1. Các Thánh không phải là những anh hùng, họ là những người tội lỗi nhưng là chứng nhân cho Chúa Kitô
Trong bài giảng tại nhà nguyện Santa Marta hôm thứ Sáu 9 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về con đường nên thánh. Ngài giải thích rằng các thánh không phải là những anh hùng, nhưng là những người tội lỗi được thánh hóa bởi mình và máu Chúa Kitô, và hiền thê của Ngài, là Giáo Hội.
Đức Thánh Cha nói:
“Làm thế nào Giáo Hội có thể là thánh thiện khi những thành viên của mình là những người tội lỗi? Chúng ta tất cả đều là những người tội lỗi. Tuy nhiên, Giáo Hội là thánh! Chúng ta là những người tội lỗi, nhưng Giáo Hội là thánh. Giáo Hội là hiền thê của Chúa Giêsu Kitô, và Ngài yêu thương hiền thê của mình, Ngài thánh hoá Giáo Hội mỗi ngày với hy tế Thánh Thể bởi vì Ngài yêu thương Giáo Hội hết mực và chúng ta tuy là những tội nhân, nhưng chúng ta ở trong một Giáo Hội thánh thiện, và chúng ta cũng được thánh hóa. Mẹ Giáo Hội thánh hóa chúng ta, với lòng từ ái, với các bí tích của Phu Quân mình. “
“Trong Giáo Hội Thánh này, Chúa chọn một số người để sự thánh thiện có thể được nhìn thấy tỏ tường hơn, để cho thấy rằng chính Ngài đã thánh hóa người ấy. Không ai có thể tự thánh hóa chính mình, và chẳng có khóa học nào để trở thành một vị thánh. Nên thánh không phải là trở nên một điều huyền hoặc tôn giáo hoặc một cái gì đó tương tự … Không! Sự thánh thiện là một ân sủng của Chúa Giêsu ban cho Giáo Hội của Ngài, và để cho thấy rằng, Ngài chọn ra những người mà sự thánh hoá của Ngài nơi họ được nhìn thấy tỏ tường” .
Đức Thánh Cha nói, trong thư của thánh Phaolô, thánh nhân đề rằng gởi cho các thánh tức là chúng ta, ngài nói: “Chúng ta là những người tội nhân nhưng là con cái của Giáo Hội thánh thiện, nhờ thế được thánh hiến bởi Mình và Máu của Chúa Giêsu.”
“Trong Giáo Hội Thiên Chúa chọn một số người nên thánh để chúng ta tôn kính, cho thấy rằng Thiên Chúa đã thánh hiến họ. Không ai có thể tự thánh hiến chính mình. Không có khóa học nào dạy giúp ta để trở thành một vị thánh. Nếu có thì đó là một tôn giáo phỉnh gạt hay một cái gì đó đại loại gian lận như thế… Sự thánh thiện là quà tặng của Chúa Giêsu ban cho Giáo Hội của Ngài.”
Trong Tin Mừng, có rất nhiều ví dụ nói về các vị thánh được thánh hiến: có Maria Mađalêna, được Chúa Giêsu trừ khỏi bảy quỉ; có Mátthêu “là kẻ phản bội dân tộc vì đã thu tiền của đồng bào mình nộp cho đế quốc Rôma,” có Giakêu và rất nhiều những người khác nữa. ĐTC nói tiếp: “Nguyên lý tối thượng của sự nên thánh đó là: Để Chúa Kitô lớn lên trong ta và chúng ta nhỏ đi. Đó là quy luật của sự thánh thiện: chúng ta trở nên khiêm tốn, để Chúa có thể lớn lên.”
Và như vậy, Chúa Kitô chọn Saul, là một kẻ bách hại Giáo Hội: “Chúa đã kiên nhẫn chờ đợi thánh nhân và làm cho ông cảm thấy quyền năng của Ngài. Saul ngã ngựa, bị mù và đã khuất phục”. Ông đã trút bỏ con người cũ, ông trở nên như một đứa trẻ! Ông đã bị khuất phục “tâm hồn của ông được thay đổi.” Đó là một cuộc đời khác! Nhưng Phaolô không trở thành như một anh hùng.”
