🙏Xin quý cộng đoàn cầu nguyện cho linh hồn Vinh Sơn (Bố của tác giả website này) vừa được Chúa gọi về.🙏

CHƯƠNG XI: Một vài trạng sư của Lucifer

BOULLAN VÀ BÈ MARIAVITES

Trong chương này, chúng tôi muốn đưa ra một vài thí dụ xảy ra mới đây chủ trương bênh vực cho Lucifer. Thí dụ đầu tiên là trường hợp ông Boullan (một linh mục xuất).

Jean-Antoine Boullan sinh ngày 18.2.1824 tại Saint-Porchaire (Charente-Maritime), và qua đời ngày 4.1.1893 tại Lyon. Người ta ít biết về nghề nghiệp của ông, chỉ biết rằng ông là linh mục năm 1848. Ông thường giao du với những văn sĩ có khuynh hướng huyền bí, và sống trong một môi trường mà trong cuốn Confession (Tự Thú) của ông, ông xác định là môi trường của những phụ nữ “bị dư luận cho là điên loạn và quỷ ám”. Một trong những phụ nữ này còn bị động kinh nữa. Trong cuốn Confession, ông nhìn nhận rằng ông không có năng khiếu hướng dẫn phụ nữ.

Nói rằng ông bị họ “hướng dẫn” thì có lẽ đúng hơn nhiều. Tuy nhiên, ông rất thông minh. Nhưng ông lại bị thúc đẩy cùng một lúc bởi tính hiếu kỳ thiếu lành mạnh và những khuynh hướng tính dục mạnh tới mức luôn ám ảnh ông. Ông tự giải thích những lầm lỗi của mình như sau. Ông viết: “Những tội lỗi của tôi phát sinh từ 3 nguyên do: trước tiên là sự yếu đuối và mỏng dòn nơi bản tính đã bị hư hỏng của tôi, rồi đến những ảo tưởng mà ma quỷ dùng để lường gạt tôi và làm cho tinh thần tôi bị lạc hướng; cuối cùng là cách hiểu sự vật của tôi đã dẫn tôi tới nhiều chuyện đáng chê trách”.

Một lời tự thú như thế cho thấy những dấu hiệu thành thật. Ông Boullan nhìn nhận những sai sót và lỗi lầm của mình. Nơi ông, có một sự pha trộn giữa những ý tưởng tốt đã khiến ông bị mù quáng, và những hành động tội lỗi đã dẫn ông tới việc tự lừa dối mình. Ông cho rằng vì ông có ý muốn chữa lành những người phụ nữ bị quỷ ám. Về vấn đề này, ông đã dùng những “kinh nghiệm” của mình về những phụ nữ đồi truỵ để thử tìm hiểu những hậu quả của tội lỗi và những giới hạn nơi những hành động của ma quỷ. Ông đã để cho Satan xoay chuyển mình tới mức độ tin rằng ông là “Gioan Tẩy Giả tái giáng xuống thế gian này”. Ông đã kế tục con đường lạc đạo của Vintras, ông này tự cho mình là một “hoá nhân của tiên tri Êlia”.

Chúng ta biết rằng Gioan Tẩy Giả được coi là Êlia tái sinh. Vì thế, một người kế tục cho Vintras chỉ có thể làm Gioan Tẩy Giả. Từ khi tự cho mình là người như thế, ông cảm thấy mình có một sứ mạng. Ông được sinh ra để cải cách. Cần phải quy tụ chung quanh mình những đồ đệ để cùng nâng “lưỡi gươm của Thiên Chúa” lên chống lại Giáo Hội Rôma. Theo như ông tin tưởng thì Giáo Hội Rôma đã bị giao nộp cho Satan. Các linh mục Công giáo, nói theo từ ngữ của ông, là “những quỷ có sừng mang chức linh mục”.

Tiền bạc là một vấn đề hết sức quan trọng đối với ông. Cuốn Tự Thú cho biết ông “kiếm được rất nhiều tiền”, tại Paris, trước khi lập nên sự nghiệp của mình. Ông không nói tiền bạc đó từ đâu ra. Nhưng tiền bạc làm ông say mê. Ông mua một lâu đài và chi phí vào đó những món tiền kếch xù. Trong tâm trí ông, thiện và ác trở thành một cái gì đó khó phân biệt, đến nỗi ông đã phạm một tội lừa đảo, bịp bợm, đã khiến ông phải ra trước vành móng ngựa năm 1861, lãnh 3 năm tù (1861-1964). Điều tra của toà án cho biết ông đã sử dụng những kiến thức tự cho là siêu nhiên của mình để khai thác những tâm hồn cả tin, và để bòn rút tiền bạc của họ. Nhưng rồi ông cũng đâu có giữ được tiền bạc ấy cho mình. Ông có một thú vui dị thường là lấy tiền của người này để phân chia cho người khác.

Cuốn Tự Thú có ghi lại những lời nguyền rủa nảy lửa đối với những “quỷ có sừng mang chức linh mục”. Vì những lời này mà ông bị tố cáo tại Rôma, khiến ông và người bạn gái của ông bị kết án. Người bạn gái này là một nữ tu xuất, tên Adèle Chevalier, được Đức Mẹ làm phép lạ chữa bệnh cho ở La Salette, nhưng sau đó bị sa ngã vào truỵ lạc, lôi kéo cha Boullan sa ngã theo.

Ông lại bị đưa ra trước toà án giáo sĩ ở Rôma, và bị tù ở nhà giam của Toà Thánh. Nhưng ông được giải thoát do quân Piémont tràn vào năm 1870.

Tất cả những ai theo ông, ông đều gán cho họ một gánh nặng ghê gớm, hoặc lâu dài hoặc ngắn hạn, có thể bị tù đày, hoặc phải trả hết những món nợ nần của ông.

Nhưng ông rất ngông cuồng đến nỗi ngay cả các đồ đệ của Vintras cũng phải tống cổ ông ra khỏi hội của họ.

Linh mục sai lạc khốn nạn này là nạn nhân của khoa huyền bí học và thói dâm dục. Nếu ông không thuộc vào một tổ chức, và không để lại cho Giáo Hội một bè rối sau này, thì lịch sử của ông chỉ đơn thuần là đáng thương và tầm thường mà thôi.

Nhưng ông thuộc về một tổ chức, và trường hợp của ông đã tạo ra một luồng sáng thảm hại soi chiếu vào cả một thế giới đã có đầy những biểu hiện và âm mưu của bóng tối. Đó là Hội Huyền Bí học của Êliphas Lévi, hội Thiên cảm học của Vintras tức hoá thân của Êlia, hội Thông thiên học của bà Blavatsky, những sáng tạo của Guaita, của Sâr Péladan dưới danh hiệu Hội Chữ Thập Hồng và cũng có thể, trên một bình diện còn rộng lớn hơn, là những nghi thức huyền bí của hội kín Tam Điểm (Franc Maconnerie initiatique) – hội này kết án chủ nghĩa vô thần của tổ chức Đại Đông (Grand Crient) tại Pháp – Đó chỉ là những hội có những lý thuyết và lối sống đạo có tính cách bí truyền đang hoạt động trong mặt trái của xã hội hiện nay. Và chắc chắn không phải là không có cơ sở khi coi tất cả những hội đó là những hình thức khác nhau của chủ nghĩa Satan hiện nay.

