ĐỊNH NGHĨA
Từ ngữ chủ nghĩa Satan (Satanisme) có nhiều nghĩa. Trước hết, ta có thể coi Satan như chủ hay thủ lãnh của thế gian này. Đó là danh hiệu mà Chúa Giêsu đã dùng tới 3 lần trong Tin Mừng để nói về Satan. Và chúng tôi cũng vừa mới trình bày về quan điểm này. Satan hiện diện trong vũ trụ chúng ta đang sống tới mức độ nào? Chúng tôi đã nói: mức độ đó thay đổi tuỳ từng quốc gia, chủng tộc, văn minh, chế độ chính trị. Chủ nghĩa Satan còn có nghĩa là sống theo đường lối Satan bằng một đời sống tội lỗi. Chúng tôi đã nhắc lại lời của Đức Grêgôriô Cả rằng trong suốt thời gian một người tùng phục tội lỗi, thì người đó là một chi thể trong “thân thể mầu nhiệm của Satan”.
Công việc của chúng ta không phải là tìm xem số người sống trong “tình trạng ân sủng” là bao nhiêu, nghĩa là những người, hiện lúc này, không sống dưới quyền lực Satan. Nhưng chúng ta có quyền giả thiết rằng số người đó nhiều hơn là người ta tưởng, nhất là nếu cho rằng những kẻ tội lỗi thường chỉ là những người đã bước tới một bước lầm lỡ, hay đã bị sa ngã nhưng họ không muốn vì thế mà ở lại trong quyền lực Satan.
Cuối cùng, từ ngữ chủ nghĩa Satan còn có nghĩa là sự thờ phượng Satan, không phải bằng một tội đã phạm trong một cơ hội nào đó, rồi về sau hối hận và chừa cải ngay, mà bằng một gắn bó rõ ràng và tự nguyện với Satan.
HAI HÌNH THỨC CỦA CHỦ NGHĨA SATAN
Chúng ta cần phân biệt hai hình thức khác nhau của chủ nghĩa Satan. Trước hết là thứ Satan chủ nghĩa của những người tuy không tin có Satan cũng như không tin có Thiên Chúa, nhưng toàn bộ đời sống của họ lại phù hợp với những nguyên tắc và sự hướng dẫn của Satan.
Đối với hình thức đầu tiên của chủ nghĩa Satan này, câu nói mà chúng tôi thường lập lại và đã từng giải thích thật là chí lý: “Mưu mô quỷ quyệt nhất của Satan là làm cho người ta tin rằng không có ma quỷ gì cả!”. Về đề tài này, Papini vào năm 1921 đã trích dẫn lời của triết gia Alain:
“Ma quỷ phải chịu cùng một số phận với tất cả mọi thứ ảo ảnh… Theo như tôi thấy, ngay cả chiến tranh cũng không làm cho ma quỷ và các quyền năng của nó sống lại” (Alain, Propos sur la Religion, Paris, Rieder, 1937, p.64).
Nhưng chúng ta không dừng lại ở hình thức đầu của chủ nghĩa Satan. Hình thức này thuần tuý tiêu cực. Vả lại, người ta cũng gặp thấy hình thức này ngay cả nơi những Kitô hữu ưu tú, dẫu họ không có một chút ý hướng xấu nào, và họ cũng không biết họ đang sống ngược với tính chính thống và với Tin Mừng.
Điều chúng ta phải tìm hiểu, quan trọng nhất là những hình thức tích cực của chủ nghĩa Satan. Chúng tôi nói những hình thức tích cực (ở số nhiều), vì qua các thế kỷ, và cho tới thời đại chúng ta, dường như ít nhất có hai hình thức chủ nghĩa Satan tích cực: tôn giáo Satan (Satanisme-religion) và ma thuật Satan (Satanisme-magie).
TÔN GIÁO SATAN
Ngay khi nghĩ về vấn đề này, người ta không thể không ngạc nhiên khi thấy lịch sử của chủ nghĩa Satan thực sự hoà lẫn với lịch sử các tôn giáo!
Kết luận như thế quả là bao quát quá, cần phải giải thích rõ ràng hơn.
Hiện nay lịch sử các tôn giáo được nghiên cứu rất sâu xa, thường không đề cập nhiều đến Satan. Ma quỷ chỉ chiếm một vị thế giới hạn. Nhà viết sử các tôn giáo thường chú tâm trình bày những niềm tin tôn giáo của các dân tộc một cách khách quan, nêu danh các vị thần, đưa ra những thuộc tính của mỗi vị thần được nhóm người này hay nhóm người kia thờ phượng. Họ trình bày những nghi thức mà người ta dùng để biểu lộ lòng tôn kính đối với các thần linh. Trên nguyên tắc họ không đả động tới việc phán đoán về giá trị. Họ không làm triết lý, không đi sâu vào siêu hình học, và càng không đặt vấn đề theo kiểu thần học Kitô giáo.
Nhưng bàn về chủ đề này chúng ta có thể tránh kiểu đặt vấn đề của thần học được không? Khi nói về Satan và sự hiện diện của nó trong thế gian, chúng ta có cần phải đặt mình trong quan điểm Kitô giáo, là quan điểm duy nhất đặt Satan vào đúng chỗ của nó trong bảng tổng quát về các hữu thể không?
Tin Mừng đã nói gì? Các Giáo Phụ đã nói gì? Thần học Kitô giáo đã nói gì về các tôn giáo của dân ngoại?
Tin Mừng đã gán cho Satan một danh hiệu khó hiểu – đáng lẽ chúng ta không nên nhấn mạnh quá về điểm này – nhưng tất nhiên là đúng vì đích thân Đức Kitô đã cho nó danh hiệu đó: Thủ lãnh của thế gian! Một danh hiệu như thế làm sao lại có thể dành cho Satan được, nếu những thần linh ngoại giáo không phải thuần tuý và đơn giản là ma quỷ?
