1. Giáo Hội không phải là quán trọ
Trong Thánh Lễ sáng Thứ Năm mùng 5 tháng Sáu tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha đã tập trung nói về sự cần thiết của người tín hữu là phải trau dồi một cảm thức thuộc về Giáo Hội và ở với Giáo Hội
Ngài nói về ba cám dỗ mà những người tự xưng mình là Kitô hữu thường rơi vào: đó là “chủ nghĩa đồng nhất hóa”, “chủ nghĩa đa nguyên” và “khuynh hướng trục lợi cá nhân”.
Diễn giải bài Tin Mừng theo Thánh Gioan, chương 17 từ câu 20 đến câu 26, nói về lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Đức Thánh Cha đã đề cập đến một số người mang danh Kitô hữu nhưng dường như chỉ đứng “một chân bên trong còn chân kia thì bên ngoài Giáo Hội”, như thể họ đang “bắt cá hai tay”. Những người như vậy sẽ không cảm thấy Giáo Hội là nhà của mình. Ngài nói rằng có một số người “chỉ xem Giáo Hội như quán trọ, chứ không xem Giáo Hội là nhà của mình.”
Đức Thánh Cha đã đề cập đến ba nhóm Kitô hữu. Nhóm đầu tiên là những người xem tất cả mọi thành phần trong Giáo Hội đều như nhau. Họ là những người ngài gọi là theo “chủ nghĩa đồng nhất hóa”.
Đức Thánh Cha nói:
“Sự đồng nhất như vậy không phải là một đoàn sủng về hoạt động tự do của Chúa Thánh Thần. Những người này nhầm lẫn giữa lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho sự hiệp nhất Giáo Hội với lý thuyết về sự bình đẳng trong hệ tư tưởng riêng của họ. Chúa Kitô không bao giờ muốn Giáo Hội của Ngài theo kiểu đó – không bao giờ muốn mọi thành phần trong Giáo Hội là một đơn thể thuần nhất – và như thế, thực ra nhóm này không gia nhập Giáo Hội. Họ mang danh là Kitô hữu, là người Công Giáo, nhưng thái độ của họ khiến họ rời khỏi Giáo Hội.
Nhóm Kitô hữu thứ hai, Đức Thánh Cha gọi là những người gia nhập Giáo Hội nhưng còn mang nặng những ý thức hệ riêng mình – những người không đặt tâm trí của mình vào trong tâm trí của Giáo Hội. Đức Thánh Cha gọi họ là “những kẻ theo chủ nghĩa đa nguyên”
“Họ tham gia trong Giáo Hội nhưng với những ý thức hệ riêng. Với ý thức hệ đó, họ bước vào Giáo Hội chỉ có một chân. Còn chân kia ở bên ngoài Giáo Hội. Giáo Hội không phải là nhà của họ hay thuộc về họ. Họ xem Giáo Hội như một gác trọ. Họ không chia sẻ chung cảm thức là mình thuộc về Giáo Hội.
Nhóm thứ ba tự xưng mình là Kitô hữu nhưng không đặt cả tâm hồn, con tim của mình nơi Giáo Hội. Đây là những “kẻ trục lợi”. Họ tìm kiếm lợi lộc nơi Giáo Hội, họ đi nhà thờ vì lợi ích cá nhân, để kiếm chác nơi Giáo Hội.
“Các lái buôn. Chúng ta biết rõ họ! Trong Giáo Hội sơ khai đã xuất hiện những nhân vật như vậy: Sách Công Vụ nhắc đến tên một số người như: Simon hoặc Ananias và Sapphira. Họ lợi dụng Giáo Hội để trục lợi cá nhân. Chúng ta vẫn còn thấy bóng dáng họ đang có mặt ngày nay trong các giáo xứ, giáo phận, trong dòng tu, nơi một số mạnh thường quân– rất nhiều, phải không? Họ khoe khoang là các nhà hảo tâm của Giáo Hội nhưng thật ra họ vào đó để làm ăn. Họ không cảm thấy Giáo Hội như một người mẹ của mình.”
Trong Giáo Hội, “có nhiều ơn sủng của Chúa Thánh Thần, người ta thì đa dạng và ơn sủng Thánh Thần cũng đa dạng.” Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Chúa bảo chúng ta rằng nếu anh chị em gia nhập Giáo Hội vì lòng mến, để hiến dâng trọn con tim mình, không so đo tính toán trục lợi, anh chị em sẽ nhận ra Giáo Hội không phải là một quán trọ, nhưng là một gia đình để chúng ta sống trong đó.”
