1. Buổi triều yết chung hôm thứ Tư 4 tháng Sáu
Trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 4 tháng Sáu, Đức Thánh Cha đã tiếp tục loạt bài giáo lý về bảy ơn của Chúa Thánh Thần, tập trung vào ơn ĐẠO ĐỨC. Đó là ơn giúp ta yêu mến những sự thuộc về Chúa và đức tin. Ơn sủng này của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta yêu mến Chúa, là Đấng yêu thương chúng ta tột bậc và thờ phượng Ngài; đồng thời cũng giúp chúng ta yêu mến anh em mình vì chúng ta có cùng một Cha trên trời.
Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến: Tiếp tục loạt bài giáo lý của chúng ta về bảy ơn của Chúa Thánh Thần, giờ đây chúng ta chuyển sang ơn có lòng đạo đức. Nhờ ơn sủng siêu nhiên này, chúng ta có thể cảm nghiệm rõ ràng hơn bao giờ niềm vui và lòng tri ân trước mối quan hệ yêu thương với Chúa Cha mà chúng ta đã nhận được thông qua Chúa Giêsu Con Ngài. Chính mối quan hệ yêu thương này đặt cơ sở cho sự thờ phượng Thiên Chúa và làm cho sự phượng thờ ấy được hoàn thiện. Tình yêu đổ vào con tim chúng ta bởi Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng ta tới khả năng cảm nhận được sự hiện diện và tình yêu của Chúa trong cuộc sống của chúng ta , và khiến cho chúng ta đáp ứng lại trong hân hoan, trong lời cầu nguyện và trong việc thờ lạy Ngài. Đạo đức không phải chỉ là sự thể hiện ra bên ngoài niềm tin tôn giáo của chúng ta; nó là tinh thần tôn giáo chân chính khiến chúng ta có thể hướng về Chúa Cha trong tình phụ tử và phát triển trong con tim chúng ta tình yêu đối với tha nhân, coi họ như anh chị em của mình, như các thành viên trong đại gia đình con cái Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ân sủng này, và cho chúng ta luôn luôn sẵn sàng chià một bàn tay ra giúp đỡ những người khác, trong khi hân hoan ý thức về tình liên đới nảy sinh từ sự hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa trong sự hiệp nhất của nhiệm thể Chúa Kitô, là Giáo Hội.
2. Buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 1 tháng Sáu
Chúa Nhật 1 tháng Sáu là ngày Lễ Chúa Thăng Thiên, hàng trăm ngàn tín hữu đã tề tụ về quảng trường Thánh Phêrô để đọc kinh cùng Đức Thánh Cha.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
“Anh chị em thân mến,
Hôm nay, ở Ý và ở nhiều nước khác, Giáo Hội mừng lễ Chúa Thăng Thiên, là biến cố xảy ra bốn mươi ngày sau Lễ Phục Sinh khi Chúa Giêsu xa rời các môn đệ và thế giới (X. Cv 1,2.9). Tin Mừng theo thánh Matthêu tường thuật lại lệnh truyền của Đức Giêsu dành cho các môn đệ, đó là lời mời gọi hãy ra đi, hãy lên đường để loan báo cho muôn dân biết thông điệp cứu độ (x. Mt 28,16-20). “Ra đi”, hay đúng hơn là “lên đường” trở thành từ ngữ then chốt của ngày lễ hôm nay: Đức Giêsu khởi hành tiến về với Cha và ra lệnh cho các môn đệ khởi hành tiến về thế giới.
Đức Giêsu lên đường, thăng thiên, nghĩa là trở về với Cha, Đấng đã sai Ngài xuống thế. Ngài đã hoàn thành việc của mình và bây giờ Ngài trở về cùng Cha. Nhưng ở đây không gợi lên cho chúng ta sự xa cách, vì Ngài vẫn luôn ở cùng chúng ta, theo một dạng thức khác. Với sự thăng thiên của mình, Chúa Phục Sinh đã thu hút cái nhìn của các tông đồ – và của cả chúng ta nữa – về tầm cao của Thiên Đàng để cho chúng ta thấy rằng cùng đích của cuộc hành trình của chúng ta chính là Chúa Cha.
