NHỮNG PHÂN BIỆT CẦN THIẾT
Khi nói về Satan thì điều không nên quên là: Satan chỉ có một, còn các con quỷ thì vô số. Nhưng trong cuốn khảo luận này, chúng tôi ít nhiều cũng đã đối xử với Satan như thể tất cả mọi con quỷ đều giống như hắn, như thể thủ lãnh hoả ngục và quân binh của hắn có thể thay đổi lẫn nhau được. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy trong số những con quỷ nhập vào người này hay người kia trong các trường hợp quỷ nhập, người ta gặp những danh hiệu khác không phải là Satan, như Isacaron, Isabô, Asmodée, … Những danh hiệu này không hoàn toàn đồng nghĩa với Satan. Trong bài tiểu luận về tâm lý ma quỷ này, sự kiện đầu tiên cần phải nhận thấy, là các con quỷ khác biệt nhau, giống như nơi con người: người này khác người kia. Không bao giờ có hai con giống hệt nhau cả. Và chúng cũng không luôn luôn đồng ý với nhau. Chúng ta đã thấy ở Perpignan, con quỷ chiếm hữu Antoine Gay là Isacaron đã gây lộn một cách giận dữ với con quỷ chiếm hữu Chiquette.
Trong trường hợp người phụ nữ bị thư ếm ở Plaisance, chúng ta thấy: bên cạnh Isabô còn có 6 con quỷ khác với những tên gọi kỳ cục. Nhưng dường như Isabô không quan tâm gì đến những con quỷ đó cả.
Muốn hiểu tâm lý Satan, điều trước tiên là phải phân biệt thủ lãnh với thần dân của hắn.
SATAN VÀ ÔNG BÀ NGUYÊN TỔ CỦA CHÚNG TA
Chúng ta chắc chắn rằng Con Rắn đã cám dỗ bà Eva chính là Satan. Con Rắn là Con Rồng ở trong sách Khải Huyền. Và Con Rồng chính là Satan hay Lucifer.
Chúng ta có thể suy diễn từ danh từ Con Rắn ra những gì liên hệ tới “não trạng” của Satan không?
Đặc tính thứ nhất: “Trong các loài thú sống ngoài đồng, thì Con Rắn là con quỷ quyệt nhất” (St 3,1). Không thể nghi ngờ gì về điều này. Satan nổi danh về những quỷ kế của hắn. Từ ngữ đó là gì? Quỷ kế là “mưu mô khéo léo để lường gạt”. Ai hành động bằng mưu mô, bằng quỷ kế, là có ý hướng xấu. Nếu hắn nói thì không phải là để nói sự thật, mà để lường gạt, để làm người ta hiểu sai. Satan là giả mạo, là dối trá. Người ta không thể tin cậy, phó thác nơi hắn. Điều mà hắn thiếu nhất là sự ngay chính, thành thật, thẳng thắn. Hắn luôn luôn mờ ám. Hắn cố tình tỏ ra khó hiểu, dấu diếm. Khi suy gẫm cuộc đối thoại giữa hắn với bà Eva, người ta ngạc nhiên một đằng vì sự đơn sơ, ngây thơ của bà, đằng khác vì sự tinh vi, bạo dạn và vô liêm sỉ của Satan. Hắn giải thích sự phòng thủ của Thiên Chúa theo cách riêng của hắn.
Hắn chối không chịu nhận rằng sự phòng thủ đó là chính đáng, không nhận rằng việc vi phạm sự phòng thủ đó có thể gây ra những hậu quả xấu nghiêm trọng. Bà Eva nói với hắn rằng ai ăn quả ở cây mà Chúa đã cấm đụng đến sẽ bị phạt chết. Satan – dưới lốt rắn – trả lời thế nào?
“Không phải vậy đâu! Ông bà không chết đâu! Nhưng Thiên Chúa biết rằng ngày nào ông bà ăn trái đó thì mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ trở nên như Thiên Chúa, biết được điều lành điều dữ!”.
Satan không chỉ đưa ra một phủ nhận về Thiên Chúa, mà còn tố cáo Ngài hành động như một kẻ thù của con người, như một tên bạo chúa không muốn cho “mắt của họ mở ra”. Hắn còn làm cho niềm mong ước của hắn trỗi dậy trong tâm trí con người: “Ông bà sẽ trở nên như Thiên Chúa”.