Nhưng Boullan cũng để lại cho đời một hậu duệ: Bè rối Mariavites.

BÈ RỐI MARIAVITES

Bè Mariavites là một giáo phái giả thần bí (pseudo-mystique), được thành lập ở Ba Lan năm 1906, do Jan Kowalski, một linh mục bị vạ tuyệt thông, và bởi Félicie Kozlowska, một phụ nữ được thấy những thị kiến (1862-1922).

Hai người sáng lập này quan hệ mật thiết với cha Boullan. Họ thuộc về tổ chức của cha, cùng hoạt động với cha, cùng ở trong hội Thiên cảm học (illuminisme) của cha. Kowalski và bạn gái của ông là Procnievski, cả hai đều thuộc dòng Phanxicô. Marie – Félicie Kozlowska cũng là một nữ tu Phanxicô. Họ là những người ủng hộ cha Boullan và bà tiên tri của cha là Adèle Chevalier, một nữ tu xuất được ơn phép lạ ở La Salette. Người ta thấy họ hoạt động trong môi trường khả nghi này trong khoảng từ 1888 đến 1893. Thời gian này, cha Boullan qua đời. Những người Ba Lan đó đã về xứ sở của họ. Năm 1894, Marie – Félicie bắt đầu đưa ra những lời tiên đoán, chẳng bao lâu người ta gọi bà là Matouchka, nghĩa là “mẹ”.

Phong trào mới này chủ trương tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria một cách đặc biệt. Họ chỉ nói một cách rất đạo đức về việc “bắt chước đời sống của Đức Trinh Nữ Maria” (Mariae Vitam imitari). Vì thế, họ mới mang tên là Mariavites (những người noi gương Maria). Marie – Félicie Kozlowska không ngần ngại tuyên bố là có “Đức Trinh Nữ cư ngụ” ở trong bà ta. Năm 1903, họ bị Đức Giáo Hoàng Piô X kết án. Thay vì thần phục Giáo Hoàng, những hội viên “noi gương Đức Mẹ” này đã tách rời cả đám khỏi Giáo Hội. Vào năm 1906 là năm bè Mariavites chính thức thành lập, số người gia nhập bè phái được thẩm định khoảng một triệu người, trong đó có 300 linh mục và nữ tu phụ trách hướng dẫn và nâng đỡ tinh thần họ. Kowalski trở thành giáo chủ bè ly khai này. Ông đã lãnh nhận – cho chính ông và cho một vài đồng chí của ông – chức giám mục – thành sự – nhân danh toà giám mục của giáo phái Công giáo cổ truyền và phái Jansénites ở Utrecht năm 1909. Tháng 12.1910, Đức Giáo Hoàng Piô X đã kết án họ qua thông điệp Acta Sanctae Sedis.

Nhưng chẳng bao lâu gương xấu này nổ ra ngay. Bè phái này chủ trương cho phép và phổ biến những “hôn nhân thần bí” được vay mượn như tàn tích của cha Boullan. Người ta quả quyết, những cuộc hôn nhân này nhằm mục đích đạt được “sự sinh con không qua đam mê xác thịt, để nhờ đó sinh ra những đứa con không mắc tội tổ tông truyền”. Từ “hôn nhân thần bí” này người ta nhanh chóng chuyển sang “đa hôn thần bí” (Polygamie mystique) hay “đa hôn tinh thần” (Polygamie spirituelle). Giáo phái Công giáo cổ truyền (Vieux – Catholique) lúc đó chống đối lại. Đại hội quốc tế của giáo phái này, tổ chức năm 1924 tại Berne, ra vạ tuyệt thông cho toàn giáo hội Mariavites. Vào ngày đó, giáo hội này vẫn còn sáu trăm ngàn tín đồ. Ông giáo chủ và nhiều vị giám mục của ông phải trả lời những kết án nặng nề về những việc làm liên hệ đến phong tục trong xứ sở của họ, và toà án thượng phẩm đã giáng trên họ những lời kết án gây nhiều tiếng vang. Theo Enciclopedia Cattolica (tự điển bách khoa Công giáo), ở chữ Mariavites, cuốn VIII, thì năm 1952, số người theo bè phái này lúc đó không vượt quá năm mươi ngàn người, với một vị tổng giám mục, ba giám mục, ba mươi linh mục và năm trăm nữ tu. Họ sống theo luật của thánh Phanxicô, trong đó, các linh mục theo luật của dòng nhất, các nữ tu theo luật của dòng nhì, còn các giáo hữu theo luật dòng ba.

Trong bè phái này, chủ nghĩa Satan chỉ được thể hiện bằng cách “nhái” theo những tổ chức chính thống. Nó làm cho dòng Phanxicô mang tiếng vì không thể giữ những luật đó đúng đắn hơn được.

LÉON BLOY

Có nên gắn liền trường hợp của linh mục xuất Boullan và những người cuồng nhiệt theo bè phái Mariavites với trường hợp của nhà văn nổi tiếng Léon Bloy không?

Cách đây không lâu, đặt vấn đề như thế dường như là một sự xúc phạm, hay ít nhất là một chuyện hết sức khó tin (vì lúc đó Léon Bloy đang có uy tín và được kính trọng).

Nhưng bỗng nhiên vào năm 1957, xuất hiện một tác phẩm làm người ta ngạc nhiên do R. Barbeau viết. Tựa đề của tác phẩm khiến người ta phải dị nghị: Léon Bloy, một tiên tri của Lucifer (Un prophète de Lucifer, Léon Bloy, Paris, Ed. Montaigne, Aubier).

Chúng ta hãy nhường lời cho các tác giả nói lên những ý hướng của ông, và chia sẻ với chúng ta những khám phá của ông. Ông viết rằng trong hơn ba năm, ông đã gia nhập “Hội Léon Bloy” (Cercle Léon Bloy) do cha Guy Courteau dòng Tên hướng dẫn tại Montréal. Linh mục này coi Bloy là một người có năng khiếu nhất trong việc làm tỉnh giấc tính vô cảm thiếu tình người (apathique) của lớp người “trưởng giả”, đồng thời mở cho giai cấp trí thức con đường vào Giáo Hội. Quả thật, ảnh hưởng của Léon Bloy vào đầu thế kỷ này rất rộng lớn. Nhiều người sắc sảo và đáng kính như Jacques Maritain (và vợ ông), Pierre van der Meer de Walcheren, Léopld Levaux, … đã lớn tiếng tuyên bố rằng sở dĩ họ trở lại Giáo Hội Công giáo là do Léon Bloy. Ông có nhiều bạn bè rất hào phóng như Pierre Termier, Réné Matineau, Jacques Debout, và nhiều người khác nữa. Những người ngưỡng mộ ông là những người có tầm cỡ như Hubert Colley, tác giả cuốn L’Âme de Léon Bloy (tâm hồn của Léon Bloy) (viết năm 1930); M.J. Lory, tác giả cuốn La pensée religieuse de Léon Bloy (tư tưởng tôn giáo của Léon Bloy) (1951); Stanislas Fumet, Mission de Léon Bloy (sứ mạng của Léon Bloy) (1935); Albert Béguin, Bloy, mystique de la douleur (Bloy, nhà thần bí của đau khổ) (1948), …

