- Là một Kitô hữu, nghĩa là trở thành một phần của cộng đoàn dân Chúa
Trong Thánh Lễ sáng thứ Năm 15 tháng 5 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến căn tính của Kitô hữu. Ngài nói người ta không thể hiểu một Kitô hữu lại ở bên ngoài cộng đoàn dân Thiên Chúa. Là một Kitô hữu, nghĩa là trở thành một phần của cộng đoàn dân Chúa.
Quảng diễn bài đọc Một từ sách Tông Đồ Công Vụ, Đức Thánh Cha nói: “Điều thú vị là khi các tông đồ rao giảng Chúa Giêsu Kitô họ không bao giờ bắt đầu với Ngài”, nói ví dụ như : “Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế”. Họ không bắt đầu như thế, thay vào đó, các Tông Đồ đưa ra chứng tá của các ngài bằng cách trình bày “lịch sử của dân tộc” . Chúng ta thấy điều đó ngày hôm nay, trong một đoạn trích từ sách Tông Đồ Công Vụ (13:13-25 ), trong đó kể lại lời chứng của Thánh Phaolô tại Hội Đường Pisidia thành Antiôkia. “Thánh Phêrô cũng làm như vậy trong bài giảng đầu tiên của mình và ông Stêphanô cũng đã làm như thế” .
Khi người ta hỏi các Tông Đồ “tại sao anh em lại tin vào người này?”, họ luôn bắt đầu nói về “Abraham và toàn bộ lịch sử của dân tộc” . Lý do của thái độ này thật là rõ ràng: “chúng ta không thể hiểu được Chúa Giêsu bên ngoài bối cảnh lịch sử này. Chúa Giêsu chính là điểm kết thúc cuối cùng mà toàn bộ lịch sử và cuộc hành trình của dân tộc hướng tới” .
Do đó, chúng ta đọc thấy trong sách Tông Đồ Công Vụ rằng Phaolô đã bắt đầu trong Hội Đường Do Thái với những lời này: “Thưa đồng bào Isarael và những người kính sợ Thiên Chúa, xin nghe đây: Thiên Chúa của dân Isarael đã chọn cha ông chúng ta, đã làm cho dân này thành một dân lớn trong thời họ cư ngụ ở đất Aicập, và đã giơ cánh tay mạnh mẽ của Người mà đem họ ra khỏi đó.”. Khi nói rằng Thiên Chúa “đã chọn tổ phụ chúng ta”, Thánh Phaolô bắt đầu diễn từ của mình “với sự lựa chọn một con người cụ thể của Thiên Chúa là ông Abraham” , người mà Thiên Chúa đã ra lệnh cho rời bỏ quê hương của mình, và ngôi nhà của cha mình. Thiên Chúa đã chọn Abraham và bắt đầu “một cuộc hành trình tuyển chọn: Dân Chúa là một dân được ưu tuyển, được lựa chọn nhưng luôn luôn trên một cuộc hành trình”. Đó là lý do tại sao “người ta không thể hiểu được Chúa Giêsu Kitô mà không có lịch sử chuẩn bị hướng về ngài” . Do đó, “người ta không thể hiểu một Kitô hữu tách biệt khỏi dân Thiên Chúa” . “Một Kitô hữu không phải là một đơn thể, đi đâu đó một mình. Không, người ấy thuộc về một dân tộc, là Giáo Hội vì thế một Kitô hữu mà không có Giáo Hội là một ý tưởng thuần túy, không phải là một thực tế!” .
Thiên Chúa đã hứa với ông Abraham: “Ta sẽ ban cho ngươi một dân tộc tuyệt vời!” . Như vậy, “dân tộc tiến bước trong cuộc hành trình này với một lời hứa ” , Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng chính đây là nơi mà chiều kích của ký ức được đưa vào”. Điều quan trọng là chúng ta, trong cuộc sống của mình, phải giữ cho ký ức luôn luôn sống động trước chúng ta” . Thật vậy,”một Kitô hữu là một con người nhớ về của lịch sử của dân mình; là người luôn nhớ lại cuộc hành trình dân mình đã kinh qua; là một người nhớ đến Giáo Hội mình” . Do đó, một Kitô hữu là một người lưu trữ ký ức về quá khứ.
