Sự khôn tả của Thiên Chúa – Những gì được mặc khải qua đôi mắt Chúa Giêsu
‘Theo tôi hiểu về Ngài, thì Thiên Chúa khó mà hiểu được.’ Đây là câu nói ưa thích của một linh mục bạn giờ đã qua đời. Đây đúng là một nhận định khôn ngoan.
Bất kỳ ai tự nhận là hiểu được Thiên Chúa, đều đang bị lừa phỉnh, bởi tín lý tiên quyết chúng ta có về Thiên Chúa là Thiên Chúa là khôn tả, không thể tả được. Điều này nghĩa là chúng ta có thể biết Ngài, nhưng không bao giờ nắm bắt được Thiên Chúa trong một khái niệm. Thiên Chúa là Đấng không thể tưởng tượng nổi. Thiên Chúa không thể bị giới hạn trong bối cảnh và đóng khung tư tưởng dù theo kiểu nào đi nữa. Tạ ơn Chúa vì như thế. Bởi nếu có thể hiểu được Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ có giới hạn như chúng ta.
Nhưng Thiên Chúa là vô hạn. Sự vô hạn, chính xác là bởi vô hạn thì không thể giới hạn, không thể bị hạn chế. Do đó, không thể nắm bắt sự vô hạn trong một hình ảnh được. Thật vậy, chúng ta thậm chí không có cách nào tạo hình giới tính của Thiên Chúa. Thiên Chúa không phải đàn ông, không phải đàn bà, không phải lưỡng tính nửa nam nửa nữ. Giới tính của Thiên Chúa, cũng như bản tính của Ngài, là không thể nắm bắt nổi về mặt tri thức. Chúng ta không thể nắm bắt được và cũng không có ngôn ngữ diễn tả hay tuyên bố được gì. Thiên Chúa, vượt quá các phạm trù trong suy nghĩ của con người, theo một cách nào đó, Ngài vừa nam tính hoàn hảo vừa nữ tính hoàn hảo. Đây là một mầu nhiệm vượt quá chúng ta.
Nhưng trong khi không thể nắm bắt mầu nhiệm bằng bất kỳ lý tính thỏa đáng nào, thì chúng ta có thể biết được mầu nhiệm này một cách mật thiết, và thực sự biết được mầu nhiệm này cách sâu sắc, như một sự mật thiết nhất trong mọi hiểu biết trong đời. Không tình cờ khi kinh thánh dùng từ ‘biết’ để nói về sự thân mật tình dục. Có nhiều cách biết khác nhau, một số mơ hồ, trực giác, và mật thiết hơn số khác. Chúng ta có thể biết Chúa theo một cách tận cùng mật thiết, ngay cả khi chúng ta không thể khái niệm hóa Thiên Chúa một cách thỏa đáng. Và cũng đúng như thế với tất cả hiện thực thâm sâu trong đời, chúng ta có thể biết và liên hệ với các hiện thực này một cách mật thiết, nhưng không bao giờ có thể hiểu cho trọn vẹn được.
Vậy nên điều này khiến mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa như thế nào? Theo cách tốt nhất! Chúng ta không phải dự một cuộc hẹn hò ẩn danh, cố gắng tiến lên thân mật với một người hoàn toàn xa lạ, với một người chưa biết, có thể tốt, có thể xấu. Thiên Chúa có lẽ là khôn tả, nhưng bản tính Thiên Chúa đã được bày tỏ cho chúng ta. Mặc khải, qua tự nhiên, qua các tôn giáo khác, và đặc biệt là qua Chúa Giêsu, nói lên những gì bên trong thực thể khôn tả của Thiên Chúa. Và những gì đã được mặc khải vừa khuây khỏa trên mọi khuây khỏa, và thách thức trên mọi thách thức. Những gì được mặc khải là vẻ đẹp của tạo vật, trong nhiệt tâm của mọi tôn giáo đích thực, và trong mặc khải của Chúa Giêsu về CHA, đưa chúng ta vượt trên một cuộc hẹn hò ẩn danh để đi vào một mối quan hệ đáng tin cậy. Tự nhiên, tôn giáo và Chúa Giêsu cùng nhau hợp lại để mặc khải về Thực Thể Tối Cao, Nền tảng của Hiện hữu, Đấng Tạo Hóa và Đấng Duy Trì vũ trụ, Thiên Chúa, Đấng khôn ngoan, thông minh, dư tràn, say mê, yêu thương, tha thứ, kiên nhẫn, tốt lành, đáng tin, và tuyệt đẹp vượt quá trí tưởng tượng.