Léon Bloy sinh tại Périgueux. Cha ông là một người vô thần, nhưng mẹ là một người rất đạo đức. Ngay từ nhỏ, ông đã có một tính khí rất hung hăng, đòi hỏi tuyệt đối, rất khó thích ứng. Chính Barbey d’Aurevilly đã giúp ông trở về với đức tin ở Paris. Không thể phủ nhận được Léon Bloy là một văn sĩ thượng thặng, với khuynh hướng viết văn có âm nhạc và nhịp điệu, điều đó khiến ông đứng hàng đầu trong nghề viết văn. Ông quan hệ rất thân thiết với Ernest Hello, với cha Tardif de Moidrey. Ông hết sức ngưỡng mộ Blano de Saint-Bonnet, một nhà văn ở Lyon. Nhưng theo cuốn sách của R. Barbeau, thì chắc chắn rằng kể từ đó ông đã giao du với rất nhiều người theo huyền bí học, ông sống trong niềm mong chờ những mặc khải vĩ đại, những tai biến lạ lùng, và ông có tư tưởng cho mình có một sứ mạng cao cả phải thực hiện.

Với bản tính tuyệt đối của ông, ông cảm thấy mình có sự tranh chấp sâu sắc với thời đại. Ông kêu lên: “Ngày 29.5.1892, tôi có cảm thức rõ rệt là tất cả mọi người đều sai lầm, tất cả mọi người đều bị gạt gẫm, và tâm trí con người đã bị rơi vào bóng tối hết sức dày đặc”.

Nhưng ánh sáng đến với ông phát xuất từ đâu? – Không phải từ Giáo Hội Công giáo mà từ một phụ nữ đáng thương tên Anne-Marie Roulé, một cô gái điếm, là người đàn bà tốt bụng trong cuốn tiểu thuyết Le Désespéré (người tuyệt vọng) của ông.

Ông kết giao với nàng. Ông chắc chắn rằng ông đã làm cho nàng trở lại. Trước khi bị bệnh điên loạn và kết thúc cuộc đời trong nhà thương điên, nàng đã có những thị kiến siêu nhiên. Dựa trên niềm tin vào phụ nữ này, và trên những mặc khải mà ông tin rằng được tỏ lộ ra trong Bí mật của Mélanie Calvat, người trông thấy Đức Mẹ hiện ra ở La Salette, ông chắc chắn rằng sắp đến “ngày tận thế”, và ngày tận thế này hệ tại sự giáng lâm của Đấng An Ủi (Paraclet), và Đấng này không ai khác hơn là đích thân Lucifer!

Một sự ngông cuồng như thế là một phạm thượng không thể chấp nhận được. Toàn bộ cuốn sách của R. Barbeau có khuynh hướng chứng minh rằng đó là ý niệm căn bản và chủ yếu của Léon Bloy, ý niệm mà ông coi là “bí mật” dành cho ông, vì thế ông muốn dấu không cho ai biết, nhưng bí mật đó lại soi sáng cho tất cả những gì ông viết ra.

Thường xuyên bị thất vọng vì những hy vọng được chứng kiến những biến cố mà ông có sứ mạng chuẩn bị vẫn không thành tựu, nên trong cuốn Tiểu Sử (Biographie, do Joseph Bollery xuất bản tại nhà in Albin-Michel, năm 1947), ông viết:

“Tôi chỉ có thể thấy trong tôi một nỗi oán giận chua cay nhất và tàn khốc nhất đối với một Thiên Chúa quá cứng rắn và bạc bẽo… Nếu tôi đối xử với một con chó tương tự như cách Thiên Chúa đã đối xử với tôi, thì tôi thật là xấu hổ” (I. 428-429).

Thật vậy, ông tin rằng Thiên Chúa Cha là một ông chủ hống hách và tàn nhẫn, Thiên Chúa Con chỉ sửa đổi lại công trình của Chúa Cha đã bị thất bại, và chỉ có Chúa Thánh Thần là sự thống trị khắp nơi bằng Tình Thương.

Như vậy là Léon Bloy đã lập lại theo cách thức của mình những giấc mơ của Joachim de Flore (khoảng 1145-1202). Nhưng đặc biệt là sự đồng nhất ông gán cho giữa Satan và Chúa Thánh Thần thật là quái đản!

QUAN ĐIỂM CỦA LÉON BLOY VỀ SATAN

Léon Bloy tự hào rằng ông là người duy nhất – ông thường nói: người duy nhất! – hiểu được Satan là gì. Ông thấy Satan là ngôi thứ ba của Thiên Chúa, nên chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy ông gán cho Satan quá nhiều quyền năng. Trong cuốn sách ông viết về Christophe Colomb có tựa là Le Révélateur du Globe (Đấng Mặc Khải về Thế Giới) (1884), người ta đọc thấy:

“So với tất cả chuyện đời nay, thì quan niệm về ma quỷ là một quan niệm thiếu chiều sâu nhất, nông cạn nhất, thiếu điều đã trở thành một đối tượng của văn học. Chắc chắn là ma quỷ do phần đông các thi sĩ nghĩ ra không làm ai sợ kể cả trẻ con. Tôi chỉ biết có một ông Satan duy nhất do các nhà thơ nghĩ ra mà thực sự đáng sợ thôi. Đó là ông Satan của Baudelaire, vì ông ta là người dám nói phạm thượng.

Tất cả những Satan khác, kể cả Satan của Dante, chỉ làm cho tâm hồn chúng ta an tâm, và những đe doạ của chúng chỉ làm nhún vai những em bé gái đang học lớp giáo lý nhi đồng vốn rất dốt về văn học. Nhưng cái ông Satan đích thực mà chúng ta không còn biết tới nữa chính là Satan của bà Evà, là kẻ đã cám dỗ Đức Giêsu Kitô. Satan đó quái đản đến mức, nếu cho phép tên khốn kiếp ấy hiện nguyên hình đúng như bản tính của hắn – trong sự trần trụi siêu nhiên của sự Không-Tình-Thương (Non-Amour) – thì loài người và toàn thể các giống thú chỉ kêu lên một tiếng rồi chết ngất…”.

Cho tới đây chúng tôi hoàn toàn đồng ý với Léon Bloy. Nhưng đoạn tiếp theo đây có nhiều chỗ chúng tôi không đồng ý cho lắm, vì ông tỏ ra hơi quá đáng:

“Satan hiện diện giữa mọi đôi môi và mọi ly rượu. Hắn ngồi trong tất cả mọi bữa tiệc, và giữa những chiến thắng hắn làm cho chúng ta no nê những chuyện kinh tởm. Hắn nằm trong cái góc tối tăm nhất trên giường của đôi tân hôn. Hắn gặm nhấm và làm dơ tất cả những tâm tình, hy vọng, tất cả những gì trong trắng, tinh khiết, tất cả mọi vinh quang của con người. Cái ngai mà nó ưa ngồi nhất là cái chén vàng của tình yêu đang độ nở hoa. Và cái bồn tắm ngọt ngào nhất của nó là cái mái ấm màu tím của tình yêu đang bốc lửa.

