🙏Xin quý cộng đoàn cầu nguyện cho linh hồn Vinh Sơn (Bố của tác giả website này) vừa được Chúa gọi về.🙏

Hạnh các Thánh tháng 4

Status:
Truyện tích
Đạo diễn:
Phim Công giáo HD
Diễn viên:
Phim Công giáo HD
Thể loại:
Hạnh các Thánh, Video Công giáo
Sản xuất:
Phim Công giáo HD
Thời lượng:
5 Phút/Video
Năm phát hành:
2015

 

1/4 Thánh Hugh Grenoble, Giám mục (1052-1132)

Thánh Hugh Grenoble có thể là bổn mạng của nhưng người có quá nhiều vấn đề đè nặng mà không biết bắt đầu từ đâu. Ngài phục vụ trong chức vụ giám mục ở Pháp suốt 52 years. Sự suy đồi có vẻ xuất hiện trong mọi chiều hướng: Mua bán chức quyền trong giáo hội, vi phạm luật độc thân giáo sĩ, người đời cai quản tài sản giáo hội, dửng dưng và làm ngơ tôn giáo. Sau khi làm giám mục 2 năm, ngài đã làm đầy đủ trách nhiệm. Ngài ẩn mình vào một tu viện, nhưng ĐGH gọi ngài trở lại tiếp tục công việc cải cách.

Ngài làm việc tương đối hiệu quả trong cương vị nhà cải cách – chắc hẳn nhờ lòng nhiệt thành với giáo hội, và cũng nhờ cá tính mạnh mẽ của ngài nữa. Trong những cuộc xung đột giữa giáo hội và nhà nước, ngài cương quyết bảo vệ giáo hội tới cùng và bảo vệ giáo hoàng. Ngài giảng đạo như nhà hùng biện. Ngài khôi phục nhà thờ chính tòa, cải thiện đô thị và và bị đi đày một thời gian ngắn.

Ngài được biết nhiều là thánh bổn mạng và nhà hảo tâm của thánh Bruno, vị sáng lập Dòng Carthusian (Carthusian Order). Ngài qua đời năm 1132, và được phong thánh chỉ 2 năm sau đó.

 

2/4 Thánh Phanxicô Paola, Ẩn tu (1416-1507)

Phanxicô sinh tại Paola, Calabria (Ý), và được học tại dòng Phanxicô ở San Marco (Thánh Mác-cô). Cha mẹ ngài có tiếng là đạo đức, ngài sống ẩn dật tại Paola từ khi 15 tuổi. Năm 1436, ngài cùng hai người bạn lập cộng đoàn được coi là nền tảng của dòng Minim (Minim Friars). Ngài xây một tu viện và sống ẩn tu ở đây khoảng 15 năm. Ngài soạn luật dòng chú trọng việc hành xác, bác ái và khiêm nhường, đồng thời thêm 3 lời khấn dòng, có lời khấn ăn chay và kiêng thịt. Ngài còn viết luật dòng ba và dòng nữ.

Ngài được tin là làm nhiều phép lạ, nói tiên tri và thấu hiểu lòng người. Dòng được ĐGH Sixtô IV phê chuẩn năm 1474 với tên gọi là Dòng Ẩn tu Thánh Phanxicô Assisi (năm 1492 đổi thành Dòng Minim). Phanxicô các cơ sở ở Nam Ý và Sicily, danh tiếng ngài được biết đến nhiều đến nỗi Vua Louis XI của Pháp quốc cho mời ngài vì lúc đó nhà vua đang thập tử nhất sinh, ĐGH Sixtô II truyền cho ngài sang Pháp, nhà vua cảm thấy mình được Phanxicô chữa khỏi. Nhà vua không khỏi, nhưng vẫn vui mừng, chính hoàng tử của vua Louis XI, sau là vua Charles VIII, trở thành bạn của Phanxicô và tài trợ cho Phanxicô xây vài tu viện. Phanxicô sống phần đời còn lại tại tu viện Plessis, Pháp, nơi mà vua Charles VIII xây cho ngài. Phanxicô qua đời ngày 2/4/1507 và được phong thánh năm 1519.

 

3/4 – Thánh Bênêđictô, người Phi châu (1526-1589)

Bênêđictô giữ những cương vị quan trọng trong dòng Phanxicô và khéo léo thích nghi với công việc khác khi hết nhiệm kỳ. Cha mẹ ngài bị bán làm nô lệ ở Messina, Sicily. Được trả tự do lúc 18 tuổi, Bênêđictô làm nông nghiệp để có lương và đủ tiền mua cặp bò. Ngài rất hảnh diện với cặp bò này. Khi sống với nhóm ẩn tu tại Palermo, ngài được đề cử làm lãnh đạo. Vì nhóm ẩn tu này sống theo tu luật của Thánh Phanxicô Khó nghèo, ĐGH Piô IV truyền cho họ gia nhập Dòng Nhất. Bênêđictô làm giáo tập (novice master) và rồi là quản lý dòng ở Palermo – các vị trí này thời đó hiếm khi được giao cho một tu sĩ. Thật vậy, Bênêđictô buộc phải chấp nhận việc bầu cử mình làm quản lý. Khi hết nhiệm kỳ, ngài vui mừng được trở lại làm bếp. Bênêđictô sửa lỗi anh em với lòng khiêm ngường và bác ái. Có lần ngài sửa lỗi một tập sinh và giao làm việc đền tội và rồi biết rằng tập sinh đó không phạm lỗi. Ngài lập tức quỳ trước mặt tập sinh đó và xin tha thứ.

Cuối đời, Bênêđictô không sở hữu thứ gì cho mình dùng. Ngài không bao giờ nói là “của tôi” mà luôn nói là “của chúng ta”. Ngài có tiếng là chuyên cần cầu nguyện và có biệt tài hướng dẫn các linh hồn khiến khắp vùng Sicily đều biết sự thánh thiện của ngài. Theo gương thánh Phanxicô Assisi, Bênêđictô ăn chay quanh năm, mỗi đêm chỉ ngủ vài giờ. Trong dòng Phanxicô thời đó, cương vị lãnh đạo được hạn chế về thời gian. Khi hết nhiệm kỳ, các cựu lãnh đạo đôi khi gặp khó khăn để thích nghi với vị trí mới. Giáo hội cần các nam nữ tu sĩ sẵn sàng cố gắng trong cương vị lãnh đạo – nhưng họ lại không sẵn sàng ở cương vị khác khi mãn nhiệm kỳ lãnh đạo. Sau khi ngài qua đời, vua Philip III của Tây Ban Nha xây cho ngài một ngôi mộ đặc biệt. Ngài được phong thánh năm 1807, và được người Mỹ gốc Phi tôn kính là thánh bổn mạng.

Chúa Giêsu nói: “Tôi đến để phục vụ chứ không để được phục vụ” (x. Mt 20:28). Thánh Phanxicô Assisi viết trong Lời Khuyên IV (Admonition IV): “Những người được đặt trên những người khác nên vinh dự làm việc đó chỉ khi nào họ nhận trách nhiệm rửa chân cho anh em. Họ càng buồn vì mất chức vụ thì họ càng mất nhiệm vụ rửa chân, và họ càng tích lũy kho tàng những mối hiểm họa cho linh hồn (x. Ga 12:6)”.

 

4/4 – Thánh Isiđôrô Seville, Giám mục Tiến sĩ (560?-636)

Cuộc đời 76 năm của thánh Isiđôrô là thời gian xung đột và phát triển đối với giáo hội tại Tây Ban Nha. Người Visigoth đã xâm lăng suốt 150 năm, họ đã lập thủ đô ngay trước khi thánh nhân sinh ra. Họ là những người theo tà thuyết Arian (không tin Chúa Kitô là Thiên Chúa). Do đó, Tây Ban Nha bị phạn chia làm đôi: Một bên là những người theo Công giáo La mã chiến đấu chống lại bên kia là những người Gô-tích theo tà thuyết Arian (Arian Goths).

Isiđôrô đã thống nhất Tây Ban Nha, làm cho nước này trở thành trung tâm văn hóa và học tập, là thầy dạy và là người hướng dẫn các nước thuộc Âu châu có nền văn hóa bị những kẻ xâm lăng man rợ đe dọa.

Ngài sinh tại Cartagena, trong một gia đình có 3 vị thánh, ngài được người anh nghiêm khắc giáo dục, người anh này cũ trở thành giám mục giáo phận Seville.

