Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 30/10-05/11/2014 – Âm thanh mê hoặc của tiền
VietCatholic Network11/5/2014
1. Sự hiệp thông của các Thánh
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày lễ Các Thánh 1 tháng 11, với 40 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi các tín hữu hãy vui mừng sống mầu nhiệm các thánh thông công.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha đã giải thích ý nghĩa lễ Các Thánh và nhấn mạnh rằng: “Lễ trọng hôm nay giúp chúng ta ý thức một chân lý cơ bản của đức tin Kitô: đó là sự hiệp thông của các thánh. Đây là một sự kết hiệp thiêng liêng, không bị cắt đứt vì cái chết, nhưng tiếp tục trong đời sống mai hậu. Thực vậy, có một mối liên kết không thể bị hủy diệt giữa chúng ta là những người đang sống ở trần thế này với những người đã bước qua ngưỡng cửa sự chết. Chúng ta ở dưới thế này trên mặt đất cùng với những người đã bước vào vĩnh cửu, chúng ta họp thành một đại gia đình duy nhất”.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng:
“Thực tại này làm cho chúng ta tràn đầy vui mừng: thật là đẹp vì có bao nhiêu anh chị em chúng ta trong đức tin đang đồng hành cạnh chúng ta, nâng đỡ chúng ta qua sự giúp đỡ của họ và cùng với chúng ta tiến bước về trời. Và thật là điều an ủi khi biết rằng đã có những anh chị em chúng ta đạt tới quê trời, đang chờ đợi và cầu nguyện cho chúng ta, để cùng nhau chúng ta có thể đời đời chiêm ngưỡng tôn nhan vinh hiển và từ bi của Chúa Cha”.
Đức Thánh Cha nhắc nhở cho các tín hữu về ơn gọi nên thánh: “Thiên Chúa kêu gọi chúng ta nên thánh như chính Chúa là Đấng Thánh, và đối với những người muốn theo Chúa Giêsu trên con đường Tin Mừng, Mẹ Maria là nhà hướng đạo chắc chắn, người Mẹ ân cần và quan tâm, chúng ta có thể tín thác cho Mẹ mọi gước muốn và khó khăn của chúng ta”.
Sau kinh truyền tin và phép lành, Đức Thánh Cha đã kêu gọi mọi người “cầu nguyện cho Thành Thánh Jerusalem, là thành được các tín hữu Do thái, Kitô và Hồi giáo quí chuộng, trong những ngày này đang chứng kiến nhiều căng thẳng. Ước gì Thành Thánh này ngày cang có thể là dấu chỉ và là điều báo trước an bình mà Thiên Chúa muốn cho toàn thể gia đình nhân loại”.
Đức Thánh Cha cũng nhắc đến lễ phong chân phước chiều ngày 1 tháng 11 tại Vítoria, Tây Ban Nha, cho cha Pietro Asúa Mendía, linh mục thuộc miền Basco, “linh mục khiêm tốn và khổ hạnh, đã loan báo Tin Mừng bằng cuộc sống thánh thiện, bằng việc huấn giáo và tận tụy săn sóc những người nghèo túng trong thời kỳ khó khăn với cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha. Cha đã bị bắt, tra tấn và giết chết vì đã biểu lộ ý chí tiếp tục trung thành với Chúa và với Giáo Hội, cha thưc là mẫu gương tuyệt vời cho tất cả chúng ta về lòng can đảm trong đức tin và chứng tá bác ái”.
2. Cái chết không có tiếng nói sau cùng
Nghĩa trang là nơi an nghỉ chờ được đánh thức vào ngày sau hết. Việc tưởng niệm các người đã qua đời, săn sóc mồ mả và xin lễ cầu nguyện cho họ là chứng tá của niềm hy vọng tin tưởng, dâm rễ sâu nơi xác tín rằng cái chết không có tiếng nói cuối cùng trên số phận của con người, bởi vì con người được chỉ định cho một cuộc sống vô tận, có nguồn gốc và sự thành toàn trong Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 2 tháng 11 tại quảng trường thành Phêrô trong ngày lễ kính các đẳng linh hồn.
Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:
Ngày hôm qua chúng ta đã cử hành lễ trọng Các Thánh và hôm nay phung vụ mời gọi chúng ta tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời. Hai ngày lễ này gắn liền mật thiết với nhau, cũng như niềm vui và nước mắt tìm thấy nơi Chúa Giêsu Kitô. Thật thế, một đàng, Giáo Hội lữ hành trong lịch sử vui mừng vì sự bầu cử của các Thánh và các Chân phước nâng đỡ Giáo Hội trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng; đàng khác, cũng như Chúa Giêsu, Giáo Hội chia sẻ tiếng khóc của người đau khổ vì xa rời các người thân yêu, và cũng như Người và nhờ Người Giáo Hội làm vang lên lời cám tạ Thiên Chúa Cha, là Đấng đã giải thoát chúng ta khỏi ách thống trị của tội lỗi và cái chết.