Khi chúng ta không nói với Thiên Chúa cũng như không nói vì Thiên Chúa, tức là chúng ta nói với ma quỷ, và chính hắn nghe chúng ta nói, trong một bầu khí im lặng khủng khiếp. Hắn đầu độc tất cả mọi dòng sinh lực và mọi nguồn tử vong. Hắn đào những cái hố giữa mọi con đường chúng ta đi. Hắn trang bị vũ khí cho toàn bộ vạn vật để chống lại chúng ta, đến nỗi Thiên Chúa phải được giao nhiệm vụ canh giữ mỗi người chúng ta cho một thiên thần của Ngài, để chúng ta không bị hư hoại ngay từ giây phút đầu tiên khi sinh ra. Cuối cùng Satan ngồi trên thượng tầng trái đất, đặt bàn chân hắn trên năm châu thế giới. Và không có gì nơi con người được thực hiện mà không có hắn can thiệp vào, mà hắn không bị can thiệp, mà hắn không phải can thiệp vào”.

Và ông kết luận:

“Đó chính là đế quốc vô giới hạn của Satan. Hắn thống trị như một vị vua trên vô số thần dân là những đứa con thảm hại của sự tự do nơi con người”.

Léon Bloy đã nhiều lần trở lại với chính những ý tưởng này. Những ý tưởng này đúng ra là của Luther, là nhà thần học bi quan về tội tổ tông, cho rằng tội ấy không thể tẩy xoá và huỷ diệt được. Léon Bloy đã trở lại với những ý tưởng đó trong các cuốn sách của ông: Belluaires et Porchers (Những người dạy thú và những kẻ chăn heo) (1905); L’Âme de Napoléon (Tâm hồn của Nã-phá-Luân) (1912); và ở nhiều chỗ khác nữa. Một hôm ông viết thư cho Pierre Termier: “Tất cả những gì tân thời đều là của ma quỷ. Đó là mấu chốt của mọi cuốn sách tôi viết, và của tác giả những cuốn sách đó”. Trong cuốn L’invendable (Cái không thể bán được) (1909), ông viết: “Mai mốt chúng ta sẽ phải đối diện với một trường hợp quỷ nhập khắp nơi (possession universelle)!” (tr. 219).

Nhưng làm sao Léon Bloy khảo sát quyền lực đen tối của Satan kỹ lưỡng như thế lại có thể đồng hoá Satan với Đấng Yên Ủi được? Làm sao kẻ mà ông nhận là Không Tình Thương – cũng như chúng ta vẫn công nhận – lại có thể trở thành hiện thân của Tình Thương được?

Đó chính là bí mật thâm sâu nhất của Léon Bloy. Ông bị mất hút trong những thế giới biểu tượng bí hiểm nhất, và ông vui thích với những lần xuất thần chỉ dành riêng cho ông thôi. Ngày 21.10.1889, ông viết cho vị hôn thê chưa cưới của ông là con gái của một văn sĩ Đan Mạch tên Molbech, như sau:

“Em hãy nhớ… điều đã được mặc khải cho anh ngày xưa, và chỉ một mình anh trên đời mới có thể nói được điều đó, chẳng hạn như: cái dấu hiệu của đau khổ và nhục nhã – tức Thập Giá – lại là biểu tượng gợi cảm nhất của Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu – là Con Thiên Chúa, là Ngôi Lời Nhập Thể, là Đấng đại diện cho toàn thể nhân loại – đã vác trên vai Thập giá này, cái Thập giá còn lớn hơn thân Ngài, đè nặng lên Ngài. Simon Xirênê phải giúp Ngài vác một quãng đường. Khi anh nghĩ tới nhân vật nhiệm mầu vĩ đại ấy, được tuyển chọn từ đời đời giữa hàng tỉ tạo vật, để một ngày kia giúp đỡ cho Ngôi Hai Thiên Chúa vác cái hình ảnh của Ngôi thứ Ba, anh cảm thấy sâu sắc một sự kính trọng vô biên giống như một nỗi sợ sệt.

Simon có nghĩa là Vâng Lời. Nhưng chính Đấng-Không-Vâng-Lời – tức Chúa Thánh Thần – đã đặt Thập giá lên vai của một người vâng lời khác là Đức Giêsu Kitô. Jeanne, em thương, em hãy nhận ra rằng trong sự việc đó có ba nhân vật, hai kẻ vâng lời phải vác cái gánh nặng khủng khiếp của Đấng-Không-Vâng-Lời, và cái bộ ba thảm thương ấy đang trên đường đi tới chỗ chiến thắng cái chết. Thật là một vực thẳm khủng khiếp!”

Trong một thư khác đề ngày 2.12.1889, ông đã cho thấy quan niệm của ông về tội nguyên tổ và sự phục hưng cuối cùng. Ông viết:

“Đây là cách quan niệm của tôi về cái thảm kịch vĩ đại của tội nguyên tổ: Con Rắn, biểu trưng cho mặt đen tối của Chúa Thánh Thần, đã lừa dối người đàn bà, mà người đàn bà này lại là biểu trưng cho mặt sáng láng của Ngài. Người đàn bà đã chấp nhận và ăn cái chết vào mình. Cho tới đây, loài người chưa gọi là sa ngã, vì nếu người đàn bà đã đánh mất sự vô tội diệu kỳ của nàng, gây bất lợi cho tiết tháo, vốn là phản ánh sự vô tội của nàng, thì người đàn ông – biểu trưng xán lạn của Ngôi Hai Thiên Chúa – chưa đánh mất chính sự vô tội ấy bằng hành động tự do của mình. Đó là một tình huống chưa bao giờ xảy ra với họ, hầu như không thể quan niệm nổi. Anh xin em hết sức chú ý điểm này. Người đàn ông và người đàn bà phải đối diện với nhau, tranh chấp với nhau chỉ một mình họ thôi, vì Con Rắn đã nhập vào người đàn bà, đã trở nên một với nàng rồi. Bóng tối và ánh sáng đã pha trộn với nhau suốt bao thế kỷ rồi. Người đàn ông và người đàn bà đó, tức Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần, phải đối diện với nhau, dưới bàn tay của Chúa Cha.

Người đàn bà, biểu trưng của Chúa Thánh Thần, đại diện cho tất cả những gì đã sa ngã và sẽ sa ngã. Người đàn ông, biểu tượng của Chúa Giêsu, đại diện cho sự cứu rỗi phổ quát nhờ sự chấp nhận, nhờ sự thăng hoa tự do của mọi sự sa ngã, của toàn bộ sự ác có thể xảy ra: Và nhờ phép lạ của một tình thương vô biên, người đàn ông bằng lòng hy sinh sự vô tội của mình để chia sẻ hoa trái của sự chết, để rồi một ngày nào đó sẽ chiến thắng chính cái chết đó, khi mà sự đau khổ đã làm cho sự tự do của y lớn lên một cách kỳ diệu. Lúc đó, cả hai đều nhận ra rằng họ trần truồng, bởi vì Sự Cứu Chuộc – vốn đã khởi sự – một ngày nào đó sẽ hoàn tất trên một cái cây – mà cái cây trong vườn địa đàng, chỉ là biểu tượng có trước của cây này – ngày đó, của lễ hiến tế, lễ vật hy sinh phổ quát là Sự Tự Do và Tiết Tháo phải được nhìn ngắm hoàn toàn trần trụi trên Thập giá tượng trưng cho sự đền tội của mọi người. Nếu anh không chết vì lạnh, thì còn có 50 chuyện khác để nói nữa!