Chính Chúa Giêsu đã từng nói rằng Ngài sẽ ra đi để dọn chỗ cho chúng ta trên Thiên Đàng. Tuy nhiên, Đức Giêsu vẫn hiện diện ở đây và hoạt động nơi những biến cố của lịch sử con người với quyền năng và ân sủng của Thánh Thần; Ngài ở cạnh mỗi người chúng ta, dù chúng ta không thể thấy tỏ tường bằng mắt mình, nhưng có Ngài ở đó! Ngài đồng hành với chúng ta, hướng dẫn chúng ta, cầm tay chúng ta và nâng chúng ta dậy mỗi khi chúng ta vấp ngã. Đức Giêsu phục sinh ở kề bên những Kitô hữu bị bắt bớ và bị phân biệt đối xử; Ngài ở gần tất cả chúng ta, hôm nay, Ngài hiện diện ở đây, nơi quảng trường này; Thiên Chúa luôn ở với chúng ta! Anh chị em có tin điều này không? Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau nói lớn lên: Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Khi trở về Trời, Đức Giêsu mang đến với Chúa Cha một món quà. Món quà nào vậy? Những thương tích của Ngài. Thân thể của Ngài hết sức tuyệt đẹp, không có những vết thâm tím, không có những đau vết đau từ đòn roi, nhưng còn lại những thương tích. Khi ngài về với Chúa Cha, Ngài sẽ chỉ cho Chúa Cha thấy những thương tích ấy và Ngài nói với Chúa Cha rằng: “Cha ơi, Cha nhìn này, đây là giá phải trả cho ơn tha thứ mà Cha đã ban”. Khi Chúa Cha nhìn thấy những thương tích của Đức Giêsu, Ngài sẽ tha thứ cho chúng ta, không phải vì chúng ta tốt lành, nhưng vì Đức Giêsu đã đền tội thay cho chúng ta. Nhìn đến những thương tích của Đức Giêsu, Chúa Cha sẽ động lòng thương yêu. Đây là điều mà Đức Giêsu làm trên Thiên Đàng hôm nay: cho Chúa Cha thấy giá phải trả cho ơn tha thứ, đó chính là những thương tích của Ngài. Chúa Cha luôn luôn tha thứ, vì Người nhìn thấy những thương tích của Đức Giêsu, Người nhìn thấy tội lỗi chúng ta và Người tha thứ tất cả.
Nhưng Đức Giêsu vẫn hiện diện với chúng ta qua Giáo Hội mà Ngài đã sai đi để nới rộng sứ mạng. Lời cuối cùng Đức Giêsu nói với các môn đệ là lệnh truyền hãy ra đi: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy” (Mt 28,19). Đây chính xác là một lệnh truyền, không phải là một chọn lựa! Cộng đoàn Kitô giáo là một cộng đoàn “ra đi”, “lên đường”. Giáo Hội được khai sinh để ra đi. Anh chị em có thể hỏi tôi: thế thì những cộng đoàn trong đan viện thì sao? Vâng, những cộng đoàn này “ra đi” bằng lời cầu nguyện, bằng con tim mở ra với thế giới, với những chân trời của Thiên Chúa. Thế còn những người già, người bệnh thì sao? Họ cũng vậy, họ ra đi bằng lời cầu nguyện và kết hiệp với những thương tích của Đức Giêsu.
Đức Giêsu đã nói với các môn đệ được sai đi rằng: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (v.20). Không có Đức Giêsu, tự sức chúng ta, chúng ta không thể làm gì được! Trong hoạt động tông đồ, sức mạnh của chúng ta, nguồn lực của chúng ta, cơ cấu của chúng ta không đủ, dù là rất cần thiết. Không có sự hiện diện của Thiên Chúa và sức mạnh của Thánh Thần Ngài, công việc của chúng ta, dù được tổ chức tốt, cũng sẽ không thể sinh hiệu quả. Vì thế, chúng ta hãy ra đi để nói cho mọi người biết Đức Giêsu là ai.