Các Giáo Phụ trong Giáo Hội cũng nhất trí hiểu vấn đề như thế. Về điểm này đối với các ngài, không còn gì phải nghi ngờ nữa. Các thần linh ngoại giáo đều là ma quỷ cả. Những lời sấm lưu hành trong dân ngoại, như của Dodone hay của Delphes, và những sấm ngôn khác ít nổi tiếng hơn đều là những lời sấm của ma quỷ, là những biểu hiện của chủ nghĩa Satan.
Thần học Kitô giáo đương nhiên thừa hưởng quan điểm đó. Những mô tả về các tôn giáo dân ngoại ngày xưa cũng như thời nay của lịch sử, đối với chúng ta, không phải là một trò chơi trí tuệ, một thứ hiếu kỳ về văn học, mà là một nhận xét đáng sợ về sự thống trị của Satan trên con người.
Làm sao Satan và bè lũ của nó lại được con người tôn thờ và cầu xin? Dường như người ta khó nhận thấy mình làm điều đó, vì người ta ngả theo Satan một cách vô thức, hay vì một thứ chủ nghĩa hiện thực sơ đẳng nào đó. Nói chung, các nhà viết sử về các tôn giáo, đều nhìn nhận có một Thiên Chúa tối cao, tối thượng, toàn năng và toàn thiện, nhưng chính những tôn giáo này lại rất thường xếp Thiên Chúa ấy vào một xó, và dành sự tôn kính của họ cho cả một thế giới thần linh thấp kém hơn, hoặc tốt hoặc xấu. Người ta cũng biết những thần linh này phải tuỳ thuộc vào vị Thiên Chúa tối thượng ấy, nhưng họ cho rằng những thần linh này gần gũi với họ hơn, chia sẻ thân phận với họ nhiều hơn, do đó cầu khẩn hay nài xin dễ có lợi ích hơn.
Cuối cùng, một số lớn các tôn giáo dân ngoại tin rằng có những lực lượng hay sức mạnh có hại cần phải được hoà giải bằng những nghi thức cúng tế.
“Chủ nghĩa hiện thực” sơ đẳng này, nói nôm na là: việc nào cần thì làm trước, dường như bắt nguồn từ những huyền thoại ngoại giáo, những nghi thức ngoại giáo, và những pha trộn sau này trong những chủ nghĩa hoà đồng thực dụng, mà đền Panthéon là một thí dụ điển hình.
Chắc chắn không thể nghi ngờ là dưới mắt của những người theo đạo Do Thái, và còn hơn thế nữa, của những người theo Kitô giáo, tất cả các thần linh ngoại giáo chỉ có thể là ma quỷ. Vì thế, luôn luôn có những cuộc chiến đấu anh hùng, đối với người Do Thái thì đặc biệt vào thời Macabê, còn đối với người Kitô giáo thì là suốt thời kỳ bắt hại đẫm máu. Vì thế, người Kitô hữu luôn luôn cảm thấy một sự kinh tởm về mặt tôn giáo khi phải đối diện với việc thờ lạy “tượng thần” – như họ vẫn nói – tức là những hình tượng phù phiếm trong việc thờ cúng ma quỷ của dân ngoại.
Theo quan điểm mà chúng ta thừa hưởng từ xa xưa, nếu ta để qua một cái tôn giáo duy nhất chân thực, tôn giáo của các tổ phụ, của Môisê, và của Kitô giáo, thì rõ ràng là lịch sử các tôn giáo không gì khác hơn lịch sử của chủ nghĩa Satan. Danh hiệu “Thủ lãnh của thế gian” mà Chúa Kitô dùng để chỉ Satan chỉ có thể được hiểu theo nghĩa đó.
Khi so sánh sự đơn nhất trong việc thờ phượng Thiên Chúa: trước hết là Yavê rồi tới Ngôi Lời nhập thể, với sự đa tạp trong việc thờ cúng các thần giả hiệu, ta bó buộc phải nhìn nhận rằng: nếu Chúa Giêsu thực sự là vị Vua duy nhất, thì Ngài thật chí lý khi tuyên bố: “Nước Ta không thuộc về thế gian này!”
Và chúng ta cũng hiểu được tại sao nghi thức rửa tội Kitô giáo lại nhấn mạnh vào việc trừ quỷ, được cử hành nhiều lần trong nghi lễ. Người ta còn gặp lại việc trừ quỷ rất nhiều lần trong phụng vụ Công giáo. Khi một linh mục làm phép nước thánh, ngài đọc trên muối mà ngài sẽ pha vào trong nước đó những lời sau đây:
“Hỡi muối được Thiên Chúa hằng sống tạo dựng nên, ta trừ quỷ cho ngươi, để ngươi trở nên thứ muối tinh khiết ích lợi cho phần rỗi các tín hữu, để ngươi trở nên một khí cụ đem lại hạnh phúc về tâm hồn cũng như thể xác cho tất cả những ai dùng ngươi, để người ta rảy ngươi vào chỗ nào thì chỗ đó được trừ khử và đẩy lui mọi ảo ảnh, mọi hiểm độc, và mọi cạm bẫy của ma quỷ chuyên lường gạt, cũng như mọi tinh thần bất chính, chúng bị xua đuổi bởi Đấng sẽ đến phán xét kẻ sống, kẻ chết, và cả thế gian bằng lửa. Amen”.
Rồi ngài cũng đọc trên nước phải làm phép:
“Hỡi nước được tạo dựng, nhân danh Thiên Chúa là Cha Toàn Năng, ta trừ quỷ cho ngươi, để ngươi trở nên nước tinh khiết có khả năng xua đuổi tất cả mọi quyền lực thù nghịch, cũng như nhổ bật gốc đồng thời đuổi xa chính Kẻ Thù và những thiên thần bội phản cùng bè lũ với nó. Nhờ cũng một Đức Kitô Chúa chúng ta…”.