Ngài là người giỏi cực kỳ, đôi khi người ta gọi ngài là “Hiệu trưởng thời Trung cổ” (The Schoolmaster of the Middle Ages), vì bộ bách khoa ngài viết được dùng làm sách giáo khoa suốt 9 thế kỷ. Ngài cho xây chủng viện ở mỗi giáo phận, soạn tu luật cho các nhà dòng và mở trường học dạy các môn. Ngài viết nhiều sách, kể cả  một tự điển, một bộ bách khoa toàn thư, một sách lịch sử Gô-tích và một sách lịch sử thế giới – bắt đầu bằng sự tạo thành! Ngài hoàn tất phụng vụ Mozarabic, vẫn được dùng ở Toledo, Tây Ban Nha. Vì các lẽ đó mà ngài (và vài vị thánh khác) được coi là thánh bổn mạng của internet.

Ngài tiếp tục sống khổ hạnh dù đã ngoài 70 tuổi. Trong 6 tháng cuối đời, ngài gia tăng làm việc bác ái nhiều đến độ nhà của ngài đầy người nghèo từ sáng tới khuya.

 

5/4 – Thánh Vincentê Ferriô, Linh mục (1350?-1419)

Động thái phân biệt trong giáo hội ngày nay chỉ là “cơn gió thoảng” so với “cơn lốc xoáy” phá tan giáo hội trong thời thánh Vincentê Ferriô. Nếu có vị thánh nào là thánh bổn mạng hòa giải thì đó là thánh Vincentê Ferriô.

Mặc dù bị cha mẹ ngăn cản, ngài vẫn vào dòng Đa Minh tại Tây Ban Nha lúc 19 tuổi. Sau khi học hành xuất sắc, ngài được ĐHY Peter de Luna phong chức linh mục. Với bản chất nhiệt thành, ngài ngài hăng hái sống khổ hạnh theo luật dòng. Sau khi thụ phong linh mục không lâu, ngài được bầu làm bề trên dòng ở Valencia.

Cuộc ly giáo Tây phương đã phân chia Kitô giáo thành 2 phe, rồi 3 phe, có các giáo hoàng. Giáo hoàng Clêmentô VII ở Avignon (Pháp), giáo hoàng Urbanô VI ở Rôma. Vincentê tin rằng việc bầu chọn giáo hoàng Urbanô là vô hiệu (thánh Catarina Siena chỉ ủng hộ giáo hoàng ở Rôma). Vâng lời ĐHY de Luna, ngài thuyết phục người Tây Ban Nha theo giáo hoàng Clêmentô. Khi giáo hoàng Clêmentô qua đời, Hồng y de Luna được bầu chọn tại Avignon và trở thành giáo hoàng Bênêđictô XIII.

Vincentê là thầy dạy của Tòa thánh. Nhưng giáo hoàng mới không từ chức tại mật nghị (conclave) như đã thề hứa. Ngài vẫn nhất quyết dù vua nước Pháp và đa số hồng y phản đối. Ngài thất vọng và bị bệnh nặng, nhưng cuối cùng ngài “đi khắp thế gian giảng về Chúa Kitô”, dù ngài cảm thấy có sự canh tân nào đó trong giáo hội tùy thuộc vào việc hàn gắn cuộc ly giáo. Ngài giảng sôi nổi và lưu loát, ngài dành 20 năm cuối đời đi loan truyền Tân ước khắp Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Sĩ, các nước nhược tiểu và Lombardy, nhấn mạnh nhu cầu sám hối và sợ phán xét. Ngài nổi tiếng là Thiên thần Xét xử (Angel of the Judgment).

Những năm 1408 tới 1415, ngài cố gắng thuyết phục người bạn cũ từ chức nhưng không thành công. Cuối cùng ngài kết luận rằng Bênêđictô không là giáo hoàng thật. Dù rất bệnh, ngài vẫn lên bục giảng trước một hội nghị mà giáo hoàng Bênêđictô XIII chủ tọa và lớn tiếng tố cáo chính người đã truyền chức linh mục cho ngài. Bênêđictô XIII trốn mất vĩnh viễn, những người trước theo nay cũng bỏ. Lạ thay, Vincentê không tham dự Công đồng Constance – Công đồng này chấm dứt cuộc ly giáo đã kéo dài 36 năm. Lúc đó, giáo hội có ĐGH Martin V. Ngài qua đời ngày 5/4/1419.

 

 

6/4 – Thánh Crescentia Hoess (1682-1744)

Crescentia sinh năm 1682 tại một thành phố nhỏ gần Augsburg, con gái của một gia đình thợ dệt nghèo. Bà dành thời gian chơi đùa để cầu nguyện trong nhà thờ, giúp đỡ những người nghèo khó hơn mình và tìm hiểu về đạo. Bà được rước lễ lần đầu lúc 7 tuổi. Trong thành phố, bà được gọi là “thiên thần nhỏ”.

Lớn lên, bà muốn vào dòng nữ Phanxicô. Nhưng vì nhà dòng nghèo và vì bà không có của hồi môn, bề trên từ chối. Trường hợp của bà được bào chữa nhờ một thị trưởng Tin lành nên nhà dòng được ân huệ. Nhà dòng cảm thấy phải nhận bà vào dòng, và cuộc sống mới của bà là nghèo khó. Bà bị coi là gánh nặng và không được làm gì khác ngoài việc hầu bàn. Tính vui vẻ của bà lại bị hiểu sai là nịnh bợ hoặc giả hình.

Sau 4 năm, tình trạng cải thiện hơn khi có bề trên mới và ngài nhận ra nhân đức của Crescentia. Bà được bổ nhiệm làm giáo tập (mistress of novices). Bà được chị em yêu quý và kính phục, nên khi bề trên qua đời, bà được chọn kế vị. Nhờ tình trạng tài chính của nhà dòng được cải thiện và danh tiếng của bà về các vấn đề tâm linh lan truyền rộng rãi. Bà được các hoàng tử và công chúa tham vấn, kể cả các giám mục và hồng y cũng đến nhờ bà tư vấn. Nhưng bà vẫn khiêm nhường là một nữ tu Phanxicô.

Cơ thể bà luôn đau nhức. Mới đầu là nhức đầu, sau đó là nhức răng. Rồi bà không đi lại được, tay chân bà becomi tê cứng đến nỗi còng lưng. Theo tinh thần của thánh Phanxicô, bà vui mừng kêu lên:“Toàn thân tôi hãy ngợi khen Chúa vì Ngài đã ban cho sức chịu đựng”. Dù đau đớn, bà vẫn bình an và vui vẻ. Bà qua đời vào Chúa nhật Phục sinh năm 1744. Bà được phong chân phước năm 1900 và được ĐGH Gioan-Phaolô II phong thánh năm 2001.

 

 

7/4 – Thánh Gioan Lasan, Linh mục (1651-1719)

Hoàn toàn vâng theo Ý Chúa vì ngài bị chi phối bởi cuộc đời thánh Gioan Baotixita Salê. Năm 1950, ĐGH Piô XII đặt ngài làm bổn mạng các giáo viên vì ngài nỗ lực cải cách việc dạy học. Ngài sinh tại Pháp, ngài có nhiều thuận lợi: năng khiếu học giỏi, điển trai, gia đình quý tộc, có tiền, được giáo dục đàng hoàng. Lúc 11 tuổi, ngài chịu phép cắt tóc (tonsure) và học làm linh mục, ngài thụ phong linh mục lúc 27 tuổi. Ngài có vẻ gặp nhiều thuận lợi và xứng đáng giữ chức vụ cao trong giáo hội.

Nhưng Thiên Chúa có kế hoạch riêng cho ngài, dần dần cho ngài biết trong vài năm kế tiếp. Trong dịp gặp M. Nyel ở Raven, ngài quan tâm việc mở trường cho trẻ em nghèo ở Raven. Mặc dù công việc làm ngài rất không hài lòng, ngài vẫn quan tâm hoạt động với những thanh thiếu niên nghèo khổ. Ngài tin đó là sứ vụ Chúa trao, ngài dành hết tâm lực cho công việc, từ giã gia đình, từ bỏ cương vị giáo sĩ tại Rheims, cho đi hết tài sản và sống nghèo như những người mà ngài dành hết cuộc đời cho họ. Cuộc đời của ngài gắn chặt với cộng đoàn mà ngài thành lập, dòng Huynh đệ Kitô (the Brothers of the Christian School, Christian Brothers, hoặc De La Salle Brothers – thường gọi tắt là dòng La San). Cộng đoàn này phát triển nhanh và thành công trong việc giáo dục các em trai con nhà nghèo bằng phương pháp giáo dục do ngài biên soạn, đào tạo giáo viên tại trường sư phạm, mở các nhà và trường cho cho các thiếu niên hư hỏng con nhà giàu. Yếu tố kích thích trong các nỗ lực này là trở thành các Kitô hữu tốt.