Qua lời này, Satan đã để lộ điều bí mật của hắn, nguyên nhân phản loạn của hắn, vì lý do sa ngã của hắn: “Muốn trở nên như Thiên Chúa”. Hành vi kiêu ngạo này chính là nền tảng cho tâm lý của Satan!
Làm sao một tạo vật có trí tuệ sáng như vậy lại có thể đi tới một tình trạng tinh thần ngu xuẩn như thế? Chúng ta không biết gì về đời sống của các thiên thần trước khi Satan sa ngã. Có thể trong thế giới của các thiên thần, có rất nhiều thiên thần hâm mộ hắn. Điều đó khiến chúng ta giả thiết rằng hắn đã lôi kéo về phe hắn “một phần ba các ngôi sao trên trời” tức là các thiên thần. Sự việc có nhiều thiên thần khác hâm mộ hắn là “sự thử thách” của Satan. Hắn đã thất bại trong cuộc thử thách đó, vì hắn lại tự đề cao chính mình. Tất cả những gì chúng ta biết được về tính kiêu ngạo của con người, giúp chúng ta đi đến phỏng đoán đó. Tính kiêu ngạo này đã gợi cho hắn sáng kiến nói với bà Eva câu này: “Ông bà sẽ trở nên như Thiên Chúa”. Trong vụ sa ngã của hắn, chính hắn đã tự coi mình như Thiên Chúa. Tính kiêu ngạo của hắn không chết.
Chính sự kiêu ngạo khiến hắn xa rời Thiên Chúa và biến hắn thành Kẻ Đối Thủ. Trong sách Huấn Ca, hậu quả của sự kiêu ngạo đó được đặt nổi bật lên rõ rệt. Trong đó chúng ta đọc thấy:
“Lề thói của kẻ kiêu ngạo là lìa xa Chúa và để trái tim nó xa rời Đấng Tạo Hoá, vì lề thói của kẻ kiêu ngạo là tội lỗi, kẻ nào say mê tội lỗi thì gieo rắc sự kinh tởm”. (Hc 10, 12-13).
Cuối cùng, với sự xa cách Thiên Chúa đó, người ta thấy trong tâm lý của Satan dưới lốt Con Rắn cám dỗ, có sự ghen ghét đối với con người, được giấu ẩn dưới vẻ thân thiện!
Hắn muốn lường gạt người đàn bà, và dùng nàng để lường gạt người đàn ông. Hắn đối lập lời của hắn với lời của Thiên Chúa. Hắn làm cho họ hoa mắt lên vì cái giấc mơ phi lý và tại hại này: “Ông bà sẽ trở nên như Thiên Chúa”. Tuy nhiên hắn biết rằng chính nhờ điều ấy mà hắn đã đưa được sự chết vào trong nhân loại.
Từ đó, chúng ta hiểu rằng: Chúa Giêsu, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, đã định nghĩa Satan là cha của dối trá, là kẻ giết người ngay từ nguyên thuỷ. Đối với chúng ta, không hề quá đáng khi nói rằng từ ngữ kẻ giết người chỉ đưa ra một khía cạnh của chân lý toàn diện này: Trên tất cả, Satan là kẻ giết Thiên Chúa!
Sau khi cám dỗ Đức Kitô thất bại, chính hắn đã không ngừng đưa Ngài tới chỗ chết! Bằng cách nhập vào tâm hồn Giuđa, hắn chính là đạo diễn của cái thảm kịch kết thúc ở đồi Canvê ấy!
KẺ CÁM DỖ ĐỨC KITÔ
Tất cả những chuyện gì chúng ta vừa khám phá ra được về Satan đều được thể hiện rõ ràng trong ba lần hắn cám dỗ Đức Kitô. Thật không có một kiêu ngạo nào điên rồ hơn lời Satan nói với Đức Kitô lúc hắn cho Ngài thấy bằng tâm trí với tất cả những vương quốc trên trái đất: “Nếu ông sấp mình xuống thờ lạy tôi, tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó!”. Cái cốt lõi sâu xa trong tham vọng của Satan là “tước đoạt của Thiên Chúa những kẻ đang thờ phụng Ngài, và hướng sự thờ phụng của con người về với hắn!”. Đúng là điên rồ! Tuy nhiên, như chúng tôi đã nói, lịch sử các tôn giáo là một bằng chứng cho thấy Satan đã thành công rất lớn trong việc làm cho người ta thờ phụng hắn thay vì thờ phụng Thiên Chúa!.