Nhận ra điều này không phải dễ, bởi vì “cám dỗ thì nhiều.” Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần, Đấng thành toàn sự hiệp nhất trong Giáo Hội, “hiệp nhất trong sự đa dạng, tự do và quảng đại.” Đó là sứ vụ của Chúa Thánh Thần, là Đấng “tạo ra sự hài hòa trong Giáo Hội – sự hiệp nhất trong Giáo Hội là hiệp nhất trong hài hòa.”
Chúng ta, tất cả đều có những khác biệt. “Chúng ta không giống y chang nhau. Tạ ơn Chúa”. Nếu không, “mọi thứ sẽ như địa ngục”. Tất cả mọi tín hữu được mời gọi trở nên ngoan ngoãn trong Thánh Thần, chính sự ngoan ngoãn này là nhân đức sẽ cứu chúng ta khỏi tình trạng “đồng nhất hóa, bất hòa, hay trục lợi cá nhân trở thành lái buôn trong Giáo Hội. Chính sự ngoan ngoãn này sẽ chuyển hóa Giáo Hội từ một quán trọ thành một ngôi nhà”
“Cầu xin Chúa ban Thánh Thần xuống trên chúng con và xin Chúa Thánh Thần tạo ra sự hài hòa trong các cộng đoàn của chúng con: cộng đoàn giáo xứ, giáo phận, cộng đoàn các phong trào trong Giáo Hội.”
“Xin Chúa Thánh Thần hoàn thành sự hài hòa này, như các Giáo Phụ đã từng nói: Chính Thánh Thần là sự hài hòa.”
2. Các linh mục chớ quên đi mối tình đầu của mình là Chúa Kitô
Các linh mục trước hết phải là những mục tử, sau đó mới là các học giả và các ngài chớ quên Chúa Kitô, mối tình đầu của họ. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong thánh lễ sáng thứ Sáu ngày mùng 6 tháng Sáu tại nhà nguyện Santa Marta.
Đức Thánh Cha Phanxicô hỏi: “Mối tình đầu của anh em giờ ra sao?” Nghĩa là anh em có còn yêu như những ngày đầu nữa không? Người ta còn vui với anh em, hay đã chán anh em rồi. Đó là những câu hỏi phổ quát mà người ta phải tự hỏi mình thường xuyên, và không chỉ là các cặp vợ chồng nhưng cả các linh mục và các giám mục nữa trước mặt Chúa Kitô. Bởi vì, hôm nay đây chính Chúa đã hỏi Phêrô: “Này anh Simon con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?”
Câu hỏi: “Anh có mến Thầy không?” – Chúa Giêsu đặt ra cho tất cả mọi người, cho cả các anh em linh mục và giám mục nữa. Tôi có còn yêu mến như ngày đầu tiên không? Hay là công việc bận rộn khiến cho tôi đã ngó nhìn nơi khác, và quên đi tình yêu?”
Đức Thánh Cha kêu gọi các linh mục và giám mục “không bao giờ được quên mối tình đầu”, vì cũng như các cặp vợ chồng, “nếu không có tình yêu thì hôn nhân đổ vỡ.”
Ngoài khía cạnh thứ nhất là tình yêu dành cho Thiên Chúa, còn 3 khía cạnh nữa mà ơn gọi linh mục đòi hỏi.
Khía cạnh thứ hai là lời mời gọi chăm sóc dân Chúa: “Hãy chăm sóc đoàn chiên của Ta.” Câu hỏi được đặt ra ở đây là “Tôi có phải là chủ chiên hay chỉ là nhân viên của một tổ chức phi chính phủ có tên là Giáo Hội?”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng linh mục được mời gọi để trở nên trước hết là một chủ chăn, trước tất cả học vấn, kiến thức về triết học và thần học, tất cả mọi thứ khác phải đến sau”.
Ngài khuyên các linh mục như sau: “Hãy chăm sóc chiên ta với những kiến thức thần học, triết học, giáo phụ học, với tất cả những gì anh em đã học được, nhưng trước hết, phải chăm sóc các chiên ta. Vì Chúa Kitô đã mời gọi chúng ta như vậy. Bàn tay giám mục đặt trên đầu chúng ta, là để cho chúng ta trở thành các chủ chiên.”
