- Quyển 1: Những tư tưởng hữu ích cho đời sống linh hồn
- Quyển 2: Đời sống nội tâm
- Quyển 3: Sự an ủi nội tâm
- Quyển 4: Lời mời đến sự hiệp thông thánh thiện
Lời Dịch Giả
Tác giả ”GƯƠNG CHÚA GIÊSU” đã không để một lời tựa cho tác phẩm của mình.
Đáng lý vì tôn trọng cuốn sách tuyệt tác này, một cuốn sách mà nhiều học giả đã không ngần ngại đặt liền sau Bộ Phúc Âm Thư, tôi cũng không cần và cũng không dám viết gì thêm.
Nhưng với hy vọng phổ cập tới mọi tầng lớp quần chúng, tôi thấy không thể không có mấy lời giới thiệu. Phải chăng đây chỉ là cố gắng đặt tác phẩm vào địa vị xứng đáng của nó.
Trong khắp Giáo Hội Âu Châu-nhất là mấy thế kỷ trước-GƯƠNG CHÚA GIÊSU đã là cuốn sách thân yêu của giáo hữu, nhất là của giới tu sĩ. Nó đã được hân hạnh góp phần vào việc tác tạo nên những vị Thánh thời danh, như Inhaxiô, Phanxicô, Têrêsa…
Điều đó không có gì lạ.
Một đàng vì lúc ấy-cũng là hoàn cảnh hiện tại của giáo hữu Việt Nam-những sách tu đức còn ít phổ thông, những vị linh hướng chưa có đủ để cung cấp cho sở nguyện riêng của mỗi người. Trong hoàn cảnh đó, GƯƠNG CHÚA GIÊSU đã xuất hiện, để trở nên cuốn Tu đức học phổ thông và kim chỉ nam cho bất cứ những ai muốn và đang đi tìm đường trọn hảo.
Đàng khác-và đây là điểm đặc sắc nhất, vì GUƠNG CHÚA GIÊSU hàm chứa một giáo lý đầy đủ, minh bạch và những phương pháp thực hành thích dụng cho mọi tầng lớp và mọi thời đại.
Điều đó thật dễ hiểu. Vì trong khi các sách tu đức học-với tính cách giáo khoa-chỉ chú trọng nhiều ở nguyên tắc mà ít lưu tâm giữ vững ngọn lửa sùng ái trong tâm hồn;điều mà hết thảy, nhất là những người phôi thai trong đường trọn lành, hằng mong ước. Còn các sách đạo đức khác, nhất là các sách chuyên cứu về những phong trào sùng mộ riêng trong khi hấp dẫn được linh hồn, thì hầu như lại thiếu hẳn tích cách hướng dẫn; một điều kiện tất yếu của mọi sách tu đức. Vì thế-cũng như loại sách trên-nó chỉ thoả mãn được từng phương diện và từng lớp người.
Trái lại, ngoài sức hướng dẫn sẵn có, vì căn cứ trên những lời bất hủ của chính Đấng tự xưng là: ”Đường và Chân lý”, GƯƠNG CHÚA GIÊSU còn có một sức hấp dẫn dồi dào, mãnh liệt và bền bỉ, một sức hấp dẫn hình như trào ra bởi chính ngọn lửa sốt mến của tác giả và nhuần thấm vào từng trang từng chữ trong sách. Nó đã và còn đang có sức thiêu đốt và lôi kéo bất cứ những ai tin tưởng bước theo những lời chỉ dẫn của sách này.
Ngoài ra, nếu xét về phương diện xử thế, GƯƠNG CHÚA GIÊSU còn là tất cả một khoa Triết học thực hành. Vì không kể những lời Thánh Kinh-nguồn mạch mọi khôn ngoan, thông thái-mà ta có thể gặp thấy trong hầu hết mọi trang sách, chính những kinh nghiệm của những người từng trải mà tác giả đã khéo thu thập, thêm vào những nghiệm xét bản thân của tác giả, đã làm cho mỗi câu của GƯƠNG CHÚA GIÊSU trở nên một bài học khôn ngoan vĩ đại có thể áp dụng cho bất cứ trường hợp nào của đời sống.
*
Một cuốn sách như thế mà không được phổ thông nơi quần chúng, nhất là riêng trong giáo hữu Việt Nam, quả là một sự thiếu sót và thiệt thòi khó có thể đền bù được.
Sự thực, trước đây đã có một vài bản dịch ra tiếng Việt Nam. Những bản dịch đó dầu sao cũng có mang lại lợi ích không phải nhỏ. Nhưng vì tiếc vì sách in có hạn, đàng khác hình như hiện nay các bản dịch ấy đã bị đặt vào một hoàn cảnh quá hẹp hòi nên không còn đủ điều kiện để thỏa mãn nhu cầu ngày càng thêm khẩn thiết.
Bản dịch GƯƠNG CHÚA GIÊSU đây hẳn chưa phải là bản dịch lý tưởng, vì nó ra đời trong một hoàn cảnh quá ngẫu nhiên. Thực, bất đắc dĩ, nó phải thay thế cho những đàn anh nó đã vắng bóng mà chưa có người thế chân.
Mong những bản dịch mới mẻ và đầy đủ hơn, sẽ đến bổ khuyết cho nó, nếu cần.
Tại Hà Nội, ngày 1 tháng 11 năm 1953.
Dịch Giả.
Trích: http://www.memaria.org/