Dù thành công, ngài vẫn không thoát khỏi nhiều thử thách: thất bại đau lòng và việc bỏ trốn của các đệ tử, bị chống đối dữ dội từ các giáo viên đời, bị họ tức giận vì phương pháp mới của ngài đạt hiệu quả và bị phái Jansen (Tà thuyết Nestorianism (giữa tk 4-5) cho rằng có hai con người riêng biệt trong Chúa Giêsu, một con người và một Thiên Chúa) chống đối kịch liệt, cả đời thánh Gioan chống lại tà thuyết của họ. Ngài khổ sở vì bệnh hen suyễn và thấp khớp trong những năm cuối đời, ngài qua đời ngày thứ Sáu Tuần Thánh, thọ 68 tuổi, và được phong thánh năm 1900.

 

 

8/4 – Thánh Julie Billiart (1751-1816)

Sinh tại Cuvilly, Pháp, trong một gia đình nông dân khá giả, cô gái Marie Rose Julia Billiart đã sớm tỏ ra quan tâm tôn giáo, giúp đỡ người nghèo và bệnh nhân. Những năm đầu đời của bà tương đối bình an và không rắc rối, nhưng đến tuổi thiếu niên bà đã phải lao động chân tay vì gia đình không còn tiền bạc. Tuy nhiên, bà vẫn dành thời gian dạy giáo lý cho các bạn trẻ và nông dân. Bà bị chứng bệnh kỳ lạ khi mới 30 tuổi. Chứng kiến người cha thương và chết, Julie chết điếng, rồi bà bị tê liệt và hoàn toàn tàn phế. 20 năm kế tiếp, bà vẫn dạy giáo lý dù nằm liệt, bà đưa ra những lời khuyên tâm linh và thu hút nhiều người đến vì nghe biết sự thánh thiện của bà.

Khi cuộc Cách mạng Pháp (French Revolution) bùng nổ năm 1789, quân cách mạng biết bà trung thành với các linh mục chạy trốn. Nhờ bạn bè giúp đỡ, bà được lén đưa ra khỏi Cuvilly trong chiếc xe bò chở cỏ; bà trốn vài năm ở Compiegne, được chuyển từ nhà này sang nhà khác mặc dù đau nhức cơ thể. Tậm chí có một thời gian bà không nói được.

Nhưng thời kỳ này cũng chứng tỏ hiệu quả tâm linh của bà. Lúc đó bà có thị kiến thấy những nữ tu bao quanh núi Can-vê và nghe được tiếng nói: “Hãy nhìn ngắm những nữ tử tâm linh này mà Ta giao cho con ở một dòng được đánh dấu bằng Thánh giá”. Khi thời gian qua đi, bà tiếp tục sống lưu động, bà quen một phụ nữ quý tộc tên là Francoise Blin de Bourdon, người đã chia sẻ mối quan tâm của Julie về việc dạy đức tin. Năm 1803, hai phụ nữ này lập Dòng Đức Bà (Institute of Notre Dame), dòng chuyên giáo dục trẻ em nghèo, các em gái Kitô giáo và đào tạo giáo lý viên. Năm sau, các nữ tu đầu tiên của Dòng Đức Bà tuyên khấn. Cùng năm đó, Julie khỏi bệnh: Sau 22 năm tê liệt, bà lại có thể đi được.

Mặc dù bà luôn chú ý tới những nhu cầu đặc biệt của người nghèo và luôn duy trì quyền ưu tiên, bà cũng chú ý các tầng lớp khác trong xã hội cần được hướng dẫn về Kitô giáo. Từ khi thành lập Dòng Đức Bà đến khi qua đời, bà luôn đi đây đó, mở nhiều trường học ở Pháp và Bỉ để phục vụ cả người nghèo lẫn người giàu, mở các trường hướng nghiệp và đào tạo giáo viên. Cuối cùng, Julie và Francoise chuyển nhà mẹ tới Namur, Bỉ. Bà qua đời năm 1816, và được phong thánh năm 1969.

 

 

9/4 – Thánh Casilđa (thế kỷ 11)

Thánh Casilda, con gái của một nhà lãnh đạo Hồi giáo ở Toledo, Tây Ban Nha. Casilda được giáo dục theo Hồi giáo và chứng tỏ lòng tử tế đặc biệt đối với các tù nhân Kitô giáo. Bà bị bệnh khi còn trẻ nhưng không tin rằng các bác sĩ Ả Rập có thể chữa bà khỏi bệnh. Rồi bà hành hương đến mộ thánh Vicenzo ở Bắc Tây Ban Nha. Cũng như nhiều người đến đó – nhiều bệnh nhân bị xuất huyết – Casilda lấy nước chữa bệnh của đền thờ. Và rồi bà được khỏi bệnh.

Để tạ ơn, bà gia nhập Công giáo. Bà sống trong cô tịch và đền tội. Người ta nói bà sống tới 100 tuổi. Bà qua đời khoảng năm 1050.

Sự căn thẳng giữa Hồi giáo và Công giáo thường xảy ra trong lịch sử, đôi khi xảy ra chiến tranh đẫm máu. Nhờ sống tĩnh lặng và giản dị, Casilda đã phụng sự Thiên Chúa trong đức tin.

 

 

10/4 – Thánh Mađalêna Canôsa, Trinh nữ (1774-1835)

Của cải và đặc quyền không thể ngăn cản Mađalêna Canôsa theo tiếng gọi phụng sự Thiên Chúa qua người nghèo. Sự phản kháng của người thân cũng không làm bà nản chí sờn lòng.

Sinh ở Bắc Ý năm 1774, Mađalêna Canôsa biết ý nghĩ mình và nói ra. Lúc 15 tuổi, bà nói là muốn đi tu. Sau khi tìm hiểu Dòng Kín Cát Minh (Carmelites), bà nhận thấy bà muốn phục vụ người nghèo mà không bị hạn chế. Nhiều năm bà làm việc giữa những người nghèo và bệnh nhân ở bệnh viện và ở gia đình họ, trong số đó có những thanh thiếu niên hư hỏng và những em gái bị bỏ rơi.

Khoảng 25 tuổi, Mađalêna Canôsa bắt đầu cho những em gái nghèo ở tại nhà mình. Bà mở trường chuyên đào tạo thực hành và dạy giáo lý. Khi có những phụ nữ khác tham gia công việc với bà, hội dòng mới được thành lập là Dòng Nữ tử Bác ái (Congregation of the Daughters of Charity). Nhiều nhà dòng được mở ở khắp nước Ý.

Các nữ tu dòng mới này chú ý về nhu cầu giáo dục và tâm linh của nữ giới. Mađalêna Canôsa còn thành lập một dòng nhỏ hơn cho các linh mục và nam tu sĩ. Cả hai dòng vẫn còn hoạt động ngày nay. Bà qua đời năm 1835. ĐGH Gioan-Phaolô II phong thánh cho bà năm 1988.

 

 

11/4 – Thánh Stanislaô, Giám mục Tử đạo (1030-1079)

Bất kỳ ai đọc lịch sử Đông Âu cũng không thể không biết đến thánh Stanislaô, ngài là giám mục thánh thiện của giáo phận Kraków nhưng bi thảm, và là bổn mạng của đất nước Ba Lan. Ngài được nhớ chung với các thánh Thomas More và Thomas Becket về cách chống đối dữ dội với điều ác của chính quyền bất công.

Ngài sinh ngày 26/7/1030 tại Szczepanow, gần Kraków, và thụ phong linh mục sau khi học tại trường Gniezno, lúc đó là thủ đô của Ba Lan, và học tại Paris. Ngài được bổ nhiệm làm nhà thuyết giáo và giám mục phó giáo phận Kraków, tài hùng biện và gương sáng của ngài đã khiến nhiều người ăn năn trở lại, cả giáo sĩ và giáo dân. Ngài trở thành giám mục giáo phận Kraków năm 1072.

Trong thời kỳ viễn chinh chống lại công tước miền Kiev, Stanislaô liên quan tình hình chính trị của Ba Lan. Ngài nởi tiếng có tài hùng biện nên ngài nhắm vào những điều ác của giai cấp nông dân và nhà vua, nhất là cuộc chiến bất công và hành động vô luân của vua Bôleslaô II.