Khía cạnh thứ ba: “Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến”.
Điều này có nghĩa là đừng mong chờ “vinh quang” hay “huy hoàng” trong cương vị là người mục tử được thánh hiến cho Chúa Giêsu. “Không, không có đâu anh em. Anh em sẽ kết thúc đời mình giữa những gì là tầm thường nhất, ngay cả trong những hoàn cảnh nhục nhã và bi đát nhất, khi phải nằm trên giường, phải nhờ người ta đút cho ăn và mặc áo quần cho anh em. Chúng ta được tiền định để kết thúc như Ngài”, tức là như “hạt lúa mì chết đi để sinh nhiều hoa trái nhưng không có cái hân hạnh được nhìn thấy những hoa trái ấy. ”
Cuối cùng, khía cạnh thứ tư được gói gọn trong “lời nói mạnh mẽ nhất” mà Chúa Giêsu đã dùng để kết thúc câu chuyện của Người: “Con hãy theo Thầy!”
“Nếu chúng ta đã lạc lối hoặc không biết đáp lại tình yêu, thì khi đó chúng ta không biết làm sao đáp ứng những đòi hỏi trong sứ vụ một mục tử, chúng ta không có niềm xác tín rằng Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta ngay cả trong những khoảnh khắc tồi tệ nhất của cuộc sống, như khi đau ốm ngặt nghèo. Ngài nói: ‘theo Ta’. Đây là sự chắc chắn của chúng ta. Hãy theo bước chân của Chúa Giêsu trên con đường Ngài đã bảo: ‘Hãy theo Ta’”.
3. Buổi triều yết chung hôm thứ Tư 11 tháng Sáu
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Sau hai ngày bị cảm nhẹ phải hủy bỏ các cuộc tiếp kiến theo dự trù, sáng thứ Tư 11 tháng Sáu, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ anh chị em tín hữu và khách hành hương trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô.
Tiếp tục loạt bài giáo lý về bẩy ơn Chúa Thánh Thần, Đức Thánh Cha đã đề cập đến ơn cuối cùng là ơn biết kính sợ Thiên Chúa. Nhờ ơn này chúng ta biết tôn kính sự công bằng, quyền phép Chúa và sợ làm phiền lòng Ngài.
Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha giải thích rằng kính sợ Thiên Chúa không phải là một tâm lý nô lệ hay một trạng thái khiếp sợ đến mức muốn làm vừa lòng Chúa để được yên thân. Kính sợ Chúa là phản ứng biết ơn của những người đã được yêu thương trước bởi tình yêu vô hạn của Thiên Chúa.
Lòng kính sợ Chúa cũng là một tiếng còi báo động khi người ta sống trong gian ác, khi nói lộng ngôn chống lại Thiên Chúa, khi lợi dụng người khác, khi sống độc tài hà khắc với người lân cận, khi chỉ sống vì tiền, vì những thứ phù hoa, và niềm tự hào. Lòng kính sợ Thiên Chúa cảnh báo chúng ta hãy coi chừng cứ sống như thế bạn sẽ không được hạnh phúc, bạn sẽ kết thúc đời mình thật tồi tệ.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh cáo những ai lợi dụng chức quyền để tham nhũng hãy biết kính sợ công lý của Thiên Chúa và hãy có lòng ăn năn. Ngài cảnh cáo cụ thể những kẻ hoạt động trong mạng lưới buôn người và nô lệ lao động, những kẻ sản xuất vũ khí kích động chiến tranh. Ngài cầu xin cho lòng kính sợ Thiên Chúa có thể làm cho những kẻ ấy hiểu rằng một ngày nào đó tất cả sẽ kết thúc và họ phải trả lẽ mọi sự trước mặt Thiên Chúa.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói “Chúng ta hãy cầu nguyện để lòng kính sợ Thiên Chúa, cùng với những ơn khác của Chúa Thánh Thần, giúp chúng ta đổi mới trong đức tin và liên tục nhắc nhở chúng ta rằng chỉ duy nhất nơi Thiên Chúa chúng ta mới tìm thấy tự do đích thật, và hạnh phúc cuối cùng của đời mình.”
4. Đức Thánh Cha Phanxicô nói Tám Mối Phúc Thật vạch ra một chương trình cho đời sống Kitô hữu.