Ngài còn thêm:
“Lạy Chúa, vì phần rỗi của loài người, Chúa đã trộn lẫn chất nước này với những mầu nhiệm lớn nhất của Chúa, xin hãy rủ thương khấng nhận lời kêu cầu của chúng con, để nước này vốn là tạo vật của Chúa, nhờ ân sủng của Chúa, nhận được khả năng đuổi xa ma quỷ…”.
Cuối cùng, vào lúc làm phép nước trong phụng vụ tuyệt vời ngày thứ bảy tuần thánh, lời cầu nguyện đó được lặp lại:
“Vậy lạy Chúa, xin hãy ra lệnh cho mọi thần ô uế ra khỏi đây: xin hãy xua đuổi khỏi môi trường này tất cả mọi hiểm ác và mưu mô của ma quỷ. Đừng để quyền lực kẻ thù lẫn lộn vào nước này. Đừng để quyền lực ấy lai vãng chung quanh nước này và âm thầm lẻn vào nước này để quấy phá và làm cho nước này hư hoại. Xin cho tạo vật thánh này tránh được mọi tấn công của kẻ thù, được tinh khiết vì mọi hiểm ác đều bị xua đuổi…”
Nếu những công thức đức tin trong Giáo Hội này được xác nhận sáng tỏ như thế, thì còn ai nghi ngờ gì nữa?
Nhưng người ta nói, đó chỉ là những câu nói, những gì còn sót lại của những tín ngưỡng cổ xưa, mà dưới con mắt của người thời đại chỉ là những mê tín! Chúng tôi xin trả lời ý kiến đó bằng những dữ kiện. Tất cả những trường hợp quỷ nhập mà chúng tôi đã thuật lại, tất cả những nhân chứng của các linh mục trừ quỷ, và của những người đã chứng kiến những can thiệp của ma quỷ, đều khẳng định điều đó: người ta không thể rảy nước thánh lên một người bị quỷ nhập mà không làm cho con quỷ đang cư ngụ nơi người ấy cảm thấy tác dụng của nước ấy đối với nó. Nó đã phải kêu lên: “Mi đốt ta! Mi đốt ta!”. Vậy là nước thánh có hiệu lực tác động và tiêu huỷ những hành động bí mật của ma quỷ. Điều này đưa chúng ta tới một khía cạnh khác của chú nghĩa Satan.
MA THUẬT SATAN
Song song với tôn giáo Satan mà chúng tôi vừa đề cập, người ta thường cho rằng cũng có ma thuật Satan nữa. Nói cho đúng, không thiếu các nhà chuyên môn nghiên cứu về lịch sử các tôn giáo và các nghi thức phụng tự, đã nghĩ và dạy rằng: ma thuật thậm chí có trước tôn giáo, và tất cả các tôn giáo dân ngoại đều biến thể từ ma thuật. Nhưng ý kiến này càng ngày càng ít người chấp nhận, và nó cũng đáng bị như thế. Khó mà chắc chắn được con người đã bắt đầu bằng ma thuật để rồi chuyển sang tôn giáo đúng nghĩa.
Vậy, ma thuật đối nghịch với tôn giáo là gì?
Trong tôn giáo, con người nghiêng mình trước một quyền lực cao hơn, họ thờ lạy, cầu khẩn, đồng thời nhìn nhận sự yếu đuối bất lực của mình. Họ chấp nhận sự lệ thuộc của họ. Những dân tộc “sơ khai” nhất hiện nay, nghĩa là những dân tộc kém tiến hoá nhất, theo chúng tôi nghĩ, vẫn còn rất gần với nguồn gốc xa xưa, như dân tộc Pygmés chẳng hạn, nơi những dân tộc này, thái độ đó vẫn còn hiện hành. Nơi họ, tôn giáo thậm chí vẫn còn thuần tuý hơn nơi những dân tộc tiến hoá hơn.
Trong ma thuật, con người khoe khoang về một quyền lực mầu nhiệm nào đó. Không những không nghiêng mình trước thần linh, con người còn tin rằng họ có thể điều khiển được cả thần linh. Họ phát minh ra những công thức và sử dụng chúng. Họ cho rằng nhờ những công thức đó họ có thể điều khiển được những sức mạnh thượng đẳng để chúng phục vụ họ. Não trạng của nhà ma thuật – hay của nhà phù thuỷ, tức anh em sinh đôi với nhà ma thuật nhưng độc ác hơn – rất khác với não trạng của con người tôn giáo. Một người bình thường làm sao có thể đi tới một não trạng như thế?
Đối với chúng tôi, đó là một điều khó hiểu. So với việc thờ thần tượng, thì ma thuật có tính Satan cao độ hơn rất nhiều. Khi thờ thần tượng, con người ít nhiều gì cũng có một tâm hồn thành thật. Người ta sai lầm trong bản chất của đối tượng tôn sùng, chứ không sai lầm trong việc họ lệ thuộc và cầu khẩn với đối tượng đó, vốn là điều tất yếu phải có. Người ta không dành sự tôn kính của họ cho Thiên Chúa đích thực, nhưng họ không sai lầm khi nghĩ rằng sự kính trọng của họ phải danh riêng cho một Đấng nào đó!
Trong ma thuật có sự phạm thánh, có sự kiêu ngạo, hãnh diện về một quyền lực đích thực đầy tính ma quỷ. Tên thầy bùa ra lệnh cho thần linh, nhưng hắn biết rằng các thần linh sẽ có lúc bắt hắn phải trả một giá rất đắt về sự thần phục tạm thời của họ. Dẫu sao, hắn vẫn hãnh diện vì ép buộc được họ, bắt họ phải tuân lệnh hắn ít nhất trong một thời gian nào đó. Hắn hãnh diện vì có được một quyền lực khiến cho anh em đồng loại của mình phải khiếp sợ, phải dành cho hắn nhiều lợi thế trước mắt, trong khi chờ đợi luật công bình tự nhiên trở lại giải quyết.