Mới đầu nhà vua xin lỗi và tỏ ra ăn năn, nhưng rồi ngựa quen đường cũ. Stanislaô tiếp tục công khai phản đối mặc dù bị kết tội phản quốc (treason) và bị dọa giết chết, cuối cùng ngài dứt phép thông công (excommunicate) nhà vua. Nhà vua giận dữ sai lính giết ngài. Lính từ chối, chính nhà vua ra tay sát hại ngài. Nhà vua bỏ trốn sang Hungary, và rồi dành phần đời còn lại ăn năn đền tội trong dòng Biển Đức ở Osiak.

 

 

12/4 – Thánh Têrêxa Los Andes, Trinh nữ (1900-1920)

Người ta không cần sống lâu để có thể tạo dấu ấn. Thánh nữ Têrêxa Los Andes đã chứng tỏ điều đó.

Têrêxa a sinh trưởng ở Santiago, Chilê, đầu thập niên 1900. Chị đọc hạnh tích một vị thánh người Pháp, thường được gọi ưu ái là Bông Hoa Nhỏ (Little Flower), đó là thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu. Têrêxa khao khát phụng sự Chúa và dọn sạch con đường chị muốn đi. Lúc 19 tuổi, chị vào Dòng Kín Cát minh (Carmelites), lấy tên dòng là Têrêxa.

Dòng này có cách sống giản dị mà Têrêxa mong muốn và sống đời tu hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa. Hàng ngày chị chuyên cần cầu nguyện và hy sinh. Chị viết trong nhật ký: “Con thuộc về Chúa. Ngài đã tạo dựng nên con, Ngài là khởi đầu và tận cùng của đời con”.

Trong những tháng ngày cuối đời ngắn ngủi, Têrêxa trở nên tông đồ viết thư, chia sẻ tư tưởng về đời sống tâm linh với nhiều người. Lúc 20 tuổi, chị bị bệnh sốt phát ban (typhus, sốt và nổi những đốm đỏ tím trên cơ thể). Không lâu sau, chị qua đời trong Tuần Thánh. Têrêxa Los Andes là vị thánh đầu tiên của Chilê. Mộ ngài có khoảng 100.000 khách hành hương tới kính viếng hàng năm.

 

 

13/4 – Thánh Martinô I, Giáo hoàng Tử đạo (qua đời năm 655)

Khi ngài trở thành giáo hoàng Martin I năm 649, Constantinople là thủ đô của đế quốc Byzantine và trưởng lão của Constantinople là người lãnh đạo giáo hội uy tín nhất Giáo hội Kitô giáo Đông phương. Những cuộc đấu tranh xảy ra trong giáo hội thời đó được khuyếch đại bởi sự hợp tác của hoàng đế và giáo trưởng.

Có một huấn giáo rất được ủng hộ ở Đông phương và cho rằng Đức Kitô không có ý muốn của con người. Hai hoàng đế chính thức ủng hộ vị trí này, Heraclius ủng hộ bằng cách công bố một công thức tuyên tín và Constans II ủng hộ bằng cách không nói về vấn đề có một hay hai ý muốn trong Chúa Kitô.

Không lâu sau khi trở thánh giáo hoàng (lúc đầu không được hoàng đế công nhận), ngài mở Công đồng Latêranô. Công đồng này chỉ trích các tài liệu của hoàng đế, trưởng lão của Constantinople và 2 người kế vị đều bị chỉ trích. Để phản hồi, Constans II tìm cách làm cho các giám mục và các tín hữu chống lại giáo hoàng.

Bị thất bại nên họ tìm cách giết giáo hoàng, hoàng đế sai quân lính đến Rôma bắt ĐGH Martin I và đưa về Constantinople. Sức khỏe rất yếu nên không thể kháng cự, ngài trở về với quan trấn thủ Calliopas và bị tù, bị hành hạ và chịu nhiều thử thách. Dù bị kết án tử, ngài vẫn không bị xử tử nhờ lời van xin của một người hối lỗi tên là Phaolô, trưởng lão của Constantinople, cũng đang bị bệnh nặng. Ngài qua đời không lâu sau đó do bị hành hạ và bị đối xử tàn bạo. Ngài là vị giáo hoàng cuối cùng trong các vị giáo hoàng được tôn phong là thánh tử đạo.

 

 

14/4 – Chân phước Phêrô Gonzalez (qua đời năm 1246)

Phêrô Gonzalez sinh năm 1190 tại Astorga, Tây Ban Nha. Thánh Phaolô có kinh nghiệm hoán cải trên đường đi Damascus. Nhiều năm sau, điều tương tự cũng xảy ra với Peter Gonzalez, người đã phi ngựa vào TP Astorga của Tây Ban Nha để nhận vị trí quan trọng tại đại giáo đường. Con ngựa lồng lên và quỵ ngã khiến cho Phêrô Gonzalez té xuống bùn và khách qua đường thấy lạ.

Cảm thấy nhục nhã, ngài tái xác định các động lực của mình (người chú bác giám mục đã bảo vệ vị trí giám mục cho ngài) và theo con đường mới. Ngài đi tu và trở thành linh mục dòng Đa Minh, đồng thời chứng tỏ là một nhà giảng thuyết hiệu quả nhất. Ngài dành nhiều thời gian làm tuyên úy và nỗ lực vận dụng ảnh hưởng tích cực đối với cách hành xử của các nhân viên tòa án. Sau khi vua Ferdinand III và quân đội của ông đánh bại quân Ma-rốc tại Cordoba, ngài thành công trong việc ngăn cản quân lính cướp bóc và thuyết phục nhà vua cư xử tốt với quân Ma-rốc bại trận.

Sau khi nghỉ hưu việc tòa án, ngài dành phần đời còn lại để đi rao giảng ở Tây Bắc Tây Ban Nha. Ngài qua đời ngày 15/4/1246 tại Saintiago de Compostela, Tuy, và được an táng tại nhà thờ Tuy. Ngài được ĐGH Innôcentê IV phong chân phước năm 1254, và được ĐGH Bênêđictô XIV phong thánh ngày13/12/174. Ngài phát triển một đặc nhiệm cho dân đi biển người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nên ngài được đặt làm bổn mạng các thủy thủ và ngư dân.

 

 

15/4 – Chân phước Caesar de Bus (1544-1607)

Cũng như nhiều người trong chúng ta, Caesar de Bus đấu tranh với các quyết định phải làm trong đời mình. Sau khi học với các tu sĩ dòng Tên, ngài gặp khó khăn trong việc chọn lựa giữa binh nghiệp và văn nghiệp. Ngài đã viết một số vở kịch nhưng cuối cùng ngài chọn binh nghiệp và làm việc ở tòa án.

Caesar de Bus sinh ngày 3/2/1544 tại Cavillon, Pháp. Ngài đã từng sắp đính hôn với một phụ nữ Pháp giàu có. Ngài tin mình đã chọn lựa đúng. Nhưng rồi ngài chứng kiến những thực tế, kể cả những cuộc tàn sát của Tin Lành Pháp (massacres of French Protestants) năm 1572 vào ngày lễ thánh Bartôlômêô. Ngài cảm thấy bệnh nặng và thấy mình nên xem lại quyền ưu tiên của mình, kể cả đời sống tâm linh. Lúc đó ngài phục hồi và quyết định trở thành linh mục. Sau khi thụ phong linh mục năm 1582, ngài đảm nhiệm mục vụ đặc biệt: Dạy giáo lý cho những người sống ở những vùng bị coi thường, ở vùng quê hẻo lánh. Nỗ lực của ngài được đón nhận.

Làm việc với người anh em họ, Caesar phát triển chương trình giáo lý gia đình. Mục đích của ngài muốn phá tan tà thuyết trong các gia đình và được các GM địa phương chấp thuận. Giáo đoàn mới của ngài có tên là Thân phụ của Học thuyết Kitô giáo (Fathers of Christian Doctrine). Ngài qua đời vào Chúa nhật Phục sinh, 15/4/ 1607 tại Avignon, Pháp, được an táng trong nhà thờ Thánh Mẫu Maria ở Monticelli, thuộc Rôma, Ý. Ngài được ĐGH Phaolô VI phong chân phước ngày 27/4/1975 và được đặt làm bổn mạng các giáo lý viên. Sau khi ngài qua đời 60 năm, tác phẩm của ngài là cuốn Instructions for the Family on the Four Parts of the Roman Catechism (Hướng dẫn Gia đình về 4 phần trong Giáo lý Công giáo Rôma) mới được xuất bản.