Buổi sáng sau cuộc họp lịch sử cho hòa bình ở Vatican, trong đó Đức Thánh Cha kêu gọi sự can đảm sống hiền lành để đánh bại hận thù, Đức Thánh Cha đã tập trung vào các mối phúc thật trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai tại nhà nguyện Santa Marta.
Suy tư trên Tin Mừng trong ngày về những mối phúc thật, Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả các mối phúc như một “chương trình”, như “một giấy căn cước của một Kitô hữu”. Nếu anh chị em tự hỏi mình làm thế nào tôi có thể trở thành một Kitô hữu tốt, thì đây là câu trả lời của Chúa Giêsu, một câu trả lời dẫn đến một thái độ đi ngược lại não trạng con người ngày nay rất nhiều.
Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó. Sự giàu có không cho chúng ta sự bảo đảm, trong thực tế khi trái tim quá đầy chật và tự mãn, nó không còn có chỗ cho Lời Chúa.
Phúc cho ai sầu khổ vì họ sẽ được ủi an. Thế giới cố thuyết phục để chúng ta tin rằng hạnh phúc, niềm vui và giải trí là những điều tốt nhất trong cuộc sống; và sẽ là bất hạnh khi chúng ta có những vấn đề về bệnh tật hoặc những nỗi đau trong gia đình. Thế giới không muốn đau khổ, nó thích lờ đi và che đậy hết những tình huống đớn đau. Chỉ có người dám nhìn thẳng vào sự vật, chỉ có những ai có con tim biết rơi lệ mới hiểu thế nào là hạnh phúc và sẽ được an ủi, sự an ủi của Chúa Giêsu, chứ không phải của thế gian.
Phúc thay ai hiền lành trong cái thế giới chồng chất các cuộc chiến, những lập luận hận thù. Chúa Giêsu nói: hãy nói không với chiến tranh, nói không với hận thù. Hãy sống hòa bình và hiền lành.
Nếu anh chị em hiền lành trong cuộc sống, mọi người sẽ nghĩ rằng anh chị em không được khôn cho lắm. Cứ để họ nghĩ như thế đi. Nhưng anh chị em hiền lành là bởi vì với sự hiền lành này, anh chị em sẽ thừa hưởng trái đất.
Phúc cho những ai đói khát sự công chính. Thật là dễ dàng để băng hoại và đổ thừa rằng: đời mà! Bao nhiêu những bất công mà não trạmg này đã gây ra; và có bao nhiêu người phải đau khổ vì những bất công ấy. Chúa Giêsu nói: “Phúc cho những ai đấu tranh chống lại sự bất công.”
“Phúc thay ai có lòng thương xót vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”. Những người có lòng xót thương là những người tha thứ và hiểu những sai lầm của người khác. Chúa Giêsu đã không nói “phúc cho những ai tìm cách trả thù”. Phúc cho những ai tha thứ, cho những ai đầy lòng thương xót. Bởi vì chúng ta đều là một phần của một đội quân đông đảo những người đã từng được tha thứ! Chúng ta đã được thứ tha. Đó là lý do tại sao phúc thay cho những ai dấn bước trên con đường tha thứ.
Phúc thay ai có lòng thanh sạch, họ là những người có một trái tim tinh khiết đơn giản không bụi bẩn, một trái tim biết yêu một cách tinh khiết.
Phúc thay ai kiến tạo hòa bình. Nhưng thật đáng tiếc là trong chúng ta có cơ man những nhà hoạch định chiến tranh hay thủ phạm của sự hiểu lầm! Khi ta nghe một cái gì đó từ một người, và chỉ một giây sau đã quay sang đồn thổi cho người khác, mở rộng, thêm thắt thành những phiên bản khác … ta đang hình thành ra thế giới của tin đồn. Những người ngồi lê đôi mách là những người không thực hiện hòa bình, là kẻ thù của hòa bình. Họ không được chúc phúc.
“Phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính “. Bao nhiêu người đã bị bách hại, và tiếp tục bị bách hại chỉ đơn giản là vì họ đã chiến đấu cho công lý.
Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:
Tám Mối Phúc Thật đại diện cho “một chương trình sống” chính Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta. Tuy đơn giản nhưng rất cam go. Nếu chúng ta muốn tìm kiếm thêm, Chúa Giêsu còn chỉ cho chúng ta một điều khác đã được viết trong Tin Mừng thánh Matthêu, chương 25: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm”. Với Tám Mối Phúc Thật và Matthêu 25 – người ta có thể sống một đời sống Kitô hữu thánh thiện.