Giữa ngày hôm qua và hôm nay biết bao nhiêu người đi viếng thăm nghĩa trang là “nơi an nghỉ” chờ việc đánh thức sau cùng. Thật là đẹp, khi nghĩ rằng chính Chúa Giêsu sẽ đánh thức chúng ta dậy. Chính Chúa Giêsu đã vén mở cho thấy rằng cái chết của thân xác cũng giống như một giác ngủ, từ đó Người đánh thức chúng ta. Với niềm tin này chúng ta dừng lại bên mộ của những người thân yêu, của những ai đã yêu thương chúng ta và đã làm điều lành cho chúng ta.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người trải dài lời cầu nguyện của mình ra trên các thành phần khác. Ngài nói:
Nhưng ngày hôm nay chúng ta được mời gọi nhớ tới tất cả mọi người, kể cả những người không ai nhớ tới. Chúng ta hãy nhớ tới các nạn nhân của chiến tranh và bạo lực; biết bao nhiêu “trẻ em” trên thế giới bị đói khát và bần cùng đè bẹp; chúng ta hãy nhớ tới các người vô danh nghỉ yên trong hầm mộ tập thể; chúng ta hãy nhớ tới các anh chị em bị giết vì là Kitô hữu; và biết bao nhiêu người đã hy sinh mạng sống để phục vụ tha nhân. Chúng ta cũng hãy phó thác cho Chúa cách đặc biệt những người đã lìa bỏ chúng ta trong năm nay.
Truyền thống của Giáo Hội đã luôn luôn khích lệ việc cầu nguyện cho những người đã chết, đặc biệt bằng cách cử hành thánh thể cầu nguyện cho họ: thánh lễ là sự trợ giúp tinh thần tốt nhất mà chúng ta có thể ban tặng cho các linh hồn, đặc biệt các linh hồn bị bỏ rơi. Nền tảng thánh lễ cầu cho các linh hồn nằm trong sự hiệp thông của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Như Công Đồng Chung Vaticăng II đã nhấn mạnh: “Giáo Hội lữ hành trên trần gian ý thức đựơc sự hiệp thông này của tất cả trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, ngay từ các thời kỳ đầu của Kitô giáo đã vun trồng với lòng đạo hạnh lớn lao việc tưởng nhớ những người đã qua đời” (LG 50).
Việc tưởng niệm các người đã chết, việc săn sóc mồ mả và các thánh lễ cầu hồn là chứng tá của niềm hy vọng tin tưởng, đâm rễ sâu trong xác tín rằng cái chết không có tiếng nói cuối cùng trên số phận con người, bởi vì con người được chỉ định cho một cuộc sống vô tận, có nguồn gốc và sự thành toàn nơi Thiên Chúa.
Với niềm tin này nơi số phận tối cao của con người, giờ đây chúng ta hãy hướng tới Đức Mẹ, là Đấng đã khổ đau dưới Thập Giá vì thảm cảnh cái chết của Chúa Kitô và rồi đã tham dự vào niềm vui sự sống lại của Chúa. Xin Mẹ là Của Trời giúp chùng ta ngày càng hiểu hơn giá trị của lời cầu nguyện và thánh lễ cầu cho các người đã chết. Họ gần gũi chúng ta. Xin Mẹ nâng đỡ chúng ta mỗi ngày trong cuộc lữ hành trần thế và trợ giúp chúng ta đừng bao giờ đánh mất đi đích điểm cuối cùng của cuộc sống là Thiên Đàng. Và với niềm hy vọng không bao giờ gây thất vọng này chúng ta hãy tiến tới!
3. Câu chuyện Âm Thanh Mê Hoặc Của Tiền
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Tiền có khả năng giúp người ta thực hiện những mơ ước. Nhưng cái nghịch lý của tiền là khi ta càng có nhiều tiền, ta lại càng yêu tiền. Yêu đến mức muốn giữ chúng lại và vì tiếc tiền nên có những ước mơ không thể thực hiện được cho đến ngày nhắm mắt xuôi thay giã từ thế giới này với hai bàn tay trắng. Đấy là thứ âm thanh mê hoặc của tiền.
Phúc Âm ghi lại câu chuyện sau:
Có một người đến thưa Ðức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?” Ðức Giêsu đáp: “Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Ðấng tốt lành mà thôi. Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn”. Người ấy hỏi: “Ðiều răn nào?” Ðức Giêsu đáp: “Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ”, và “Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình”. Người thanh niên ấy nói: “Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa?” Ðức Giêsu đáp: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.
Bấy giờ Ðức Giêsu nói với các môn đệ của Người: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”. Nghe nói vậy, các môn đệ vô cùng sửng sốt và nói: “Thế thì ai có thể được cứu?” Ðức Giêsu nhìn thẳng vào các ông và nói: “Ðối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được”.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Thánh Mátthêu ghi lại “Người thanh niên bỏ đi buồn rầu.” (Mt. 19:22). Hình ảnh đó sao mà ảm đạm. Nó như một mùa tang sầu trống trải. Một bóng hình đi trong im lặng lẻ loi.