Đức Thánh Cha giải thích ý niệm “anh hùng” như sau:
Phaolô đã trở nên người rao giảng Tin Mừng khắp thế giới dân ngoại. Ngài đã kết thúc cuộc đời của mình một cách thầm lặng với một nhóm nhỏ tại Rôma. Vào một buổi sáng có 3, 4 hay 5 binh sĩ gì đó đến với ngài… họ đưa ngài đi và chặt đầu. Đơn giản chỉ vậy thôi! Một con người vĩ đại, người đã đi khắp thế giới lại kết thúc cuộc sống của mình theo cách thầm lặng này. ĐTC nói: “Ngài nhỏ đi. Đó là sự khác biệt giữa các anh hùng và các vị thánh.” Đức Thánh Cha khẳng định về tông đồ Phaolô rằng: “Ngài là chứng nhân của Chúa Giêsu Kitô, noi gương Chúa Giêsu, đi theo con đường thập giá của Chúa Giêsu Kitô.” Và nhiều vị thánh “kết thúc cuộc sống của họ rất khiêm tốn. Các thánh thật tuyệt vời! Tôi nghĩ về những ngày cuối đời của Thánh Gioan Phaolô II. Chúng ta có thể thấy được điều đó”
ĐTC gợi lại cuộc sống cuối đời của thánh Gioan Phaolô II như sau:
“Ngài không còn có thể nói năng được nữa. Ngài đã là một lực sĩ của Chúa. Nhưng cuối đời, người chiến binh vĩ đại ấy của Chúa đã kết thúc cuộc sống của mình trong tiều tụy bởi bệnh tật, khô héo như Chúa Giêsu trên thập giá. Đây là con đường thánh thiện tuyệt vời. Và đây là con đường thánh thiện mời gọi chúng ta bước vào. Nếu tâm hồn chúng được biến đổi nhờ con đường thập giá của Giêsu mỗi ngày- thập giá hằng ngày ta sống – và để cho Chúa Giêsu lớn này, chúng ta sẽ nên thánh. Như thế là chúng ta đi vào con đường của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô, Đấng yêu thương chúng ta rất nhiều. Chúng ta làm chứng cho Chúa dù rằng chúng ta là những tội nhân. Giáo Hội thực sự là thánh thiện vì là hiền thê của Chúa Giêsu.”
2. Tình trạng quan liêu của Giáo Hội có thể làm người ta xa cách Thiên Chúa
Trong thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta sáng thứ Năm 8 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày những suy tư của ngài trên bài trích sách Tông Đồ Công Vụ thuật lại chuyện ông Philípphê rao giảng Tin Mừng và rửa tội cho một viên thái giám.
Đức Thánh Cha giải thích rằng bất cứ Kitô hữu nào muốn rao giảng Tin Mừng nên vâng phục ý chí và ân sủng của Thiên Chúa, cũng như mở cửa cho đối thoại.
Đức Giáo Hoàng lấy làm tiếc rằng đôi khi bộ máy quan liêu trong Giáo Hội là một trở ngại cho những người muốn được gần gũi hơn với ân sủng của Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha nói:
“Ông Philípphê vâng phục, ông ngoan ngoãn và chấp nhận lời mời gọi của Chúa. Chắc chắn ông phải bỏ ngang nhiều thứ đang thực hiện dở dang, bởi vì các Tông Đồ trong khoảng thời gian đó đang rao giảng Tin Mừng rất bận rộn. Ông bỏ lại tất cả mọi thứ và lên đường. Và điều này làm cho chúng ta thấy rằng nếu không có sự vâng phục hay hiền lành trước tiếng nói của Thiên Chúa không ai có thể rao giảng Tin Mừng, không ai có thể loan báo Chúa Giêsu Kitô: cùng lắm là loan báo về chính mình. Chính là Thiên Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta, chính là Thiên Chúa Đấng đã kêu gọi Philípphê trên con đường đó. Và Philípphê đã ra đi. Philípphê ngoan ngoãn vâng lời.”
“Anh chị em không thể rao giảng Tin Mừng mà không đối thoại. Đó là điều không thể. Bởi vì chúng ta phải bắt đầu với xuất xứ của người được phúc âm hóa. Điều này là rất quan trọng.