Cùng với Đức Giêsu, Đức Maria, là Mẹ chúng ta, cũng luôn đồng hành với chúng ta. Bây giờ, Mẹ đã ở trong nhà Cha, Mẹ là Nữ Vương Thiên Đàng, và chúng ta hãy khẩn cầu cùng Mẹ trong lúc này; như Đức Giêsu luôn ở cùng chúng ta, Mẹ Maria, Mẹ của niềm hy vọng, cũng đồng hành với chúng ta.”
3. Niềm vui trong hy vọng
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu bài giảng tại nhà nguyện Santa Marta hôm thứ Sáu 30 tháng 5 dựa trên quan sát rằng Thánh Phaolô “đã rất dũng cảm ” , “bởi vì ngài có sức mạnh nơi Chúa”. Nhưng Đức Thánh Cha lưu ý rằng đôi khi vị Tông Đồ Dân Ngoại dũng cảm này cũng cảm thấy sợ. Đức Thánh Cha ghi nhận rằng “Sợ hãi là điều xảy ra với tất cả các chúng ta trong cuộc sống.”. Vì vậy, nhiều khi người ta bị cám dỗ để che dấu bớt căn tính Kitô của mình và tìm cách thỏa hiệp với thế giới.
Thánh Phaolô biết là nhiều người, cả Do Thái, lẫn dân ngoại đều không thích những gì ngài đã và đang làm, nhưng điều này không ngăn chặn được ngài; và cuối cùng ngài phải gánh chịu những khó khăn và khủng bố. Gương của thánh nhân nên làm cho chúng ta suy nghĩ lại về những lo lắng của chúng ta. Ngay cả Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu cũng cảm thấy sợ hãi và đau khổ và trong lời từ biệt của Ngài với các môn đệ, Chúa Giêsu nói rõ ràng rằng “thế gian sẽ nhảy mừng trước những đau khổ của họ”, và điều đó thực sự đã xảy ra với các vị tử đạo tiên khởi tại hí trường Côlôsê.
“Chúng ta phải nói sự thật! Đời sống Kitô hữu không phải là một đại yến tiệc đâu. Không. Chẳng phải đâu. Trái lại, tất cả chúng ta đều phải than khóc, và than khóc rất nhiều lần khi chúng ta bệnh hoạn, khi chúng ta có những vấn đề với con cái trong gia đình, với người phối ngẫu của mình; khi chúng ta thấy tiền lương chúng ta không còn được đến cuối tháng; khi con cái đau yếu, khi chúng ta thấy rằng chúng ta không thể trả tiền mượn nhà băng để mua nhà và chúng ta phải bằng cách nào đó mà tồn tại. Nhiều vấn đề lắm. Nhưng Chúa Giêsu nói với chúng ta : . . ‘ Đừng sợ ‘ ‘ Vâng, anh chị em sẽ buồn, sẽ than khóc và thậm chí còn thấy những người không ưa mình đang nhảy mừng hân hoan vì những đau khổ của anh chị em” .
Nhưng Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng có một nỗi buồn còn sâu xa hơn ập đến với tất cả chúng ta khi chúng ta lầm đường lạc lối. Nói cho đơn giản là khi chúng ta cố gắng mua cho được hạnh phúc và niềm vui của cái thế giới này, của tội lỗi, để rồi chung cuộc lại chỉ thấy một nỗi buồn và một khoảng trống mênh mông trong chúng ta . Đó là nỗi buồn gặp phải những thứ hạnh phúc sai trái. Niềm vui Kitô giáo, ngược lại, là một niềm vui trong hy vọng về một điều chắc chắn sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, trong những lúc gian truân và thử thách, chúng ta không thấy điều này: đó là niềm vui của chúng ta được tinh luyện qua gian nan, qua những thử thách hàng ngày của chúng ta. ‘Ai gieo trong lệ sầu sẽ gặt giữa hân hoan’. Nhưng thật khó để đi nói với một người bệnh đang đau khổ rất nhiều rằng ‘Vui lên, ngày mai bạn sẽ hân hoan’ Không, anh chị em không thể nói như thế nhưng chúng ta phải giúp họ cảm thấy những gì Chúa Giêsu đã thực hiện nơi chúng ta và làm cho chúng ta cảm thấy được niềm vui đó. Khi chúng ta ở trong bóng tối, chúng ta không thấy bất cứ điều gì nhưng chúng ta thưa, ‘Lạy Chúa, con biết nỗi buồn này sẽ chuyển thành niềm vui. Con không biết điều đó sẽ xảy đến cách nào, nhưng con biết điều đó chắc chắn sẽ xảy ra!’ Đó là một hành vi đức tin nơi Chúa Một tác động của đức tin!