Bất chấp! Bằng một nghĩa cử không sao nói được, không sao hiểu được. Tình yêu đã nhập vào trần gian. Ngôi Lời – vốn không thể tách rời khỏi Tình Yêu – cũng đã theo Tình Yêu nhập vào trần gian. Và Chúa Cha đã liên tục dùng cái này để nâng đỡ cái kia. Trước tiên người đàn ông đã hy sinh sự tự do của mình một cách đau đớn để cứu lấy vợ mình, và kế đó, người đàn bà đã hy sinh tiết tháo của mình một cách đau đớn hơn nữa để giải thoát cho chồng mình. Khi em viết thư cho anh nói rằng có lẽ chỉ có người đàn bà là giàu có, và chỉ có người đàn ông là nghèo nàn, là em đã diễn tả – có thể là vô tình chăng? – một trong những công thức tuyệt diệu nhất của khoa chú giải thượng thặng. Và cái công thức đó chỉ hoàn toàn đúng theo chiều hướng của khoa chú giải đó thôi, và điều đó chính là đối tượng anh muốn trình bày trong lá thư này”.

Nếu chúng ta hiểu rõ được cái ngôn ngữ tối nghĩa và kiêu kỳ này, thì Con Rắn, tức Satan, biểu trưng cho bề mặt đen tối của Đấng An Ủi, đã phỉnh gạt người phụ nữ, phụ nữ này không phải chỉ là bà Evà, mà còn là Người Phụ Nữ sẽ trở nên Trinh Nữ Maria nữa, là biểu trưng cho mặt tươi sáng của chính Đấng An Ủi đó. Con Rắn “đã trở nên một với nàng”, nghĩa là Satan, cả Ánh Sáng lẫn Người Phụ Nữ “đã pha trộn vào nhau suốt bao nhiêu thế kỷ rồi”. Con Rắn và Người Phụ Nữ chỉ còn là một hữu thể, hữu thể đó chính là Đấng An Ủi. Nhưng, sau khi sa ngã và lúc trỗi dậy, “Bằng một nghĩa cử không sao nói được, không sao hiểu được. Tình yêu đã nhập vào trần gian. Ngôi Lời – vốn không thể tách rời khỏi Tình Yêu – cũng đã theo Tình Yêu nhập vào trần gian. Và Chúa Cha đã liên tục dùng cái này để nâng đỡ cái kia”. Đấng An Ủi đồng nghĩa với Lucifer. Hình ảnh gây xúc cảm nhất đối với Lucifer là Đứa Con hoang đàng. Người Cha lo lắng chờ đợi đứa con trở về. Lucifer sẽ trở lại. Hắn sẽ được Chúa Cha hớn hở đón tiếp. Người anh của hắn sẽ không hài lòng. Nghĩa là Giáo Hội sẽ bách hại Đấng An-Ủi-và-Giải-Phóng, Đấng sẽ nhổ đinh cho Đức Kitô vào thời kỳ cuối cùng. Đó là Sự Giáng Lâm bất khả tư nghị sẽ xảy đến trong tương lai, là sự chiến thắng của Do Thái giáo (Synagogue), và là Vinh Quang của Satan.

Chúng ta hãy tạm ngưng trình bày những điều phi lý ấy tại đây. Khi đọc bản buộc tội Léon Bloy của R. Barbeau, ít nhất chúng ta có thể xếp Bloy vào số người theo tân-ngộ-đạo-thuyết (Néognostique), càng ngày càng đông từ hai thế kỷ nay. Qua việc đó chúng tôi muốn nói gì? Cách đây 18 thế kỷ, ngộ đạo thuyết gồm những người rối đạo tự cho mình là cao hơn những tín hữu bình thường. Họ đọc Kinh Thánh với một niềm tự hào là đã tìm thấy trong đó những ý nghĩa nhiệm mầu mà những tín hữu bình thường không thể hiểu nổi, và họ dựng nên những hệ thống khó mà tin được về những “éons” (vị thần), là những hữu thể trung gian, ở giữa Thiên Chúa và vật chất, chúng được hiểu như một chiếc cầu nối vật chất – được đồng hoá với sự ác – với Thiên Chúa, là Đấng ở rất xa dường như không thể đạt tới được.

Cũng như những người ngộ đạo thuyết, Léon Bloy tin rằng cái bí mật mà ông khám phá được chỉ dành riêng cho ông và một vài người được thụ pháp (initíes) mà chỉ một mình ông mới hiểu những gì được mạc khải cho họ. Ông cũng muốn tìm cho bí mật này một chỗ dựa trong Kinh Thánh, nhưng được chú giải theo cách riêng của ông. Ông sống trong một niềm hy vọng ngông cuồng rằng sẽ có một tai biến mà trong đó ông không phải chỉ là một người chứng kiến, mà còn là một tác nhân chủ động nhất nữa. Ông nghĩ rằng ông sẽ là tiên tri, là người loan báo ưu tuyển về ngày tận thế (parousie). Theo ông, ngày này chính là ngày Lucifer, được tôn vinh và lấy lại danh hiệu cũng như vinh quang của Đấng An Ủi, và cũng là ngôi vị thứ ba trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Để Satan được khôi phục lại, chỉ cần kẻ đang là Không-Tình-Yêu trở lại thành Tình Yêu như lúc đầu, và kẻ ấy xin với Chúa Cha rằng: “Con xin Cha chuyển sự Công Bình của Cha thành Vinh Quang của Cha!” Câu đó có nghĩa là: Nếu Thiên Chúa cầm giữ Satan trong hoả ngục, cùng với những kẻ bị trầm luân khác do hắn lôi kéo, thì Ngài đã làm một hành vi công bình, nhưng điều đó có hại cho vinh quang của Ngài. Việc tạo dựng tức công trình của Ngài như vậy là chưa hoàn toàn. Nói vắn tắt, nếu hoả ngục tồn tại vĩnh cửu, thì việc tạo dựng kể như thất bại! Như vậy là có một vết đen, có một vết bẩn không thể chấp nhận được. Cho nên “vì vinh quang của Ngài”, Thiên Chúa bắt buộc phải tha thứ cho Satan và cho tất cả mọi người bị trầm luân. Ngài không thể để cho sự kinh tởm được gọi là Hoả Ngục ấy tồn tại mãi!