 

16/4 – Thánh Bernadette Soubirous, Trinh nữ (1844-1879)

Bernadette Soubirous sinh năm 1844, là con cả trong một gia đình người thợ phay rất nghèo ở Lộ đức (Lourdes), thuộc miền Nam Pháp quốc. Gia đình sống ở tầng hầm một khu nhà tồi tàn. Ngày 11/2/1858, Đức Mẹ hiện ra với Bernadette ở một hang động trên bờ sông Gave gần Lộ đức. Bernadette lúc đó 14 tuổi, là một cô bé đạo đức nhưng học hành chậm hiểu nên vẫn chưa được rước lễ lần đầu. Sức khỏe yếu vì Bernadette bị hen suyễn từ nhỏ.

Đức Mẹ hiện ra với Bernadette cả thảy 18 lần. Lần cuối cùng vào chính ngày lễ Đức Mẹ Camêlô (Our Lady of Mt. Carmel), ngày 16/7. Người ta nghi ngờ điều Bernadette kể lại, nhưng thị kiến hàng ngày của Bernadette về một “phụ nữ” đã làm cho rất nhiều người tò mò. Bernadette giải thích rằng Đức Mẹ đã dạy cô bé xin xây một nhà nguyện ở ngay chỗ Đức Mẹ hiện ra. Có nhiều người đến rửa và uống nước ở chính nơi mà Bernadette được hướng dẫn nhờ người đào. Theo Bernadette, Đức Mẹ là một cô gái khoảng 16-17 tuổi, mặc áo dài trắng có dây thắt lưng xanh (blue sash), ở chân có những hoa hồng vàng, tay phải có tràng hạt lớn. Ngày 25/3, Đức Mẹ nói với Bernadette: “Ta là Mẹ Vô Nhiễm” (I am the Immaculate Conception). Khi đó Bernadette mới nhận ra đó là Đức Mẹ.

Vài lần thị kiến được kiểm tra kỹ lưỡng xem có thật là Đức Mẹ Vô Nhiễm hiện ra hay không. Lộ đức là một trong những nơi nổi tiếng nhất về Đền thờ Mẹ Maria, thu hút hàng triệu khách hành hương mỗi năm. Nhiều phép lạ được ghi nhận tại đền thờ này và dòng nước ở đó. Sau khi điều tra kỹ lưỡng, năm 1862 Giáo hội đã xác nhận việc Đức Mẹ hiện ra.

 

Khi sinh thời, Bernadette chịu khổ nhiều vì bị người ta khinh bỉ và lùng sục đến nỗi các nữ tu phải bảo vệ trong tu viện. Năm năm sau, Bernadette xin vào Dòng Đức Bà (Notre Dame). Sau một thời gian bị bệnh, Bernadette lại có thể đến Lourdes và vào nhà tập. Nhưng mới được 4 tháng, Bernadette đã được nhận các nghi lễ của Giáo hội và được tuyên khấn. Bernadette trở thành y tá tôn giáo (infirmarian) và người giữ đồ thánh (sacristan). Nhưng sức khỏe yếu vì bệnh mãn tính, Bernadette qua đời ngày 16/4/1879, lúc 35 tuổi, và được phong thánh năm 1933.

 

 

17/4 – Thánh Bênêđictô Giuse Labre (qua đời năm 1783)

Bênêđictô Giuse Labre rất lập dị (truly eccentric), là một trong các người con bé nhỏ của Thiên Chúa. Ngài sinh tại Pháp, là con cả trong 18 người con. Ngài học với người chú bác là linh mục quản xứ. Vì sức khỏe yếu và không được chuẩn bị kỹ lưỡng nên không thi được vào nhà dòng. Lúc ngài 16 tuổi, một sự thay đổi sâu xa xảy ra. Ngài không muốn đi học và không muốn làm linh mục nữa, các thân nhân đều kinh ngạc.

Ngài đi hành hương hết nơi này đến nơi khác, sống nhờ của bố thí (alms). Ngài mặc quần áo rách rưới đi ăn xin và chia đồ ăn cho người nghèo. Đầy lòng yêu Chúa và tha nhân, ngài đặc biệt sùng kính Đức Mẹ và Thánh Thể. Ở Rôma, ngài sống tại đại hý trường La Mã (Colosseum) một thời gian, người ta gọi ngài là “Người Nghèo của Lòng Sùng Kính 24 giờ” (the poor man of the Forty Hour Devotion) và “người hành khất Rôma” (the beggar of Rome). Người ta chấp nhận vẻ rách rưới của ngài hơn là chính ngài. Lý do của ngài là “sự thoải mái của chúng ta không ở thế gian này” (our comfort is not in this world).

Ngày 16/4/1783, ngài đến một nhà thờ ở Rôma và cầu nguyện suốt 2 giờ, sau đó ngài qua đời bình an tại một nhà ở gần đó. Ngay sau khi ngài chết, người ta đã gọi ngài là thánh nhân. Ngài được ĐGH Lêô XIII phong thánh năm 1883.

 

 

18/4 – Chân phước James Oldo, Linh mục (1364-1404)

Bạn đã từng nghe những chuyện nghèo hóa giàu (rags-to-riches stories, tức là trước thì nghèo rớt mồng tơi rồi sau giàu sụ). Nhưng lại có người lại “lộn kiếp” (giàu trước rồi nghèo sau).

James sinh năm 1364 tại Oldo thuộc Milan trong một gia đình giàu có. Ngài kết hôn với một phụ nữ môn đăng hộ đối. Nhưng vì dịch bệnh bùng phát nên James đưa vợ và 3 đứa con về sống ở vùng quê. Hai đứa con vẫn bị chết vì dịch bệnh, James quyết định dành thời gian tích lũy kho tàng trên trời và xây dựng vương quốc Thiên Chúa ngay tại trần gian này.

Hai vợ chồng vào Dòng Ba Phanxicô. James từ bỏ lối sống cũ và ăn năn đền tội. Ngài chăm sóc một linh mục bị bệnh, linh mục này là thầy dạy Latin của ngài. Sau khi vợ chết, James trở thành linh mục. Nhà của ngài trở thành nhà nguyện, nơi mà một số người, trong đó có nhiều người cũng vào Dòng Ba Phanxicô, vẫn đến cầu nguyện và hỗ trợ ngài. Ngài chuyên chăm sóc người bệnh và các tù nhân chiến tranh. Ngài qua đời năm 1404 vì lây bệnh từ bệnh nhân mà ngài chăm sóc. Ngài được phong chân phước năm 1933.

 

 

19/4 – Các chân phước Luchesio và Buonadonna (qua đời năm 1260)

Hai ông bà sống ở Poggibonzi, nơi họ hành nghề thương mãi và là con buôn tham lam. Nhưng sau khi gặp Thánh Phanxicô – có lẽ năm 1213 – cuộc đời ông đã hoàn toàn thay đổi, bắt đầu làm nhiều việc bác ái. Ông Luchesio bắt đầu thi hành nhiều việc bác ái. Hai ông bà muốn sống theo gương Thánh Phanxicô nên đã gia nhập Dòng Ba Phanxicô.

Lúc đầu, bà Buonadonna không nhiệt tình sống bác ái như ông Luchesio, và thường than phiền chồng là đã bố thí quá nhiều của cải cho các người lạ. Một ngày kia, khi có người gõ cửa xin được giúp đỡ, và ông Luchesio nhờ vợ lấy cho họ ít bánh mì. Bà nhăn mặt khó chịu nhưng cũng đi vào bếp, và lạ lùng thay, bà nhận thấy số bánh mì đang có thì nhiều hơn khi trước. Không bao lâu, bà cũng trở nên hăng say sống đời khó nghèo và thanh bạch như ông chồng. Cả hai bán cả tiệm buôn, chỉ giữ lại ít đất để cầy cấy trồng trọt đủ cho nhu cầu và phân phối đất đai còn lại cho các người nghèo.

Thế kỷ thứ 13, với sự ưng thuận và sự cho phép của Giáo Hội, một số vợ chồng sống ly thân để người chồng vào dòng tu nam và người vợ vào dòng tu nữ. Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu họ son sẻ hoặc con cái đã trưởng thành. Ông bà Luchesio lại muốn kiểu khác, họ muốn sống đời tu trì, nhưng bên ngoài tu viện. Để đáp ứng nhu cầu này, Thánh Phanxicô đã lập Dòng Ba (Dòng Phanxicô Thế Tục). Đầu tiên, thánh nhân viết một Quy Luật đơn giản cho Dòng Ba, sau đó Đức Giáo Hoàng Hônôriô III đã chấp thuận một quy luật chính thức vào năm 1221.