Suy tư về đoạn Tin Mừng này, nhà văn Nguyễn Tầm Thường viết:
“Đời là một hòa tấu. Ngày nào tôi dừng lại ở một nốt nhạc mà thôi là tôi làm hỏng bài ca cuộc sống. Khi chỉ có một nốt nhạc thì bài ca không còn là bài ca. Âm nhạc hỏng mất rồi. Nó chỉ là tiếng còi tầu đơn độc. Bản nhạc cuộc đời anh bây giờ chỉ có một cung trầm. Phím đàn đã hỏng. Nó như tiếng ve inh ỏi độc đoán.
Âm thanh của giàu có chỉ thanh tao khi hòa nhịp với những cung điệu khác trong bản hòa tấu. Nhưng trong giây phút chọn lựa, anh đã bỏ tất cả những cung nhạc khác. Anh chọn có một thanh âm. Âm thanh của con đường đi trong buồn rầu. Người nhạc công khôn ngoan khi biết nốt nhạc nào hỏng trên phím đàn thì phải đề phòng mà bỏ qua. Cuộc đời cũng thế, phải sửa lại những nốt nhạc hỏng trên phím đàn đời sống.
Người thanh niên muốn bay cao nhưng anh ta đã không bay được bởi âm thanh của ràng buộc vang lên. Phân vân chọn lựa rồi quyết định buông cánh đậu.”
Chuyện nhân gian kể rằng trên đường đi tìm hạnh phúc, bất chợt ba người bộ hành nghe tiếng la thất thanh của vị đạo sĩ từ trong hang núi chạy ra:
“Thần Chết! Thần Chết! Tôi đã gặp thần chết!”
Ba người bộ hành yêu cầu đạo sĩ dẫn mình vào hang để xem thần chết. Vào huyệt đá sâu, vị đạo sĩ chỉ cho ba khách bộ hành đang tìm hạnh phúc thấy một kho tàng chôn giấu ở đó.
Vị đạo sĩ lại kêu to: “Thần Chết! Thần Chết!”. Rồi bỏ chạy.
Ba người bộ hành bàng hoàng trước kho tàng. Họ chia nhau đào xới, cho vàng bạc vào bao. Xế chiều một người nói:
– Mặt trời đã gần khuất núi. Hai đứa bây cứ đào tiếp đi, tao vào trong thành mua chút cơm nước.
Khi người ấy đã ra đi, hai người còn lại dừng tay, bàn bạc với nhau:
– Khi nó về mình núp trong chỗ tối này rồi bất thình lình xông ra giết chết nó đi để không phải chia số vàng này cho nó.
Khi người mua thức ăn vừa mang về, ông bị hai tên gian ác phục sẵn trong bóng tối đâm chết.
Vàng bạc đã cho vào bao, sẵn thức ăn còn đó, hai tên gian ác vội vã ăn để lấy sức mà lên đường. Thức ăn vừa lọt qua cổ, hai tên sùi bọt mép lăn đùng ra chết. Chúng đâu có ngờ, tên đi mua thức ăn cũng không kém phần gian ác nên đã bỏ thuốc độc vào thức ăn để chiếm lấy toàn bộ số vàng.
Vị đạo sĩ nhìn thấy thần chết vì ông có khả năng đề kháng tiếng mê hoặc của lòng mình. Ba người lữ hành không có khả năng cảm nghiệm những niềm vui khác như tình bạn, lòng trung thành, sự độ lượng nữa, mà chỉ có một hạnh phúc duy nhất là tiền.
Sự ràng buộc, bây giờ trở thành độc đoán, kéo ta xuống sâu trong đường một chiều. Để rồi ta chỉ còn một chiều đường để đi. Nó như tấm da người thổ mộ che mắt con ngựa để con ngựa chỉ nhìn thấy một lối ngõ trước mặt. Con ngựa mải mê bước. Nó không biết rằng còn bao nhiêu con đường khác thú vị ở chung quanh. Lúc mà ta để một cung đàn duy nhất tiêu diệt những cung đàn khác, thì cuộc đời như tấm gương đã vỡ mất rồi.
4. Tình yêu và sự công chính quan trọng hơn việc tuân giữ lề luật
Trong thánh lễ sáng Thứ Sáu 31 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha đã phàn nàn về các Kitô hữu duy lề luật đến mức bỏ qua khái niệm về tình yêu và công lý.
