Đức Maria Mẹ Chúa Giêsu ( thế kỷ I)
Vai trò của Mẹ Maria được Phúc âm nhắc đến trong suốt cuộc đời Chúa Giêsu từ ngày giáng sinh, qua thời thơ ấu, khởi đầu sứ vụ công khai cho đến lúc tử nạn. Dựa trên Phúc âm, chúng ta thấy vai trò đặc tuyển của Đức Mẹ trong công cuộc cứu thế do Chúa thực hiện.
Vai trò khởi xuất từ ngày truyền tin: Một thiếu nữ đồng trinh được hứa hôn với một người thợ mộc làng Nagiaret: Giuse. Sứ thần Gabirie cho cô biết cô sẽ thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và sinh hạ một người con, là “con Đấng tối cao”, thừa hưởng ngôi báu Đavit tổ phụ Người và triều đại sẽ vô cùng tận. Mẹ hiểu: Đó là lời tiên báo Đấng Messia đang được mong đợi. Mẹ đón nhận trong niềm tin và phó thác: “Fiat. Này tôi là nữ tỳ của Chúa. Tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền.” Con Thiên Chúa đã xuống trong cung lòng Mẹ. “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể.”
Mẹ đi thăm bà chị họ Isave có thai Gioan đã 6 tháng, nói lên bài tri ân phấn khởi trong kinh ngợi khen Magnificat. Mẹ sinh con, khi trên con đường đi khai sổ bộ tại Bêlem, không cửa không nhà, phải vào nương náu trong một hang đá, chỗ nuôi súc vật. Mẹ đón nhận các mục đồng đến viếng thăm, ba vị đạo sĩ đến kính bái. Rồi, giữa đêm thâu, lầm lũi ẵm con, với Giuse, trốn sang Ai Cập lánh nạn và khi Herode băng hà, lại trở về Nagiaret sinh sống. Vài năm sau, khi Chúa Giêsu lên 12 tuổi, Mẹ và Giuse cùng Chúa Giêsu đi trẩy hội Đền thờ dịp đại lễ vượt qua. Chúa ở lại đàm đạo với các nhà thong luật, Mẹ lo lắng đi tìm con trong ba ngày. Mẹ không hiểu hay chưa hiểu được lối xử sự của con “Cha Mẹ không hiểu rằng con phải làm việc của Cha con sao?”
Gần 20 năm trôi qua, trước khi ta gặp lại Mẹ trong tiệc cưới Cana, ở đây, theo lời Mẹ xin, Chúa đã thực hiện phép lạ tiên khởi, bước vào cuộc đời công khai. Rồi bẵng đi một thời gian, chúng ta gặp lại Mẹ dưới cây thập giá, ở đó Chúa trối mẹ cho Gioan “Này là mẹ con” và Mẹ trở nên Mẹ chúng ta hết thảy mà Gioan là đại diên “Này là con Bà.” Mẹ hiện diện ở giữa các tông đồ trong buổi cầu nguyện chờ đợi Chúa Thánh Thần đến. Mẹ có đến Ephêsô với thánh Gioan không? Không thể minh chứng, tuy rằng ở đây có một ngôi thánh đường hay một ngôi nhà mà tục truyền rằng Đức Mẹ đã qua đời tại đó. Và tại Giêrusalem, bên cạnh núi cây dầu, cũng có một tương truyền tương tợ.
Từ thế kỷ II, các giáo phụ đã chú ý đến vai trò của Mẹ trong chương trình cứu chuộc. Năm 431, công đồng Ephêsô tuyên bố Mẹ là Theotokos, Mẹ Thiên Chúa. Mẹ phải được không vương mắc tội tổ, linh hồn và xác lên trời sau khi cuộc đời viên mãn, lễ Dormition, “Đức Mẹ ngũ,” đã lan dần qua Tây phương mang tên là lễ Mông Triệu.