“Dân tộc tiến bước hướng tới lời hứa cuối cùng và hướng tới sự viên mãn của nó; họ là một dân được tuyển chọn, có một lời hứa trong tương lai và đang trong cuộc lữ hành hướng tới lời hứa này, tới việc thực hiện lời hứa này”. Đó là lý do tại sao “Kitô hữu trong Giáo Hội là một người nam, nữ của hy vọng. Người đó hy vọng vào một lời hứa không phải là kỳ vọng: đó là điều hoàn toàn khác! Đó là hy vọng: là điều sắp xảy đến! Đó là niềm hy vọng mà không thể thất vọng được! ” .
Như vậy, “khi nhìn lại, thì người Kitô hữu là một người nhớ về quá khứ; người luôn luôn cầu xin ân sủng để nhớ”, trong khi ” nhìn về phía trước , người Kitô hữu là một người nam, nữ của hy vọng”. Giữa ký ức và hy vọng, người Kitô hữu trong hiện tại đi theo con đường của Thiên Chúa và canh tân giao ước với Thiên Chúa” . Trong thực tế người ấy liên tục nói với Chúa: Vâng, con ao ước huấn lệnh Ngài; con muốn biết thánh ý Chúa; con muốn theo Ngài. Làm như thế, người ấy là một con người của giao ước, là giao ước mà chúng ta đang cử hành ở đây mỗi ngày trên bàn thờ. Vì vậy, “người Kitô hữu luôn luôn là người nam, nữ của Thánh Thể” .
Trong bối cảnh đó, Đức Thánh Cha nói, “người ta không thể hiểu một Kitô hữu cô đơn” vì “Chúa Giêsu Kitô đã không rơi từ trên trời xuống như một anh hùng đến cứu chúng ta. Không, Chúa Giêsu Kitô có một lịch sử !”. Hơn nữa “chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa có một lịch sử vì đã muốn đồng hành với chúng ta” . Đó là lý do tại sao “người ta không thể hiểu được Chúa Giêsu Kitô mà không có lịch sử” , và đó cũng là lý do tại sao “một Kitô hữu mà không có lịch sử, một Kitô hữu mà không thuộc về một dân tộc, một Kitô hữu mà không có Giáo Hội là không thể hiểu nổi: nó là một cái gì đó được sáng tạo ra trong phòng thí nghiệm, một cái gì đó nhân tạo, một cái gì đó không có sự sống ” .
Đức Thánh Cha tiếp tục bằng cách đưa ra một đề nghị chúng ta xét mình về tình trạng căn tính Kitô của chúng ta? Chúng ta hãy tự hỏi mình “xem mình có thuộc về một dân tộc, một Giáo Hội hay không. Nếu không thì chúng ta không phải là Kitô hữu vì thông qua bí tích rửa tội chúng ta bước vào Giáo Hội” .
Về vấn đề này, điều quan trọng là chúng ta có “thói quen kêu cầu ân sủng để ghi nhớ cuộc hành trình mà dân Thiên Chúa đã thực hiện, xin ký ức cá nhân để ta nhớ được những gì Thiên Chúa đã làm cho ta trong cuộc sống? và làm thế nào để có Ngài trong cuộc hành trình?” . Chúng ta cũng cần phải biết làm thế nào “để xin ân sủng của niềm hy vọng, chứ không phải xin ơn biết lạc quan: đó là cái gì khác” .
Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, chúng ta hãy “xin ơn để canh tân mỗi ngày giao ước của chúng ta với Chúa, Đấng đã kêu gọi chúng ta. Xin Chúa ban cho chúng ta ba ân sủng cần thiết đó cho căn tính Kitô của mỗi người”.
- Giáo Hội không thể đóng cửa tâm hồn với Thánh Thần
“Chúng ta là ai mà đóng cửa tâm hồn với tiếng nói của Chúa Thánh Thần?” Đây là câu hỏi mà Đức Thánh Cha Phanxicô lặp đi lặp lại trong bài giảng sáng ngày 12 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta. Bài giảng dựa vào việc lớp dân ngoại đầu tiên theo Kitô giáo. Chúa Thánh Thần tác động làm cho Giáo Hội vượt mọi biên cương để tiến về phía trước.