Chắc chắn ma thuật cũng như việc thờ cúng thần tượng phát sinh từ chính chủ nghĩa hiện thực đó. Người ta đã thờ phượng những thần linh kém hơn, nghĩa là những thần giả tạo, thay vì thờ phượng chính Thiên Chúa chân thật đã được những người “sơ khai” nhìn nhận, vì những thần linh ấy gần với chúng ta hơn, kêu cầu và hoà giải với họ có lợi ích hơn. Nhưng có một số người đã đẩy cái chủ nghĩa hiện thực này đi xa hơn nữa, họ đã chuyển từ tôn giáo sang ma thuật, từ sự tuân phục sang một thứ giao ước ngầm, cho họ quyền ra lệnh cho chính thần linh. Việc chuyển từ tôn giáo sang ma thuật là một sự biến dạng, nhưng dẫu sao nó vẫn còn tự nhiên hơn là việc chuyển từ ma thuật sang tôn giáo. Nếu con người đã bắt đầu dùng ma thuật, ta sẽ không thể hiểu được làm sao họ lại thụt lùi – có thể nói như thế – về phía tôn giáo. Làm sao họ có thể kêu cầu những đại diện của những sức mạnh mà họ tưởng rằng đang nằm trong quyền sử dụng của họ?
Đó là hai loại Satan chủ nghĩa: tôn giáo Satan và ma thuật Satan, mà chúng ta đã định nghĩa rõ ràng. Trong tôn giáo Satan thì Satan là “thủ lãnh của thế gian này”, bởi vì toàn thể thế giới đều nghiêng mình trước bàn thờ của nó và dâng lễ vật cho nó. Trong ma thuật Satan, thì dường như Satan đồng ý vâng lời con người khi họ sử dụng một số công thức hoặc cử hành một số nghi thức nào đó. Nhưng Satan không mất mát gì trong chuyện đó cả, vì những người thực hành ma thuật cuối cùng sẽ bị Satan thu phục lại, và nó sẽ thống trị họ một cách còn chặt chẽ hơn và đầy đủ hơn tất cả những người thờ phượng nó.
CHỦ NGHĨA SATAN NGÀY NAY
Chủ nghĩa Satan đã có từ lâu đời dưới hai hình thức đó ngày nay còn lại gì? Mọi người đều hiểu rằng câu hỏi này không thể trả lời được.
Tôn giáo Satan mà chúng tôi đã định nghĩa, đang biến mất một cách nhanh chóng. Trên thế giới, những bàn thờ cúng các thần linh giả tạo càng ngày càng ít đi. Điều đó không có nghĩa là sự thống trị của Satan trên thế giới bị giảm sút, vì nó đang thực sự hoạt động tích cực trong những đế quốc rộng lớn, như chúng tôi đã chứng tỏ điều đó. Nó đã thay đổi chiến thuật. Nó phải thích ứng với sự tiến hoá chung của nhân loại, một nhân loại mà nó chưa làm chủ được một cách tuyệt đối, dẫu nó đang đóng một vai trò hết sức quan trọng.
Hình thức mới đây nhất của chủ nghĩa Satan chính là chủ nghĩa vô thần dưới mọi hình thức. Chủ nghĩa là có tính Satan, vì nó chối bỏ Thiên Chúa và ma quỷ, chối bỏ linh hồn, chỉ biết có vật chất và cuộc sống hiện tại. Vì nó cắt bỏ phần bất tử của con người, nên nó đã làm cho con người, và ngay cả tình yêu của những con quỷ đồng bọn với nó. Vì nó chính là sự thù hận. Chiến thắng của nó chính là reo rắc hận thù, truyền bá hận thù. Chủ nghĩa Satan ngày nay chủ trương khơi dậy lòng hận thù giữa các giai cấp, giữa các chủng tộc, giữa các dân tộc, gieo hận thù khắp nơi với chiêu bài lo lắng cho dân nghèo, cho giai cấp bị bóc lột. Thế là tôn giáo Satan lại được phổ biến ra rộng rãi hơn dưới một hình thức mới, hoạt động hơn, bất lương hơn rất nhiều so với bất cứ thời đại nào. Những dối trá của chủ nghĩa này có tầm rộng rãi hơn, những gì nó chối bỏ có tính cách triệt để hơn, và những gì nó khích động mang tính giết người nhiều hơn bất cứ thời nào từ trước tới nay.
Tất cả mọi người đều nhìn thấy chủ nghĩa đó đúng là một tôn giáo, vì nó huy động được tất cả sức mạnh của lòng nhiệt thành, của sự tận tâm, của tinh thần hy sinh nơi tâm hồn những người gắn bó với nó, không khác gì những điều người ta gặp trong các cao trào tôn giáo khác.
Nhưng tôn giáo này chỉ có thể gọi là tôn giáo của Satan, vì nó chống lại niềm tin vào Thiên Chúa một cách triệt để và căm thù.
Tuy nhiên, tôn giáo Satan vẫn còn tồn tại trong hình thức thờ cúng thần tượng nơi những dân tộc vẫn còn mải mê với chủ nghĩa thần vật cổ xưa (animisme antique), là những dân tộc dường như sẵn sàng mở rộng vòng tay đón nhận sự xâm nhập của chủ nghĩa vô thần một cách tự nhiên, mà không hề biết một chút gì về nguồn gốc của nó.