Trình bày những suy tư trên đoạn Tin Mừng trong ngày tường thuật lại việc Chúa Giêsu đặt câu hỏi cho người Biệt Phái là có được phép để chữa lành một người bệnh vào ngày Sabát không, Đức Thánh Cha đưa ra xác tín rằng tình yêu và công lý mới chính là con đường dẫn ta tới Chúa Kitô chứ không phải là thái độ duy lề luật. Đức Thánh Cha kể lại việc Chúa Giêsu quở trách những người Biệt Phái là bọn đạo đức giả vì họ lên án Ngài sau khi Ngài chữa lành cho một người bệnh vào ngày Sabát. (x. Lc 14, 1-6)
“Lối sống của những người duy lề luật vô tình đã tách họ ra khỏi tình yêu và công lý. Họ dựa vào lề luật mà bỏ quên công lý. Họ dựa vào lề luật mà đánh mất tình yêu. Họ như là những vật làm mẫu. Và đối với những người như thế, Chúa Giêsu chỉ dùng có một từ để miêu tả họ: kẻ đạo đức giả. Một mặt, anh đi khắp nơi trên thế giới tìm kiếm người theo đạo. Và sau đó thì sao? Anh đóng cửa lại không cho họ vào. Anh không sẵn lòng đón tiếp con người. Đó chính là những người duy lề luật. Họ luôn luôn đóng cửa lòng lại trước niềm hy vọng, tình yêu và ơn cứu rỗi …”
Trích dẫn thư của thánh Phaolô, Đức Thánh Cha nói rằng con đường hướng tới sự trung thành với lề luật là không được phép bỏ qua công lý và tình yêu và ngược lại chính tình yêu sẽ hoàn thiện lề luật.
“Đây là con đường mà Chúa Giêsu dạy chúng ta, hoàn toàn trái ngược với các luật sĩ. Và đó là con đường khởi đi từ tình yêu và công lý để dẫn đến Thiên Chúa. Thay vì con đường chỉ bám chặt vào lề luật, từng câu từng chữ đến mức đóng cửa lòng, dẫn đến tự ngã. Con đường dẫn từ tình yêu đến nhận thức và hiểu biết đưa đến sự thành toàn, dẫn đến sự thánh thiện, ơn cứu rỗi và gặp được Chúa Giêsu. Ngược lại con đường kia dẫn đến sự ích kỷ, tự kiêu, xét đoán, mang mặt nạ thánh thiện có phải không anh chị em? Chúa Giêsu đã từng nói với các hạng người này như sau: Anh ăn chay và cầu nguyện cốt cho người ta thấy … Để được tiếng khen có phải vậy không? Và đó là vì lý do vì sao Giêsu nói với dân chúng: “Những gì họ nói thì anh em nghe nhưng đừng làm theo. Vì họ nói mà không làm.”
Đức Thánh Cha nói đó là hai con đường khác nhau và Chúa Giêsu cho chúng ta thấy con đường đúng đắn.
“Chúa Giêsu lôi kéo chúng ta gần Ngài: sự gần gũi của Ngài là bằng chứng cho thấy chúng ta đang tiến bước theo con đường chân chính. Bởi vì, đó là con đường mà Thiên Chúa đã chọn để cứu chúng ta nhờ sự gần gũi của Ngài. Ngài tiếp cận chúng ta và đã làm người. Thân xác con người của Ngài là dấu hiệu của sự thật. Thiên Chúa đã làm người như mỗi người trong chúng ta và mời gọi ta hướng đến người khác, đặc biệt là những người nghèo, và những người bị bỏ rơi.”
Đức Thánh Cha cho biết thân xác của Chúa Giêsu là chiếc cầu nối đem chúng ta đến gần Thiên Chúa chứ không phải chữ nghĩa của lề luật. Tôi hy vọng rằng những ví dụ về tình yêu và sự gần gũi của Chúa Giêsu có thể giúp chúng ta tránh trượt vào lối đạo đức giả vì một Kitô hữu đạo đức giả là một điều thực sự xấu.
5. Hãy là con cái của sự sáng
Trong thánh lễ sáng thứ Hai, 27 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng cần thực hành việc kiểm điểm lương tâm để giúp chúng ta nhận ra mình là những Kitô hữu đang ở lại trong sự sáng hay đã sa vào trong bóng tối hoặc đang mang màu xám xịt.
Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư của ngài dựa vào Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô. Ngài nói rằng con người sẽ bị đánh giá dựa vào những ngôn từ họ dùng. Thánh tông đồ mời gọi các Kitô hữu hãy trở nên như con cái của sự sáng, chứ đừng ở lại trong bóng tối, Thánh Phaolô đưa ra “một bài giáo lý về việc dùng ngôn từ”.
Đức Thánh Cha nói rằng có các loại ngôn từ cho ta thấy mình đang lưu lại trong bóng tối.
Ngài đặt những câu hỏi để giúp mỗi người nhận ra các loại ngôn từ này là: Loại thứ nhất là “những lời đạo đức giả được lượm chỗ này một tí, chộp nơi kia một chút rồi sử dụng để thích nghi cho tất cả mọi người. Cuối cùng đó chỉ là những lời ngớ ngẩn, không có phẩm chất, trống rỗng.”
Loại thứ hai là “những ngôn từ thô tục, tầm thường, hoặc rất thế gian. Đó là những lời bông đùa cợt nhả, nhảm nhí. Những kiểu nói như thế làm cho chúng ta không còn là con cái sự sáng, không có Chúa Thánh Thần, không có Đức Giêsu, không có những lời của Tin Mừng … Đó là lối nói bàn về những chuyện: thô tục, dâm ô, thế gian, trống rỗng và đạo đức giả”.