Chúa Thánh Thần như cơn gió muốn thổi đâu thì thổi. Một trong những cám dỗ phổ biến nhất của những người có đức tin là tự vạch cho mình một lộ trình theo hướng riêng. Cám dỗ đó không phải chỉ có nơi dân ngoại nhưng cũng gặp thấy ở nơi Giáo Hội tiên khởi, như kinh nghiệm của thánh Phêrô trong bài đọc I được trích từ sách Công Vụ Tông Đồ (x.Cv 11,1-18). Cộng đồng dân ngoại hân hoan đón nhận Tin Mừng và Phêrô là chứng nhân cho việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên họ. Sự dè dặt khi lần đầu tiên, Phêrô đụng chạm và ăn những thứ được coi là “ô uế” theo luật Mô-sê. Sau đó, ông đã bị các Kitô hữu tại Giêrusalem chỉ trích gay gắt và họ sốc vì vị lãnh đạo của họ đã ăn những thứ “được coi là không thanh sạch” và thậm chí còn rửa tội cho đám dân ngoại này nữa.
Pha chút khôi hài, Đức Thánh Cha nói:
“Đó là chuyện không thể tưởng tượng được. Giống như vào ngày mai có nhóm người từ sao Hỏa đến đây với cái mũi dài và đôi tai lớn, hình thù quái dị…Và họ xin Giáo Hoàng rằng “Chúng tôi muốn được rửa tội! thì điều gì sẽ xảy ra”?
Phêrô biết việc mình làm khi ngài đã được soi sáng để nhận ra chân lý căn bản này là: những gì đã được Thiên Chúa thánh tẩy thì không thể gọi là “ô uế”. Khi kể lại sự kiện này với các kitô hữu đã trách ngài, Thánh Tông Đồ hòa giải và xoa dịu họ khi đưa ra tuyên bố này: “Nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ như Người đã ban cho chúng ta, vì chúng ta tin vào Chúa Giê-su Ki-tô, thì tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa”?
Khi Chúa cho chúng ta thấy cách của Ngài, thì tôi là ai mà dám ngăn cản khi nói, ‘Không, lạy Chúa, điều đó không được khôn ngoan. Không được làm theo cách đó!” … Và Phê-rô, vị Giám Mục tiên khởi đi đến quyết định này: “Tôi là ai mà dám cản trở Thiên Chúa?” Một lời tốt đẹp nêu gương cho các giám mục, các linh mục và cho các Kitô hữu. Chúng ta là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa?
Trong Giáo Hội sơ khai, thậm chí ngày hôm nay có một sứ vụ “gác cổng.” Người này làm công việc gì? Anh ta chỉ mở cửa, đón nhận mọi người và cho phép họ đi qua cửa. Anh không được phép đóng cánh cửa lại, ngăn cản một ai. Không bao giờ.
Đức Thánh Cha Phanxicô lặp đi lặp lại rằng, Thiên Chúa trao ban Thánh Thần để Ngài hướng dẫn Giáo Hội. “Chúa Thánh Thần, như Chúa Giêsu đã hứa, sẽ dạy cho chúng ta tất cả mọi thứ” và “nhắc nhở chúng ta những gì Chúa Giêsu dạy chúng ta làm”. “Chúa Thánh Thần là sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong Giáo Hội. Ngài gìn giữ Giáo Hội. Đưa Giáo Hội tiến về phía trước. Thánh Thần với các ân sủng của Ngài sẽ hướng dẫn Giáo Hội. Thánh Thần, Đấng An Ủi sẽ giúp chúng ta hiểu về Giáo Hội của Chúa Giêsu. Đó là lý do vì sao Thiên Chúa gởi Thánh Thần đến với chúng ta. Ngài tự do hoạt động và chúng ta không thể hình dung và tưởng tượng thấu đáo những công việc của Ngài. Thánh Gioan XXIII đã diễn tả Thánh Thần như sau: Chúa Thánh Thần luôn ở với Giáo Hội. Ngài luôn luôn gìn giữ Giáo Hội. Người tín hữu phải cầu xin Chúa ban cho được ơn ngoan ngùy trong Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần sẽ nói trong trong tâm hồn chúng ta. Người nói với chúng ta trong mọi trạng huống của cuộc sống. Người nói với chúng ta trong đời sống Giáo Hội, trong cộng đoàn Kitô hữu. Người luôn luôn nói với chúng ta.