Để giúp chúng ta hiểu được nỗi buồn chuyển thành niềm vui như thế nào Chúa Giêsu lấy ví dụ một người phụ nữ sắp sinh con: “Sự thật là người phụ nữ đau đớn rất nhiều khi sinh con – nhưng sau đó khi ôm đứa bé trong tay, bà quên đi mọi chuyện”. Điều cuối cùng còn lại trong chúng ta là niềm vui của Chúa Giêsu , một niềm vui tinh khiết. Đó là một niềm vui còn mãi. Đức Thánh Cha thừa nhận rằng niềm vui này đôi khi bị ‘lu mờ trong những khoảnh khắc của cuộc sống, chúng ta không cảm thấy nó trong những lúc gian nan, nhưng nó hiện ra sau đó: một niềm vui trong niềm hy vọng’. Điều này chính là thông điệp vang lên trong Giáo Hội hôm nay: Đừng sợ! .
Hãy can đảm trong đau khổ và hãy nhớ rằng cuối cùng Chúa sẽ đến, cuối cùng niềm vui sẽ ngự trị, sau bóng đêm là ánh mặt trời. Nguyện xin Chúa ban cho tất cả chúng ta niềm vui trong hy vọng này. Và dấu chỉ cho thấy là chúng ta đang có niềm vui trong hy vọng này là sự an bình nội tâm. Biết bao những bệnh nhân, những người đang ở giai đoạn cuối cùng của cuộc đời, trong đau đớn, vẫn có được sự bình an của tâm hồn … Đây là hạt giống của niềm vui, niềm vui của hy vọng và an bình. Anh chị em có an bình trong tâm hồn giữa những thời khắc đen tối, giữa những lúc khó khăn, giữa thời bách hại, khi những người khác nhảy mừng trước những đau khổ của anh chị em không? Anh chị em có thấy an bình không? Nếu anh chị em cảm thấy an bình, anh chị em đang có hạt giống của niềm hân hoan chắc chắn sẽ đến . Xin Chúa giúp chúng ta hiểu những điều này.
4. Hôn nhân phải thể hiện tình yêu sinh hoa trái mà Chúa dành cho Giáo Hội
Sáng thứ Hai 2 tháng Sáu, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh Lễ với 15 cặp vợ chồng nhân dịp họ kỷ niệm Kim Khánh và Ngân Khánh hôn nhân.
Bài giảng của Đức Thánh Cha, dựa trên bài đọc trong ngày đã đặt trọng tâm vào lòng trung thành, sự kiên trì, và việc trổ sinh hoa trái của tình yêu như Chúa Kitô đối với hiền thê của Ngài là Giáo Hội. Ba đặc tính đó cũng là trung tâm của hôn nhân Kitô giáo.
Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Kitô là thước đo của các gia đình. Ngài đặc biệt nhắc đến “ba tình yêu của Chúa Giêsu” đó là: tình yêu đối với Chúa Cha, với Mẹ Maria, và với Giáo Hội.”