Dường như đó là bí mật của Léon Bloy. R. Barbeau, tác giả cuốn sách mà chúng ta vừa phân tích, đã tuyên bố nghiêm chỉnh như sau:

“Cuốn sách này chỉ là một phần văn bản đã được đệ trình ở Sorbonne ngày 1.6.1955. Cả một loạt những vấn đề quan trọng – mà chúng tôi sắp liệt kê ra – đã được xuất bản trong một công trình nghiên cứu được xuất hiện sau này, kèm theo những lá thư và những bản văn chưa từng được xuất bản. Những vấn đề quan trọng vừa nói, chẳng hạn như sự chuyển kiếp (réincarnation) của người “Phụ Nữ nghèo nàn” (Femme pauvre) ấy, niềm tin của Léon Bloy vào sự chuyển kiếp của nhiều người bạn ông, sự tự hào không thể lay chuyển cho rằng chính ông cũng là một nhân vật quan trọng được chuyển kiếp, sự bất hiện hữu của thời gian, thiên thần tính của Satan trước khi sa ngã, việc con người tự thần thánh hoá mình, những chủ đề về vườn địa đàng, về châu Atlantide, vế phái tính của Người Phụ Nữ đó, sự loạn luân, Thiên đường theo ngộ đạo thuyết, ngôn ngữ huyền bí, nghệ thuật Lucifer, chu kỳ bảy năm, năm hạn, Thánh Graal, sự tất yếu và tự do, hai Vực Sâu, thuyết đảo ngữ (hay nói lái, như gare thành rage), và nhiều vấn đề khác thuộc huyền bí học, cũng như hai tài liệu đầy đủ về chủ nghĩa Lucifer từ tính (luciférisme magnétique) của Éliphas Lévi, và chủ nghĩa Lucifer huyền thoại (luciférisme mythologique) của bà H.P. Blavatsky. Những vấn đề trên đã tạo nên mối quan hệ giữa Léon Bloy và những người thụ pháp (initié)”.

Léon Bloy đã dẫn chúng ta vào một cảnh đầy huyền hoặc. Chúng ta hãy tiếp tục ở trong cảnh này ít lâu nữa với Giovanni Papini.

QUAN NIỆM CỦA PAPINI VỀ THIÊN CHÚA

Hai tác giả có cùng khuynh hướng về thuyết thiên cảm (illuminisme), là Léon Bloy và Papini, lại gặp nhau ở chỗ cả hai đều kiên quyết tán thành sự khôi phục của Satan vào thời cuối cùng. Vấn đề vẫn luôn luôn là “chuyển sự công bình của Thiên Chúa sang vinh quang của Ngài”. Nếu Papini ít có những tư tưởng tân-ngộ-đạo (néognostique) hơn Léon Bloy, thì ông lại làm sống lại một cách kì cục một chủ thuyết lạc giáo rất cổ xưa: thần khổ thuyết (théopaschisme). Chủ thuyết này cho rằng cả Thiên Chúa cũng đau khổ nữa! Nhưng các nhà theo thuyết này thời xưa cắt nghĩa “sự đau khổ của Thiên Chúa” bằng cái chết của Con Thiên Chúa trên thập giá, trong đó có một số giải thích là đúng, còn một số khác rõ ràng là lạc đạo. Còn Papini cho rằng sự đau khổ là một trong những đặc tính căn bản nhất của bản tính Thiên Chúa. Quả thật, ông không ngần ngại viết như sau:

“Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu, thì tất yếu Ngài phải là Sự Đau Khổ. Nếu Tình Yêu là sự hiệp thông hoàn toàn giữa người yêu và người được yêu, thì tất nhiên mọi đau khổ, mọi thử thách của đối tượng được yêu sẽ làm cho tâm hồn của chủ thể yêu xót xa đau đớn. Nếu Thiên Chúa yêu các tạo vật như người Cha yêu thương con cái mình – Ngài yêu thương chúng hơn một người cha trần thế yêu thương con cái mình rất nhiều – thì Thiên Chúa phải đau khổ, và chắc chắn Ngài phải đau khổ vì thấy những tạo vật – mà Ngài đã dùng quyền năng của mình rút ra khỏi hư không – phải đau khổ. Và nếu bản tính của Thiên Chúa là vô hạn về mọi phương tiện, thì sự đau khổ của Ngài cũng phải vô hạn, cũng như tình yêu của Ngài là vô hạn” (Papini, Le Diable, tr. 74).

Không có gì tai hại hơn sự dốt nát về thần học mà người ta nhận thấy trong những hàng chữ trên! Không biết gì về Thiên Chúa thì mới nói về Ngài bằng những lời không thích hợp như vậy. Nói như thế là đã nhân hình hoá (anthropomorphisme) Thiên Chúa tới độ không thể chấp nhận được, là gán cho Thiên Chúa những khiếm khuyết của thứ tình yêu mà chúng ta vẫn quan niệm và vẫn có.

Thiên Chúa vượt lên trên tất cả mọi phạm trù và mọi quan niệm của chúng ta. Tình yêu vô biên của Ngài có nguyên tắc của nó, có cách biểu lộ của nó. Hành vi tạo dựng đã đặt các hữu thể hữu hạn – như loài thiên thần và loài người – vào đúng chỗ của nó. Hành vi đó chỉ có thể là một hành vi yêu thương, vì Thiên Chúa không thể làm gì khác hơn những hành vi như thế. Nhưng tình yêu của các tạo vật đòi hỏi họ phải có tự do. Tình yêu đó không thể ảnh hưởng lên bản chất của Thiên Chúa chút nào cả, không thể gây biến đổi nào trong bản tính bất biến của Ngài. Nghĩ khác đi chính là lẫn lộn hữu hạn với vô hạn, tạo vật với Tạo Hoá, các hữu thể với HỮU THỂ! Tình yêu đúng với bản chất của nó nơi Thiên Chúa lại chính là Thiên Chúa. Chúng ta nhân cách hoá Tình Yêu đó thành Đấng An Ủi hay Thánh Thần, cũng như chúng ta nhân cách hoá Sự Khôn Ngoan là chính Thiên Chúa thành Ngôi Lời của Ngài. Nhưng Tình Yêu thuần tuý và vô biên này chỉ có thể là Hạnh Phúc Vô Tận, nó khai trừ hoàn toàn mọi khổ não và đau đớn. Papini đã đưa chúng ta tới những phi lý hoàn toàn trên phương diện thần học, khi ông nói tiếp:

“Chúng ta không hề nghĩ cho đủ sự đau khổ vô hạn của Thiên Chúa. Chúng ta không hề thương xót cho sự đau đớn ấy của Thiên Chúa. Phần đông những người tự nhận mình là con cái Thiên Chúa lại không hề lo lắng tìm hiểu hay an ủi những đau khổ vô hạn của Thiên Chúa. Chúng ta xin Thiên Chúa Cha những món quà, xin Ngài can thiệp, tha thứ, nhưng không có ai chia sẻ nỗi lo âu vĩnh cửu của Thiên Chúa bằng một tình cảm âu yếm của một người con sáng suốt”.

Ông nhìn nhận rằng các thánh đã suy gẫm rất nhiều về thánh giá Đức Kitô, rằng các ngài muốn hiệp thông với những đau khổ của Chúa Kitô với tư cách Đức Kitô là người. Nhưng ông trách các thánh là đã gán cho những đau khổ của Thiên Chúa một “sự thể hiện quá vật chất” (épiphanie physique). Theo ông, “Thập giá chỉ là một biểu tượng hữu hạn, sờ mó được của Khổ hình Thập Giá đi trước và theo sau biểu tượng ấy”.