Việc sung kính Mẹ có từ đầu, nhiều thánh đường đã mọc lên đó đây dâng kính Mẹ, nhiều lễ phụng vụ mừng các mầu nhiệm của Mẹ, nhiều hiệp hội đạo đức được thiết lập, nhiều dòng tu mang tên Mẹ, nhiều linh đạo mở đường tu đức theo chí hướng Mẹ.
Các lễ Phụng vụ mừng Mẹ trải dài trong cả năm: Lễ Mẹ Thiên Chúa: 1 tháng 1; Mẹ hiến dâng con 2 tháng 2; lễ truyền tin 25 tháng 3; lễ thăm viếng 31 tháng 5; lễ Trái tim vẹn sạch Mẹ thứ bảy tuần ba sau hiện xuống; Linh hồn và xác lên trời 15 tháng 8; Mẹ nữ vương 22 tháng 8; Sinh nhật Mẹ 8 tháng 9; Mân côi 7 tháng 10; Bảy sự 15 tháng 9; Dâng con 21 tháng 11; Vô nhiễm 8 tháng 12.
Công đồng Nice (325) công bố Đức Chúa Con đồng bản thể với Đức Chúa Cha, trên hết mọi tạo vật. Nhưng cũng nói lên địa vị của Mẹ mà Ngài đã muốn trở nên người con. Nhưng khi, Nestorius, Giám mục Constantinople chống lại tước hiệu Mẹ Thiên Chúa, không hiểu rõ tất cả giáo lý nhập thể thì Công đồng Ephesô (431) đã công bố sự duy nhất ngôi vị nơi Đức Kitô và tước hiệu Theotokos, Mẹ Thiên Chúa là đúng sự thật. Các nghị phụ Đông phương còn cho biết Thiên Chúa đã chuẫn bị để Mẹ làm Mẹ Chúa Cứu Thế, vai trò Mẹ, Eva mới, đòi hỏi Mẹ phải vô nhiễm nguyên tội. Eva được tạo dựng vô nhiễm thì Mẹ, Eva mới, cũng sinh ra vô nhiễm. Mẹ hoàn toàn trong trắng như lời sứ thần chào: “Kính mừng Đấng đầy dư ơn phúc.”
Tại Tây phương, năm 1854, đức Piô công bố tín điều Mẹ vô nhiễm nguyên tội. Đây không phải là tín điều mới. Sở dĩ, thời gian trôi qua quá lâu, vì đối với nền thần học Tây phương có một khúc mắc chưa được giải quyết. Lạc giáo Pelage chối bỏ tội nguyên tổ thì giáo hội phải nhấn mạnh đến sự cần thiết ơn cứu rỗi cho hết mọi người, kể cả Đức Mẹ, tuy thánh Augustinh, nhà thần học ơn sủng cho rằng ở nơi Mẹ không có tội lỗi (XXXVI, 42). Mãi đến khi tại Oxford, nhà thần học Duns Scot tìm ra phương thức và tuyên bố sự phân biệt rằng Đức Kitô đã cứu rỗi Mẹ nhưng đồng thời cũng gìn giữ Mẹ khỏi mọi tội lỗi, nhờ công nghiệp Chúa Kitô sau này. Dữ kiện đã đưa đến việc công bố tín điều năm 1854. Và năm 1950, Đức Piô XII công bố tín điều Mẹ linh hồn và xác lên trời, dựa trên thánh truyền tin tưởng sống động của Giáo Hội về tín điều Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ là đấng vô nhiễm, trong sạch vẹn tuyền. Vào thời buổi vật chất và thất vọng, việc Mẹ vinh thăng cả hồn lẫn xác là nguồn hy vọng lớn lao cho chúng ta hết thảy.
Mẹ là đấng muôn đời ca tụng “Mọi thế hệ sẽ khen tôi diễm phúc” (Kinh magnificat). Mẹ được sứ thần chào “Vui lên, hỡi Bà đầy ơn phúc.” Lc. 1,28).
Lễ Kính: 1 tháng 1.