Nhưng thưa cha, chúng ta lãng phí rất nhiều thời gian vì mỗi người đều có những câu chuyện riêng của mình, và những ý tưởng riêng của mình. Và mất thời gian lắm!
Thiên Chúa còn mất thời gian nhiều hơn khi tạo ra thế giới và Ngài đã làm rất tốt. Hãy dành thời gian với những người mà Chúa muốn anh chị em rao giảng Tin Mừng, điều quan trọng là loan báo cho họ nhiều hơn về Chúa Giêsu. Tuy nhiên, phải tùy theo họ là ai, tình trạng của họ hiện nay là gì, chứ không phải là dựa trên những công thức là việc ấy phải làm như thế nào.
3. Đức Thánh Cha nói: Hãy dõi theo đường lối Chúa, tránh xa những cám dỗ phù hoa
Trong thánh lễ sáng thứ Hai 5 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ các tín hữu theo đuổi đường lối Chúa, tránh xa những điều phù phiếm. Ngài giải thích rằng Kitô hữu phải luôn luôn tránh xa phù hoa, quyền lực và tham lam. Như thế, họ sẽ tránh được việc lợi dụng mối quan hệ của họ với Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha nói:
“Đôi khi chúng ta làm một vài việc để làm mình nổi bật, để dưỡng nuôi những ước vọng phù phiếm của chúng ta. Nhưng điều đó là nguy hiểm. Nó ngay lập tức xô đẩy chúng ta rơi vào niềm tự hào, thói kiêu ngạo, và cuối cùng tất cả dừng lại ở đó. Chúng ta phải tự hỏi mình. Làm sao tôi có thể theo Chúa Giêsu? Tôi làm những việc lành phúc đức một cách kín đáo, hay tôi chỉ muốn được nổi bật giữa đám đông?”
Đức Giáo Hoàng cũng nói về ‘chủ nghĩa lợi thế nghề nghiệp’ theo đó người ta sử dụng Giáo Hội như một phương tiện để cải thiện sự nghiệp của họ. Ngài cầu nguyện để tất cả các Kitô hữu có thể làm mọi việc theo ý ngay lành.
“Một số người theo Chúa Giêsu để tìm kiếm quyền lực. Có lẽ họ không ý thức đầy đủ như thế. Một ví dụ rõ ràng của việc này được tìm thấy nơi hai tông đồ Gioan và Giacôbê, là hai người con trai của ông Zebêđê là những người xin Chúa Giêsu cho ngồi ở những chỗ danh dự, một bên phải và một bên trái Ngài trong Nước Ngài. Và trong Giáo Hội có những người leo trèo, những người được thúc đẩy bởi tham vọng. Có rất nhiều người như thế. Nếu anh chị em thích leo trèo cứ đến với núi non mà trèo, sẽ khỏe mạnh ra! Đừng đến với Giáo Hội để leo trèo! Chúa Giêsu đã mắng những người có thái độ đầy tham vọng này trong Giáo Hội ” .
“Có những người theo Chúa Giêsu vì tiền, cố gắng tận dụng lợi thế kinh tế của các giáo xứ, giáo phận, của cộng đồng Kitô hữu của họ, của bệnh viện, hoặc các trường đại học … Chúng ta hãy nghĩ đến cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã bị lũng đoạn bởi ý định này: những Simon, Ananias và Sapphira … Đây là một sự cám dỗ xuất phát ngay từ buổi đầu. Từ lúc đó chúng ta đã nghe nói về rất nhiều người Công Giáo tốt, người Kitô hữu tốt, thân hữu và các nhà hảo tâm của Giáo Hội – nhưng sau đó lộ ra – những người này hành động chỉ vì lợi nhuận cá nhân Họ làm như mình mình là ân nhân của Giáo Hội nhưng thực ra chỉ để làm tiền”
4. Kitô hữu phải là những nhân chứng sống động cho đức tin của họ
Trong thánh lễ sáng thứ Ba 6 tháng 5 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ các Kitô hữu phải luôn luôn là chứng nhân đức tin của họ, ngay cả khi điều đó liên quan đến một dấn thân trọn đời.