Và nếu con người thời nay không thờ phượng đích danh Satan nữa, thì hắn cũng đã hoạt động và thúc đẩy để con người không còn thờ phượng Thiên Chúa nữa! Hắn không còn hướng việc thờ phượng của con người vào những vị thần trong huyền thoại nữa, mà hướng tới những “vị thần” mới, do lòng kiêu ngạo của con người sáng tạo nên: Khoa Học, Tiến Bộ, Kỹ Thuật, Vật Chất! Như chúng tôi đã nói ở trên, sự chinh phục thế giới đang làm cho tâm hồn con người hư mất! Đó chính là chiến thắng của Satan trong sự thù ghét Thiên Chúa và con người!
Tóm lại: lòng kiêu ngạo, ý chí muốn mình trở thành thần linh, tính quỷ quyệt, lòng ghen tương và sự thù ghét đối với con người, tất cả những cái đó đã dẫn tới sự dối trá, giết người, giết Thiên Chúa. Đó là Satan!
Hiện tại, nếu chúng ta muốn tìm gặp Satan, chắc chắn chúng ta sẽ không gặp thấy hắn trong đám những con quỷ tối tăm và không quan trọng nơi những người bị quỷ nhập hoặc bị quỷ quấy nhiễu, mà sẽ gặp thấy hắn trong đường lối chính trị lớn của thế giới. Satan ở tại trung tâm những cơ cấu giết người hàng loạt, mà cụ thể có thể là cuộc thế chiến thứ ba có thể sẽ xảy ra. Chúng ta có thể chắc chắn rằng chính hắn là kẻ đang đạo diễn trong cuộc chiến tranh lạnh, đang gieo rắc ngờ vực giữa các dân tộc, khiến dân tộc này chống lại dân tộc kia, gây nên những cuộc bách hại những người theo Chúa Kitô, áp đặt cái ách phi nhân bản của hắn lên những quốc gia theo chủ nghĩa vô đạo, và sẵn sàng châm ngòi cho những trái bom đã được kỹ thuật hiện đại nhất hoàn chỉnh để thực hiện cái tai hoạ cuối cùng cho nhân loại!
Tâm lý của Satan: vừa có tính cách đại qui mô vì hắn chi phối được toàn cầu, vừa bi thảm vì hắn chủ trương huỷ phá tất cả, vừa có tính tội lỗi vì hắn làm cho người ta xa lìa Thiên Chúa là ánh sáng và sự sống.
Theo những bản văn nói về Léon Bloy mà chúng tôi đã trích dẫn ở chương trước, thì ông ta đã không quá đáng khi nói rằng nếu con người không thể nhìn thấy Satan đúng như bản chất của hắn, thì con người sẽ bị điên đảo vì hắn!
NHỮNG CON QUỶ TRONG TIN MỪNG
Nếu chúng ta không thể nói gì về mức độ độc ác và quyền năng của Satan, thì cũng vậy, chúng ta cũng không thể nói về những chuyện đó của những con quỷ ở dưới lệnh của hắn. Cái đám đông vĩ đại ấy đang cống hiến cho hắn tất cả mọi khả năng thông minh hướng về điều ác thuộc đủ mọi trình độ của mình.
Khi phân tích những dữ kiện trong Tin Mừng về những người bị quỷ nhập được Chúa Giêsu chữa lành, Đức Cha Catherinet đã tìm thấy trong đó những đặc tính tâm lý của những con quỷ như sau. Ngài viết:
“Tất cả những tính chất như sợ hãi, khúm núm, có quyền phép, bất lương, hay thay đổi, thậm chí thô lỗ, đều được tỏ lộ ra rõ ràng trong bài tường thuật của Tin Mừng về những người bị quỷ nhập ở Gérase, và chúng ta cũng thấy được những tính chất đó với nhiều mức độ khác nhau trong những trình thuật khác của Tin Mừng về việc trừ quỷ”.