Thánh Basiliô Giám Mục Tiến Sĩ (329-379)
Sinh hạ tại Cêsarê Capadoce (Tiểu Á) trong một gia đình có nhiều thánh: cha, mẹ, chị, hai em mà danh tiếng hơn cả là thánh Grêgôriô ở Nysse. Người tốt nghiệp tại Nhã Điển, được gặp một đồng hương là Thánh Grê-gôriô ở Na-zianze, hai người kết nghĩa thân và sau này cùng nên thánh và được mừng cùng ngày. Cùng một số bạn, người lỉa bỏ thế gian, lui về lập một tu viện gần Cêsarê. Người tổ chức một lối tu trì rất quân bằng, nên bộ luật rất thời danh của Người có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống đan viện Đông phương và Tây phương (Thánh Bênêđitô).
Từ năm 365, thánh nhân ảnh hưởng dần vào việc đã phá lạc giáo Arius, lạc giáo được sự che chở của Hoàng đế Valens. Năm 370, được bổ nhiệm Giám mục Cêsarê, thánh nhân phải đương đầu với Hoàng đế người bảo trợ lạc giáo và bắt bớ những ai chống đối.
Trong các tác phẩm Thần học rất nhiều của Người, tác phẩm về Chúa Thánh Thần gây ảnh hưởng của người được Giáo hội Đông phương còn cử hành ngày nay, trong các ngày Chúa nhật mùa chay, ngày vọng Phục sinh và ngày lễ thánh Basiliô. Người cũng được lịch sử gọi là Basiliô cả, với em của người là Grêgôgiô ở Nysse và bạn của người là Grêgôriô ở Naziane, ba vị trở thành những giáo phụ Hy lạp của Giáo hội thuộc nhóm các Giáo phụ gốc Cappadocê.
Có 15 vị thánh mang tên là Basiliô trong số có thân phụ của thánh nhân là Basiliô cổ nhân.
Lễ kính: 2 tháng 1.
Thánh Grêgoriô Nazianze – Giám Mục Tiến Sĩ (330-390)
Sinh hạ tại Nazianze ở Capadoce (Tiểu Á) đồng hương với Thánh Basile, người học tại Nhã Điển và dạy khoa hùng biện. Người trở về gia đình và nhận lãnh chức linh mục qua bàn tay của chính cha mình đang làm giám mục Naziane năm 362. Người vào tu viện ở với Basile. Năm 370, Basile được chọn Giám mục Césarê và phong Grêgôriô làm giám mục Sasima. Thánh nhân hoảng sợ vì trách nhiệm đã bỏ trốn. Dầu vậy, năm 378, Người được chọn làm giám mục Constantinople với nhiệm vụ khó khăn là thiết lập lại đức tin đang bị lung lạc vì giáo phái Arius, từ lâu được hoàng đế nâng đỡ. Người làm hết sức, trở nên một nhà thần học mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, một Giáo phụ Hội thánh. Người bị chống đối, thích sống chiêm nghiệm hơn tranh đấu. Người trở về xứ sở Capadoce và qua đời tại đó, ngày 25 tháng 1 năm 390.
Lễ nhớ: 2 tháng 1.
Thánh Elisabeth Ann Seton (1777-1821)
Sinh hạ tại New York city ngày 28 tháng 8 năm 1774, con của một giáo sư và em của Tổng Giám Mục James Roosevelt Bayley ở Baltimore. Người được thân phụ dạy dỗ và năm 1794, kết hôn với ông William Magee Seton và làm việc xã hội, lập hội giúp người nghèo và trẻ con. Năm 1803, chồng qua đời để lại 5 con tại Ý nơi chồng chữa bệnh. Bà về lại Hoa Kỳ và năm 1805 trở lại đạo Công Giáo. Bà được mời mở trường tại Baltimore và năm 1809 với 4 người bạn, Người thành lập dòng Các Nữ Tu Thánh Giuse và một trường dạy trẻ em nghèo tại Maryland, khởi đầu tổ chức các trường công giáo giáo xứ Hoa Kỳ. Dòng tu mới được Đức Tổng Giám Mục Carroll Baltimore công nhận năm 1812. Bà Seton được chọn làm Bề Trên. Với 18 chị em chị tuyên khấn ngày 19-7-1813, lập nên dòng Bác Ái, hội dòng đầu tiên tại Hoa Kỳ. Dòng lan rộng và khi bà qua đời có 20 tu viện. Bà qua đời ngày 4 tháng giêng, được Đức Phaolô VI tôn phong hiển thánh năm 1975, vị thánh đầu tiên sinh hạ tại Mỹ.