CHỦ NGHĨA SATAN CHÍNH DANH
Ngoài hai hình thức của tôn giáo Satan vừa nói trên – tức chủ nghĩa vô thần và tôn giáo thờ thần vật lạc hậu – còn một thứ Satan chủ nghĩa tinh vi và thâm độc, còn ít người biết tới, cũng ít người theo, và rất khó tìm hiểu nghiên cứu. Đó là tôn giáo thờ phượng Lucifer một cách tự nguyện và có tính toán. Chúng tôi không dám tự hào có những dữ kiện chính xác về thứ Satan chủ nghĩa này của thời đại chúng ta. Chúng tôi có thể nói đó là thứ Satan chủ nghĩa có những nghi thức phạm thánh, những lời báng bổ cố tình, những kiểu thờ phượng quái dị, như những “thánh lễ đen” (messe noire) chẳng hạn, nghĩa là những hình thức phạm thượng có hệ thống và có tính toán, nhái theo những nghi thức tôn kính Thiên Chúa của những tín hữu sáng suốt và chân thành nhất, để áp dụng tương tự trong việc thờ phượng Lucifer.
Chúng ta sẽ có cái nhìn bao quát về thứ Satan chủ nghĩa này khi đọc một đoạn ghi chú trong cuốn Satan, do nhóm Études carmélitaines xuất bản (trang 639). Đoạn ghi chú đó như sau:
“Chúng tôi không thể nói rộng về tất cả những người theo đạo Satan ngày nay, hay những cảm tình viên của đạo này. Báo chí Anh ra ngày 2.12.1947 có loan tin về việc ông Aleister Crowley từ trần. Theo như “ông Công Lý” đánh giá, thì đó là nhân vật tội lỗi và đồi bại nhất của nước Anh”.
Khi được hỏi về lý lịch của mình, Crowley trả lời: “Trước khi có Hitler, đã có ta”. Đó là một lời nhái theo một câu nói trong Tin Mừng. Trước khi từ giã cõi đời, lão phù thuỷ 70 tuổi này nguyền rủa vị bác sĩ đã từ chối một cách chính đáng không chịu chích morphine cho lão: “Vì ông mà tôi phải chết không được chích morphine, nên ông sẽ phải chết ngay sau khi tôi chết”. Và đã xảy ra như vậy. Tờ Daily Express (Tin nhanh hằng ngày) ra ngày 2.4.1948 loan tin: đám tang của lão phù thuỷ đen Crowley đã gây nên những phản đối trong Uỷ Ban Nhân Dân thành phố Brighton. Uỷ viên J.C. Sherrot nói: “Bản tường thuật xác nhận rằng người ta đã cử hành toàn bộ những nghi thức của ma thuật đen trên mộ ông ta”. Thật vậy, trên mộ hắn, các đệ tử đã hát những câu thần chú của ma quỷ, hát bài “Ca ngợi thần Pan” do chính Crowley soạn ra, bài “Ca tụng Satan” do Carducci soạn, và những bài Lễ Ca để cử hành “lễ ngộ đạo” (messe gnostique) do Crowley sáng tác để phục vụ những nghi thức tại đền thờ Satan của hắn tại Luân Đôn.
Báo chí Anh ra ngày 30.3.1948 đã dành những ghi chú quan trọng về những người đã chết cho nhà siêu tâm lý nổi tiếng Harry PRICE, là chuyên viên nghiên cứu về ma quỷ. Price có lần tuyên bố trong một bản tường thuật được Đại học Luân Đôn chứng nhận: “Trong tất cả những vùng thuộc Luân Đôn, có hàng trăm người, nam có nữ có, thuộc thành phần trí thức cũng như thuộc giai cấp cao trong xã hội, tôn kính ma quỷ và thường xuyên thờ phượng ma quỷ. Ba hình thức mê tín của thời Trung Cổ – là ma thuật đen, quỷ thuật, nghi thức gọi quỷ – đang thịnh hành ở Luân Đôn một cách có qui mô và tự do, thứ tự do mà thời Trung Cổ chưa từng có”. Ông Price là người sáng lập và là thư ký vĩnh viễn của Hội đồng nghiên cứu bệnh tâm thần (Council for Psychiatrical Investigations) của Đại học Luân Đôn.
- Frank-Duquesne còn cho chúng tôi biết: “Trong số những chuyện dị thường về ma quỷ thời nay có bản tường thuật của giáo sư Paul Kosok thuộc Đại học Long-Island, được xuất bản trong Tập san Bảo Tàng về Vạn Vật học của Mỹ (Annales du Musée Américain d’histoire naturelle) nói về một cuộc thám hiểm được thực hiện năm 1946 tại Pérou. Trong khoảng 500 km vuông đất có nhiều cát của một vùng sa mạc, các nhà thám hiểm đã khám phá được hai loại tranh vẽ: một loại trình bày những dấu hiệu của hoàng đạo, một loại trình bày các thứ chim chóc, cây cối, và nhất là những con rắn nhiều đầu. Một bức tranh Con Rắn, ở giữa, có một cái hố lớn chứa các bộ xương người và xương thú vật, rõ ràng xương đó là của những người và vật bị sát tế. Người ta cho rằng toàn bộ những tranh vẽ đó đã có từ 2000 năm nay”.
Phải chi chúng ta đăng lại toàn bộ bài báo quan trọng này, đặc biệt về hai đoạn đầu và về những bài báo đã cho chúng ta biết chung quanh những “hội Satan” có rất đông người tham gia ở Luân Đôn, chung quanh những “tín đồ Satan” mà ai cũng biết như Crowley và Price. Nhưng rõ ràng là những điều đó chỉ cho chúng ta cái nhìn bao quát rất sơ sài về cái tôn giáo tôn thờ Lucifer ngày nay. Đó là chỉ nói về Luân Đôn mà thôi. Có lẽ người ta còn gặp những nhóm tương tự như thế trong tất cả những thành phố lớn trên thế giới.
