Bài 11. Điều răn thứ Tư (tt)
III. Bổn phận của cha mẹ
1. Kinh Thánh
– Hc 30,1-2: “Thương con thì cho roi cho vọt… Ai biết giáo dục con sẽ được thỏa lòng về con”.
– Ep 6,4: “Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy thay mặt Chúa giáo dục chúng bằng cách khuyên răn và sửa dạy”.
2. Giáo lý
– Bổn phận của cha mẹ không chỉ dừng lại ở việc sinh sản và nuôi dưỡng con cái, nhưng còn phải giáo dục con cái về mặt đạo đức nhân bản và thiêng liêng.
– Nền tảng của việc giáo dục này là dạy cho con cái biết “đặt những gì là vật chất và tự nhiên phụ thuộc những gì thuộc nội tâm và tinh thần” (Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus annus, số 36).
– Trên nền tảng đó, cha mẹ tập cho con cái những đức tính nhân bản: Tập bỏ mình, tập phán đoán lành mạnh, tập tự chủ, tập sống tình liên đới, ý thức trách nhiệm.
– Cũng thế, cha mẹ Công giáo có trách nhiệm giáo dục đức tin cho con cái: tập cho con cầu nguyện, làm các việc đạo đức, học giáo lý, tham gia các cử hành phụng vụ. Cha mẹ còn phải giúp con khám phá tiếng gọi Thiên Chúa dành cho nó.
– Khi con cái lớn lên, cha mẹ cần tập cho chúng biết sử dụng lý trí và tự do cách đúng đắn. Cha mẹ không ép buộc con cái trong việc chọn nghề nghiệp và chọn bạn trăm năm, nhưng nên trợ giúp con bằng những lời khuyên khôn ngoan.
– Có những người không lập gia đình để đảm nhận việc chăm sóc cha mẹ hoặc anh chị em mình, hoặc để dồn hết tâm trí vào một nghề nghiệp hay vì những động lực cao đẹp khác. Họ có thể góp phần lớn lao vào lợi ích của tha nhân, xã hội và Giáo hội.
IV. Quyền bính trong xã hội dân sự
1. Bổn phận của quyền bính dân sự
– “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20,26). Trong tầm nhìn Phúc Âm, quyền bính được trao cho là để phục vụ con người và công ích. Vì thế không thể lấy quyền bính để thiết lập những gì trái với nhân phẩm và luật tự nhiên.
– Công quyền buộc phải tôn trọng những quyền căn bản của con người, phải thực thi công bằng với lòng nhân đạo, đồng thời tôn trọng quyền lợi của từng người.
2. Bổn phận của công dân
– “Vì Chúa, anh em hãy tuân phục mọi thể chế do loài người đặt ra… Hãy hành động như những người tự do, không phải như những người lấy sự tự do làm màn che sự gian ác, nhưng như những tôi tớ của Thiên Chúa” (1Pr 2, 13.16).
– Mọi công dân có bổn phận cộng tác với chính quyền dân sự để mưu ích cho xã hội trong tinh thần tôn trọng chân lý, công bằng, tình liên đới và sự tự do.
– Vì trách nhiệm đối với công ích, các công dân có bổn phận đóng thuế, thực thi quyền bầu cử, bảo vệ quê hương. Thánh Phaolô cũng khuyến dụ chúng ta phải cầu nguyện cho tất cả những người thực thi quyền bính.
– Khi những mệnh lệnh của chính quyền dân sự đi ngược lại các đòi hỏi trong lãnh vực luân lý hoặc các quyền căn bản của con người, người công dân bị buộc theo lương tâm, không được tuân theo những chỉ thị đó. “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29); “Của Cêsarê, trả về Cêsarê; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22,21).
– “Khi công quyền vượt quá quyền hạn của mình mà đàn áp các công dân, thì chính các công dân đừng từ chối những gì công ích đòi hỏi cách khách quan. Họ được phép bảo vệ các quyền lợi của mình và của đồng bào mình, chống lại sự lạm dụng của quyền bính này, với sự tôn trọng các giới hạn, mà Luật tự nhiên và Luật Tin Mừng đã vạch ra” (Gaudium et spes, số 74).
3. Hội Thánh và cộng đồng chính trị
– “Do nhiệm vụ và thẩm quyền của mình, Hội Thánh không hề bị lẫn lộn với một cộng đồng chính trị… Hội Thánh vừa là dấu chỉ, vừa là người bảo vệ tính cách siêu việt của nhân vị” (Gaudium et spes, số 76).
– Hội Thánh có sứ vụ “đưa ra những phán đoán luân lý, cả trong những vấn đề liên quan tới lãnh vực chính trị, khi các quyền lợi căn bản của con người hay ơn cứu độ các linh hồn đòi hỏi, bằng cách sử dụng những phương tiện phù hợp với Tin Mừng và hòa hợp với lợi ích của mọi người, tùy theo thời đại và hoàn cảnh khác nhau” (Gaudium et spes, số 76).