Tuần 59: Sách Châm Ngôn(chương 1- 15). Bài giảng Kinh Thánh 100 Tuần của ĐGM Phêrô Nguyễn Khảm Sách Châm Ngôn, Chương 1-15
I. TỔNG QUÁT
1. Văn loại
Sách Châm ngôn sử dụng hai thể văn: châm ngôn và giáo huấn. Đặc tính của thể văn châm ngôn là
(1) ngắn gọn,
(2) khôn ngoan,
(3) dễ nhớ,
(4) phát xuất từ kinh nghiệm,
(5) trình bày chân lý phổ quát,
(6) nhằm mục đích thực hành,
(7) có giá trị lâu dài.
Các châm ngôn thường được trình bày do những tác giả khuyết danh, như những bài học thế hệ trước để lại cho thế hệ sau. Thể văn giáo huấn (các chương 1-9; 22,17 – 24,23): được trình bày như di sản người cha để lại cho con cái, với những huấn lệnh và những lý do giải thích tại sao phải vâng theo.
2. Mục đích
Sách Châm Ngôn nhấn mạnh đến cả hai mặt: tri thức và đạo đức. Văn hoá của Israel cổ xưa xem “tâm” như là nguồn của suy nghĩ, lý luận và quyết định; do đó những giáo huấn trong sách Châm Ngôn nhắm đến “tâm” chứ không chỉ là trí theo quan niệm ngày nay.
Nếu sách Châm Ngôn nhấn mạnh suy nghĩ như là chìa khoá của hiểu biết, thì suy nghĩ ở đây không chỉ được nhìn thuần túy là tư tưởng trừu tượng nhưng phải được thể hiện và đánh giá trong đời sống cụ thể. Vì thế, khía cạnh tri thức luôn song hành với khía cạnh đạo đức. Cách nhìn này khá gần gũi với truyền thống văn hoá Việt Nam.
3. Thần học của sách Châm Ngôn
Những tư tưởng trọng tâm trong sách Châm ngôn là lý tưởng về đời sống gia đình và lòng hiếu thảo, sự chân thật và ngay chính, quan tâm đến người nghèo, tự chủ và kềm hãm các đam mê. Nguồn gốc và tóm kết của tất cả các nhân đức này là sự khôn ngoan, hiểu như sự kính sợ Chúa và tin tưởng nơi một mình Chúa.
Aån bên trong những lời khuyên này là niềm xác tín rằng sự ác không thể được dung thứ trong trật tự của Thiên Chúa. Chương 1-9 đồng hoá đức khôn ngoan với chính quyền bính của Thiên Chúa. Vì thế, những người trung tín sẽ được chúc phúc và những kẻ bất tín sẽ bị nguyền rủa.
4. Các phần chính trong sách Châm Ngôn
– Phần I: Những giáo huấn về khôn ngoan (1,1– 9,18)
– Phần II : Các châm ngôn của Salomon (10,1– 22,16)
– Phần III: Ba mươi lời của hiền nhân (22,17 – 24,22)
– Phần IV: Sưu tập của Hezekiah (25,1 – 29,27)
– Phần V: Các lời của Agur và Lemuel (30,1 – 31,31)
II. ĐỨC KHÔN NGOAN
1. Giá trị của đức khôn ngoan
Mọi hiểu biết và phúc lành đều từ Thiên Chúa mà đến. Khôn ngoan là quà tặng của Thiên Chúa chứ không chỉ là sản phẩm của trí khôn nhân loại. Nói như thế không có nghĩa là khinh thường những nỗ lực tìm kiếm và nghiên cứu nhưng để thấy đâu là điều chính yếu (2,1-11).
Đức Khôn Ngoan được nhân cách hoá (8,12-16) và đã hiện diện trước nhan Thiên Chúa như mẫu mực trong ngày Chúa tạo dựng thế giới. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu được coi là sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa (x. Mt 11,19tt; Lc 11,49; 1Cor 1,24-30).Khởi điểm của sự khôn ngoan là lòng kính sợ Chúa (1,7) và trung thành với Chúa (9,1-18). “Đừng khinh thường sự sửa trị của Giavê và đừng nhàm chán lời Người quở mắng. Bởi Giavê quở mắng kẻ Người thương mến, như người cha quở mắng đứa con ông yêu dấu” (3,12).
2. Những lời cảnh giác
– Cảnh giác trước đường lối của kẻ vô đạo (2,12-15) từ tư tưởng đến lời nói: “Con sẽ bước đi trong đường kẻ lành, con sẽ giữ nẻo người công chính. Người ngay chính sẽ ở trong xứ sở… còn phường gian ác sẽ bị tiễu trừ khỏi xứ sở.”
– Cảnh giác trước những phụ nữ lăng loàn (5,1-18): “Môi miệng vợ người khác tiết ra mật ngọt, và lời của nó trơn tru hơn dầu; nhưng rốt cuộc nó đắng hơn khổ ngải, và sắc như gươm hai lưỡi. Chân nó bước vào cõi chết, và bước đi đạt thấu âm phủ; nó chẳng màng tới đường sự sống, lạc đường lạc lối nó nào có hay.”(Nguyễn Anh Tuấn thu âm)
[…] Tuần 59: Sách Châm Ngôn, Chương 1-15 […]