Rồi ngài đặt câu hỏi: Vậy những lời nào thánh Tông đồ khuyên chúng ta dùng để trở nên con cái sự sáng?
“Thánh Phaolô nói : ‘Hãy bắt chước Thiên Chúa, bước đi trong tình yêu, bước đi trong sự nhân từ; bước đi trong sự hiền lành’. Như thế, Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy có lòng thương xót, tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho anh em trong Chúa Kitô. Và như thế chúng ta là con cái của sự sáng”.
“Có những Kitô hữu phản chiếu sự sáng, họ đầy ánh sáng. Đó là những tâm hồn tìm kiếm để phục vụ Chúa trong ánh sáng” và “có những Kitô hữu ở lại trong bóng tối” đó là người có “một cuộc sống tội lỗi, một cuộc sống xa Chúa”, họ sử dụng các kiểu ngôn từ trên kia, những loại ngôn từ “thuộc về tội lỗi”. Bên cạnh đó cũng có một nhóm Kitô hữu thứ ba, đó là “không phải ánh sáng cũng không phải bóng tối”, mà là màu xám.
“Các Kitô hữu màu xám là dạng không có Chúa, cũng không theo ma quỷ. Họ thuộc dạng hâm hẩm. Họ không phải là ánh sáng cũng không phải bóng tối. Và Thiên Chúa không thích những loại người như thế. Trong sách Khải Huyền, Thiên Chúa nói với các Kitô hữu màu xám này rằng: “Ngươi không nóng cũng không lạnh. Hoặc là ngươi nóng hoặc ngươi lạnh. Nhưng bởi vì ngươi hâm hẩm, ta muốn nôn mửa ngươi ra.” Chúa đã dùng những từ rất mạnh đối với các Kitô hữu mang màu sắc xám xịt này. ‘Tôi là một Kitô hữu, nhưng không là Kitô hữu chính danh. Những điều họ làm, họ nói nhiều khi gây ra gương mù nặng nề tai hại, vì cuối cùng đời sống của họ chỉ là những dấu chỉ phản chứng. Nó gây ra những điều tiêu cực”.
Đức Thánh Cha kết luận bài giảng như sau: Đừng để chúng ta bị lôi kéo vào những lời trống rỗng. Chúng ta nghe rất nhiều lời, có những lời hoa mỹ nhưng toàn trống rỗng, không ý nghĩa. Thay vào đó, chúng ta hãy hành xử như những con cái sự sáng. Ngày hôm nay chúng ta hãy suy nghĩ và tự chất vấn mình: Tôi có là một Kitô hữu ở trong sự sáng không? Hay là Kitô hữu ở lại trong bóng tối? Tôi có phải là một Kitô hữu mang màu sắc xám xịt, hâm hẩm không? Tự vấn như thế, chúng ta mới có thể tiến lên trên hành trình gặp gỡ Thiên Chúa”.
6. Đời sống Kitô hữu là một trận chiến liên tục
Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả đời sống người Kitô hữu như là một trận chiến liên tục chống lại Satan, thế gian và những đam mê của xác thịt. Đó là nội dung bài giảng của ngài trong Thánh Lễ sáng thứ Năm 30 tháng 10, tại nguyện đường Santa Marta. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng ma quỷ tồn tại và chúng ta phải chiến đấu chống lại nó bằng áo giáp là sự thật.
Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư của ngài dựa trên những lời của Thánh Phaolô trong thư gửi cho tín hữu Êphêsô, trong đó thánh Tông đồ kêu gọi các Kitô hữu mang lấy áo giáp của Thiên Chúa để chống lại những cám dỗ của Satan. Đời sống Kitô hữu phải được bảo vệ và cần phải có hai điều này: đó là sức mạnh và lòng can đảm. Đời sống Kitô hữu là một trận chiến liên tục chống lại ba kẻ thù chính là: ma quỷ, thế gian và những đam mê xác thịt.
“Tôi phải bảo vệ bản thân mình trước kẻ nào? Tôi phải làm gì? Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng hãy mang lấy áo giáp của Thiên Chúa, nghĩa là Thiên Chúa hành động như là người bảo vệ, giúp chúng ta chống lại những cám dỗ của Satan. Không có đời sống thiêng liêng, không mặc áo giáp của Thiên Chúa thì không thể chống lại những cám dỗ. Chính áo giáp của Thiên Chúa cho chúng ta sức mạnh và bảo vệ chúng ta.”
Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng cuộc chiến của chúng ta không phải chống lại những điều nhỏ nhặt nhưng là sự thống trị của ma quỷ và những kẻ theo nó.
7. Kitô hữu đừng đứng ngoài ngưỡng cửa của Giáo Hội nhưng hãy vào bên trong
Trong thánh lễ sáng thứ Ba, 28 tháng 10, tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ các Kitô hữu hãy cảm nhận rằng mình là một phần không thể thiếu được của Giáo Hội.
Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Giêsu không vạch tội con người, nhưng nhìn vào nội tâm họ, và mời gọi tất cả các tín hữu đừng do dự trước cánh cửa của Giáo Hội, nhưng hãy mạnh dạn bước vào Giáo Hội của Ngài đã được Chúa Giêsu thiết lập từ 2000 năm trước, khi Ngài chọn mười hai trụ cột, là 12 vị Tông Đồ để từ đó để xây dựng Giáo Hội của Ngài.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Giáo Hội mở cửa mời gọi tất cả mọi người không phân biệt một ai, bởi Chúa Kitô luôn quan tâm yêu thương và chữa lành hết mọi tâm hồn con người bất kể đến tội lỗi của họ.
Suy gẫm về bài Tin Mừng trong ngày kể lại việc khai sinh Giáo Hội: “được xây dựng trên nền tảng là các Tông Đồ mà Chúa Kitô là đá tảng” , Đức Thánh Cha nhắc lại “hàng loạt hành động” của Chúa Giêsu khi Ngài thành lập Giáo Hội: lên núi cầu nguyện, lựa chọn các môn đệ, tiếp nhận họ và xuống núi chữa lành đám đông dân chúng.
“Chúa Giêsu cầu nguyện, Chúa Giêsu kêu gọi, Chúa Giêsu tuyển chọn, Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi, Chúa Giêsu chữa lành cho đám đông. Bên trong ngôi nhà Giáo Hội, Chúa Giêsu là đá tảng để tiến hành tất cả các công việc trên. Như Thánh Phaolô nói, Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng các Tông Đồ; Ngài đã chọn mười hai tông đồ. Tất cả họ đều là những tội nhân. Giuđa không hẳn là một trong những người phạm tội nhiều nhất đâu! Đức Thánh Cha nói rằng “tôi không biết ai đã phạm tội nhiều nhất”… Giuđa, một người đàn ông nghèo, và là người khép kín trước tình yêu và đó là lý do tại sao ông trở thành một kẻ phản bội. Và tất cả họ đều bỏ chạy trong cuộc Khổ Nạn của Chúa và để lại một mình Ngài. Họ đều là những người tội lỗi. Nhưng Ngài đã chọn họ”.
Chúa Giêsu muốn chúng ta ở “bên trong” Giáo Hội không phải như những người xa lạ, nhưng là những người “có quyền công dân”. Giáo Hội không phải là nơi ở tạm bợ chỉ để lướt qua nhưng chúng ta phải cắm rễ đời mình ở đó. Đó phải là nơi chốn của cuộc sống chúng ta.
“Chúng ta là những công dân, là đồng hương với anh chị em trong Giáo Hội. Nếu chúng ta không vào ngôi nhà này, không để Chúa Thánh Thần sống trong chúng ta, chúng ta không phải là thành phần của Giáo Hội. Chúng ta chỉ đang đứng ngoài cửa và nhìn vào bên trong rồi thốt lên: “Đáng yêu thế nhỉ!… Vâng! Đẹp đó …” Những người Kitô hữu như thế sẽ không đi xa hơn để có thể đón lấy Giáo Hội: họ chỉ dừng lại ở ngay ngưỡng cửa mà thôi…” Vâng, tôi là người Công Giáo, nhưng cũng không hẳn là Công Giáo … “
Thái độ này bộc lộ thái độ vô cảm trước hành vi yêu thương và lòng thương xót mà Chúa Giêsu dành mọi người thể hiện cụ thể nơi tình yêu và lòng thương xót của Đức Kitô đối với Phêrô, người được đặt lên làm lãnh đạo Giáo Hội. Dù ông đã từng phản bội Chúa Giêsu nhưng Ngài đã tha thứ và tiếp tục đặt ông làm lãnh đạo Giáo Hội:
“Đối với Chúa Giêsu, tội lỗi của Phêrô không phải là quan trọng. Ngài nhìn sâu vào tâm hồn của Phêrô. Để có thể đụng chạm đến tâm hồn ông và chữa lành cho nó. Chúa Giêsu đã cầu nguyện và Chúa Giêsu chữa lành. Cùng một cách như thế, Chúa Giêsu thể hiện lòng thương xót và tha thứ của Ngài cho tất cả chúng ta. Chúng ta không thể hiểu được Giáo Hội mà không có Chúa Giêsu đang cầu nguyện và chữa lành. Nguyện xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hiểu rằng Giáo Hội nhận được sức mạnh nhờ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Lời cầu nguyện chữa lành tất cả chúng ta”.
“Nhưng trong thế hệ này, chúng ta thấy nhiều người đang bị lôi kéo để tin rằng ma quỷ chỉ là một huyền thoại, một hình ảnh minh họa, một ý tưởng về cái ác. Nhưng ma quỷ thực sự tồn tại và chúng ta phải chiến đấu chống lại nó. Thánh Phaolô nói với chúng ta điều này, ‘không phải là tôi nói đâu!’ Lời Chúa đang nói với chúng ta điều này. Nhưng không phải tất cả chúng ta đều tin. Và sau đó Phaolô mô tả áo giáp của Thiên Chúa và các loại khác nhau làm nên áo giáp tuyệt vời này của Thiên Chúa. Và thánh nhân nói: ‘Vậy hãy đứng vững! ngang lưng thắt đai sự thật, mình mặc áo giáp công chính’. Sự thật là áo giáp của Thiên Chúa.”