Đức Thánh Cha nói:
Thật tuyệt vời khi đề cập đến tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Giáo Hội là hiền thê của Ngài với tất cả đặc tính của một Giáo Hội lữ hành: “xinh đẹp, thánh thiện, và cả tội lỗi”. Trong bất cứ trạng huống nào Chúa Giêsu vẫn yêu thương Giáo Hội.
Đó là một tình yêu trung thành, một tình yêu kiên trì. Ngài không bao giờ mệt mỏi vì yêu thương Giáo Hội. Đó là một tình yêu tuyệt vời. Chúa Giêsu là Đấng trung thành. Trung thành là bản chất tình yêu của Chúa Giêsu. Tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Giáo Hội của Ngài là lòng trung thành. Lòng trung thành này giống như một ánh sáng soi chiếu cho đời sống hôn nhân. Trung thành trong tình yêu. Ước gì anh chị em luôn luôn được như vậy! “
Luôn luôn trung thành, và đừng mỏi để mệt duy trì sự kiên trì này – giống như tình yêu của Chúa Giêsu dành cho hiền thê của Ngài.
Đời sống hôn nhân không có sự kiên trì thì tình yêu không được nuôi dưỡng. Sự kiên trì trong mọi lúc và mọi thời điểm, ngay những lúc khó khăn, khi có những vấn đề trong cuộc sống như: con cái, kinh tế. Trong những khó khăn đó cần phải kiên trì thì tình yêu mới được nuôi dưỡng. Mỗi sáng khi thức dậy, vợ chồng phải luôn nhắc nhở nhau về sự kiên trì này, nhờ đó gia đình mới được nuôi dưỡng và đi tiếp về phía trước.
Sau đó, Đức Thánh Cha nói về đặc tính thứ ba: sinh hoa kết trái. Tình yêu của Chúa Giêsu “làm cho Giáo Hội trổ sinh hoa trái,” mang đến cho Giáo Hội “những tín hữu được sinh ra” qua Bí Tích Rửa Tội, và Giáo Hội phát triển nhờ sự sinh hoa kết quả này.
Trong hôn nhân, khi các cặp vợ chồng vô sinh vì lý do gì đó hoặc do bệnh tật. Trong những lúc khủng hoảng, thử thách như vậy, các cặp vợ chồng nên tìm đến với Chúa Giêsu và cậy dựa vào sức mạnh của Ngài.
Ngoại trừ việc không thể sinh con vì lý do trên, những lý do khác Chúa đều không muốn. Như việc có các cặp vợ chồng chọn lựa không sinh con vì họ “không thích có con” hay “muốn sống đời hôn nhân mà không cần con cái.”
Khoảng 10 năm trở lại đây, có một thứ văn hóa muốn chứng minh cho chúng ta thấy rằng, hôn nhân sẽ hạnh phúc hơn khi không vướng bận con cái: Họ lý luận rằng, sẽ tốt hơn trong đời sống hôn nhân khi không có con. Vì như thế các cặp vợ chồng có thể đi du lịch khắp nơi trên thế giới, đi nghỉ mát, sẽ có một biệt thự miền quê để tĩnh dưỡng, được chăm sóc y tế miễn phí …sống thoải mái, tiện nghi hơn . Chỉ cần một con chó, hai con mèo là đủ vui rồi, và bạn có thể nuôi dưỡng và chăm sóc chúng như con cái vậy. Nhưng sự thật là gì, có phải như vậy không? Chúng ta sẽ thấy gì nơi những cuộc hôn nhân như vậy? Cuối cùng nơi những cuộc hôn nhân này là tuổi già ập đến trong cô đơn, buồn chán, trống vắng. Họ gậm nhấm sự cô độc. Đó là cuộc hôn nhân không trổ sinh hoa trái.
Đời sống hôn nhân của tín hữu Chúa Kitô phải như Chúa Giêsu kết hôn với Giáo Hội là Hiền Thê của Ngài: Ngài làm cho Giáo Hội trổ sinh hoa trái.