5. Bài huấn dụ buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng
Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha tiếp tục diễn giải về ý nghĩa biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Ngài nói:
“Anh chị em thân mến, Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống kỷ niệm việc Chúa Thánh Thần đổ tràn ơn thiêng trên các Tông Đồ tụ họp tại Nhà Tiệc Ly. Sách Tông Đồ công vụ mô tả các dấu hiệu và thành quả ngoại thường của việc đổ tràn ơn Thánh Linh: gió thổi mạnh và những hình lưỡi lửa; sợ hãi biến mất và nhường chỗ cho can đảm: ngôn ngữ không còn bị ràng buộc và tất cả mọi người đều hiểu những lời đã được loan báo. Nơi nào Thánh Linh của Thiên Chúa đến, thì tất cả được tái sinh và biến đổi. Biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống đánh dấu sự khai sinh Giáo Hội và Giáo Hội xuất hiện công khai; có hai nét làm cho chúng ta chú ý: đó là một Giáo Hội gây ngạc nhiên và làm lúng túng.
Yếu tố cơ bản đầu tiên của lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là sự ngạc nhiên. Chẳng ai mong đợi nơi các môn đệ điều gì nữa: sau khi Chúa Giêsu chịu chết, họ là một nhóm nhỏ chẳng có gì đáng kể, họ là những người mồ côi đã thất bại với Thầy họ.
Nhưng khi Thánh Thần Chúa đến thì xảy ra một biến cố bất ngờ làm cho mọi người ngỡ ngàng: dân chúng bối rối ngạc nhiên vì mỗi người nghe các môn đệ nói trong ngôn ngữ của họ, kể lại những kỳ công của Thiên Chúa (Xc Cv 2,6-7.11). Giáo Hội được sinh ra trong ngày Lễ Hiện Xuống là một cộng đoàn làm cho người ta phải kinh ngạc. Với sức mạnh đến từ Thiên Chúa, Giáo Hội loan báo một sứ điệp mới – đó là sự phục sinh của Chúa Kitô – với một ngôn ngữ mới – là ngôn ngữ đại đồng của tình thương. Các môn đệ được quyền năng từ trên cao, can đảm và thẳng thắn nói hăng say trong tự do của Chúa Thánh Linh.
Vì thế Giáo Hội được kêu gọi để luôn luôn là Giáo Hội có khả năng gây ngạc nhiên khi loan báo cho mọi người rằng Chúa Giêsu Kitô đã chiến thắng sự chết, vòng tay của Thiên Chúa luôn mở rộng, Ngài luôn kiên nhẫn chờ đợi để chữa lành và tha thứ cho chúng ta. Chính vì sứ mạng này, Chúa Giêsu phục sinh đã ban Thần Trí của Ngài cho Giáo Hội.
Ở Jerusalem có những người muốn các môn đệ của Chúa Giêsu bị sợ hãi ngăn chặn và khép kín trong nhà để khỏi gây phiền toái. Trái lại, Chúa phục sinh thúc đẩy họ tiến vào thế giới: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21). Giáo Hội của lễ Hiện Xuống là một Giáo Hội không cam chịu để mình trở nên một cái gì vô thưởng vô phạt, hoặc là một thứ đồ trang trí. Trái lại đó là một Giáo Hội không do dự đi ra ngoài, gặp gỡ dân chúng, để loan báo sứ điệp đã được Chúa ủy thác cho họ, cho dù sứ điệp ấy làm phiền phức và làm cho lương tâm nhiều người bất an. Giáo Hội vừa được hình thành là duy nhất và phố quát, với căn tính rõ ràng, nhưng cởi mở, một Giáo Hội bao gồm cả thế giới, nhưng không nắm bắt thế giới, như vòng cung của Quảng trường này: hai vòng tay mở rộng để đón nhận, chứ không khép kín để giữ lại.
Chúng ta hãy hướng về Đức Trinh Nữ Maria, trong buổi sáng ngày lễ Ngũ Tuần trong Nhà Tiệc Ly, cùng với các môn đệ. Nơi Mẹ, sức mạnh của Chúa Thánh Linh đã thực hiện những việc cao cả (Lc 1,49). Xin Mẹ là Mẹ Đấng Cứu Chuộc và là Mẹ Giáo Hội, chuyển cầu để hồng ân của Chúa Thánh Linh tái đổ tràn trên Giáo Hội và thế giới.