Công việc bác ái của hai ông bà Luchesio đã thu hút người nghèo đến với họ, và cũng như các vị thánh khác, dường như hai ông bà không bao giờ thiếu của cải để giúp đỡ tha nhân. Một ngày kia, khi ông Luchesio đang cõng một người tàn tật mà ông bắt gặp bên vệ đường thì có một thanh niên đến hỏi ông: “Cái tên quỷ quái nào mà ông đang cõng trên lưng đó?” Ông Luchesio trả lời: “Tôi đang cõng Đức Giêsu Kitô”. Ngay lập tức người thanh niên ấy đã phải xin lỗi ông.

Hai ông bà Luchesio và Buonadonna cùng từ trần vào ngày 28/4/1260. Ông được phong chân phước năm 1273. Truyền thống địa phương cũng gọi bà Buonadonna là “chân phước” dù Tòa Thánh chưa chính thức công bố.

 

 

20/4 – Thánh Conrad Parzham, Tu sĩ (1818-1894)

Suốt 41 năm, Conrad làm người gác cổng tu viện ở Altoetting, Bavaria, cho người nghèo vào nhà dòng và gián tiếp khuyến khích họ để Chúa bước vào cuộc đời họ. Cha mẹ ngài là Bartholomew (Batôlômêô) và Gertrude Birndorfer, sống gần Parzham, Bavaria. Thời đó, vùng này đang phục hồi sau chiến tranh Napolêôn (Napoleonic). Ngài ưa cầu nguyện riêng và kiến tạo hòa bình từ hồi còn thanh niên, rồi ngài vào dòng Phanxicô. Ngài tuyên khấn năm 1852 và được phái đến tu viện ở Altoetting. Nhà thờ thành phố này dâng kính Đức Maria rất nổi tiếng. Tại dòng Phanxicô gần đó có nhiều việc như giữ cổng hoặc khuân vác.

Mới đầu, một số tu sĩ ghen tức với Conrad còn trẻ mà được làm việc quan trọng. Lòng kiên nhẫn và sự thánh thiện của ngài đã khiến họ hết nghi ngờ. Ngài luôn đối xử lịch sự như thánh Phanxicô mong muốn.

Sự giúp đỡ của ngài đôi khi làm người khác khó chịu. Có lần linh mục Vincent muốn tĩnh lặng để soạn bài giảng nên lên tháp chuông nhà thờ để suy nghĩ. Có người chỉ muốn xưng tội với linh mục Vincent nên ngài đi tìm, và ngài bị linh mục này quở trách.

Ngài rất được trẻ em trong vùng quý mến. Ngài hăng hái xúc tiến hội Bác ái Thiên thần (Seraphic Work of Charity) để giúp các trẻ em cơ nhỡ.

Ngài dành nhiều giờ cầu nguyện trước Thánh Thể, ngài còn thường xuyên xin Đức Mẹ cầu bầu cho ngài và cho nhiều người khác. Ngài được phong thánh năm 1934.

 

21/4 – Thánh Anselmô, Giám mục (1033-1109)

Hồi trẻ, Anselmô hững hờ với tôn giáo, nhưng rồi ngài trở thành một trong các vị lãnh đạo và thần học gia lỗi lạc của giáo hội. Ngài được gọi là “cha đẻ của triết học kinh viện” (Father of Scholasticism) nhờ nỗ lực phân tích và làm sáng tỏ chân lý đức tin bằng lý luận.

Lúc 15 tuổi, Anselmô muốn đi tu dòng, nhưng bị từ chối vì cha ngài đối lập. Lúc 27 tuổi, sau những năm sống không quan tâm tôn giáo, ngài lại muốn trở thành tu sĩ. Ngài vào dòng Bec ở Normandy, 3 năm sau ngài được bầu làm bề trên, và 15 năm sau được bầu làm viện phụ. Được coi là nhà tư tưởng độc đáo và độc lập, ngài còn được khâm phục vì tính kiên nhẫn, hiền từ và có tài dạy học. Trong cương vị viện phụ của dòng Bec, ngài làm cho dòng thành học viện dòng uy tín về triết học và thần học.

Trong những năm đó, theo yêu cầu của cộng đoàn, ngài cho xuất bản các tác phẩm thần học, được so sánh với các tác phẩm của thánh Augustinô. Tác phẩm nổi tiếng của thánh Anselmô là cuốn Cur Deus Homo (Tại sao Thiên Chúa làm người).

Lúc 60 tuổi, dù không muốn, ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục Canterbury năm 1093. Mới đầu, việc bổ nhiệm ngài bị phản đối từ phía vua William Rufus của Anh quốc, nhưng sau đó được vua chấp thuận. Vua Rufus cương quyết từ chối hợp tác cải cách giáo hội. Cuối cùng ngài “tự nguyện đi đày” (voluntary exile) cho đến khi vua Rufus băng hà năm 1100. Sau đó, vua Henry I – người kế vị và là em của vua Rufus – mời ngài trở lại Anh quốc. Sợ lại bất đồng với vua Henry I vì nhà vua khăng khăng phong chức cho các giám mục của Anh quốc, thánh Anselmô lại đi Rôma 3 năm nữa.

Ngài quan tâm những người nghèo nhất và phản đối việc buôn bán nô lệ. Ngài được sự đồng thuận của hội đồng quốc gia ở Westminster về việc cấm buôn bán người.

 

22/4 – Thánh Adalbert Prague, Giám mục (956-997)

Adalbert là vị thánh được tôn kính nhiều ở Cộng hòa Séc, Ba Lan, Hungary và Đức quốc.

Ngài sinh trưởng trong một gia đình quý tộc ở Bohemia, được học với thánh Adalbert Magdeburg. Lúc 27 tuổi, ngài được chọn làm giám mục gióa phận Prague. Những người phản đối việc cải cách giáo sĩ (clerical reform) đã bắt ngài đi đày 8 năm sau đó.

Rồi giáo dân Prague yêu cầu ngài trở lại với cương vị giám mục. Tuy nhiên, không lâu sau ngài lại bị đi đày sau khi dứt phép thông công (excommunicate) những người vi phạm quyền nơi tôn nghiêm khi họ lôi một phụ nữ bị kết tội ngoại tình ra khỏi nhà thờ và giết phụ nữ này.

Sau một thời gian ngắn làm mục vụ ở Hungary, ngài đi rao giảng Tin Mừng cho những người sống ở gần Biển Baltic. Ngài và hai người bạn chịu tử đạo vì các tư tế ngoại giáo (pagan priests) trong vùng đó. Thi hài thánh Adalbert được chuộc lại và được an táng ở nhà thờ Gniezno (Ba Lan). Giữa thế kỷ 11, hài cốt ngài được chuyển tới nhà thờ thánh Vitus ở Prague.

 

 

23/4 – Thánh George

Nếu Maria Mađalêna là nạn nhân của sự hiểu lầm thì thánh George là đối tượng của nhiều sự tưởng tượng. Có lý do để tin rằng ngài là người chịu đau khổ và tử đạo thực sự tại Lydda ở Palestine, có thể trước thời kỳ Constantine. Giáo hội gắn liền với ký ức này, nhưng không gắn liền với các truyền thuyết xoay quanh cuộc đời ngài. Ngài sẵn sàng trả giá cao để theo Chúa Kitô, đó là điều giáo hội tin. Và thế là đủ.

Truyền thuyết về thánh George giết rồng, cứu công chúa của vua và cải tà quy chánh Libya là ngụ ngôn của người Ý hồi thế kỷ XII. Thánh George là bổn mạng của thập tự quân (crusaders) và binh sĩ Đông phương thời gian đầu. Ngài còn là thánh bổn mạng của Anh quốc, Bồ Đào Nha, Đức quốc, Aragon, Genoa và Venice.

 

 

24/4 – Thánh Fidelis Sigmaringen, Linh mục Tử đạo (1577-1622)

Nếu người nghèo cần quần áo thì thánh Fidelis thường cho người khác quần áo. Ngài hoàn toàn đại lượng.

Ngài sinh năm 1577, tên là Mark Rey (Fidelis là tên dòng), làm luật sư bênh vực người nghèo và người bị áp bức. Người ta gọi ngài bằng biệt danh “luật sư của người nghèo” (the poor man’s lawyer). Ngài ghê tởm sự tham nhũng và bất công của các đồng nghiệp. Ngài bỏ nghề luật sư và đi tu làm linh mục dòng Phanxicô, em ngài cũng là linh mục dòng Phanxicô. Tài sản của ngài được chia cho các chủng sinh nghèo và người nghèo.

Ngài tiếp tục thương người cô thân yếu thế và người nghèo theo tinh thần dòng Phanxicô. Có lần thành phố bị dịch bệnh, ngài đã chăm sóc và chữa bệnh cho nhiều binh sĩ.