5. Bài giảng tại Phòng Tiệc Ly
Sinh hoạt cuối cùng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong 3 ngày viếng thăm Thánh Địa là thánh lễ đồng tế với các Hồng Y, Thượng Phụ và Giám Mục trong Phòng Tiệc Ly lúc 17 giờ 20 chiều thứ Hai 26 tháng.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Anh em thân mến, thật là một ơn lớn lao Chúa ban cho chúng ta là được tụ họp với nhau nơi đây trong Phòng Tiệc Ly này để cử hành Bí tích Thánh Thể. Nơi đây Chúa Giêsu đã ăn bữa Tiệc Ly vào buổi chiều sau cùng với các Tông Đồ; nơi ngài đã hiện ra giữa các vị sau khi sống lại; nơi Chúa Thánh Thần đã hiện xuống với quyền lực trên Mẹ Maria và các môn đệ. Đây là nơi Giáo Hội sinh ra và ra đi. Từ đây Giáo Hội đã khởi hành với Bánh được bẻ ra giữa các bàn tay, với các vết thương của Chúa Giêsu trong đôi mắt, và Chúa Thánh Thần tình yêu trong con tim. Chúa Giêsu phục sinh được Chúa Cha gửi đến trong Phòng Tiệc Ly thông truyền cho các Tông Đồ Thần Khí của Người, và với sức mạnh này Ngài gửi các vị ra đi canh tân gương mặt của trái đất (x. Tv 104,30).
Đi ra, khởi hành không có nghĩa là quên lãng. Giáo Hội đi ra giữ gìn ký ức những điều đã xảy ra; Chúa Thánh Thần nhắc cho Giáo Hội nhớ từng lời nói, từng cử chỉ của Chúa Giêsu và vén mở ý nghĩa của chúng. Phòng Tiệc Ly nhắc cho chúng ta biết việc phục vụ và rửa chân mà Chúa Giêsu đã thành toàn, như mẫu gương cho các môn đệ Người. Rửa chân cho nhau có nghĩa là tiếp đón nhau, chấp nhận nhau, yêu thương nhau, phục vụ lẫn nhau. Có nghĩa là phục vụ người nghèo, người đau yếu, người bị loại trừ. Với Thánh Thể, Phòng Tiệc Ly nhắc chúng ta nhớ tới hy lễ. Trong mỗi buổi cử hành Thánh Thể Chúa Giêsu tự hiến cho Thiên Chúa Cha vì chúng ta, để chúng ta cũng có thể hiệp nhất với Người, dâng cuộc sống, công việc làm, các vui buồn khổ đau của chúng ta cho Thiên Chúa, dâng mọi sự như hy lễ thiêng liêng.
Phòng Tiệc Ly nhắc chúng ta nhớ tới tình bạn. Chúa Giêsu nói với nhóm Mười Hai: “Thầy không gọi các con là tôi tớ… nhưng là bạn hữu” (Ga 15,15). Chúa làm cho chúng ta trở thành bạn của Người, ký thác cho chúng ta ý muốn của Thiên Chúa Cha và ban chính Người cho chúng ta. Kinh nghiệm đẹp nhất của kitô hữu, và một cách đặc biệt của linh mục là được trở thành bạn của Chúa Giêsu.
Phòng Tiệc Ly nhắc nhớ cuộc từ biệt và lời hứa gặp lại các bạn của Người: “Khi Thầy đi rồi…. Thầy sẽ lại đến và đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó” (Ga 14,3). Chúa Giêsu không rời chúng ta, Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta, Người đi trước chúng ta về nhà của Chúa Cha và Người muốn đem chúng ta tới đó.
Tuy nhiên Phòng Tiệc Ly cũng nhắc nhớ tới điều tiêu cực, Đức Thánh Cha nói:
Phòng Tiệc Ly cũng nhắc nhớ tới sự phản bội, sự nhỏ nhen, và tính tò mò xem “ai là người phản bội?”. Và mọi người trong chúng ta, chứ không luôn luôn phải là người khác đâu, cũng có thể sống lại các thái độ này, khi chúng ta nhìn người anh em với sự tự mãn, khi chúng ta phán xét họ, khi chúng ta phản hội Chúa Giêsu với các tội lỗi của chúng ta.
