Bài 3. THIÊN CHÚA LÀ CHA TOÀN NĂNG
Bài hát mở đầu : Lạy Chúa, con tin (Nguyễn Duy)
I. THIÊN CHÚA LÀ CHA
1. Các bản văn Kinh Thánh
– Hôsê 11,1-5 : Thiên Chúa yêu thương Israel như Cha yêu thương con.
– Isaia 49,13-17 : Thiên Chúa yêu thương Israel còn hơn mẹ thương con thơ.
– Matthêu 6,7-13 : Chúa Giêsu dạy các môn đệ gọi Thiên Chúa là Cha.
– Matthêu 6,1-16 : Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.
2. Gợi ý giáo lý
– Tuyên xưng Thiên Chúa là Cha hàm chứa hai ý nghĩa : (1) Thiên Chúa là cội nguồn và siêu việt trên mọi sự; (2) Thiên Chúa nhân hậu, yêu thương, chăm sóc con cái mình.
– Tuyên xưng Thiên Chúa là Cha không có nghĩa là xác định phái tính của Thiên Chúa. Thiên Chúa vượt lên trên sự phân biệt phái tính, nhưng để diễn tả về Thiên Chúa, ngôn ngữ đức tin vận dụng kinh nghiệm nhân loại để diễn tả.
– Tuyên xưng Thiên Chúa là Cha là tuyên xưng tình yêu của Thiên Chúa : tình yêu mà Dân Chúa trong Cựu Ước cảm nghiệm (x. Đnl 4,37; 7,8; 10,15), tình yêu trung tín (x. Hôsê 11), tình yêu vĩnh hằng (x. Isaia 54,10; Giêrêmia 31,3). Tình yêu ấy được bày tỏ trọn vẹn khi Thiên Chúa ban tặng Đức Giêsu Kitô (Ga 3,16).
II. THIÊN CHÚA TOÀN NĂNG
1. Các bản văn Kinh Thánh
– St 1,1 : Thiên Chúa tạo dựng mọi sự từ hư vô.
– TV 115,1-8 : Thiên Chúa muốn làm gì là Ngài làm nên.
– Lc 1,37 : Không có gì mà Thiên Chúa không làm được.
2. Gợi ý giáo lý
– Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng vì Ngài đã tạo dựng mọi sự và sắp đặt công trình ấy theo thánh ý Ngài. Ngài là Chúa cả trần gian và là Chúa của lịch sử, Ngài điều khiển các biến cố theo thánh ý Ngài.
– Sự toàn năng nơi Thiên Chúa không mang tính độc đoán và độc ác, vì Đấng Toàn Năng cũng là Thiên Chúa Tình Yêu. Người Kitô hữu tuyên xưng Thiên Chúa là Cha toàn năng, nghĩa là tình phụ tử và sự toàn năng kết hợp với nhau nơi Thiên Chúa.
– Kinh nghiệm về sự dữ và đau khổ trong cuộc sống là thử thách lớn, có thể khiến chúng ta nghi ngờ Thiên Chúa là Cha toàn năng : Hoặc Chúa là Tình Yêu nhưng không toàn năng, hoặc Chúa toàn năng nhưng không có tình yêu!
– Kinh Thánh bày tỏ đường lối nhiệm mầu của Thiên Chúa. Ngài bày tỏ quyền năng không phải theo cách nhìn của người đời nhưng bằng đường lối của tình yêu. Chính vì thế, Đức Kitô chịu đóng đinh thập giá chính là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, trong khi thế gian coi đó là ngu xuẩn và điên rồ (x. 1Cor 1,25).
Phút hồi tâm : Có khi nào tôi nghi ngờ tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa? Tôi đã làm gì để vượt qua?
Cầu nguyện :
“Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, xin cất khỏi con những gì làm con xa Chúa.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, xin ban cho con những gì đưa con đến với Chúa.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, xin giải thoát con khỏi chính mình con, và ban cho con được hoàn toàn thuộc về Chúa” (Thánh Nicôla).
Bài hát kết thúc : Hát khen mừng Chúa ra đời