Ngài được chọn làm trưởng nhóm và được sai đi rao giảng chống lại phái Tin Lành Can-vanh (Calvinists) và phái Zwinglians (không tin Chúa Giêsu hiện diện thật trong Thánh Thể, phái này xuất hiện năm 1532) ở Thụy Sĩ. Họ cho rằng thất bại của họ là vì lời cầu nguyện của linh mục Fidelis vào ban đêm hơn là vì những bài giảng và huấn giáo của ngài.

Ngài bị kết tội chống lại khao khát độc lập của đất nước muốn thoát ách đô hộ của người Áo. Khi ngài giảng đạo tại Seewis, ngài đã bị bắn nhưng ngài không trúng đạn. Một tín đồ Tin Lành muốn bảo vệ ngài nhưng ngài từ chối, ngài nói rằng cuộc đời ngài ở trong bàn tay Chúa. Trên đường về, ngài bị một nhóm người có vũ trang bắt giữ và sát hại ngài.

 

 

25/4 – Thánh Máccô, Thánh sử

Đa số những điều chúng ta biết về thánh Máccô đều nhờ Tân ước. Ngài là người được nhắc đến trong sách Tông đồ Công vụ 12:12 (Phêrô ra khỏi tù liền đến nhà bà Maria, mẹ của ông Gioan, cũng gọi là Máccô).

Thánh Phaolô và thánh Barnaba đưa Máccô theo trên đường truyền giáo đầu tiên, nhưng vì một số lý do nên Máccô một mình trở lại Giêrusalem. Rõ ràng Phaolô không cho Máccô theo trên đường truyền giáo lần thứ hai dù Barnaba hết lời năn nỉ, vì Máccô đã làm phật lòng Phaolô. Sau đó, Phaolô yêu cầu Máccô đi thăm ngài trong tù và chúng ta thấy chuyện rắc rối không kéo dài lâu.

Ngắn nhất và cổ nhất trong 4 phúc âm, nhưng phúc âm theo thánh Máccô nhấn mạnh việc Chúa Giêsu bị loài người từ chối. Có thể phúc âm theo thánh Máccô được viết cho dân ngoại trở lại – sau cái chết của thánh Phêrô và Phaolô khoảng những năm 60 và 70 – phúc âm theo thánh Máccô là cách biểu lộ tiệm tiến về một vụ án: Đấng Mêsia bị đóng đinh.

Thánh Phêrô gọi ngài là “con”. Thánh Phêrô chỉ là một trong các nguồn phúc âm, các nguồn khác là giáo hội ở Giêrusalem (gốc Do Thái) và giáo hội ở Antiôkia (đa số là dân ngoại).

Cũng như thánh sử Luca, thánh sử Máccô không thuộc nhóm 12 tông đồ. Chúng ta không thể chắc chắn ngài có đích thân gặp Chúa Giêsu hay không. Một số học giả cho rằng ngài nói về mình khi diễn tả việc bắt Chúa Giêsu ở Gết-sê-ma-ni: “Trong khi đó có một cậu thanh niên đi theo Người, mình khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh. Anh liền trút tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng” (Mc 14:51-52).

Thánh Máccô được bổ nhiệm làm giám mục tiên khởi của Alexandria, Ai Cập. Thành Venice, nổi tiếng về bánh Piazza hiệu San Marco (Thánh Máccô), chọn thánh Máccô là thánh bổn mạng, tại thành này có một đại thánh đường có hài cốt của ngài.

Sư tử có cánh là biểu tượng của thánh Máccô. Hình ảnh sư tử rút ra từ các diễn tả của thánh Máccô về thánh Gioan Tẩy giả là “tiếng kêu trong hoang địa” (Mc 1:3), được so sánh với con sư tử đang gầm. Đôi cánh có từ thị kiến của Êdêkien về 4 sinh vật có cánh (sách Edêkien, chương 1).

 

 

26/4 – Thánh Pedro de Betancur San Joseacute, Tu sĩ (1626-1667)

Trung Mỹ có vị thánh đầu tiên là Pedro de Betancur, từng làm việc và chết tại Guatemala. Ngài thường được gọi là “thánh Phanxicô của Mỹ châu”.

Pedro được phong chân phước năm 1980. Ngài được ĐGH Gioan-Phaolô II phong thánh ngày 30/7 tại thành phố Guatemala. Ngài được phong thánh vì “gương mẫu nổi bật” về lòng yêu thương Kitô giáo, Đức Gioan-Phaolô II nói rằng thánh Pedro đã “thực hiện lòng nhân từ một cách anh dũng với những người nhỏ bé nhất và nghèo khổ nhât”. Trước khoảng 500.000 người Guatemala tham dự lễ phong thánh, Đức Gioan-Phaolô II nói về những căn bệnh xã hội ngày nay đang hoành hành đất nước và cần có sự thay đổi.

Trong nghi thức phụng vụ kéo dài 3 giờ, ngài giảng: “Chúng ta hãy nghĩ về các trẻ em và thanh thiếu niên vô gia cư hoặc không được học hành, các phụ nữ cần nhiều nhu cầu, những người bị xã hội bỏ rơi, các nạn nhân của tội phạm có tổ chức là gái điếm hoặc ma túy, những người bệnh tật bị bỏ rơi và những người già sống cô đơn”.

Thánh Pedro rất muốn làm linh mục, nhưng Thiên Chúa có kế hoạch khác cho chàng thanh niên này vốn sinh trưởng trong một gia đình nghèo khó ở Tenerife, thuộc quần đảo Canary. Pedro đi chăn chiên đến lúc 24 tuổi, ngài đi đến TP Guatemala, hy vọng liên lạc với người thân ở đó. Lúc ngài đến Havana thì hết tiền. Ngài làm việc ở đó kiếm tiền rồi lại đi Guatemala vào năm sau. Đến nơi, ngài quá nghèo đến nỗi phải xếp hàng nhận của bố thí của các tu sĩ dòng Phanxicô.

Không lâu sau, ngài ghi danh học ở trường dòng Tên để làm linh mục. Nhưng ngài cố gắng thế nào cũng không học nổi, ngài đành phải nghỉ học. Năm 1655, ngài vào dòng Ba Phanxicô. Ba năm sau, ngài mở một bệnh viện cho các bệnh nhân nghèo đang dưỡng bệnh, một nhà mở cho những người vô gia cư và một trường học cho người nghèo. Không làm ngơ dân giàu ở TP Guatemala, ngài vừa đi bộ khắp thành phố vừa rung chuông kêu gọi họ ăn năn sám hối.

Có nhiều người đến chia sẻ công việc của ngài. Không lâu sau, họ trở thành Dòng Belem (Bethlehemite Congregation), và được Tòa thánh phê chuẩn sau khi ngài qua đời.

 

27/4 – Thánh Louis Maria Montfort, Linh mục (1673-1716)

Cuộc đời thánh Louis dành để thúc đẩy lòng sùng kính Đức Mẹ. Totus tuus (hoàn toàn thuộc về Mẹ) là khẩu hiệu riêng của ngài. Chính ĐHY Karol Wojtyla (chân phước Gioan-Phaolô II) đã chọn khẩu hiệu này làm khẩu hiệu giám mục.

Ngài sinh tại làng Breton ở Montfort, gần Rennes (Pháp). Lớn lên, ngài biết nơi mình lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy nên ngài thay tên gia đình là Grignion. Sau khi được học với các linh mục dòng Tên (Jesuits) và Hội truyền giáo Xuân Bích (Sulpicians), ngài thụ phong linh mục năm 1700.

Sau đó ngài đi rao giảng khắp miền Tây Pháp. Những năm sống với người nghèo thúc giục ngài sống giản dị, đôi khi ngài gặp rắc rối với giáo quyền. Khi ngài giảng, hàng ngàn người đã lấy lại đức tin. Ngài khuyên nên thường xuyên rước lễ, rước lễ hàng ngày càng tốt (dù thời đó chưa có thói quen rước lễ như vậy). Ngài noi gương “xin vâng” của Đức Mẹ.

Thánh Louis thành lập Hội Truyền giáo Maria (Missionaries of the Company of Mary, dành cho linh mục và tu sĩ) và dòng Nữ tử Khôn ngoan (Daughters of Wisdom) chuyên chăm sóc bệnh nhân. Ngài viết cuốn True Devotion to the Blessed Virgin (Tận hiến cho Đức Mẹ), sách này trở thành cách giải nghĩa về lòng sùng kính Đức Maria. Ngài qua đời tại Saint-Laurent-sur-Sèvre, nơi đây có một nhà thờ dâng kính ngài. Ngài được phong thánh năm 1947.