Phòng Tiệc Ly nhắc nhở sự chia sẻ, tình huynh đệ, sự hòa hợp, sự bình an giữa chúng ta. Đã có biết bao nhiêu tình yêu thương, biết bao nhiêu điều thiện đã nảy sinh từ Phòng Tiệc Ly! Biết bao nhiêu bác ái đã xuất phát từ đây, như một dòng sông chảy từ nguồn, ban đầu chỉ là một con suối nhỏ rồi lan rộng và trở thành con sông lớn… Tất cả các Thánh đã kín múc từ đây; dòng sông lớn sự thánh thiên của Giáo Hội luôn luôn bắt nguồn từ đây, luôn luôn mới mẻ, từ Trái Tim Chúa Kitô, từ Thánh Thể, từ Thần Khí Thánh của Người.
Sau cùng Phòng Tiệc Ly nhắc chúng ta nhớ tới sự khai sinh của gia đình mới, là Giáo Hội, do Chúa Giêsu phục sinh thành lập. Một gia đình có một Bà Mẹ là Đức Trinh Nữ Maria. Các gia đình kitô thuộc đại gia đình này, và tìm thấy trong đó ánh sáng và sức mạnh để bước đi và canh tân, qua các nhọc mệt và thử thách của cuộc sống. Tất cả mọi con cái Thiên Chúa thuộc mọi dân tộc và ngôn ngữ đều được mời gọi thuộc gia đình này, tất cả là anh em và là con cái của một Cha duy nhất ở trên trời. Đó là chân trời của Phòng Tiệc Ly: chân trời của Chúa phục sinh và của Giáo Hội.
Từ đây Giáo Hội ra đi, được linh hoạt bởi Thần Khí. Tụ tập cầu nguyện với Mẹ Chúa Giêsu, Giáo Hội luôn sống trở lại sự chờ đợi Thánh Thần được tuôn đổ xuống một lần nữa: Lậy Chúa, xin Thần Khí Chúa xuống và canh tân mặt đất (c. Tv 104,30).
6. Câu chuyện về Nhà Tiệc Ly
Quý vị và anh chị em vừa theo dõi bài giảng của Đức Thánh Cha tại Nhà Tiệc Ly nơi được coi là địa điểm khai sinh của Giáo Hội Công Giáo. Dưới đây là những mẩu chuyện chung quanh địa điểm này.
Nhà Tiệc Ly là một điạ điểm thánh thiêng với người Công Giáo vì nơi đây đã diễn ra những biến cố quan trọng đã được tường thuật trong Tân Ước: đó là nơi Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ, là nơi Chúa Giêsu đã dùng bữa cuối cùng với các môn đệ trước cuộc thương khó của Ngài, là nơi Chúa hiện ra với các tông đồ sau khi từ kẻ chết sống lại, là nơi các tông đồ tụ họp sau khi Chúa lên trời, là nơi Thánh Matthias đã được chọn làm tông đồ thay cho Giuđa Itcariốt, và là nơi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các thánh tông đồ.
Vì gắn bó với nhiều biến cố quan trọng như thế, điạ điểm được coi là nơi khai sinh ra Giáo Hội Công Giáo này đã là nơi hành hương của các tín hữu Kitô từ những thế kỷ đầu tiên. Ngày nay người ta còn giữ lại được những tác phẩm của nhà văn nữ là Egeria hay có khi còn gọi là Aetheria là một phụ nữ miền Gallaeci của Tây Ban Nha đã ghi lại những chuyến hành hương của bà đến vùng này trong khoảng thời gian từ năm 381 đến năm 384.