Thánh Raymond de Penafort (1175-1275)
Một nhà giáo luật danh tiếng sinh hạ ở Barcelone. Nhưng đã qua Bologne (Ý) nơi trung tâm về giáo luật học, để học luật và giảng dạy. Lúc lên 47 tuổi, Người vào dòng thuyết giảng vừa mới thành lập. Người là cố vấn của Đức Grêgôriô IX và sau đó, trở nên Bề Trên Tổng Quyền của dòng. Người trở về Catalogne, tiếp tục đi rao giảng cho người Hồi. Người rất quen thân với vua Jacques đệ nhất Aragon, nhưng Người thẳng thắn chỉ trích vua vì cuộc đời phóng đảng. Người qua đời thọ 100 tuổi, để lại nhiều tác phẩm giáo luật và luân lý, bí tích học. Người cũng là một cha giải tội sốt sắng.
Lễ nhớ: 7 tháng 1.
Thánh Antôn Cả (khoảng 250-356)
Đây là vị thánh rất bình dân và rất danh tiếng hay được diễn tả … bên cạnh lại có một con heo con, gốc người Ai cập. Lúc còn rất trẻ, đáp lại mời gọi Phúc âm từ bỏ mọi sự, người đi sâu vào sa mạc Thélaide gần Thébaide, miền thượng Ai cập, sống đời ẩn sĩ. Ở đây, người bị ma quỷ tấn công nhiều lần. Huyền thoại được các nhà họa sĩ như Jêrôme Bosch, Bruegel tô điểm, được Flaubert viết thành bản văn gọi là Chước Cám Dỗ của Thánh Antôn. Antôn hết sức chống lại bằng cách càng đi sâu vào trong rừng vắng và hãm mình nhặt nhiệm. Và cuối cùng người nhờ lời cầu nguyện đã thắng ma quỉ. Ảnh hưởng của Antôn thật lớn lao. Người lại được sự hộ trợ của người bạn là Thánh Athanasiô, Giám mục Alexandria. Có nhiều vị ẩn sĩ khác đến xin người hướng dẫn hình thành những nhóm ẩn sĩ đầu tiên sống trong một miền dưới sự hường dẫn của một viện phụ. Chúng ta gọi họ là những vị “ẩn tu” để phân biệt với các vị “đan sĩ”-Cénobite hay “thầy dòng chiêm niệm”-moine, sống tập thể. Antôn không ngần ngại bỏ nơi hoang vu tĩnh mịch một thời gian để về Alexandria, làm nhân chứng đức tin của người và Đức Giêsu Kitô, con Thiên Chúa, chống lại lạc thuyết Arius.
Antôn chính là vị sang lập lối sống tu hành Kitô Giáo và cách riêng một lối sống còn được tôn trọng trong một số tu viện Đông phương như ở núi Athos (chỉ có người đàn ông). Danh tiếng và ảnh hưởng của vị đại ẩn sĩ lan tràn thật xa khắp nơi và cả sau khi người qua đời, ở Đông phương và Tây phương, do cuốn sách “Hạnh tích Thánh Antôn” do Thánh Athanasiô viết ít lâu sau khi thánh nhân ẩn sĩ qua đời, được dịch ra tiếng Hy lạp và Latinh, được coi là cuốn sách thời danh.