Nói như thế, Papini không ngờ rằng ông đã đi xa hơn các nhà thần khổ luận ngày xưa rất nhiều, là những người đã bị kết án là rối đạo. Trước tiên là những người chủ trương Đức Kitô chỉ có một bản tính (monophysites ou eutychiens), vì họ cho rằng nơi Đức Kitô bản tính con người bị chìm ngập và tan biến trong bản tính Thiên Chúa, đến nỗi cả hai chỉ còn là một bản tính duy nhất. Họ nghĩ rằng có thể nói: bản tính Thiên Chúa đã chịu đau khổ trên thập giá. Nhưng Papini còn cho rằng đau khổ nằm ngay trong yếu tính của Thiên Chúa. Ông dùng thuyết lạc giáo của các nhà thần khổ để canh tân lại thuyết lạc giáo của các nhà Patripassiens hay Sabelliens (phụ nạn thuyết). Những nhà thần học này nhân danh sự duy nhất của bản thể Thiên Chúa dạy rằng Thiên Chúa Cha đã chết trên thập giá cũng như Thiên Chúa Con!

Người ta thấy tư tưởng của Papini đầy tưởng tượng lãng mạn. Ông không chỉ muốn chúng ta tin Thiên Chúa, mà còn muốn chúng ta thương xót Ngài nữa!

Đúng là đảo lộn vai trò một cách dị hợm bằng một phạm thượng bất ngờ! Vì Thiên Chúa là Tình Yêu Vô Biên, nên Ngài cũng là Hạnh Phúc Vô Biên, Ngài không cần chúng ta thương xót Ngài chút nào cả. Ngài muốn lòng trắc ẩn của chúng ta hướng về Người Con của Ngài chết trên thập giá. Ngài muốn lòng trắc ẩn của chúng ta đối với Con của Ngài không phải chỉ là hão huyền và vô bổ, nó phải đi kèm với sự hối hận đúng như những lầm lỗi của chúng ta đòi hỏi, vì nguyên nhân khiến Con Ngài phải đau khổ chính là những lỗi lầm đó, chứ không phải chỉ là sự điên rồ của Satan, hay sự phản bội của Giuđa, hay sự ghen ghét của người Pharisiêu. Nhưng tất cả những chuyện đó đều xảy ra trong trật tự của những vật hữu hạn, của tạo vật. Không có gì thuộc về hữu hạn và tạo vật lại có thể biến đổi được cái vô hạn và bất sinh bất diệt.

Papini thật là phi lý khi đề nghị chúng ta thương xót Thiên Chúa!

PAPINI VÀ LUCIFER

Ông không phi lý chút nào khi cho rằng chúng ta phải cầu nguyện cho Satan, phải xin Thiên Chúa tha thứ cho Satan, phải ý thức rằng Satan không phải chỉ là kẻ tội lỗi nhất, mà còn là kẻ đáng thương nhất!

Thật vậy, Papini nhận thấy rằng Satan là kẻ tội lỗi nhất. Nhưng theo ông, chúng ta phải thông cảm với Satan. Và một khi đã thông cảm, thì không thể nào không cảm động khi thấy kẻ tội lỗi kinh khủng này cũng là kẻ khốn khổ kinh khủng!

Mà chỉ tư tưởng này thôi cũng đủ để xoay ngược lại vấn đề, thay đổi toàn bộ tình huống. Satan tội lỗi! Chúng ta có quyền và có bổn phận lên án hắn! Nhưng Satan đau khổ, nên chúng ta có bổn phận thương xót hắn và xin Thiên Chúa tha thứ cho hắn!

Thật vậy, theo Papini, nếu Thiên Chúa yêu thương Satan vô biên trước khi hắn sa ngã – phải coi điều này là hiển nhiên, vì hắn là tạo vật đẹp đẽ nhất của Ngài – thì “Ngài lại không thương hắn hơn thế nữa khi hắn trở nên kẻ khốn khổ và tuyệt vọng nhất trong số tất cả những kẻ khốn khổ sao?”.

Người ta thấy trong lập luận đó có nguỵ biện. Lập luận đó là: Thiên Chúa yêu thương những kẻ khốn khổ, mà Lucifer là kẻ khốn khổ nhất, nên Thiên Chúa phải thương hắn hơn tất cả những người khác!

Lương tri đơn giản của con người có thể trả lời rằng Thiên Chúa yêu thương những kẻ khốn khổ khi họ không đáng phải chịu khốn khổ, hay chính họ không muốn chịu khốn khổ, hay khi họ biết biến sự khốn khổ đó thành một hành vi yêu thương, và hành vi yêu thương cao cả nhất là hành vi của Đức Kitô đã làm trên thập giá! Phải, Thiên Chúa yêu thương vô hạn Đức Kitô của Ngài trên thập giá! Nhưng làm sao Thiên Chúa có thể yêu thương được kẻ đã chọn hận thù thay vì yêu thương, phản loạn thay vì vâng phục, kiêu ngạo thay vì khiêm tốn? Đó là chuyện không thể xảy ra, cũng không thể quan niệm được!

SỰ KHỐN KHỔ CỦA SATAN

CÓ THỂ CHỮA LÀNH ĐƯỢC KHÔNG ?

Papini yêu cầu chúng ta thương xót Satan vì hình phạt hắn phải chịu. Ông đã giả thiết: những người theo thần học chính thống như chúng ta đã dạy rằng trước một Thiên Chúa đang thịnh nộ và không thể nguôi giận được, trước một Thiên Chúa cố chấp trong sự công bình của Ngài, có một Lucifer đáng thương kia rất khốn khổ, rất muốn được tha thứ, nhưng Thiên Chúa lại từ chối không chịu tha thứ cho hắn nếu chúng ta không cầu xin Ngài điều đó.

Papini chủ trương như thế thì cũng giống như Léon Bloy, nhưng tính chất ngông của tân ngộ đạo thuyết ít hơn, tính huyền hoặc cũng ít hơn. Tất cả đều đơn giản hơn rất nhiều. Chính Papini cũng biết điều đó, vì ông đã mô tả nỗi thống khổ của Satan như sau:

“Hình phạt mà Lucifer phải chịu hết sức khủng khiếp, đến nỗi không một thần thánh hay người nào có thể quan niệm được: hắn không yêu thương nữa, không còn khả năng yêu thương ai được nữa, hắn bị đóng đinh và bị nuốt vào trong bóng tối vô tận của sự vắng bóng tình thương và của hận thù… Trên trái đất này, không có một tên bất lương nào bị nguyền rủa như hắn, nguyền rủa tới mức độ không bao giờ hắn có được một tâm tình thúc đẩy, một ánh sáng hy vọng mờ nhạt nhất. Những ánh sáng dù mong manh nhưng vô giá ấy Lucifer không bao giờ có được” (Sách đã dẫn, tr. 77. Chúng tôi gạch dưới những điều muốn nhấn mạnh).