- Muốn biết Chúa Giêsu chúng ta phải cầu nguyện với Người, suy tôn và bắt chước Người.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói học hỏi về Chúa Giêsu không đủ để hiểu biết về Người, chúng ta còn phải cầu nguyện, suy tôn và bắt chước Người. Đây là nội dung huấn từ của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ hôm 16 tháng 5 tại nhà nguyện Santa Marta.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày suy tư của ngài về phương cách tốt nhất để hiểu biết Chúa Giêsu, ngài mô tả đây là công trình quan trọng nhất trong đời sống chúng ta. Đồng thời ngài cũng lưu ý chúng ta là chỉ học hỏi mà thôi hay hay chỉ có những ý tưởng mà thôi thì không đủ để biết Chúa.“Chỉ duy các ý tưởng mà thôi thì chẳng dẫn đưa tới đâu và những ai theo đuổi con đường của những ý tưởng của họ sẽ Iâm vào một trận đồ rối mù không thể thoát ra được! Chính vì lý do này mà các ý tưởng lạc đạo đã xuất hiện ngay từ thuở ban đầu của Giáo Hội. Lạc đạo bắt đầu như thế này: Cố gắng tìm hiểu Chúa Giêsu là ai, bằng trí óc mình và ánh sáng nội tâm của mình. Một nhà văn người Anh đã viết là lạc đạo là một ý tưởng đã trở thành điên rồ . Khi chúng chỉ là những ý tưởng tự tại thì chúng trở nên điên rồ… Đây không phải là con đường ngay chính.”
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục giải thích là chúng ta cần phải mở ba cánh cửa để hiểu biết Chúa Giêsu: “Cửa thứ nhất là cầu nguyện với Chúa Giêsu. Anh chị em phải ý thức là học hỏi mà không cầu nguyện thì chẳng ích gì. Chúng ta phải cầu nguyện với Chúa Giêsu để hiểu biết Người nhiều hơn. Các nhà thần học nổi tiếng phát triển thần học của họ trong khi quỳ gối. Xin hãy cầu nguyện với Chúa Giêsu! Bằng việc học hỏi và cầu nguyện chúng ta sẽ đến được gần hơn một chút…Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ biết được Chúa Giêsu nếu không cầu nguyện. Không bao giờ! Không bao giờ!
Cửa thứ hai là suy tôn Chúa Giêsu. Cầu nguyện xuông không đủ, chúng ta cần có niềm hân hoan của việc suy tôn. Chúng ta phải suy tôn Chúa Giêsu qua các bí tích của Người, vì các bí tích này ban cho chúng ta sự sống, ban cho chúng ta sức mạnh, nuôi dưỡng chúng ta, an ủi chúng ta, thiết lập một giao ước với chúng ta, và ban cho chúng ta một sứ mệnh. Không cử hành các Bí Tích, chúng ta sẽ không bao giờ hiểu biết Chúa Giêsu. Bản chất của Giáo Hội là cử hành.
Cửa thứ ba là bắt chước Chúa Giêsu. Hãy đọc Thánh Kinh, xem Chúa làm gì, cuộc đời của Chúa ra sao, Chúa đã dạy chúng ta những điều gì, và cố gắng bắt chước Người.”
