Nên hãnh diện tuyên xưng đức tin như thế nào?
“ Chúng con hãnh diện tuyên xưng đức tin ấy trong Đức Giêsu Kito Chúa chúng con”.
Quả là cao cả, tự hào và hạnh phúc mỗi khi chúng ta đọc kinh nguyện trên. Nhiều vị thánh tử đạo cho dù thân xác bị hành hạ, giày xéo bởi muôn nhục hình nhưng trước khi chết, các Ngài vẫn cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào khi được tuyên xưng đức tin son sắt của mình vào Đấng mà mình đã đổ máu đào để làm chứng cho đức tin và đức mến của mình. Tuy nhiên, hãnh diện tuyên xưng đức tin không có nghĩa là chúng ta được phép kích bác các tôn giáo khác hay xem thường những người chưa nhận biết Chúa. Vì nếu chúng ta xúc phạm và phỉ báng người không hoặc khác tôn giáo với mình là chúng ta đã đi ngược lại huấn lệnh yêu thương và làm tổn thương đến hình ảnh, dung mạo của Chúa Tình Yêu.
Một linh mục Ấn Ðộ chuyên về tu đức đã kể câu chuyện như sau :
Chúa Giêsu than phiền rằng Ngài chưa hề được xem đá bóng lần nào. Chúng tôi liền đưa Ngài đi xem một trận đấu rất gay go giữa một đội Tin Lành và một đội Công Giáo. Ðội Công Giáo làm bàn trước: “Một Không!” Chúa Giêsu vỗ tay hoan hô và tung cả mũ lên trời. Vài phút sau, đội Tin Lành gỡ hòa một một. Chúa Giêsu lại vỗ tay reo hò và tung mũ lên trời.
Một khán giả ngồi bên cạnh lấy làm khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu. Ông ta đập mạnh vai Ngài và hỏi:
– Ê, ông bạn! Ông bạn ủng hộ bên nào thế?
Xem chừng như còn bị kích động bởi trận đấu, Chúa Giêsu trả lời:
– Tôi hả? Tôi không ủng hộ bên nào cả. Tôi đến đây là chỉ để thưởng thức trận đấu thôi.
Người khán giả khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu, nay lại càng bực bội hơn. Ông ta quay sang người bên cạnh và nói nhỏ:
– Hắn là một tên vô thần!
Trên đường về nhà chúng tôi chất vấn Chúa Giêsu về tình hình tôn giáo trên thế giới. Chúng tôi nói với Ngài:
– Thưa Chúa, những con người có tôn giáo thật là buồn cười. Họ tưởng rằng Thiên Chúa chỉ đứng riêng về phía họ và nghịch lại với những người theo tôn giáo khác”.
Chúa Giêsu gật đầu tỏ vẻ ưng ý. Ngài bảo:
– Ðó là lý do tại sao Ta không ủng hộ tôn giáo nào mà chỉ ủng hộ con người. Con người quan trọng hơn tôn giáo. Con người quan trọng hơn ngày Sa-bát. Chúng con nên biết rằng chính những người có tôn giáo đã đóng đinh Ta trên thập tự.
“ Ta không ủng hộ tôn giáo nào mà chỉ ủng hộ con người”. Vâng ! Tuy là câu chuyện hư cấu nhưng nội dung của nó cũng muốn chuyển tải một thông điệp rằng chính thái độ cực đoan, kiêu căng và thiếu ôn hòa trong việc bảo vệ đức tin tôn giáo của các tín đồ là nguyên nhân khiến cho những cuộc chiến tranh tôn giáo đã và đang xảy ra như một thực trạng đau buồn của nhân loại. Các tôn giáo chân chính đều khuyên con người ăn ngay, ở lành, răn dạy con người sống khoan dung, nhân ái và ngay thật. Tuy nhiên vì quá tự hào về tôn giáo, quá hãnh diện về niềm tin về đấng mình tôn thờ mà chính những người có tôn giáo đã đóng đinh Chúa Giêsu trên thập tự bằng hành động triệt hạ, kích bác và thậm chí là sát hại người khác .