Trái lại, ma quỷ là kẻ nói dối và là cha của kẻ nói dối và để chiến đấu với hắn, nơi chúng ta phải có sự thật. Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đức tin giống như một lá chắn khi chiến đấu chống lại ma quỷ.
“Đời sống như là một thao trường. Đời sống Kitô hữu là một trận chiến, một trận chiến tuyệt đẹp trong đó Thiên Chúa giành chiến thắng trong từng bước đi của cuộc sống chúng ta, mang lại cho chúng ta niềm vui, hạnh phúc lớn lao: niềm vui mà Chúa là người chiến thắng với “ơn cứu độ nhưng không” của Ngài ban cho ta. Nhưng tất cả chúng ta đếu có chút lười biếng có phải vậy không? Trong cuộc chiến này chúng ta để mình chiều theo những đam mê của nhiều cám dỗ khác nhau. Điều đó cho thấy tất cả chúng ta là những tội nhân! Nhưng không được nản lòng. Hãy can đảm lên và tràn trề sức mạnh vì Thiên Chúa ở cùng chúng ta.”
8. Giáo Hội gồm tất cả các người đã được rửa tội sống đức tin cậy mến một cách cụ thể
Giáo Hội không chỉ là Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục, các linh mục và những người sống đời thánh hiến, mà bao gồm tất cả các tín hữu được rửa tội là những người theo Chúa Giêsu, sống tin cậy mến và gần gũi các anh chị em khổ đau, những người rốt hết, tìm thoa dịu các khổ đau và đem lại cho họ một chút ủi an và hòa bình.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với 60.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hằng tuần sáng thứ Tư 29 tháng 10 tại quảng trường thánh Phêrô.
Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, trong các bài giáo lý trước đây chúng ta đã có thể minh nhiên thực tại tinh thần của Giáo Hội: Giáo Hội là thân mình của Chúa Kitô, được xây dựng trong Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, khi chúng ta đề cập tới Giáo Hội, lập tức chúng ta nghĩ tới các cộng đoàn, các giáo xứ, các giáo phận, trong đó chúng ta thường tụ họp và dĩ nhiên cũng nghĩ tới các thành phần và cơ cấu cai quản nó. Đó là thực tại hữu hình của Giáo Hội. Nhưng đâu là tương quan giữa thực tại hữu hình và thực tại thiêng liêng của Giáo Hội?
Trước hết khi nói tới thực tại hữu hình của Giáo Hội, chúng ta không chỉ được nghĩ tới Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục, các linh mục và những người sống đời thánh hiến mà thôi. Đức Thánh Cha giải thích chiều kích hữu hình của Giáo Hội như sau:
Thực tại hữu hình của Giáo Hội được tạo thành bởi biết bao nhiêu anh chị em đã được rửa tội trong thế giới, những người sống tin, cậy, mến. Nhưng có biết bao lần chúng ta nghe nói rằng: Giáo Hội không làm điều này, Giáo Hội không làm điều nọ. Nhưng xin bạn nói cho tôi biết Giáo Hội là ai. Giáo Hội là các linh mục, các giám mục, Đức Giáo Hoàng…Ồ, Giáo Hội là chúng ta tất cả. Tất cả chúng ta là Giáo Hội, là Giáo Hội của Chúa Giêsu. Giáo Hội được làm thành bởi tất cả những người theo Chúa Giêsu và nhân danh Người, gần gũi những người rốt hết, những người khổ đau, bằng cách tìm cống hiến cho họ một chút nhẹ nhõm, ủi an và hòa bình. Tất cả, tất cả những người làm điều Chúa truyền dậy, tất cả những người làm điều đó là Giáo Hội.
Khi đó chúng ta ta hiểu rằng cả thực tại hữu hình của Giáo Hội cũng không thể đo lường được, không thể biết được trong tất cả sự tràn đầy của nó: làm sao mà biết được tất cả thiện ích được Giáo Hội làm? Biết bao nhiêu công việc của tình yêu, biết bao nhiêu trung thành trong các gia đình, biết bao nhiêu công việc để giáo dục con cái, để làm cho tiến tới, để thông truyền đức tin, biết bao nhiêu khổ đau nơi các người đau yếu hiến dâng các khổ đau của họ cho Chúa. Điều này không thể đo lường được và nó lớn lao biết bao, lớn lao biết bao!
Làm sao mà biết được tất cả các điều huyền diệu, mà qua chúng ta, Chúa Kitô thực hiện trong con tim và cuộc sống của từng người? Anh chị em thấy không: cả thực tại hữu hình của Giáo Hội cũng vượt qúa sự kiểm soát của chúng ta, vượt quá các sức lực của chúng ta và là một thực tại nhiệm mầu, bởi vì nó đến từ Thiên Chúa.