Đức Thánh Cha khích lệ các Kitô hữu suy tư về cuộc sống của mình, và nói thêm rằng Chúa Thánh Thần luôn luôn giúp đỡ ta trong lúc truân chuyên.
Ngài nói:
“Tử đạo là một từ ngữ xuất phát từ tiếng Hy Lạp, và trong ngôn ngữ này nó cũng có nghĩa là nhân chứng. Và như vậy chúng ta có thể nói rằng đối với một Kitô hữu con đường theo bước chân của Chúa Kitô, là con đường làm chứng cho Ngài, và nhiều lần, chứng tá này kết thúc nơi việc hy sinh tính mạng của mình. Một Kitô hữu không phải là một chứng nhân, là một nghịch lý. Chúng ta không phải là một ‘tôn giáo’ của những ý tưởng, của duy thần học, của những điều tốt đẹp, và những điều răn. Không, chúng ta là một dân tộc bước theo Chúa Giêsu Kitô và làm chứng cho Ngài ngay cả và đôi khi chứng tá của chúng ta dẫn đến việc chúng ta đành chịu mất mạng sống mình” .
“Chứng tá, dù là trong cuộc sống hàng ngày, trong gian truân, và ngay cả trong bách hại và cả cái chết, luôn luôn mang lại hoa trái. Giáo Hội sinh hoa kết quả và là một người mẹ khi Giáo Hội làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô. Nhưng khi Giáo Hội đóng kín vào chính mình khi Giáo Hội nghĩ về chính mình như, có thể nói là, ‘một trường học về tôn giáo’, với rất nhiều ý tưởng tuyệt vời, với những ngôi đền thờ lộng lẫy, với nhiều viện bảo tàng hoành tráng, với nhiều điều tốt đẹp, nhưng không đưa ra chứng tá, thì Giáo Hội sẽ trở nên cằn cỗi vô sinh. Điều đó cũng đúng với các Kitô hữu. Những Kitô hữu nào không phải là những chứng nhân cho niềm tin của mình cũng chẳng sinh được hoa trái sự sống nào mà người ấy đã nhận được từ Chúa Giêsu Kitô”
“Hôm nay, chúng ta hãy suy tư về hai hình ảnh này – Trước hết là Thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi. Thứ hai là dân Chúa, là các Kitô hữu, những người phải lánh nạn, bỏ chạy tứ tán vì những cuộc bách hại bạo lực – để rồi chúng ta đặt câu hỏi: Tôi làm chứng cho Chúa như thế nào đây. Tôi có phải là một Kitô hữu làm chứng cho Chúa Giêsu hay chỉ đơn giản là một con số trong một giáo phái? Tôi có sinh hoa kết quả vì tôi làm chứng cho Chúa, hay tôi trở nên vô sinh vì không thể để cho Chúa Thánh Thần dẫn tôi về phía trước trong ơn gọi Kitô hữu của mình? ” .
5. Chuyện tôn thờ Satan
Trong các lễ trọng như Lễ Giáng Sinh và Phục Sinh, Phụng Vụ mời gọi cộng đoàn dân Chúa từ bỏ Satan và những quyến rũ của Satan.
Nhiều người trong chúng ta có lẽ nghĩ rằng đó chỉ là một công thức mang nặng tính hình thức. Không phải như vậy đâu thưa quý vị và anh chị em. Trong thế giới ngày nay có nhiều người vẫn thờ lạy Satan không phải theo nghĩa bóng mà thôi nhưng là theo nghĩa đen của từ này, không phải chỉ nơi những người bình dân ít học, việc thờ lạy Satan lôi cuốn được cả những người được coi là có ăn có học.
Tháng 2 nă m ngoái, Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho Các Dân Tộc cho biết trong vài tháng qua, hơn 3.000 người trẻ tại bang Nagaland ở Đông Bắc Ấn Độ đang bị quyến rũ bởi một nhóm tôn thờ Satan và làn sóng sùng bái Satan đang “lan như cháy rừng”.
Điều đau lòng là Nagaland được xem là trọng điểm của Kitô giáo. 95% dân số trong vùng là các Kitô hữu.