Đức Cha cũng ghi chú thêm:
“Cái khía cạnh tức cười, tầm thường và bất lương này trong những trường hợp quỷ nhập, cũng được gặp thấy trong những tường thuật của sách Công Vụ, đặc biệt đoạn 19,13-17. Đoạn này nói về câu chuyện ở Êphêsô, có một số “thầy trừ quỷ dạo người Do Thái thử kêu cầu danh hiệu Giêsu trên những người bị quỷ nhập xem sao. Họ là bảy người con trai của ông Seévas nào đó, làm thượng tế trong đạo Do Thái. Tai hoạ liền đến với họ, vì một ngày đẹp trời kia, một trong những người bị quỷ nhập đó trả lời họ: “Ta biết Đức Giêsu, ta biết Phaolô là ai. Nhưng ta không biết các ngươi là ai”. Và người bị quỷ nhập đó xông vào họ, thắng được cả bọn, đánh họ một trận nhừ tử đến nỗi phải trần trụi trốn ra khỏi nhà đó, mình mẩy đầy thương tích!”.
Khác với Satan, đặc trưng của những con quỷ này dường như có sự mâu thuẫn, vì chúng lần lượt thay đổi những đặc tính đó, hết đe doạ tới luồn cúi, hết kiêu ngạo đến sợ hãi, nhưng luôn luôn vô liêm sỉ, thô lỗ và tầm thường!
MA QUỶ THỜI JEAN CASSIEN VÀ THỜI NAY
Để mô tả sơ lược về thế giới ma quỷ, chúng ta không thể bỏ qua bài mô tả trong cuốn Conférences (các bài giảng) của Jean Cassien, nói về cha Serenus, một trong những vị ẩn tu ở sa mạc. Cha Serenus nói về những kinh nghiệm của cha và của những cha khác đã có dịp đọ sức với ma quỷ. Cassien viết:
“Theo cha Serenus, chắc chắn là những thần xấu cũng có những sở thích khác nhau y như loài người. Thật vậy, những thần xấu mà người bình dân thường gọi là “ma-cà-rồng” (vagabond), nhất là những con hay cám dỗ và thích làm trò hề, chúng thường ở một số nơi nào đó, trên một số con đường nào đó. Chúng thích gạt gẫm những người mà chúng gặp hơn là thích làm cho họ đau khổ. Chúng cảm thấy thích thú khi làm họ mệt vì những trò chơi của chúng hoặc vì những ảo ảnh do chúng gây ra, chứ không cố ý hại họ…” (Sđd, tr.139)
Cha Serenus còn kể ra nhiều tính nết của chúng, mà chúng ta chỉ cần nhớ nét cốt yếu này: “Chúng thích gạt gẫm người ta”.
Nhưng chúng cũng thích sỉ nhục, đe doạ, và làm cho người ta sợ. Với những người mà chúng muốn quấy nhiễu, chúng thường tạo ra “cuộc chiến tranh lạnh” theo cách của chúng, nhưng Thiên Chúa không cho phép chúng gây nhiều đau khổ cho họ.
Trong những quấy nhiễu của ma quỷ tại Ars và Lộ Đức, ma quỷ cũng hành động như thế. Con Quỷ Cào Sắt của cha sở Ars không tỏ ra nguy hiểm, chắc chắn vì, theo cách nói của thánh Augustin đã được trưng dẫn trước đây, “con chó đã bị xích lại rồi”. Nó có thể sủa, hoặc chỉ cắn những ai lại gần nó quá! Những người như Boullan hay Léon Bloy đã bị cắn thật đau, nhưng đó là do lỗi của họ. Cả cha sở họ Ars, cả Bernadette, không ai phải đau khổ quá nặng nề vì ma quỷ quấy nhiễu cả!
Đối với loài người, tên cám dỗ tỏ ra có những nét mà chúng tôi vừa nói: quỷ quyệt, dối trá, ám ảnh, ít nhất là theo từng giai đoạn, nhưng nó không có khả năng chống lại đức tin: “Cui resistite fortes in fide! – Hãy đứng vững trong đức tin mà chống lại nó!” Thánh Phêrô yêu cầu chúng ta như thế.