Vào thế kỷ XI, khi quân Hồi xâm chiếm Ai Cập, thánh tích của thánh Ẩn sĩ được dời về Pháp, việc sùng kính thánh nhân càng khởi sắc hơn. Đan viện thánh Antôn gần thành Saint-Marcellin (quận Isère) được xây cất để tiếp nhận xương thánh. Thánh Antôn được cầu khẩn xin ơn chữa lành nhiều thứ bệnh, càch riêng bệnh sưng trầm trọng được gọi là “lửa thánh Antôn”, ám chỉ việc ma quỉ trước nguy hiểm đến nỗi người ta phải lập một dòng giúp bệnh nhân gọi là Dòng Antonius, sau nầy nhập vào Dòng tu malte (XVIII).
Lễ nhớ: 17 tháng giêng.
Thánh nữ Anê (Agnès) (+304)
Một thiếu nữ công giáo Lamã nổi tiếng vì sắc đẹp. Cô cũng đã hiến dâng cuộc đời trong trắng cho Thiên Chúa. Dưới thời cấm cách do vua Diocletien khởi xướng, cô bị tố cáo với vị tổng trấn Lamã và bị bắt. Mặc dầu bị đe dọa, cô vẫn cương quyết giữ vững đức tin và lòng khiết trinh của người hôn phu của Chúa Kitô. Theo lệnh vị tổng trấn, cô bị kéo vào một nhà điếm, nhưng quyền năng Thiên Chúa đã gìn giữ cô. Họ còn muốn thiêu sống cô, nhưng lửa đã tắt một cách nhiệm lạ. Cô tỏ ra can đảm đến cùng và bị chém đầu. Chúng ta không biết rõ thời gian thánh nữ thọ nạn. Tại Lamã, nơi lưu giữ di tích các thánh, thủ cấp Thánh nữ Anê được tôn kính và theo đó thì thánh nhân đã tuẩn tiết vì đạo lúc lên 13 tuổi.
Sự hy sinh của một em bé 13, anh hùng dũng cảm, đã gây phấn khởi lớn lao trong giáo đoàn Lamã. Tên người được ghi trong kinh nguyện Thánh Thể. Xác thánh của người-nhưng không có đầu-được tôn kính trong vương cung thánh đường mang tên người. Nơi đây, đến ngày lễ vị nữ thánh, có nghĩ lễ làm phép các con chiên mà bộ lông được dùng để dệt những chiếc Pallium, biểu hiệu quyền bính của các vị Tổng Giám mục.
Thánh Ambrôsiô đã viết vào năm 377 bài tán dương thánh nữ Anê, được coi là vị thánh bảo vệ đức khiết trinh.
Có 10 vị Thánh và Chơn phước cùng mang tên Anê.
Lễ kính: 21 tháng giêng.
Thánh Vinh Sơn Phó Tế Tử Đạo (+304)
Sinh hạ tại Huesca (Tây Ban Nha) là phó tế của Giám Mục Saragosse Valère. Bị bắt cùng Giám Mục Valère dưới thời Diocletien tại Valence. Giám Mục già cả bị lưu đày, Vinh Sơn bị giam, bị bỏ đói và hành hình nhưng không nao núng. Người được tôn kính từ lâu trong Giáo hội. Thánh Augustinô có nhiều bài giảng ca tụng. Nhiều nhà thờ dâng kính. Người là vị Thánh tử đạo đầu tiên của Tây Ban Nha, được đặt làm quan thầy của các nhà trồng nho.
Lễ nhớ: 22 tháng 1.
