1. Quan hệ giữa Khoa Học và Đức Tin là một trong các chủ đề thường được Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đề cập đến. Trong khi nhiều người thường nói đến “sự đối chọi không thể tránh được giữa đức tin siêu tự nhiên và tiến bộ khoa học”, ngay từ thời còn là Hồng Y Ratzinger, tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Thánh Cha đã khẳng định rằng “Kitô Giáo không chứa đựng bên trong một sự đối chọi với những tiến bộ khoa học”.
Giáo Hội không sợ hãi các tiến bộ khoa học nhưng luôn luôn khích lệ những tiến bộ chân thật giúp cải thiện và nâng cao đời sống con người toàn diện.
Bạn có biết những điều này không?
– Học viện Giáo Hoàng về Khoa Học tại Vatican có 80 thành viên. Đa số trong họ là những khoa học gia hàng đầu trong lãnh vực chuyên môn của họ. Một phần ba trong số các vị này là những người đã từng giật giải Nobel.
– Mỗi năm Tòa Thánh bỏ ra hàng triệu Mỹ Kim tài trợ cho công ty NeoStem để nghiên cứu khả năng điều trị bệnh tiểu đường, cao mỡ trong máu, huyết áp cao, mù lòa vân vân bằng các tế bào gốc trưởng thành.
Và còn nhiều điều khác nữa sẽ được trình bày trong cuốn video này.
Giáo Hội luôn ủng hộ các nghiên cứu khoa học nếu như những nghiên cứu này là một sự tìm kiếm chân lý cách chân thành. Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người, ban cho họ lý trí và đặt họ cai quản muôn loài. Như thế, con người trở nên người cai quản tạo vật và ‘trợ thủ’ của Thiên Chúa. Những tiến bộ khoa học giúp dự đoán, kiểm soát và cai quản thiên nhiên chính xác và hiệu quả hơn trong quá khứ. Đó chính là một phần trong kế hoạch của Tạo Hóa.
Điều đáng tiếc là nhiều người đã đi xa đến độ cho rằng tại sao lại phải kêu cầu đến sự can thiệp của Thiên Chúa trên các hiện tượng mà khoa học đã chứng tỏ có cùng khả năng như thế?
Thật ra, con người không thể đặt một niềm tin trọn vẹn và vô điều kiện nơi khoa học và kỹ thuật chẳng hạn như cho rằng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật có thể giải thích mọi thứ và thoả mãn bản ngã và mọi nhu cầu tâm linh của mình. Khoa học không thể thay thế triết học và mạc khải để đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi cấp thiết của con người như những vấn nạn về ý nghĩa của cuộc sống và sự chết, những giá trị tối cao và bản chất của chính các tiến bộ.
Những kết luận nhà khoa học đưa ra cần phải được hướng dẫn bởi sự thật và một sự nhìn nhận chân thật về cả sự chính xác lẫn những giới hạn không thể tránh khỏi của phương pháp khoa học. Chắc chắn rằng điều này có nghĩa là tránh đừng đưa ra cách không cần thiết những tiên đoán gây chấn động khi chưa đủ dữ liệu, hay đừng khoa trương khả năng tiên đoán thực sự của khoa học. Nhưng đồng thời điều này cũng có nghĩa là tránh điều ngược lại, chẳng hạn sự im lặng xuất phát từ sợ hãi khi đứng trước vấn nạn thực sự. Ảnh hưởng của các nhà khoa học trong việc hình thành công luận trên cơ sở kiến thức là rất quan trọng không thể bị xói mòn bởi sự hấp tấp cũng như việc theo đuổi sự hời hợt của công chúng.
2. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cổ võ việc nghiên cứu tế bào gốc từ mô trưởng thành và ngài phê việc hủy hoại phôi thai người để rút lấy tế bào gốc dùng vào việc nghiên cứu.
Đức Thánh Cha bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 12-11-2011, dành cho 250 tham dự viên Hội nghị quốc tế tại Vatican về đề tài: “Các tế bào gốc từ mô trưởng thành: khoa học và tương lai của con người và văn hóa”.