Đã mang thân phận làm người thì từ tận trong sâu thẳm ai cũng phải có một khao khát thiêng liêng hướng con người đến cội nguồn Chân-Thiện-Mỹ và đó chính là cái Tâm Tôn Giáo. Đây là tiếng lương tâm, là trục căn bản của nhân tính và cũng là cảm thức thiêng liêng giữa con người và thế giới thần linh. Chính cái tâm tôn giáo đã thôi thúc con người luôn đi tìm một ý nghĩa cho cuộc đời của mình. Con người là một hữu thể có cái tâm tôn giáo, do vậy cho dù họ chưa nhận biết Chúa hay không theo một theo một tôn giáo nào, thì họ cũng thành hình trong tâm thức của mình mọi tâm tình sống hướng thiện. Do vậy, Chúa Giêsu đã dạy rằng “ Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con” ( Mc 9, 38-48 ).
Giáo lý Công Giáo cho phép chúng ta có quyền hãnh diện rằng đạo của mình là Đạo thật, Chúa của mình là Chúa cao cả nhất. Nhưng chúng ta hãy tự hào về tôn giáo, về Chúa của mình với những việc lành thánh, bằng những cử chỉ yêu thương làm xoa dịu nỗi khổ đau của những người bất hạnh, những người bị bỏ rơi, bằng những đóng góp tích cực giúp cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn chứ không phải ra sức tuyên bố giáo lý của Đạo mình là hay, là đúng còn giáo lý của các tôn giáo khác là u mê lầm lạc. “ Thực hành đức bác ái là cách tốt nhất để rao giảng Phúc Âm”- Đức Thánh Cha Phanxico. Đạo Công Giáo không phải là một thương hiệu để chúng ta tự cho rằng cứ hễ được mang danh là Người Kito hữu là được mặc nhiên công nhận là người tốt, là người biết sống theo lẽ phải.
Trong đời sống đạo, cái não trạng này cũng ảnh hưởng ngay cả khi chúng ta làm việc tông đồ hay các sinh hoạt đạo đức. Những sự sai lạc, méo mó trong ý nghĩa của công việc tông đồ mà chúng ta hăng say thực hiện đã được che đậy cách hiệu quả bằng bức bình phong “ dấn thân phục vụ Chúa”. Lòng tự hào về đoàn thể mình đang sinh hoạt, về giáo xứ mình đang sống khiến chúng ta không muốn cộng đoàn khác, giáo xứ khác hơn mình và tỏ ra ngần ngại trong ý định giúp họ cùng phát triển, trong khi Chúa muốn “ các con hãy nên trọn lành như Cha trên Trời là Đấng trọn lành”. Không trừ ai !
Trong bài giảng thánh lễ tôn phong chân phước Junipero Serra lên bậc hiển thánh tại đền thánh quốc gia Mẹ Vô Nhiễm tại Washington vào ngày 23-09-2015, Đức Thánh Cha Phanxico đã nhắc đến mệnh lệnh của Chúa Giêsu như sau :
“ Đức Giêsu sai chúng ta đến với mọi quốc gia, với mọi dân tộc. Và trong số “ tất cả” này hai ngàn năm trước đã bao gồm chúng ta. Đức Giêsu không đưa ra một danh sách tuyển chọn ai được, ai không, ai xứng đáng hay không xứng đáng lãnh nhận sứ điệp và hy vọng của Ngài…Với tất cả mọi người, Đức Giêsu đã nói : “ Hãy ra đi và loan báo Tin Mừng” .
Lạy Chúa , Ngài là Đấng làm cho Mặt Trời mọc lên cho người lành cũng như kẻ dữ, loài người chúng con là anh em với nhau vì Thiên Chúa là Cha của mọi người. Xin cho chúng con biết trân quý và yêu thương những ai nhận biết và tôn thờ cũng như những ai chối bỏ sự hiện hữu của Ngài . Vì Kinh Thánh cũng khuyên rằng : “ Hãy để bình an Chúa Cứu Thế ngự trị trong lòng anh chị em. Đức Chúa Trời đã kêu gọi anh chị em hợp nhất với nhau trong một thân thể” . Amen .
Điền Phương Thảo