Đức Thánh Cha tiếp: Bước vào ba cửa này, có nghĩa là bước vào mầu nhiệm của Chúa Giêsu và chỉ bằng cách này chúng ta mới có thể tìm biết Chúa và chúng ta không được e ngại khi làm điều này. “Trong ngày hôm nay, chúng ta có thể suy nghĩ về cách thức cánh cửa cầu nguyện sẽ đưa chúng ta đến đâu: nhưng cầu nguyện từ trong tim không giống cầu nguyện như con vẹt! Cầu nguyện từ con tim là thế nào? Việc cử hành các bí tích có ảnh hưởng thế nào đến đời sống chúng ta? Tôi phải bắt chước Người thế nào? Và bắt chước Chúa sẽ làm cho đời sống chúng ta biến chuyển ra sao? Tôi phải bắt chước Người thế nào? Nếu anh chị em thực sự đã không nhớ được thì chính là vì Thánh Kinh đã bám nhiều bụi vì không bao giờ được mở ra! Xin hãy cầm lấy cuốn Thánh Kinh, mở ra và anh chị em sẽ khám phá ra cách thức bắt chước Chúa Giêsu! Chúng ta hãy suy nghĩ về ba cánh cửa này trong cuộc đời chúng ta và việc này sẽ có lợi ích cho tất cả mọi người.”
Chân phước Êugiêniô Magiênô
Phụng vụ ngày 21 tháng 5 mừng kính Chân phước Êugiêniô Magiênô, bổn mạng của những người dân nghèo tại Pháp. Chân phước Êugiêniô Magiênô là ai, thưa quý vị và anh chị em?
Chân phước Êugiêniô Magiênô sinh tại Pháp năm 1782 trong một gia đình quý tộc và được huấn luyện trong môi trường giáo dục nổi tiếng của Dòng Tên. Cuộc cách mạng Pháp bùng nổ năm 1789, buộc gia đình Magiênô phải trốn chạy sang Ý. Chính tại đó, Êugiêniô may mắn có cha Don Bartôlô, một linh mục dòng Tên đạo đức và thánh thiện đồng hành, để rồi có được một ấn tượng sâu sắc vốn sẽ thay đổi đời sống của mình sau này.
Trở về lại quê hương vào năm 1802, từ một chàng thanh niên quí tộc, Êugiêniô Magiênô giờ đây không còn gì nữa. Gia đình đã mất đi gia tài và địa vị trong xã hội sau cuộc cách mạng. Êugiêniô Magiênô đã sống một cuộc sống vô định trong nếp sống tồi tệ của một chàng thanh niên đang tìm hạnh phúc nơi những gì là trần tục, những trang lưu bút đã nói lên điều đó: “Tôi đã tìm hạnh phúc ngoài Chúa và từ lâu tôi đã nên họa cho chính tôi… Tôi sống trong tình trạng tội lỗi”.
Êugiêniô Magiênô đã được ơn “trở lại” vào thứ sáu tuần thánh năm 1807 khi chiêm ngắm Đức Kitô trên Thập giá, và đã nhận ra lòng nhân hậu, sự tha thứ và tình yêu bao la của Thiên Chúa qua Đức Kitô trên Thập giá. Cũng từ đó ngài nhận ra thân phận yếu đuối đầy tội lỗi của mình nhưng được Thiên Chúa cứu chuộc bằng chính giá máu của Đức Kitô. Tình yêu Thiên Chúa bắt đầu được khám phá một cách sống động, thân tình, không thể nghi ngờ được. Kinh nghiệm của Êugiêniô Magiênô không phải là những phép lạ Chúa hiện ra, hoặc là được những ơn làm được điều này hay điều khác, mà là kinh nghiệm nhận thấy Thiên Chúa hiện diện một cách gần gũi, kín đáo trong cõi lòng mình. Từ đó ngài tìm được sự bình an, hạnh phúc, tràn đầy sức sống để quên đi tất cả những gì là mặc cảm về tội lỗi trong quá khứ. Đây là một kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và hoán cải, bắt đầu bằng việc từ bỏ chính mình để nhường chỗ cho Thánh ý và Tình yêu của Ngài. Êugiêniô Magiênô quyết định hiến mình cho Chúa theo công trình Cứu độ, và được thụ phong linh mục năm 1811. ngay sau đó, cha đảm trách vụ Giám đốc Đại Chủng Viện. Tuy vậy chỉ hai năm sau, cha quyết định từ bỏ chức vụ này để trở lại phục vụ những người nghèo khổ và bị bỏ rơi.
