Tuần 69: SÁCH MACABÊ 2
Sách Macabê 2 | Bài Giảng của ĐGM Phêrô Nguyễn Khảm
I. ĐỀN TỘI CHO NGƯỜI ĐÃ CHẾT (2 Mc 12,38-46)
1. Đọc bản văn- 12,38-41:
Sau ngày Sabát, Giuđa và các bạn chuẩn bị an táng cho những người đã chết trong cuộc chiến. Tuy nhiên trong áo trận của mỗi tử thi, người ta đều tìm thấy những đồ vật được dâng cúng cho các thần ngoại. Có thể vì họ tin rằng mang những đồ vật đó sẽ đem lại may mắn. Thế nhưng đó lại là điều Lề luật cấm. Do đó người ta hiểu rằng những người này chết là vì tội lỗi đã phạm (xem thêm Joshua chương 7).
– 12,42: Những người còn sống được nhắc nhở để đừng phạm những tội trên, đồng thời họ cầu nguyện xin Chúa tẩy sạch tội lỗi đã phạm.
– 12,43-45: Ông Giuđa quyên góp tiền bạc để gửi về Giêrusalem xin dâng hy lễ tạ tội. Tác giả nhấn mạnh lý do của hành động này là niềm tin và hi vọng vào sự phục sinh.
2. Cầu nguyện cho người quá cố
Giáo huấn của Thánh Gregorio Cả : “Đối với một số tội nhẹ, phải tin là trước phán xét chung có lửa thanh luyện. Chúa Giêsu xác nhận: nếu ai nói phạm đến Chúa Thánh Thần, người ấy sẽ chẳng được tha cả đời này lẫn đời sau (Mt12,31). Qua khẳng định này, chúng ta có thể hiểu là một số tội có thể được tha ở đời này, nhưng một số tội khác thì phải đợi tới đời sau.”
Sự kiện ông Giuđa Macabê xin dâng hy lễ cầu nguyện cho những người đã chết là nền tảng Kinh Thánh cho tập quán cầu nguyện cho những người đã chết. Hội Thánh Công giáo khuyên con cái mình dâng Thánh Lễ, làm các việc bác ái, hãm mình, và nhường các ân xá cho những người đã qua đời: “Chúng ta hãy giúp họ và hãy nhớ đến họ.
Nếu các con của ông Gióp đã được thanh luyện nhờ việc hiến lễ của cha (x.G 1,5), tại sao chúng ta còn nghi ngờ là những lễ tế chúng ta dâng lên Thiên Chúa lại không đem đến cho những người đã chết một phần an ủi nào? Đừng do dự giúp đỡ và cầu nguyện cho những người đã qua đời” (Thánh Gioan Kim Khẩu).
II. CUỘC TỬ ĐẠO CỦA BẢY ANH EM (2 Mc 7,1-42)
Đây là trình thuật được biên soạn công phu. Trong truyền thống Do thái, số 7 tượng trưng cho sự hoàn hảo, vì thế trình thuật này là câu truyện về một gia đình hoàn hảo. Toàn bộ trình thuật làm nổi bật ý tưởng then chốt này là việc tuân giữ Lề luật còn quan trọng hơn chính sự sống. Những câu trả lời của bảy anh em hàm chứa những lý luận thần học biện minh cho việc tuân giữ Lề luật của Chúa:
– Thà chết còn hơn là vi phạm Lề luật (câu 2)
– Nhà vua có thể tước đoạt mạng sống nhưng chính Thiên Chúa sẽ làm cho kẻ tin sống lại để hưởng sự sống đời đời (câu 9)
– Nhà vua có thể cắt đi các phần thân thể nhưng Thiên Chúa sẽ ban lại (câu 11)
– Chết vì niềm tin sẽ đem lại phục sinh, còn nhà vua sẽ không được hưởng sự sống đời đời (câu 14)
– Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi dân Người và sẽ trừng phạt kẻ gian ác (câu 17)
– Chấp nhận cực hình như hình phạt của tội (câu 18)
Cách riêng, hình ảnh bà mẹ làm ta xúc động, không những vì sự can đảm của bà mà nhất là vì những tâm tình bà nói với các con, khuyến khích các con can đảm đón nhận mọi hình khổ. Những lời khuyên của bà phản ánh niềm tin mãnh liệt vào Thiên Chúa là cội nguồn và cùng đích của sự sống: “Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con thần khí và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo mọi sự. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con thần khí và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Lề luật của Người hơn bản thân mình” (7,22-23).
Khi chỉ còn lại người con út và mạng sống người con đó cũng đang bị đe doạ, bà vẫn can đảm thuyết phục con vừa bằng tình thương mẫu tử “Con hãy thương mẹ, chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm,” lại vừa bằng những lý lẽ của đức tin: “Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này, nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ” (7,28-29).
Bao lâu còn có những người mẹ như thế, đức tin sống động vẫn được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bao lâu còn có những người mẹ như thế, thì mới hi vọng những giá trị Tin Mừng được thấm nhập vào đời sống xã hội. Người mẹ tuyệt vời này lại chẳng phải là mẫu mực cho đời sống gia đình Công giáo hay sao?
(Audio: Anh Tuấn)
[…] Tuần 69: Sách Macabê 2 […]