Mới đây nhất, Hôm thứ Hai 12 tháng 5, một nhóm sinh viên thuộc Đại học Harvard đã tổ chức một “lễ đen” (black mass) để thờ phượng Satan, và Tổng Giáo Phận Boston đã phải đưa ra một tuyên bố bày tỏ “nỗi buồn sâu sắc và phản đối mạnh mẽ” nghi lễ này.
Đầu tiên nhóm thờ lạy Satan này còn định ăn cắp Mình Thánh Chúa của một nhà thờ Công Giáo để mang đến đây phạm thánh. Nhưng trước những phản đối quyết liệt của tổng giáo phận Boston họ có lẽ đã từ bỏ ý định này.
Nhân câu chuyện này Như Ý xin trình bày với quý vị và anh chị em một báo cáo của Hiệp Hội Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII về hiện tượng các giáo phái tôn thờ Satan đang lan tràn trên thế giới.
Báo cáo ước đoán hiện nay chỉ riêng tại Italia có 1,5 triệu người, đa số là giới trẻ, là thành viên của hàng ngàn các giáo phái bao gồm cả các giáo phái tôn thờ Satan, các giáo phái tâm lý, các tôn giáo giả, và các phong trào gọi là “hòa bình và kiếm tìm nội tâm”, các phong trào “tinh tú”, các phong trào huyền bí, và các con đường ảo giác khác nhau. Tình hình các giáo phái lan tràn một cách nghiêm trọng tại Italia đến độ vào tháng 11 năm 2006 phân bộ an ninh của chính quyền đã cho thành lập lực lượng cảnh sát chống giáo phái. Các người bị lọt vào mạng lưới của các giáo phái đã phải sống các kinh nghiệm không thể tưởng tượng nổi: họ trở thành những người trống rỗng không hồn, điên loạn, thực hành những điều ghê tởm không thể tả được, cho tới chỗ tự tử hay bị giết, hay tới cái chết lạ lùng không thể giải thích được.
Vẫn theo tin tức của phân bộ an ninh của chính quyền Italia và lực lượng chống các giáo phái, các giáo phái kể trên dưỡng nuôi một nền văn hóa thù hận và chết chóc. Chúng lợi dụng sự giòn mỏn yếu đuối, hay lạc lõng cô đơn, hoặc sự ngu dốt của các nạn nhân, đặc biệt của người trẻ, để lôi kéo họ vào bẫy của chúng và gia nhập giáo phái.
Pino, 23 tuổi, kể lại kinh nghiệm của mình với giáo phái như sau. Tôi bị bị bệnh, sống cô đơn, cảm thấy mình vô ích thừa thãi và thù ghét toàn thế giới. Một người trẻ gặp tôi làm quen rồi trở thành bạn, và nói rằng anh ta biết một người có thị kiến có thể giúp tôi ra khỏi tình trạng này, nhưng trước hết phải sinh hoạt với một nhóm. Người lãnh đạo nhóm này là một “tư tế của Satan”, vô lương tâm, rất phô trương và nghiện đủ mọi thứ ma túy, nhưng lại lôi cuốn các người trẻ vị thành niên, các người tôn thờ Satan và các sức mạnh đen tối. Trong một vài cuộc cử hành lễ nghi của giáo phái ông ta cầm một cây gậy bên trên có một sọ người thật. Lần đầu tiên Pino tham dự lễ nghi với sự hiện diện của khoảng 30 người trẻ từ 14 đến 20 tuổi. Họ uống rượu có pha chất ma túy, hành lạc dâm dật và mất trí, học “kinh thánh của Satan”, giữa các biểu hiệu của Satan, có vòng lửa ở giữa. Trưởng giáo phái có một nhóm thành viên chuyên ăn trộm, kể cả việc ăn trộm các nhà thờ. Các nơi mà giáo phái hay thăm viếng nhất là các nghĩa trang. Họ mở các mộ người chết và ăn trộm những gì tìm được, rồi khấn cầu người chết.
Lời nguyện:
Lạy Chúa xin cho chúng con giữ lòng kính mến Chúa là chủ tể duy nhất của lịch sử và muôn loài. Xin cho chúng con từ bỏ Satan và mọi quyến rũ của nó. Amen
Theo dõi
Đăng nhập
0 Góp ý
Mới nhất