Hội nghị kéo dài 3 ngày, từ 9 đến 12-11-2011, do Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa phối hợp, với sự cộng tác của tổ chức có tên là “Tế bào gốc phục vụ sự sống” (Stem for life) ở Mỹ, nhắm mục đích cổ võ việc nghiên cứu và gây ý thức nơi quần chúng về việc chữa bệnh nhờ dùng các tế bào gốc từ các mô trưởng thành.
Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha phê bình não trạng thực dụng ngày nay, sẵn sàng chấp nhận bất kỳ phương thế nào có thể, để đạt tới mục tiêu mong muốn, mặc dù có những hậu quả thê thảm. Ngài nói: “Khi thấy mục tiêu rất đáng mong ước là khám phá việc trị liệu các bệnh do sự thoái hóa gây ra, thì nhiều nhà khoa học và chính trị gia thường gạt bỏ những vấn nạn về luân lý đạo đức và tiến hành bất kỳ nghiên cứu nào có vẻ đạt được sự tiến bộ trong lãnh vực này. Những ai cổ võ việc nghiên cứu tế bào gốc từ phôi thai người với hy vọng đạt được những kết quả ấy, thì phạm lỗi lầm trầm trọng vì chối bỏ quyền sống bất khả nhượng của mọi người từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên. Sự hủy hoại nhân mạng không bao giờ là điều có thể biện minh được bằng lợi ích mà nó có thể mang lại cho người khác.”
Đức Thánh Cha nhận xét rằng việc nghiên cứu những tế bào gốc rút từ mô trưởng thành như máu từ giây nhau lúc mới sinh, hoặc từ bào thai chết tự nhiên, thì không gặp phải những vấn đề luân lý đạo đức như thế”.
Ngài cũng đề cao tầm quan trọng của sự đối thoại giữa khoa học và luân lý đạo đức để đảm bảo cho những tiến bộ y khoa không bao giờ phải trả giá không thể chấp nhận được về tổn hại nhân mạng. Đức Thánh Cha cho biết “Giáo Hội đóng góp vào cuộc đối thoại ấy bằng cách giúp huấn luyện lương tâm cho phù hợp với lý trí ngay thẳng và dưới ánh sáng chân lý mạc khải. Khi làm như thế, Giáo Hội không cản trở tiến bộ của khoa học, trái lại, Giáo Hội hướng dẫn tiến bộ ấy theo chiều hướng thực sự có kết quả và có lợi cho nhân loại. Thực vậy, Giáo Hội xác tín rằng tất cả những gì thuộc con người, kể cả việc nghiên cứu khoa học, không những được đức tin đón nhận và tôn trọng, nhưng còn được thanh tẩy, thăng hoa và hoàn hảo hóa nữa”.
Đức Thánh Cha không quên lưu ý về nhu cầu của những người vô thương thế tự vệ và khẳng định rằng: “Giáo Hội không chỉ nghĩ đến những hài nhi chưa sinh ra, nhưng cũng nghĩ đến những người không dễ dàng có được những phương thức trị liệu đắt tiền. Bệnh tật chẳng kiêng nể một ai, và đức công bằng đòi phải hết sức cố gắng để những thành quả nghiên cứu khoa học phục vụ tất cả những người có quyền được hưởng chúng, bất luận phương tiện của họ như thế nào. Ngoài những khía cạnh hoàn toàn là luân lý đạo đức, còn có những vấn đề về mặt xã hội, kinh tế, chính trị cần được giải quyết để đảm bảo, làm sao cho những tiến bộ về y khoa đi song song với việc cung cấp các dịch vụ sức khỏe một cách chính đáng và công bằng nữa”
3. Đời sống trên dương thế của chúng ta chỉ là “tạm bợ” nên chúng ta phải sống “như một người hành hương, luôn dõi mắt ngóng trông về cùng đích tối hậu là Thiên Chúa, Đấng tạo nên chúng ta. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta cuộc sống này, và ban tặng cho ta những tài năng trong khi ủy thác cho chúng ta một sứ vụ” đó là tình bác ái. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 để nhận định như trên trước khi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 13 tháng 11.