Thánh Timôthê (Thế Kỷ I)
Sinh hạ do một người cha Hy lạp và một người mẹ gốc Do Thái, Timôthê trở lại đạo vào năm 47, tại Lystre ở Tiểu Á trong cuộc du thuyết thứ hai năm 50, Phaolô chọn Timôthê làm bạn đồng hành thay thế Marcô, người sợ các cuộc hải hành (CV.13,15;15,48-49). Timôthê và Silas hộ giúp Phaolô trong việc rao giảng ở Cận đông (CV.16,1-5). Từ đó, Người được nói đến nhiều lần trong sách Công Vụ và các Thánh thư, như một vị tông đồ đặc sai của Phaolô đến các cộng đoàn để xem xét sự tiến triển đức tin. Năm 51, người đồng ký các thơ của Phaolô gửi giáo đoàn Thessalônica và người rời Corintô đích thân mang đến cho cộng đoàn mới được thành lập ấy từ dân ngoại trở lại. Năm 57, người lại đi mang thơ thứ hai gửi cho giáo dân Corintô và năm sau, người gặp lại Phaolô tại Corintô và từ đây, gửi lời thăm hỏi giáo dân Lamã. Và, khi Phaolô mang xiềng xích đến Lamã thì có Timôthê bên cạnh, đồng gửi thơ cho ông Philêmon năm 62 và cho các cộng đoàn Côlôse và Philipphê.
Năm 63, Phaolô trao phó Giáo hội Ephesô cho Timôthê, người gửi cho ông hai bức thư (I và II). Trong chúc thư, Phaolô nhắn nhủ người đồ đệ những gì người truyền dạy: “Vững mạnh trong đức tin, nhẫn nại, yêu thương và can trường” (II Timo 3,10). Và trong lời kêu gọi cuối cùng, người xin đồ đệ đến làm cho người thêm sức mạnh trong giờ cuối cùng, người đồ đệ mà người luôn luôn gọi là “người con yêu quí.”
Timôthê bị ném đá và đánh chết khi Người ngăn cản dân Ephêsô tham dự một lễ tế thần. Constantinople hãnh diện vì được lưu giữ thánh tích Timôthê.
Người được mừng lễ với thánh Titô, người đồ đệ khác của Phaolô.
Lễ nhớ: 26 tháng 1.
Thánh Titô (+96)
Một người ngoại giáo được Phaolô đem vào đạo và trở nên cộng tác viên của Người trên đường truyền giáo. Theo lời xin của Phaolô, Titô đến Corintô nhiều lần để tổ chức giáo đoàn mới do Phaolô lập hoặc để lập lại trật tự. Ông là một người sẵn sàng đảm nhận những sứ vụ khó khăn. Ông cai quản Giáo hội Creta cách khôn ngoan khi được Phaolô gửi đến và ở đây người nhận được thư của Phaolô “Thư gửi Titô”, để minh định điều lệ hoạt động mục vụ tông đồ.
Người ta không biết gì về khoảng đời sau cùng của Titô. người được mừng một lúc cùng với Timôthê, người bạn đồng hành khác của Phaolô.
Lễ nhớ: 26 tháng 1.
Thánh Tôma Aquinô – Tiến Sĩ (1225-1274)
Sinh hạ trong gia đình quí phái ở Roccasecca gần Aquinô trong vương quốc Naples, Người được dạy dỗ và lớn lên trong tu viện Biển Đức ở núi Cassinô. Lúc lên 16 tuổi, Người quyết định vào dòng Đaminh mới thành lập. Dòng này hay chống đối vài khía cạnh đời sống Giáo Hội và xã hội, không được giáo dân các gia đình quí phái ưa thích, gia đình Tôma đã kích mạnh mẽ sự lựa chọn của Tôma. Các anh em Người quyết định bắt cóc Người ra khỏi dòng, tìm mọi thủ đoạn để ngăn cấm Người theo ơn gọi. Nhưng Người cương quyết chống lại và được dòng gửi đi Cologne (Đức) để bổ túc việc học hành. Người được thụ huấn với một nhà thần học Đaminh danh tiếng là thánh Albertô Cả. Với thánh nhân, Tôma tìm hiểu Aristote, cùng khoa triết của ông để xây dựng học thuyết của mình. Sau khi đã tốt nghiệp tại đại học Paris, Tôma khởi đầu dạy học, rất được các nơi chú ý, hai lần ở Paris (1256…1272) sau đó tại Roma và Naples. Trong khi dạy ở Roma, Người khởi đầu viết cuốn Tổng luận thần học (1266-1279), tác phẩm số một trong văn phẩm của Người. Ngoài ra còn có cuốn Tổng Hợp chống lại ngoại giáo và cuốn giải thích Phúc âm (Catena-Aurea). Từ Naples, Người được mời tham dự Công đồng Lyon II được triệu tập để hiệp nhất giữa người Latinh và Hy Lạp (1274) với tư cách nhà thần học. Giữa đường người ngã bệnh và qua đời Fossa-Nova trong tu viện.