Nhà thờ được ghi lại trong những tác phẩm của nhà văn nữ Egeria đã bị quân Hồi Giáo phá hủy vào năm 614 khi người Hồi Giáo xâm lăng Thánh Địa. Nó được tái thiết rồi lại bị người Hồi phá hủy. Khi Đạo Binh Thập Tự tới Thánh Địa, nhà thờ ở trong tình trạng đổ nát, chỉ trừ nhà nguyện nguyện hai tầng của Phòng Tiệc Ly. Đạo Binh Thập Tự Kitô đã xây một vương cung thánh đường ba gian dọc gồm Phòng bên trên, tức Nhà nguyện Tiệc Ly, nơi Đức Maria ngủ, và một nhà nguyện bên dưới kỷ niệm biến cố Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ.
Nhà nguyện như chúng ta thấy hiện nay được tái thiết vào thế kỷ thứ 14 sau những thương thuyết khó khăn và tốn kém giữa vua thành Napoli và quốc vương Ai Cập. Nhà nguyện Tiệc Ly bên trên dài 15,3 mét rộng 9,4 mét được xây theo kiểu Gôtích hồi thế kỷ XIV, có một cầu thang nối liền tầng dưới với tầng trên gồm 8 bậc dẫn lên nhà nguyện kỷ niệm biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Người Hồi Giáo cho rằng địa điểm này năm trên khu hầm mộ của Vua Đavít nên trong thời kỳ đế quốc Ottoman cai trị Giêrusalem, thỏa ước Nguyên Trạng do Hoàng Đế Thổ Nhĩ Kỳ Osamn Đệ Tam đưa ra vào năm 1853 đã ngăn cản người Công Giáo cử hành thánh lễ tại đây.
Những người Do Thái theo chủ nghĩa quốc gia cực đoan cũng coi đây là khu vực bất khả nhượng cho bất cứ tôn giáo nào vì có hầm mộ của Vua Đavít. Những kẻ bài Kitô Giáo tại Giêrusalem tung ra tin đồn đầy ác ý rằng Giáo Hội Công Giáo muốn được nhà nước Israel nhường lại Nhà Tiệc Ly để kích động làn sóng chống Công Giáo tại đây.
Hôm thứ Năm 22 tháng 5, hàng ngàn người Do Thái cực đoan đã biểu tình tại khu vực này vì lo ngại trong chuyến viếng thăm Thánh Địa, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ vận động với chính quyền Do Thái nhường lại khu vực này cho người Công Giáo.
Tuy nhiên, cha David Neuhaus, là người Do Thái và là linh mục Dòng Phanxicô cho biết Giáo Hội Công Giáo chỉ muốn được thường xuyên cử hành thánh lễ tại đây.
Tháng 5 năm 2013, những người Do Thái cực đoan đã vẽ bậy lên những bức tường tại nhà nguyện với những khẩu hiệu bài Kitô Giáo. Trước khi Đức Thánh Cha sang thăm Giêrusalem, ít nhất 10 người Do Thái Giáo cực đoan đã nhận được lệnh của cảnh sát không được bén mãng tới khu vực này.
Trong chặng cuối cùng của chuyến tông du Thánh Địa, Đức Thánh Cha đã đồng tế với các Hồng Y, Thượng Phụ và Giám Mục trong Phòng Tiệc Ly lúc 17 giờ 20 chiều thứ Hai 26 tháng. Đây cũng là Sinh hoạt cuối cùng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngày thứ ba viếng thăm Thánh Địa.
Vài giờ sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành thánh lễ tại nhà Tiệc Ly trên núi Sion, căn nhà đã bị cố ý phóng hỏa nhưng may mắn chỉ bị hư hại nhẹ.
Thầy Nikodemus Schnabel trong đoàn Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Mộ cho phóng viên AFP biết là một kẻ lạ mặt hành động đơn độc đã lẻn vào Nhà Tiệc Ly ở khu vực “Nơi Đức Mẹ ngủ” vào đêm thứ Hai 26 tháng 5. Kẻ phóng hỏa đã lẻn xuống nhà nguyện bên dưới kỷ niệm biến cố Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, lấy một số sách những người hành hương dùng để hát và những thánh giá nhỏ bằng gỗ chụm lại đốt bên cạnh một đàn phong cầm.
Theo dõi
Đăng nhập
0 Góp ý
Mới nhất