THÁI ĐỘ CỦA MA QUỶ ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI TRỪ QUỶ
Để kết thúc chương này, chúng tôi nghĩ nên trích dẫn bức thư sau đây do một vị trừ quỷ xuất sắc đang thi hành công tác trừ quỷ, đó là cha Berger-Bergès. Cha viết cho chúng tôi ngày 17.2.1959:
“Đức Cha hỏi tôi: khi bị trừ quỷ thì tâm lý của Satan thế nào? Tôi xin trả lời Đức Cha bằng lá thư này:
Dù nguyên nhân của trường hợp quỷ nhập là gì đi nữa, thì trong đó thường có một mầu nhiệm không thể hiểu thấu. Cần phải xác định và tóm tắt tâm lý của Satan bằng những từ này: Kiêu ngạo, khinh thường nạn nhân, dai dẳng theo đuổi.
Kiêu ngạo khiến cho Satan cảm thấy hết sức đau khổ và nhục nhã vì những nghi thức trừ quỷ trong sách Các phép Rôma. Vì thế, ngay từ đầu buổi trừ quỷ, nó đã có những lời hay những thái độ thay phiên nhau xảy ra là sợ hãi, bị sỉ nhục, ngao ngán. Vì thế, nó đã tìm cách trốn đi bằng cách vặn vẹo, uốn éo thân mình một cách dữ tợn, đến nỗi những người có mặt ở đó phải trói chặt người bị quỷ nhập lại, hoặc phải khống chế y bằng đôi tay vững chắc. Vì thế, khi Satan phải phủ phục xuống đất, cuộn người lại, bất lực, nó mới thốt ra những lời tức giận này:
‘Ta không muốn người ta thấy điều đó! Ta không muốn người ta thấy ta như thế này!’
Vì thế, nó mới lên mặt phạm thượng và ngạo mạn, thái độ đó khiến nó nói: ‘Này Thượng Đế! Tôi không sợ ông đâu!… Chính ta là chủ tể đây!… Ta là chủ tể thế giới!…’
Khi nó cố bẻ gãy cây thánh giá mà vị linh mục đặt trên ngực nó mà không được, điều đó khiến nó phải nói: ‘Ông Giêsu đừng làm cho nó gãy nhé!’
Bằng một nụ cười quỷ quái mà ai trừ quỷ cũng đều biết rõ, Satan gọi Chúa Giêsu là ‘Con Rối ở trên thập giá!… Tên Tử tội trên cây gỗ!…’
Quyền năng của phép trừ quỷ làm tính kiêu ngạo của nó bị tổn thương, khiến nó đâm ra thù ghét tôn giáo. Và điều rất lạ lùng – cần phải nhấn mạnh – là sự thù ghét đó phải ngừng lại một cách bất lực trước danh hiệu và con người của Đức Trinh Nữ Maria, và nhiều lần Satan bị bó buộc phải tuyên xưng nguyên văn như sau:
‘Chính Bà là người quyền năng nhất!… Tôi không làm gì chống lại Bà được, hỡi Bà đầy quyền năng!… Chỉ vì Bà mà tôi không làm gì được!… Và người ta bắt buộc tôi phải nói lên điều đó!…’. Người ta ở đây chính là Thiên Chúa!
Không bao giờ, không bao giờ Satan dám sỉ nhục Đức Trinh Nữ, nhưng nó không quên tìm cách tống khứ cuốn sách trừ quỷ, tức sách Các phép. Ít nhất có một lần nó nói với tôi rằng sách Các phép đã làm nó phải chịu đựng một hoả ngục thứ hai. Cuốn sách Các phép mà vị linh mục cầm trong tay có lần đã đốt cháy bàn tay của nó, khi nó thình lình giằng lấy cuốn sách đó trong vòng một giây… Và nếu có thể thì nó cũng sẽ tống khứ cả vị linh mục trừ quỷ. Thật vậy, nó bị bó buộc phải tuyên bố một cách giận dữ:
‘Với ngươi, ta đành phải chịu như vậy! Vì ngươi có những người ở bên trên phù hộ ngươi, bảo vệ ngươi… nếu không, ta sẽ bóp chết ngươi từ lâu rồi!…’
Thưa Đức Cha, Đức Cha đã đoán đúng, các độc giả của Đức Cha cũng đoán đúng, rằng tất cả những chi tiết đó đều được ghi lại đầy đủ trong tập tài liệu của con, với những chi tiết chính xác khiến Satan phải khó chịu, thậm chí còn cảm thấy nặng nề nữa. Nó đã từng kêu lên ít nhất là một lần với con: ‘Ôi chao, những tài liệu của ngươi, nếu có thể, ta sẽ ném tất cả những thứ đó của ngươi vào lửa!’.