 

 

28/4 – Thánh Phêrô Chanel, Linh mục Tử đạo (1803-1841)

Là một linh mục trẻ làm hồi sinh một giáo xứ trong một quận “tồi tệ” bằng phương pháp đơn giản là tận tụy chăm sóc bệnh nhân. Muốn làm nhà truyền giáo nên lúc 28 tuổi, ngài gia nhập Dòng Đức Mẹ (Society of Mary), còn gọi là Bảy Thánh Lập Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ (seven Marists). Vì vâng lời, ngài dạy học ở chủng viện 5 năm. Sau đó, ngài làm bề trên dòng, đi miền Tây Oceania và được bầu làm đại diện (vicariate). Đức giám mục theo các nhà truyền giáo, để Peter Chanel một tu sĩ khác ở lại đảo Futuna ở New Hebrides, hứa sẽ trở lại 6 tháng sau. Nhưng thời gian đó kéo dài đến 5 năm sau.

Trong khi đó, ngài phải “vật lộn” với việc trau dồi ngôn ngữ mới, khó sống với dân đánh cá voi, dân buôn bán và dân bản xứ. Dù thành công một chút, ngài vẫn trầm lặng, hiền dịu, kiên nhẫn và can đảm. Một số dân bản xứ được rửa tội, một ít người được hướng dẫn. Khi con trai của một thủ lĩnh (chieftain) xin vào đạo, thủ lĩnh càng khủng bố dữ dội. LM Chanel bị đánh đến chết, thi thể ngài bị cắt ra từng khúc. Sau 2 năm ngài qua đời, cả đảo Oceania theo Công giáo và ngày nay vẫn vậy. Thánh Peter Chanel là thánh tử đạo đầu tiên và là thánh bổn mạng của đảo này.

 

 

29/4 – Thánh Catarina Siêna (1347-1380)

Thánh nữ Catarina sống không lâu nhưng hoàn toàn dành cho Đức Kitô. Điều ấn tượng nhất ở bà là “đầu hàng” Thiên Chúa.

Bà là con thứ 23 của ông Jacopo và bà Lapa Benincasa. Bà thông minh, vui vẻ và đạo đức. Bà làm người mẹ thất vọng khi bà cắt tóc để làm xấu mình mà không thanh niên nào muốn cưới bà. Người cha muốn mọi người để cho con gái được yên, dành riêng một phòng để con gái cầu nguyện và suy niệm.

Lúc 18 tuổi, bà vào Dòng Ba Đa Minh, dành 3 năm sống cô tịch, cầu nguyện và khổ hạnh. Dần dần nhiều người theo bước bà – đàn ông, đàn bà, và cả các linh mục. Đời sống tông đồ của bà lớn mạnh nhờ sống chiêm niệm. Đa số các thư của bà về hướng dẫn tâm linh và khuyến khích những người theo bà, càng ngày càng được chú ý. Nhiều người chống đối và vu oan cho bà vì bà bộc trực (candor) và hoàn toàn vì Chúa Kitô. Nhưng rồi bà được giải oan tại Tổng hội dòng Đa Minh (Dominican General Chapter) năm 1374.

Ảnh hưởng của bà lên đến đỉnh cao nhờ sự thánh thiện của bà, và bà đã gây ấn tượng sâu sắc đối với Đức giáo hoàng. Bà hoạt động không ngơi nghỉ để chống lại người Thổ Nhĩ Kỳ, giải hòa giữa Florence và ĐGH.

Năm 1378 xảy ra vụ Đại ly giáo (Great Schism), chia cách các nước theo Kitô giáo, chia hai rồi chia ba, có các giáo hoàng và thậm chí đặt các thánh vào thế đối nghịch. Thánh Catarina dành 2 năm cuối đời ở Rôma, cầu nguyện, bào chữa giáo hội nhân danh ĐGH Urbanô VI và sự hiệp nhất giáo hội. Khi qua đời, các “con cái” vây quanh bà.

Thánh Catarina uy tín trong các nhà thần bí (mystics) và những người viết về tâm linh của giáo hội. Năm 1970, ĐGH Phaolô VI tôn vinh thánh Catarina và thánh Têrêsa Avila là Tiến sĩ Giáo hội. Những năm gần đây, người ta đề nghị nên chọn thánh Catarina làm bổn mạng Internet. Chúc thư tâm linh (spiritual testament) của bà có trong cuốn The Dialogue (Đối thoại).

 

 

30/4 – Thánh Piô V, Giáo hoàng (1504-1572)

Đây là vị giáo hoàng có công về Công đồng Trentô. Công đồng Vatican II có những khó khăn thì thánh Piô V cũng gặp nhiều rắc rối về Công đồng Trentô vậy.

Trong triều đại Giáo hoàng (1566-1572), ĐGH Piô V đối mặt với khó khăn là quy tụ giáo hội tản mác khắp nơi về một mối. Gia đình của Chúa bị hoành hành vì tham nhũng, cải cách, liên tục bị người Thổ Nhĩ Kỳ xâm lăng và các nước chiến tranh đẫm máu. Năm 1545, vị giáo hoàng tiền nhiệm đã triệu tập Công đồng Trentô với nỗ lực là xử lý các vấn đề nổi cộm trong giáo hội. Suốt 18 năm, các giáo phụ đã thảo luận, kết tội, xác định và quyết định cách hành động. Công đồng kết thúc năm 1563.

ĐGH Piô V được bầu chọn năm 1566 và chịu trách nhiệm bổ sung việc cải cách mà Công đồng kêu gọi. Ngài cho thành lập các chủng viện để đào tạo linh mục đúng quy cách, cho xuất bản sách lễ mới, sách kinh nhật tụng mới, sách giáo lý mới và thành lập Hội Ái hữu Học thuyết Kitô giáo (Confraternity of Christian Doctrine – CCD) cho giới trẻ. Ngài ban hành pháp chế chống lạm dụng trong giáo hội. Ngài kiên trì phục vụ người bệnh và người nghèo bằng cách cho xây các bệnh viện, cung cấp lương thực cho người đói khát, số tiền thường được dùng để đãi tiệc của giáo hội thì ngài trao cho các tân tòng nghèo khổ. Quyết định của ngài trở thành thói quen của dòng Đa Minh là mặc áo dòng trắng.

Vừa nỗ lực cải cách giáo hội vừa cải cách đất nước, ngài bị chống đối mãnh liệt từ phía nữ hoàng Elizabeth của Anh và hoàng đế Maximilian II của Rôma. Các vấn đề ở Pháp và Hà Lan cũng cản trở hy vọng của ngài là liên kết Âu châu để chống lại người Thổ Nhĩ Kỳ. Cuối cùng ngài giành được Vịnh Lepanto khỏi tay Hy Lạp vào ngày 7/10/1571.

Ngài không ngừng đòi hỏi canh tân giáo hội, là nền tảng sống của ngài với tư cách là một tu sĩ dòng Đa Minh. Ngài dành nhiều thời gian cầu nguyện với Chúa, ăn chay, từ chối những xa xỉ dành cho giáo hoàng và nghiêm túc theo tu luật và tinh thần Đa Minh.

 

Thom. Aq. TRẦM THIÊN THU

Theo dõi
Thông báo
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Bình chọn nhiều nhất
Inline Feedbacks
View all comments

Xem thêm...

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors
Search in posts
Search in pages
Filter by Categories
Abouts
Audio Bài giảng
Bài giảng
Blog
Các Vua
Chúa Giêsu
Cựu ước
Gương Chúa Giêsu
Hạnh các Thánh
Hoạt hình
Hoạt hình Công giáo
Hôn nhân
Kinh thánh
Kinh Thánh 100 Tuần
Lời Chúa
Lòng thương xót Chúa
Mẹ Fatima
Mẹ Lộ Đức
Mẹ Maria
Mùa Chay
Mùa Giáng sinh
Mùa Phục sinh
Mùa thường niên
Mùa vọng
Phim Công giáo
Phim Cựu ước
Phim Giáo dục Đức Tin
Phim Giáo dục gia đình
Phim Tân ước
Phút cầu nguyện
Quà tặng cuộc sống
Sách Audio
Suy niệm
Suy niệm năm A
Suy niệm năm C
Tâm lý - Tình cảm
Tân Ước
Tạo dựng
Thần học Online
Thánh ca Mp3
Thánh Giuse
Thánh Nhân
Thủ lãnh
Tiên tri
Tin tức
Tổ phụ
Video Công giáo
Video Thánh ca
Video Ý nghĩa
VietCatholic New