Cha rất có lòng thương cảm đối với hoàn cảnh khó khăn của những người dân nghèo; Cha truyền giáo cho những người làm thuê làm mướn, những trẻ em đường phố và trong các lao tù cho những tù nhân do cuộc Cách mạng Pháp để lại. Ngoài ra, Cha lo việc thường huấn cho các linh mục trong giáo phận. Cha cũng không ngần ngại đặt mình ngang hàng với những người nghèo khổ để rao giảng Tin Mừng bằng tiếng Provencial của họ, điều mà từ trước tới giờ chưa có một linh mục nào dám làm, và điều đó cũng đã gây nên rất nhiều khó khăn cho Cha do các linh mục đã quen với tính cách quan liêu trong đường hướng mục vụ, chống đối cha. Nhất là khi Cha nói cùng những người nghèo khổ, làm thuê làm mướn và đang bị bóc lột rằng: “ Hỡi anh chị em yêu quí của tôi, hãy đến đây, tôi chỉ cho quí vị biết về nhân phẩm quí giá của mình… Chỉ một mình Thiên Chúa mới xứng đáng cho quí vị!” Hàng quí tộc và tầng lớp giầu có đã phẫn nộ chống lại Cha, vì bỗng nhiên họ mất đi những hàng ghế đầu, những hàng ghế danh dự trong nhà thờ của họ. Từ đó, vị linh mục trẻ yêu chuộng bác ái, công bằng và tình huynh đệ của Tin Mừng đã thành lập “Anh em truyền giáo vùng Provence”
Năm 1826, cha Êugiêniô Magiênô thiết lập thêm hội dòng mới dành cho các linh mục và các anh em giáo dân, với tên gọi Hiến Sĩ Đức Mẹ Nhiễm. Công việc của Cha và dòng Hiến Sĩ Đức Maria Vô Nhiễm đang phát triển tốt đẹp thì Cha được giao trọng trách làm Tổng Đại diện giáo phận Marseille, rồi sau đó Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục ngày 14 tháng 10 năm 1832. Ngài cũng rất băn khoăn khi phải gánh hai trách vụ trên vai… Nhưng sau khi cầu nguyện và suy nghĩ ngài nói rằng: «Tôi phải gắn bó với dân này của Chúa như tình cha đối với con». Từ đây Hội dòng nhỏ bé của ngài được nhiều người biết đến, và giấc mơ truyền giáo đến các vùng xa xôi hẻo lánh của ngài sẽ được thực hiện. Chỉ trong vòng mười năm, hội dòng đã phát triển mau lẹ, nhất là sang Canađa và một số nơi ở Mỹ quốc.
Ngài thường nói “Tôi muốn được cung cấp các Tu sĩ truyền giáo cho cả hoàn cầu mới thỏa chí”. Tháng 02 năm 1847, để đáp lời thỉnh cầu của Đức Cha Blanchet, bốn vị thừa sai đáp tàu từ Le Havre sang Oregon trên bờ Thái Bình dương là miền Tây Bắc Mỹ. Tháng 10 năm 1847, một nhóm thừa sai khác do Đức Cha Bettachini hướng dẫn đã đến đảo Jaffna thuộc Tích Lan, (ngày nay là Sri Lanka), Ấn Độ.
Năm 1850, Đức Hồng Y Barnabo, Tổng trưởng Bộ truyền giáo đề nghị anh em Hiến Sĩ nhận việc truyền giáo cho vùng Natal thuộc vùng đông- nam châu Phi. Năm 1935 có 3 anh em Hiến Sĩ đặt chân lên đất nước Lào và sau đó là Hồng Kông, Nhật bản, Hàn quốc và Việt nam…
Ngày nay, dòng Hiến Sĩ Đức Maria Vô Nhiễm có mặt trên khắp Năm Châu, trên 70 quốc gia. Số linh mục và tu huynh khoảng 4200.
Lời nguyện:
Đức Giám Mục Êugiêniô Magiênô đã can đảm đáp ứng những đòi hỏi thiết yếu của dân Chúa khi ngài gặp gỡ họ. Chúng ta hãy nài xin giám mục Êugiêniô Magiênô giúp chúng ta ý thức rằng chúng ta cũng có thể giúp đỡ những người sống chung quanh mình.