Quả thật, người ta chắc chắn rằng tại Paris hiện tại, có trên 10 ngàn người, nam có nữ có, thờ phượng Satan một cách thường xuyên. Nhưng bản chất của tất cả các tôn giáo loại này là lẩn trốn mọi thứ ánh sáng, mặc lấy những tính chất huyền bí, và coi thường tất cả mọi thống kê.
Nhưng các tín đồ của Satan mà chúng ta vừa nói đến không phải là những người thờ phượng Lucifer, mà còn là những thầy pháp hoặc phù thuỷ. Điều này dẫn chúng ta tới một khảo sát sơ lược về ma thuật hiện đại.
MA THUẬT SATAN NGÀY NAY
Ngoài những tay đại pháp sư quỷ quái mà chúng ta vừa kể tên, và những người mà chúng ta có thể nghi ngờ là hành động trong mặt bí mật của xã hội ngày nay, còn có những tay phù thuỷ ở những vùng thôn quê, chúng ta không thể xác định được bao nhiêu người, nhưng có lẽ nhiều hơn người ta tưởng. Sách gối đầu giường của họ là những cuốn Les Secrets du Grand Albert (Những bí mật của Albert Cả), Les Secrets du Petit-Albert (Những bí mật của Abert Thứ), Le Dragon Rouge (Con Rồng đỏ). Điều lạ lùng là hai cuốn sách huyền bí trước mang tên của vị thánh nổi tiếng là thánh Tiến sĩ Albert Cả, là người mà người ta cho rằng biết tất cả những bí mật của vũ trụ vạn vật. Đem những công thức ma thuật kinh tởm ấy đặt dưới sự bảo trợ của một vị thánh rất được tôn sùng là một mưu mô quỷ quyệt đúng là của ma quỷ. Nhưng chúng tôi cũng biết ít nhất có một tay phù thuỷ thời nay – mà chúng tôi đã nói tới – lạm dụng những hình ảnh đạo đức để hành động nghề lừa bịp đám đông hầu thủ lợi.
Thật là ngạc nhiên khi biết rằng: trong những chương trước nói về những nghi thức trừ quỷ mới đây, chúng ta gặp những trường hợp vì đọc những câu thần chú ma thuật mà rồi bị quỷ nhập. Nếu chúng ta tin vào lời của những con quỷ bị những linh mục trừ quỷ bắt buộc phải nói, thì chính những tay phù thuỷ này đã ra lệnh cho chúng phải nhập vào những người này hay người kia. Và bằng cách làm đi làm lại một số phù phép, chính những tay phù thuỷ ấy đã ngăn cản không cho những con quỷ đó vâng theo những mệnh lệnh trong những lời trừ quỷ, hoặc bắt buộc chúng phải trở lại với những người đã được giải phóng một thời gian nhờ những lời kinh ở trong sách Các phép.
Tất cả những chuyện đó quả thật vẫn còn rất mù mờ đối với chúng ta. Nhưng những vị trừ quỷ giỏi nhất biết rất rõ về điểm này.
Đôi khi chính các toà án cũng lưu tâm một cách không chính thức về những hành vi mê tín này, như trong trường hợp của một phụ nữ kia vừa mới giết chồng chị, vì chị ta tưởng chồng mình bị thư ếm hoặc chính chàng đi thư ếm người khác!
Nhưng công lý của loài người rõ ràng là không có khả năng xét xử những âm mưu giết người loại ấy, vì những âm mưu thuộc loại này thường thoát khỏi những lời chứng của con người, và không thể nào đem ra ánh sáng pháp luật được.
Chắc chắn rằng có những người đàn ông, cũng có thể có cả đàn bà nữa, làm theo những lời chỉ bảo kỳ quái trong các sách ma thuật, là tưởng tượng rằng họ liên lạc với Satan, giao ước với nó, nên nhờ đó đạt được những quyền năng lạ thường, và nhờ những quyền năng này họ làm được một nghề đem lại nhiều tiền bạc. Ma thuật góp phần vào khía cạnh đen tối của đời sống con người. Theo cách dùng từ của thánh Gioan, bóng tối luôn luôn đối lập với ánh sáng. Ma thuật cư ngụ trong bóng tối. Nó ẩn mình tránh tất cả mọi ánh mắt dòm ngó, nó biết rằng nó tạo ra một sự ghê tởm không sao xoá bỏ được nơi tất cả mọi người bình thường. Nhưng nó rất kiêu ngạo và hãnh diện về những gì nó tưởng rằng nó biết, nhất là về những gì nó tưởng rằng nó làm được.
NHỮNG TRÒ CHƠI SATAN
Ngoài tôn giáo Satan và ma thuật Satan, còn có những “trò chơi Satan”.
Trong một bài giảng nảy lửa vẫn còn nổi tiếng đến ngày nay, Đức Cha Pierre Chrysologue, một hôm, nói với giáo dân trong giáo phận Ravenne của ngài: “Ai chơi với ma quỷ thì không thể thống trị với Chúa Kitô!”.
Ngài nói với các Kitô hữu, mà việc “chơi với ma quỷ”, tức những cảnh vô luân trong những đấu trường, đôi khi cũng cám dỗ họ.
Ngày nay cũng như thế kỷ thứ 5, người Kitô hữu nên biết rằng: nếu không muốn chuốc lấy tình trạng “không được thống trị với Chúa Kitô”, thì không nên chơi đùa với ma quỷ.
Nhưng ngày nay, việc chơi đùa với ma quỷ chắc chắn không còn là những trò chơi mà Pierre Chrysologue tố giác nữa. Hoặc nếu ngày nay vẫn còn những trò chơi đó, thì chúng sẽ mang những hình thức hết sức mới mẻ.