Trích dẫn thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Thessalonica, Đức Thánh Cha nói: “ngày Thiên Chúa đến giống như kẻ trộm trong đêm”, nói tắt một lời là không có gì báo trước. Điều này được liên kết với “cái chết và sự phán xét Chung Thẩm diễn ra sau đó”. Đức Thánh Cha nói thêm: “Ý thức rằng Ngài lại đến trong vinh quang khích lệ chúng ta sống một cuộc sống với một thái độ cảnh giác, và chờ đợi Chúa lại đến với một ký ức sống động về biến cố giáng thế làm người của Ngôi Hai Thiên Chúa”.
Liên hệ đến dụ ngôn người chủ ra đi trao các nén vàng cho các đầy tớ trong bài Phúc Âm Chúa Nhật thứ 33 quanh năm, Đức Thánh Cha nói:
“Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ Ngài phải biết dùng tài năng Chúa ban: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta cuộc sống này, và ban tặng cho ta những tài năng trong khi ủy thác cho chúng ta một sứ vụ phải hoàn thành. Thật là điều dại dột khi nghĩ rằng những tài năng ấy tùy vào chúng ta và không dùng chúng để đạt đến cùng đích của đời mình thì thật là một điều lãng phí”.
Trích dẫn tháng Grêgôriô Cả, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “vì Chúa đã ban cho chúng ta lòng bác ái của Ngài và tình yêu của Ngài, do đó, điều cần thiết là anh em hãy dồn mọi nỗ lực để duy trì tình bác ái, trong mọi việc anh em làm”. Sau khi khẳng định rằng lòng bác ái chân thật bao gồm tình yêu dành cho cả bằng hữu lẫn kẻ thù, Đức Thánh Cha nói tiếp: “Nếu ai không có nhân đức này, thì người ấy đánh mất đi mọi sự tốt lành của mình, người ấy bị tước bỏ mọi tài năng đã nhận được và bị ném ra ngoài vào chốn tối tăm.”
Đức Thánh Cha kết luận rằng “lòng bác ái là sự thiện nền tảng mà không ai được lơ là và không có lòng bác ái thì mọi tài năng khác trở nên vô ích. Nếu Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta đến độ thí mạng sống mình, thì làm sao chúng ta lại dám không yêu Chúa hết mình và không yêu anh em bằng cả trái tim? Chỉ khi nào chúng ta thực thi lòng bác ái chúng ta mới có thể dự phần vào niềm vui của Chúa chúng ta. Cầu xin Đức Mẹ Đồng Trinh Maria dạy dỗ chúng ta trở nên tích cực và hân hoan tỉnh thức trên con đường kết hiệp với Chúa chúng ta”.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã chào hàng chục ngàn khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô. Ngài đặc biệt chào thăm một nhóm đông đảo khách hành hương Phi Luật Tân. Nói với các khách hành hương người Đức, Đức Thánh Cha đã nhắc đến linh mục Carl Lampert thành Dornbirn là vị tử đạo đã được tôn phong mà Giáo Hội kính nhớ hàng năm vào ngày 13 tháng 11.
Đức Thánh Cha nhắc lại rằng khi bị mật vụ Quốc Xã hỏi cung lần cuối có tính chất quyết định là ngài có được trả tự do hay không, thánh Carl Lampert đã nói: “Tôi yêu mến Giáo Hội. Tôi luôn trung tín với Giáo Hội và ơn gọi linh mục của mình. Tôi đứng về phía Chúa Kitô và yêu mến Giáo Hội của Ngài.” Chính vì câu trả lời cứng cỏi này mà ngài đã bị đưa ra tòa và bị xử bắn lúc 4 giờ chiều ngày 13 tháng 11 năm 1944.
phim Khoa học và Đức Tin không xem được. Xin gửi đường link khác cho tôi được k
Cảm ơn bạn đã phản hồi, hiện tại do đứt cáp quang ở trên biển, nên tốc độ truy cập mạng bị chậm, link phim vẫn xem bình thường bạn nhé, lỗi này chúng tôi cũng đành ngồi đợi người ta khắc phục thôi, thân ái!