Thưa Đức Cha, như con đã nói với Đức Cha, cần phải ghi nhận một điểm trong tâm lý Satan là: ngoài tính kiêu ngạo, nó còn tỏ ra một sự khinh thường thật dễ ghét và thô bỉ đối với nạn nhân của nó trong thời gian trừ quỷ. Sở dĩ nó có thái độ này đối với người bị nó nhập vào, là vì nó thấy người ấy là một đối thủ hay một người thay thế chỗ của nó trên thiên đàng, nơi mà nó đã bị trục xuất vĩnh viễn cùng với đồng bọn của nó. Và khi vị trừ quỷ gọi nó là ‘Đồ khốn kiếp! Đồ bị nguyền rủa!’ thì nó phản ứng ngay tức khắc bằng sự im lặng và buồn bã bi thảm tới mức gây ấn tượng. Sự buồn thảm này sẽ biến thành lòng thù hận và sự hung tợn đối với nạn nhân của nó’.
Những người chứng kiến những cảnh đau thương luôn luôn gây ấn tượng ấy, và vị linh mục trừ quỷ đã trông thấy người bị quỷ nhập lăn xuống đất, cuốn người lại trên mặt đất trong những cơn đau khủng khiếp, và bắt buộc phải tránh những đòn mà Satan dùng để trả đũa một cách độc ác. Sự độc ác này đôi khi khiến cho vài người chứng kiến phải đi chỗ khác để khỏi phải nhìn những cảnh hết sức đau thương.
Dĩ nhiên trong khi xảy ra những cảnh độc ác đó, thì việc trừ quỷ vẫn tiếp tục hết buổi này tới buổi khác, đôi khi kéo dài hai tiếng, ba tiếng, thậm chí tới bốn tiếng, khiến vị trừ quỷ mệt nhọc không thể ngờ được, vì vị linh mục không chịu nhượng bộ Satan cho tới khi nào nó bị sức mạnh của sách Các phép chiến thắng và chế ngự được nó, khiến nó dần dần bị kiệt sức, rồi bỗng nhiên khuỵu xuống, đầu sát đất, và bằng một giọng hổn hển nó thốt lên những lời bất ngờ:
‘Thôi! Đủ rồi! Xin thương tôi! Xin thương tôi! Hãy để tôi ra đi!’
Với quyền năng trả đũa và thống trị của phép trừ quỷ trong Giáo Hội, người ta chờ đợi được nhìn thấy Satan đầu hàng kể từ lúc đó, và ra dấu hiệu cho biết người bị quỷ nhập đã được giải phóng. Người ta tự nhủ rằng rốt cuộc người đó, anh đó hay chị đó, đã được giải phóng rồi! Nhưng niềm tin và sự hy vọng của dân chúng bị chưng hửng khi biết rằng Satan vẫn còn trong nạn nhân, nó vẫn dai dẳng bắt buộc Giáo Hội và vị trừ quỷ phải can thiệp nhiều lần nữa. Chính điểm này khiến chúng ta phải lập lại lời Thánh Phaolô:
‘Ai biết được những đường lối nhiệm mầu của Thiên Chúa? Ai hiểu được những mầu nhiệm không thấu của Ngài?’
Thưa Đức Cha, còn người đang viết cho Đức Cha những dòng chữ này, đã hơn 5 năm nay, vẫn tiếp tục không ngừng cầm sách Các phép trong tay để đương đầu với Satan. Người đó vẫn không ngừng lập lại cho những ai đang bị quỷ nhập, đang bị Con Thú hành hạ đau khổ lời này: ‘Hãy tin tưởng! Hãy vững tâm! Hãy tin vào sức mạnh, có thể chậm nhưng hữu hiệu, của quyền năng trừ quỷ trong Giáo Hội. Hãy tin tưởng vào sức mạnh của Đức Trinh Nữ, là Đấng đã chiến thắng Satan, và hãy chờ đợi giờ phút của Thiên Chúa chắc chắn sẽ đến!'”
Tác giả: Gm.Cristiani