Chúng tôi đã nói tới phim ảnh, nên chúng tôi không nói lại nữa. Chúng tôi sẽ không nói nhiều về việc quá đông người đang lạm dụng tiểu thuyết, mà một số lớn người thời đại rất ưa chuộng. Khả năng hấp dẫn của tiểu thuyết dường như trực tiếp do việc trình bày những điều tục tĩu.
Tiểu thuyết được viết ra như thế, và bằng những hiện thực độc hại và đồi truỵ, nó đang chiến thắng như thế trước mắt chúng ta: sự việc đó rất thường mang tính chất tội lỗi, ma quỷ. Chắc chắn người Kitô hữu không nên đọc những thứ sách đó. Điều này gợi cho chúng ta những lời tiên tri của thánh Phaolô viết cho đồ đệ của ngài là Timôthê:
“Sẽ có thời người ta không chịu nghe đạo lý chân chính nữa, trái lại họ sẽ nghe theo những bọn người khéo nói làm cho họ vui tai và thoả mãn tư dục, họ sẽ bịt tai không nghe chân lý mà xoay hướng về những chuyện hão huyền” (2Tm 4,3-4)
Ad fabulas convertentur! (họ sẽ xoay hướng về những chuyện hão huyền). Từ ngữ Latinh để chỉ về tiểu thuyết chính là từ ngữ fabulae đó, nghĩa là những chuyện hão huyền!
Thời nay có biết bao người chỉ tìm kiếm triết lý, cách hiểu cuộc đời của họ trong các tiểu thuyết họ đọc, là loại sách thường xuyên kích thích trí tưởng tượng và tình dục.
NHỮNG TRÒ CHƠI KHÁC
Chúng tôi đã nói chuyện cha sở thánh họ Ars nghĩ gì, nói gì về việc chiêu hồn và cầu cơ.
Gần chúng ta hơn rất nhiều, chính xác là ngày 26.11.1995, cha Berger-Bergès, vị trừ quỷ đã được chúng tôi nói đến, có đặt 4 câu hỏi như sau cho con quỷ đang hiện diện trong một người bị quỷ nhập:
- Trò chiêu hồn là một khoa học hay một sự lừa phỉnh? Có phải chính ngươi là đạo diễn trong trò chiêu hồn không?
Trả lời: Nó chậm rãi trả lời bằng cử điệu, nó dùng ngón tay chỉ rằng chính nó.
- Còn trò cầu cơ? Có phải chính ngươi di chuyển con cơ không?
Trả lời: “Phải, nhưng không phải chỉ có một mình ta, mà cần phải có cả những người tham dự nữa! Phải hợp tác với nhau mới làm con cơ chạy được”.
- Trong trò chiêu hồn, có những bản văn ký tên Marc Aurèle. Vậy ai ký tên Marc Aurèle? Chính ngươi hay một người nào của ngươi? (Tôi rất nhấn mạnh câu hỏi này, cha Berger nói. Nó không trả lời, nó nói rằng nó không muốn trả lời. Cuối cùng, nó nói rằng nó không được phép trả lời. Tuy nhiên, nó có một cử chỉ nhỏ mà tôi nhận ra, cử chỉ đó cho tôi biết là chính nó. Nó làm như một người trả lời một cách bí mật để Thiên Chúa không thấy được nó trả lời gì hết!…)
- Thế còn cái trò bói bài là trò gì vậy?
Satan trả lời: “A! Cần phải có những người làm ăn sinh sống bằng nghề này!” Nó cho biết rằng bói bài là một trong những phương tiện nó dùng để lường gạt sự ngu xuẩn của con người.
Điều đó khiến chúng ta thấy được khía cạnh kỳ cục của thời đại. Việc coi bói bài khiến chúng ta trở về với những khía cạnh trẻ con nhất của ngoại giáo thời xưa.
BÓI TOÁN: VIỆC LÀM CỦA MA QUỶ
Hiện nay, việc bói toán bình dân dưới những hình thức hết sức khác nhau được phổ biến tới một mức độ không thể tin được. Người ta đã đưa ra những con số sau đây: Chỉ tại Paris, có tới 6000 người đăng ký với Sở Công an hành nghề làm thầy fakir, bói bài, bói chỉ tay, thầy tướng số. Còn trên toàn nước Pháp, có tới 60.000 người, với con số “dịch vụ” hàng năm ít nhất là 60 tỷ dịch vụ. Chắc chắn những phương pháp cổ xưa được áp dụng vào việc bói toán tại Pháp, như xem bộ lòng của con vật đem cúng tế, xem đường bay của chim, nghe tiếng thì thào của gió rừng, hay những hình thù do dòng nước xoáy tạo nên… Những phương pháp đó đã biến mất vĩnh viễn. Nhưng hiện nay vẫn có biết bao phương pháp khác đang được áp dụng, như xem các lá bài, xem chỉ tay, xem những dấu vết còn lại ở bã cà phê, … Cũng như thời xưa, khoa chiêm tinh học (tức khoa tử vi) vẫn được coi là hình thức thông thái nhất để biết vận mạng con người. Ngày nay vẫn còn những nhà chiêm tinh gia, coi tử vi. Những người này quả quyết – không phải là không thiếu thận trọng – rằng họ có những bằng chứng rõ ràng về giá trị của những lời tiên tri của họ.