Nét độc đáo của Tôma và thiên tài của Ngài làm một cuộc tổng hợp giữa các triết gia cổ điển, các giáo phụ và nhất là của thánh Augustinô, với các đòi hỏi lý trí của thời đại rất bị ảnh hưởng của Aristote và của phái tân Platon. Ngài cho thấy một cái nhìn tổng hợp giữa đức tin và lý trí, siêu nhiên và tự nhiên, triết học và thần học, kinh viện và biện chứng pháp; tất cả đều trên đức tin mạc khải. Tư tưởng của Ngài được đón nhận khắp nơi cho đến thời đại ngày nay, tuy cũng có một số chống lại.
Tuy nhiên, đây không chĩ là một vị học giả vượt thời gian mà còn là một vị thánh, có một đời sống nội tâm sâu xa nuôi dưỡng bằng sự suy gẫm cầu nguyện. Người nói: “Đối với tối, những gì tôi viết chỉ là rơm rạ, so với những gì tôi thấy và được mạc khải.” Năm 1273, trong một thánh lễ, Người được cho biết Người sẽ không còn viết được nữa. Người qua đời lúc lên gần 50 tuổi. Người được tôn phong hiển thánh năm 1323 và tiến sĩ hội thánh năm 1567. Lêô XIII đặt làm quan thầy các trường và các đại học công giáo.
Lễ nhớ: 28 tháng 1.
Thánh Gioan Bosco (1815-1885)
Gioan Bosco là một trong những vị thánh hình như mất hút sau những công việc họ làm, chúng ta đi tìm con người chúng ta tìm thấy công việc. Bí quyết của ngài ở đâu? Ở trong tình thương giới trẻ.
Bosco là con của một người đồng quê ở Murialdo gần Turin (Ý), người vừa làm việc vừa cố học hành. Được thụ phong linh mục năm 1841, người hiến thân phục vụ giới trẻ ở các xòm nghèo, lập tại Turin một lưu xá gọi là nhà nguyện Thánh Phanxicô Salesiô, càng ngày càng mở rộng cho giới trẻ để dạy nghề, dạy chữ, tổ chức giải trí…Để hộ trợ công việc, người lập tu hội thánh Phanxicô Salesiô năm 1859. Và năm 1872, cùng với Bà Marie Dominique Mazzarello, lập tu hội Con Đức Mẹ Phù Hộ. Hai dòng được gọi là Salesien nam nữ. Công việc phục vụ giới trẻ trong mọi ngành được cả Âu Châu biết đến. Người được tiếp đón nồng hậu mọi nơi. Người được tôn phong hiển thánh năm 1958, đức Piô XII đặt làm quan thầy kẻ học nghề. Xác thánh được kính trong thánh đường Đức Bà Phù Hộ, bên cạnh hai vị thánh Salesien khác là Bà thánh Marie Mazzarello cộng sự viên và Thánh Dominique Savio, học trò của Ngài.
Lễ nhớ: 31 tháng 1.
Các bạn đang xem phim tại Luca15.com
Phim Công giáo | Phim Đạo | Phim Giáo dục gia đình
Luca15.com – Phim Công giáo, Mạng chia sẻ video Công giáo lớn nhất Việt Nam, phim Công giáo, xem phim Công giáo, xem phim Công giáo trực tuyến, download phim Công giáo, phim Công giáo online, film Công giáo online, phim Công giáo truc tuyen, film Công giáo truc tuyen, Xem phim Công giáo online, Phim Công giáo online, Download Công giáo phim