Để hiểu tương quan giữa thực tại hữu hình và thực tại tinh thần của Giáo Hội, không có con đường nào khác ngoài việc nhìn vào Chúa Kitô, mà Giáo Hội là thân mình và từ đó Giáo Hội được sinh ra trong một cử chỉ của tình yêu vô tận. Thật thế, cả nơi Chúa Kitô, nhờ sức mạnh của mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta cũng nhận ra một bản tính nhân loại và một bản tính thiên linh, hiệp nhất trong cùng một con người một cách tuyệt diệu và bất khả phân ly. Điều này cũng có giá trị đối với Giáo Hội. Như nơi Chúa Kitô nhân tính hoàn toàn tạo thuận tiện cho thiên tính và phục vụ thiên tính, nhằm thành toàn ơn cứu độ, thực tại hữu hình cũng làm như thế đối với thực tại tinh thần nơi Giáo Hội. Vì thế, Giáo Hội cũng là một mầu nhiệm, trong đó điều người ta không trông thấy quan trọng hơn điều trông thấy, và chỉ có thể được nhận ra với con mắt đức tin (LG 8).
Tuy nhiên, trong trường hợp của Giáo Hội chúng ta phải tự hỏi: thực tại hữu hình có thể phục vụ thực tại tinh thần như thế nào? Một lần nữa chúng ta có thể hiểu điều này, khi nhìn vào Chúa Kitô. Chúa Kitô là mẫu gương, mẫu gương của Giáo Hội, bởi vì Giáo Hội là thân mình Người. Người là gương mẫu của tất cả mọi kitô hữu, của chúng ta tất cả. Nhìn lên Chúa Kitô chúng ta không sai lầm. Khi nhìn Chúa Kitô, chúng ta không sai lầm.
Trong Phúc Âm thánh sử Luca kể lại biến cố Chúa Giêsu trở về Nagiarét nơi Người đã lớn lên, vào hội đường và đọc đoạn sách của ngôn sứ Isaia nói về chính Người rằng: ”Thần Khí Chúa ngự trên Tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong Tôi, để Tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai Tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 18-19). Đó, Chúa Kitô đã dùng nhân tính của Người để loan báo và thực hiện chương trình cứu độ và cứu rỗi của Người như thế nào, thì Giáo Hội cũng phải làm như thế.
Qua thực tại hữu hình, qua các bí tích và chứng tá của mình, Giáo Hội được mời gọi mỗi ngày gần gũi mọi người, bắt đầu từ những ai nghèo khó, khổ đau và bị gạt bỏ ngoài lề, để tiếp tục làm cho tất cả mọi người cảm nhận được cái nhìn cảm thông và xót thương của Chúa Giêsu.
Anh chị em thân mến, như Giáo Hội chúng ta thường sống kinh nghiệm sự giòn mỏng và các hạn hẹp của chúng ta. Chúng ta tất cả đều là thế. Tất cả chúng ta đều có chúng. Tất cả chúng ta đều tội lỗi. Không ai trong chúng ta có thể nói rằng “Tôi không phải là người tội lỗi”. Nếu có ai trong anh chị em cảm thấy mình không là người có tội, thì hãy giơ tay lên. Xem có bao nhiêu người nào! Không thể được. Chúng ta tất cả đều như thế. Và sự giòn mỏng này, các hạn hẹp này, các tội lỗi này của chúng ta thật phải lẽ là chúng gây ra nơi chúng ta sự hối tiếc sâu xa, nhất là khi chúng ta làm gương xấu và nhận ra rằng mình trở thành cớ gây gương mù gương xấu. Có biết bao nhiêu lần chúng ta đã nghe nói trong khu xóm rằng: “Người đó luôn đi nhà thờ nhưng lại nói xấu mọi người, vặt lông mọi người”. Nói xấu người khác thật là gương mù gương xấu biết bao! Đó không phải là kitô, đó là một gương xấu, là một tội. Và như thế là chúng ta làm gương xấu. Nếu ông này bà nọ là kitô hữu, thì tôi xin làm người vô thần”. Bởi vì chứng tá của chúng ta là điều giúp hiểu kitô hữu là thế nào. Chúng ta hãy cầu xin để đừng là lý do gây gương mù gương xấu. Như vậy chúng ta hãy xin ơn đức tin, để có thể hiểu rằng tuy chúng ta ít ỏi và nghèo nàn, Chúa đã thật sự khiến cho chúng ta trở thành dụng cụ ơn thánh và dấu chỉ hữu hình tình yêu của Ngài đối với toàn nhân loại.
9. Hỏi Để Sống Đạo
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Trong chương trình hôm nay, cha Giuse Nguyễn Trọng Tước, tức nhà văn Nguyễn Tầm Thường sẽ trả lời câu hỏi sau:
Thưa cha, con nghe một số người nói khi chúng ta đi xưng tội, Chúa tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta, nhưng hậu quả của tội lỗi vẫn còn đó. Hậu quả của tội lỗi là gì và làm sao giải trừ những hậu quả ấy?