Thực ra tất cả những tự phụ của họ chẳng những phù phiếm mà còn hoàn toàn phi lý nữa. Chắc chắn đó là những hình thức “dối trá”, là “nghề chuyên môn” của ma quỷ từ ngàn xưa. Các thầy chiêm tinh gia, các thầy tử vi được coi là những thầy bói sáng giá nhất. Đối với những thầy bói loại này, chúng ta chỉ cần đối chiếu họ với những lời của một bậc thầy về thiên văn học, một khoa học chính xác, ông G. de Vaucouleurs. Trong tác phẩm L’Astronomie (Thiên văn học) vĩ đại của ông, xuất bản năm 1948, khi đề cập đến ảnh hưởng của vũ trụ trên các sinh vật, ông viết: “Đương nhiên những ảnh hưởng mà các nhà chiêm tinh hay tử vi tìm cách móc nối với những lời nói vớ vẩn giả mạo khoa học của họ, những ảnh hưởng đó không phải là ảo tưởng”. Đi xa hơn một chút, ông nhận thấy rằng trong quá khứ, khoa thiên văn học vẫn còn “quan hệ mật thiết với những mê tín của khoa chiêm tinh hay khoa tử vi cho tới đầu thời đại này (và than ôi! ngày nay thậm chí vẫn còn đắm chìm quá sâu trong tinh thần kém tiến hoá)” – và khi đả kích việc bói toán của khoa chiêm tinh hay tử vi, ông đã dùng những từ ngữ như khinh thường vị trí của khoa thiên văn học, đối lập với ngành bói toán theo chiêm tinh hay tử vi, trong ngành đó, Nostradamus là người nổi bật nhất thời trước, nên môn bói toán này vẫn được nhiều người ái mộ cuồng nhiệt cho tới ngày nay!
Làm sao khoa chiêm tinh hay khoa tử vi lại gắn số mạng của con người với sự gặp gỡ ngẫu nhiên của những lá bài, hay với những đường nét ít nhiều kỳ cục trong bã cà phê được!?
Điều đó càng làm cho các tín hữu thấy được rõ ràng sự dối trá của khoa bói toán. Chắc chắn chỉ một mình Thiên Chúa mới biết được tương lai thôi. Tại sao Ngài lại biết được tương lai? Làm sao Thiên Chúa lại có thể biết được những gì chưa xảy ra, đang khi con người có tự do? Làm sao việc Thiên Chúa biết trước lại không nghịch lý trước tự do của chúng ta? Ai cũng biết đó là một trong những vấn đề khó khăn nhất của môn siêu hình học tổng quát. Chúng tôi xin trình bày vắn tắt giải đáp duy nhất có thể nghĩ ra được cho vấn đề này:
Trong tư tưởng của Thiên Chúa, thế giới của chúng ta không phải là thế giới duy nhất có thể nghĩ ra được. Có thể có vô vàn những thế giới có thể hiện hữu, khác biệt nhau. Nhưng sự khả hữu của chúng là do việc chúng đã được cưu mang từ đời đời trong tư tưởng của Đấng Sáng Tạo. Và trong tư tưởng này, nghĩa là trong Ngôi Lời của Thiên Chúa, các thế giới này mới diễn ra bằng ý tưởng đúng theo những định luật tự nhiên của nó, trong đó có vai trò của tự do tuỳ nghi tác động vào. Khi Thiên Chúa quyết định cho thế giới này hay thế giới kia hiện hữu, nghĩa là thế giới đó được Ngài tạo dựng nên, là vì Ngài thích chọn thế giới đó hơn những thế giới khác. Những điều kiện của thế giới đó vì thế không bị thay đổi, vì nếu thay đổi, thì đó không còn là cái thế giới mà Thiên Chúa đã muốn và đã thấy nữa.
Những hành vi tự do cũng sẽ tiếp tục là tự do, nhưng dầu vậy Thiên Chúa cũng vẫn thấy trước được những hành vi đó sẽ xảy ra như thế nào, vào lúc nào. Chính trong chiều hướng này mà Thiên Chúa biết được tương lai. Vì Ngài là Đấng duy nhất đời đời cưu mang trong tư tưởng mình các thế giới, nên hiển nhiên chỉ một mình Ngài biết được tương lai mà thôi. Vậy ngoài trường hợp lạ lùng nơi các tiên tri của Thiên Chúa, mọi hình thức muốn báo trước tương lai đều nhất thiết có tính cách ma quỷ, vì đó là một sự lấn lướt, dẫm chân lên Thiên Chúa.
Do đó, không một khả năng bói toán nào có được ở trong trò bói bài, trong bã cà phê, trong đường chỉ tay, trong những đường do muối vẽ ra trên lòng trắng trứng, cũng như trong sự gặp gỡ của các hành tinh và ngôi sao vào lúc một người nào đó sinh ra. Cái mà người ta gọi là Định Mạng trong khoa chiêm tinh hay tử vi, chỉ là một sự gian trá hay mê tín.
Chắc chắn chúng tôi không chủ trương rằng ngàn thầy bói đang sinh sống bằng cái nghề nói trước tương lai, tại Paris cũng như tại các thành phố lớn ở Pháp, đều là những thầy phù thuỷ đã bán mình cho Satan.
Đa số những người đó dường như chỉ nghĩ tới việc làm một cái nghề đem lại tiền bạc để sinh sống, mà không hề nghĩ rằng nghề đó là vô luân hay có tính cách ma quỷ gì cả. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta không có quyền nghĩ rằng ma quỷ đã tìm thấy những cái lợi cho nó ở những lệch lạc đó, và sự bói toán – dù dưới hình thức thời đại hay cổ xưa – chỉ là những “trò chơi Satan” giữa lòng nhân loại. Vì thế bói toán cũng là một trong những hình thức thời đại của ma thuật Satan, song song và khác biệt với tôn giáo Satan.
admin dùng từ thống trị là không phù hợp khi nói về chúa Giê su.
Cảm ơn bạn đã phản hồi. Tác giả sưu tầm và chia sẻ theo bản dịch có sẵn. Nội dung chia sẻ bản dịch bạn xem trọn bộ tại đây nhé. http://www.vietcatholicsydney.net/download/MaQuyTrongTheGioiNgayNay.pdf