ một mình Chúa là Thiên Chúa. Hẳn nhiên có những cách diễn tả như Thiên Chúa siêu việt trên các thần (Tv 136,2-3; 97,7-9), hoặc nói đến những hữu thể thiêng liêng, có khi nói đến những hữu thể thần linh (Tv 8,6), nhưng toàn bộ sách Thánh vịnh cho thấy khẳng định độc thần giáo rất rõ ràng. Còn về ma quỷ, trong văn bản Hip-ri, ma quỷ không bao giờ được gọi tên rõ ràng nhưng chỉ được diễn tả là thù địch của Chúa, là những quyền lực xấu xa đe doạ và bách hại các tín hữu.
Một đàng, Thiên Chúa siêu việt trên các loài thụ tạo; đàng khác, Ngài lại liên hệ gần gũi với thụ tạo của Ngài. Ngài quan phòng lo liệu không những cho thế giới vật chất này có trật tự, mà còn để bảo vệ sự công bằng trên trái đất. Với người công chính, Ngài là Đấng bảo vệ và trả thù thay cho họ; với người tội lỗi có lòng hối cải ăn năn, Ngài là chốn nương thân; với kẻ nghèo hèn khiêm tốn, Ngài là lòng thương xót, từ tâm và nhân hậu.
II. ƠN CỨU ĐỘ
Thiên Chúa hứa ban Ơn Cứu độ cho con người, nghĩa là một ngày nào đó Ngài sẽ can thiệp để bảo đảm sự chiến thắng của người công chính trên kẻ bất lương, và khai mạc triều đại của Ngài trong một thế giới mới. Lời hứa này chưa rõ nét trong những bản văn xa xưa, nhưng ngày càng rõ ràng hơn. Ơn Cứu độ sẽ đến tại Sion, núi thánh của Chúa. Ơn Cứu độ sẽ đến từ dòng dõi Đavít. Rõ hơn nữa, ngày nào đó, một người thuộc dòng dõi Đavít sẽ là Đấng Mêsia, vừa là Vua vừa là Tư tế, và sẽ thực hiện nơi chính bản thân mình tất cả mọi lời tiên tri. Đấng Mêsia đó sẽ bị bách hại nhưng Người sẽ chiến thắng. Người sẽ là vị vua hoà bình, mang nơi mình mọi nhân đức của vị vua lý tưởng, với trách nhiệm chăn dắt và xét xử toàn thế giới. Những mô tả về thời đại Đấng Mêsia cho ta thoáng thấy một triều đại mới, khi các dân tộc tuôn đổ về Sion và phủ phục trước Thiên Chúa của Israel.
III. CON NGƯỜI
Trước nhan Thiên Chúa, con người thật nghèo nàn và đáng thương. Trong rất nhiều Thánh vịnh, con người cất tiếng than van về nỗi khốn cùng của mình. Nhưng con người không bị bỏ rơi trong tuyệt vọng. Nhờ cầu nguyện, họ đón nhận phúc lành và sự đỡ nâng của Đấng Tạo hoá. Thiên Chúa giải thoát họ và họ dâng lời chúc tụng tạ ơn Ngài.
Đời sống luân lý hệ tại việc thực thi công chính, tuân giữ Lề luật, và tham dự việc thờ phượng. Những việc này không đối kháng nhau; đúng hơn đó là những mặt khác nhau của cùng một lý tưởng. Đền thờ được nhắc đến trong những Thánh vịnh cổ xưa cũng như những Thánh vịnh sau này. Vào thời sau này của Do thái giáo, việc nghiên cứu và suy niệm lề luật chiếm vị trí quan trọng trong đời sống người công chính, nhưng đây cũng không phải là điều gì hoàn toàn mới mẻ; đúng hơn, chỉ là nhấn mạnh một khía cạnh trong tôn giáo của các tổ phụ.
IV. THƯỞNG PHẠT
Vấn đề thưởng phạt là chủ đề rất quan trọng trong toàn bộ lịch sử tôn giáo của Israel, do đó không nên ngạc nhiên khi thấy chủ đề này có mặt trong hầu hết các Thánh vịnh. Phần lớn các Thánh vịnh phản ánh quan niệm truyền thống của dân Israel, cho rằng lòng đạo và hạnh phúc đi đôi với nhau, còn đau khổ dứt khoát là hình phạt cho sự ác. Thế nhưng kinh nghiệm thực tế xem ra lại không như thế, và tác giả Thánh vịnh có thể có nhiều thái độ khác nhau: có khi tác giả khẳng định rằng sự thất bại của người công chính chỉ là thất bại bên ngoài thôi, ngược lại thành công của kẻ tội lỗi chỉ là thành công thoáng qua; có khi chứng kiến sự bất công thì tác giả cảm thấy bất nhẫn và than thở với Chúa, xin Ngài can thiệp; có khi tác giả nói đến sự thưởng phạt của Chúa trong tương lai xa.
Tuy nhiên ta nên cẩn trọng khi nói đến niềm tin vào đời sống tương lai được diễn tả trong các Thánh vịnh. Thật vậy, tác giả Thánh vịnh vẫn giữ những ý tưởng truyền thống về chủ đề này, nghĩa là nói đến sheol như nơi chốn bị lãng quên, xa cách thánh nhan Chúa, chứ không phải là sự phục sinh như ta hiểu ngày nay.
Trên đây là một vài chủ đề lớn trong sách Thánh vịnh, cũng là những mối quan tâm lớn trong đời sống Kitô hữu. Chính vì thế, Thánh vịnh luôn có mặt trong kinh nguyện của Hội Thánh, đồng thời thích hợp cho mọi người ở mọi nơi và mọi thời.
(Audio: Anh Tuấn)
[…] Tuần 75: Thánh Vịnh tạ ơn […]