Pierre Teilhard de Chardin, trong một thị kiến thần nghiệm, từng chiêm ngưỡng tất cả những điều này trong đôi mắt Chúa Giêsu. Một ngày nọ, khi ông đang nhìn vào đôi mắt Chúa Giêsu trên một bức tường nhà thờ, đột nhiên đôi mắt Chúa biến đổi và Teilhard thấy: ‘Đôi mắt lúc đầu rất ân cần và đầy thương xót mà tôi tưởng như đôi mắt mẹ tôi đang đứng trước tôi, đột nhiên một giây sau, bỗng như đôi mắt một người phụ nữ, đầy đam mê và quyền năng khiến tôi khuất phục, và cùng lúc đó cũng thuần khiết đến áp chế đến nỗi trước ánh nhìn đó không cảm xúc nào có thể thoát được. Và rồi đôi mắt lại thay đổi lần nữa, trở nên đầy cao quý, uy nghi hùng dũng, gần giống với đôi mắt của những con người dũng cảm hay đầy sức mạnh, nhưng lại cao cả hơn và say mê hơn. Những vẻ đẹp đa dạng này quá đỗi trọn vẹn, quá say đắm, và cũng biến đổi quá nhanh chóng, đến nỗi tôi thấy cái nhìn đó chạm đến và thôi thúc mọi sức mạnh của tôi cùng một lúc, đến nỗi cốt tủy hiện sinh của tôi bừng bừng đáp lời, cất lên một tiếng độc nhất vô nhị của triển nở và hạnh phúc.
Bây giờ, khi tôi sốt mến nhìn chăm chăm vào đôi mắt của các tông đồ Chúa Kitô, vốn đã trở nên những hố thẳm tuôn trào cho một đời sống nồng nhiệt và say mê, đột nhiên tôi thấy trỗi lên từ những chiều sâu đó một sự gì như đám mây, che phủ và hòa quyện tất cả sự đa dạng mà tôi đã mô tả cho bạn. Dần dần, một cảm xúc lạ thường vô cùng mãnh liệt, lan tràn trên các sắc thái ý nghĩa đa dạng mà đôi mắt Chúa đã bày tỏ, trước hết là thúc đẩy, rồi cuối cùng chiếm trọn tất cả. …. Và tôi đứng đó trân trân. Cảm xúc cuối cùng này, vốn đã chiếm lĩnh và quy tụ hết tất cả mọi cảm xúc khác trong mình, thật không thể nào nói nên lời được. Tôi đơn giản không thể nói được là liệu cảm xúc này biểu hiện một day dứt thống khổ không thể tả hay một niềm vui chiến thắng vô cùng vô tận.’
Không thể giải mã, gói gọn, hay nắm bắt được Thiên Chúa trong suy nghĩ của con người, nhưng từ những gì không thể giải nghĩa được, chúng ta đang ở trong đôi bàn tay tốt lành và an toàn. Chúng ta có thể ngủ ngon mỗi đêm. Thiên Chúa nâng đỡ chúng ta. Đến tận cùng, cho toàn thể nhân loại và từng người chúng ta, tất cả mọi sự sẽ tốt đẹp, và tất cả mọi hiện sinh sẽ tốt đẹp. Thiên Chúa tốt lành.
(Cha Ron, J.B. Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 09.09.2015)