6. Đền Thờ Đức Bà Cả tại Rôma
Từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu vào ngôi Giáo Hoàng, địa danh Đền Thờ Đức Bà Cả tại Rôma thường được nhắc đến một cách đặc biệt trong các bản tin liên quan đến Tòa Thánh.
Tại sao như vậy? Thưa quý vị và anh chị em: đó là vì Đức Thánh Cha Phanxicô có một lòng sùng kính Đức Mẹ đặc biệt. Ngài thường đến đây cầu nguyện trước những chuyến tông du và trước những trọng trách khó khăn, cũng như đến để tạ ơn Đức Mẹ đã nhậm lời cầu xin của ngài. Hôm thứ Ba 27/5 vừa qua là lần thứ 9 ngài đến đền thờ này để tạ ơn Đức Mẹ về kết quả tốt đẹp của chuyến tông du Thánh Địa.
Đền Thờ Đức Bà Cả tại Rôma là đền thờ đầu tiên trong thế giới Tây phương được cung hiến để kính Đức Trinh Nữ Maria. Theo truyền thuyết, đêm mùng 4 rạng ngày mùng 5 tháng 8 năm 352, Ðức Mẹ hiện ra với nhà quý tộc Giovanni và Ðức Giáo Hoàng Liberio, và truyền lệnh xây một đền thờ dâng kính Ðức Mẹ trên đồi Esquilinô, ngay trên đỉnh đồi, chỗ có tuyết phủ. Hôm sau phép lạ xảy ra như vậy, tuyết rơi phủ đỉnh đồi Esquilinô giữa mùa hè. Ðức Giáo Hoàng Liberio cho xây đền thờ và tài chánh do nhà quí tộc Giovanni dâng cúng. Do đó còn gọi là Ðền Thờ Liberiana, hay Ðền Thờ Ðức Bà Xuống Tuyết.
Bên cạnh truyền thuyết đó, cũng có những tài liệu cho rằng: trước thời Đức Thánh Cha Libêriô, trên đồi Esquilinô đã có một đền thờ rồi. Và đền thờ cổ này được Đức Sixtô III là vị đã cai quản Giáo Hội từ năm 432 đến 440 tái thiết. Ngài đặt tên là đền thờ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, để ghi nhớ biến cố công đồng Ephêsô vào năm 431 khẳng định tín điều Theotokos, tức là Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về đền thờ này như sau:
“Tín điều Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa tìm thấy sự vang vọng tại Roma, bằng chứng là Đền Thờ Đức Bà Cả này, là đền thánh đầu tiên tại Rôma và trong toàn Tây Phương, nơi tôn kính Mẹ Thiên Chúa Theotokos – với tước hiệu ‘Đức Bà là phần rỗi của dân Rôma”.
Ngoài danh xưng là đền thờ Đức Bà xuống tuyết và đền thờ Đức Bà Maria Mẹ Thiên Chúa, ngôi đền này còn mang tên đền thờ Đức Bà Máng cỏ, vì nơi đây lưu giữ máng cỏ Chúa Giêsu sinh ra. Máng cỏ được đặt trong một cái hộp bằng bạc. Vào ngày lễ Giáng sinh, máng cỏ được đưa ra cho mọi người kính viếng.
Ngày nay, người ta thường gọi là đền thờ Đức Bà cả. Danh hiệu nầy nhắc nhớ thứ bậc của đền thờ này trong các các thánh đường dâng kính Đức Maria tại kinh thành muôn thuở. Đối với Giám mục Roma, đây cũng chính là nhà thờ chính tòa thứ hai sau nhà thờ chính toà thứ nhất là Vương Cung Thánh Đường Latêranô. Nhiều đền thờ trong số những đền thờ này đã ghi nhớ những giai thoại đạo đức và những ơn phúc đặc biệt các tín hữu nhận được nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ.
Đền thờ Đức Bà Cả cùng với Đền thờ Thánh Phêrô, Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành và Đền thờ Thánh Gioan Latêranô là 4 đại vương cung thánh đường mà những ai đến Rôma đều không thể không ghé thăm.
Theo dõi
Đăng nhập
0 Góp ý
Mới nhất