GIÁO LÝ – THÁNH KINH
Mục đích:
– Đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong Năm Đức Tin (2012-2013): Học hỏi Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo;
– Tiếp nối chương trình Thánh Kinh 100 Tuần: Trình bày mối liên kết chặt chẽ giữa Thánh Kinh và Giáo Lý.
Nội dung: Mỗi đề tài được trình bày theo lược đồ sau:
– Giới thiệu các đoạn Thánh Kinh làm nền tảng;
– Gợi ý suy nghĩ từ Thánh Kinh, liên kết với chủ đề giáo lý và đời sống đức tin;
– Cầu nguyện chung.
Bài 1. TÔI TIN
I. Giới thiệu các đoạn Thánh Kinh
1. Tổ phụ Abraham dâng Isaac làm lễ tế (St 22,1-18)
– Hãy đặt trình thuật này vào bối cảnh cuộc đời tổ phụ Abraham : Thiên Chúa gọi Abraham (St 12,1-9); Thiên Chúa hứa ban cho Abraham một người con (15,1-20); Hagar và Ismael (16,1-15); Sinh hạ Isaac (21,1-20).
– Để thấy rõ hơn thử thách mà tổ phụ Abraham phải đối diện, và để thấy lòng tin mạnh mẽ của ông (22,15).
2. Truyền Tin cho Đức Maria (Lc 1,26-38)
– Tìm hiểu phong tục trong xã hội Do Thái thời xưa để thấy được mối nguy hiểm mà Đức Maria phải đối diện trong ngày Truyền Tin (x. Mt 1,18-25; Đnl 22,23-24).
– Để thấy rõ hơn sự dấn thân của Đức Maria trong chương trình cứu độ.
II. Gợi ý giáo lý
1. Tin là thưa “Vâng” với Lời Chúa, sự phó thác của con người toàn diện cho Thiên Chúa: lý trí, tâm hồn, cuộc sống. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể đòi hỏi nơi chúng ta niềm tin tuyệt đối như thế.
– Tổ phụ Abraham: đòi hỏi vượt lý trí, hi sinh tất cả (Dt 11,8-18)
– Mẹ Maria: đòi hỏi vượt lý trí, chấp nhận phiêu lưu.
2. Những đặc tính của đức tin Kitô giáo
– Đức tin là một ân sủng (Mt 16,17): Ân sủng Thiên Chúa đến trước và sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần: thúc đẩy con tim, mở mắt lý trí.
– Đức tin và lý trí: không phủ nhận lý trí nhưng vượt trên lý trí. Nền tảng đức tin là Lời của Thiên Chúa, Đấng không hề nói dối và là Đấng toàn tri. Lý trí con người có giới hạn nên nhiều khi thấy khó hiểu.
– Đức tin và sự tự do: đức tin phải hoàn toàn tự nguyện, không cưỡng ép. Đức Kitô mời gọi mọi người hoán cải và tin vào Tin Mừng, nhưng không bao giờ ép buộc.
3. Đức tin của mỗi cá nhân và đức tin của Hội Thánh
– Tin là hành vi cá nhân. Cá nhân không đồng nghĩa với đơn độc: người ta không sống một mình, cũng không ai tự ban sự sống và đức tin cho mình.
– Đức tin của Hội Thánh: ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa nhưng tôi đón nhận đời sống đức tin nhờ Hội Thánh, nên Hội Thánh là Mẹ của chúng ta.
4. Những khó khăn trong đời sống đức tin
– Khó khăn về lý trí vì tin là chấp nhận những chân lý vượt trên lý trí.
– Khó khăn về ý chí vì tin đòi hỏi sự dấn thân, hi sinh, trung thành, kiên nhẫn.
– Khó khăn do môi trường sống không thuận lợi cho việc sống đức tin.
5. Để củng cố đức tin
– Vì đức tin là ân sủng nên cần cầu nguyện.
– Vì đức tin tìm kiếm hiểu biết nên phải học hỏi.
– Vì đức tin là sự dấn thân nên cần thực hành.