Bài 2. TÔI TIN KÍNH MỘT THIÊN CHÚA
I. THIÊN CHÚA DUY NHẤT
1. Các bản văn Kinh Thánh
– Xh 20,1-17 : Mười điều răn. Điều răn đầu tiên nhấn mạnh Thiên Chúa duy nhất.
– Đnl 6,4-5 : Kinh Shema mà người Do Thái tụng niệm hằng ngày.
– Mc 13, 28-34 : Điều răn trọng nhất.
2. Gợi ý giáo lý
– Tầm quan trọng của niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất trong lịch sử Cựu Ước. “Nào muôn dân khắp cõi địa cầu, hãy hướng về Ta thì các ngươi sẽ được cứu độ, vì Ta là Thiên Chúa, chẳng có chúa nào khác… Chỉ một mình Đức Chúa mới cứu độ và làm cho mạnh sức” (Is 45,22-24).
– Chúa Giêsu tiếp tục nhấn mạnh niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất.
– Sống niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất : nhận biết quyền năng vĩ đại của Thiên Chúa – sống trong tâm tình cảm tạ tri ân – nhận biết phẩm giá con người là hình ảnh Thiên Chúa – sử dụng các thụ tạo cách đúng đắn – luôn tin tưởng vào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh.
II. THIÊN CHÚA LÀ CHA VÀ CON VÀ THÁNH THẦN
1. Các bản văn Kinh Thánh
– Mt 28,16-20 : Mệnh lệnh truyền giáo.
– Ga 14,15-20 : Lời cáo biệt của Chúa Giêsu.
– 2Cr 13,13 : Lời chào chúc của thánh Phaolô.
2. Gợi ý giáo lý
– Chúa Giêsu nhấn mạnh niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất, đồng thời Người từ từ vén mở cho chúng ta mầu nhiệm Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần.
– Trong những thế kỷ đầu, để đào sâu đức tin cũng như để bảo vệ đức tin khỏi những sai lầm, Hội Thánh đã dùng những thuật ngữ riêng để trình bày đức tin vào Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần : bản thể, ngôi vị, tương quan.
– Đối với Kitô hữu, tin vào Thiên Chúa là : (1) Hoàn toàn tin tưởng ở Thiên Chúa và những điều Ngài dạy; (2) Tin vào Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và là Đấng Thiên Chúa sai đến; (3) Không thể tin vào Chúa Giêsu Kitô mà lại không thông phần vào Thần Khí của Người.
– Sống niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi : Thiên Chúa ở trên con người, ở với chúng ta, và ở trong chúng ta.
Phút hồi tâm : Tôi thực sự yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn?
III. Cầu nguyện:
“Lạy Thiên Chúa của con, lạy Ba Ngôi con tôn thờ, xin giúp con quên hẳn mình đi để an trú trong Chúa, bất động và thanh thản, như thể linh hồn con đã ở trong cõi vĩnh hằng… Ước chi không bao giờ con bỏ mặc Chúa một mình, nhưng con sẽ ở đó với trọn vẹn bản thân, hoàn toàn tỉnh thức trong đức tin, hoàn toàn thờ lạy, và hoàn toàn phó thác cho hoạt động sáng tạo của Chúa” (Chân phước Elisabeth Chúa Ba Ngôi).