Papini đã nhìn thấy cái lý do chủ yếu khiến hoả ngục trở thành vĩnh cửu. Thỉnh thoảng người ta đặt vấn đề: “Làm sao chấp nhận được một lỗi lầm phạm trong khoảnh khắc lại có thể bị phạt đời đời?” Hỏi như thế là chưa hề biết lý thuyết của Giáo Hội và Hoả Ngục. Lầm lỗi phạm trong giây lát không bao giờ bị phạt đời đời trong hoả ngục cả, vì đó là một lỗi lầm được hối hận ngay sau đó, và bị xoá bỏ vì sự ăn năn của chính người phạm lỗi, hay đúng hơn vì tình thương vô hạn của Thiên Chúa. Chỉ có tội lỗi vĩnh cửu mới phải chịu hình phạt vĩnh cửu. Lucifer chỉ biết có hận thù, ai cũng biết điều đó! Không những hắn không thể làm gì khác hơn, mà hắn cũng không muốn gì khác hơn là hận thù. Mà hận thù chính là lầm lỗi vô tận của hắn, và cũng là nguyên nhân trầm luân vô tận của hắn.

Vả lại, lòng hận thù vô tận đó cũng chính là sự kết án vô tận. Hoả ngục không phải là một cái gì được thêm nữa – có thể nói như vậy – vào cái lầm lỗi mà hắn đang bị ràng buộc một cách nội tại do sự thế phải vậy. Lucifer không thể không khốn khổ, cũng như hắn không thể không hận thù. Khi không thể yêu thương nữa, thì hắn đã tự bít lại vĩnh viễn cho mình con đường hối cải. Nơi Léon Bloy, chúng ta cũng thấy sự sai lầm đó. Chúng tôi tự hỏi: Theo các ông, làm sao một người tự bản chất là Không-Tình-Thương lại có thể trở thành chính Tình Thương, tức Đấng An Ủi, và Đấng này không ai khác hơn là Chúa Thánh Thần? Đó là sự đảo lộn sự vật mà chỉ có những người tưởng tượng mất thăng bằng mới có thể chấp nhận được thôi. Nơi Papini, sự quái đản đó nhỏ hơn. Ông không đi tới chỗ đồng hoá Lucifer với Đấng An Ủi – đó là một phạm thượng ghê tởm – nhưng ông muốn rằng hình phạt về lòng hận thù đối với Lucifer phải được Tình Yêu Vô Biên cảm nghiệm thấy cũng như chính kẻ có tội đang cảm thấy. Dựa trên đó, ông đề nghị chúng ta thương xót Thiên Chúa bằng cách thương xót Lucifer.

Trong số những con quỷ mà những vị trừ quỷ của chúng ta đã chất vấn, ít nhất có một con quỷ đã kêu lên: “Đặc biệt ta không muốn cho con người thương hại ta!”.

Thật vậy, Satan không muốn chúng ta thương hại hắn đâu! Cuốn sách của Papini cho thấy ông đã gây cho ma quỷ một nỗi khổ tâm nhất: đó là nỗi khổ bị thương hại bởi những kẻ có thể chết được như chúng ta, thấp kém hơn hắn rất nhiều!

Giải pháp mà Papini đề nghị, vì thế, không có căn bản chút nào. Nó được xây dựng trên một quan niệm sai lầm về bản tính thiên thần. Cũng như ông đã quan niệm sai lầm từ căn bản về bản tính Thiên Chúa khi cho rằng bản tính đó có thể đau khổ được. Cũng như ông đã quan niệm sai lầm từ căn bản về bản tính thiên thần, nên cũng sai lầm về bản tính ma quỷ, vì ông giả thiết bản tính đó giống như bản tính loài người, là bị lệ thuộc vào sự thay đổi và sự khác nhau trong những quyết định và lựa chọn của mình.

Sự khôi phục vào thời cuối cùng của những kẻ bị trầm luân là một vấn đề thường được bàn cãi sôi nổi vào thời đại chúng ta. Trong đó, hầu hết các thần học gia Tin Lành đều chủ trương thời gian trừng phạt ở Hoả Ngục có giới hạn. Để kết thúc vấn đề này, chúng tôi xin trưng dẫn một trang sách rất đúng đắn của Jean Guitton mới xuất bản đây. Ông viết:

“Cái ý niệm soi sáng và làm nền tảng cho niềm tin Kitô giáo về sự vĩnh cửu của hoả ngục, đó là: sự thất bại của kẻ gian ác phải là thất bại toàn diện. Ở đây tôi gọi là gian ác, kẻ nào chọn lựa sự ác vì đó là sự ác, một cách sáng suốt, tự do, và kiên trì với chọn lựa đó cho tới cùng. Mà, mọi sự xấu hổ và đau khổ dù lớn đến đâu, nếu có tính thời gian, thì sẽ có lúc phải tiêu tan đi. Nếu kẻ gian ác không bị tồn tại vĩnh cửu trong điều ác mà hắn đã chọn lựa, thì chính hắn sẽ là kẻ chiến thắng thật sự. Nếu thế thì cuối cùng hắn sẽ có quyền nói với Thiên Chúa: ‘Ngài thấy đó, tôi đã hoàn thành một việc khó. Chính tôi là kẻ can đảm nhất, kiên nhẫn nhất. Sự cao cả và thi vị của đau khổ là chính tôi, chỉ một mình tôi thôi, là người đã giới thiệu, trình bày sự cao cả và thi vị đó trong suốt cuộc thương khó lâu dài của tôi, là người không phải chỉ đau khổ có một ngày. Thực ra, tôi đã có lý do khi chọn điều ác, là điều đã đem lại cho tôi biết bao giây phút vô tận. Chính tôi là người khéo léo nhất, chính tôi là người cao cả nhất. Sự đền tội của tôi đã chấm dứt. Vì thế tôi sẽ có lý do cho đến đời đời, và trước mặt Ngài ‘ai có thể sánh được với chúng tôi!”” (Trong Revue de Paris, tháng mười hai năm 1958. Jean Guitton, La Vie éternelle).

Trong chương cuối cùng, chúng ta hãy nghiên cứu sơ lược về tính tình của ma quỷ, và thử đưa ra một cái nhìn tổng quát, thế nào thì thế, về Tâm lý của Satan.

GHI CHÚ

Những trang dành cho Léon Bloy ở trên đã gây phản kháng mạnh mẽ nơi các ông Van der Meer de Walcheren hiện là linh mục Dom Pierre Matthias, và ông Bisson, một hoạ sĩ vẽ tranh tôn giáo được ưa chuộng, cả hai ông đều nhờ Léon Bloy mà trở lại Kitô giáo. Họ cho rằng những đoạn văn bị kết án của Léon Bloy đã bị ông R. Barbeau chú giải một cách sai lạc trong cuốn sách mà chúng tôi đã trưng dẫn. Thật vậy, theo một nguồn tin có thẩm quyền cấp cao ở Rôma, thì các tác phẩm của Léon Bloy đã bị đưa ra trước toà án của Toà Thánh, và Đức Hồng Y Billot cho biết chúng không bị kết án, vì lý do poetice loquitur – ông ta nói với tư cách thi sĩ. Cuốn sách của Papini về ma quỷ không bị kết án cũng vì lý do đó. Vậy chúng ta cũng đừng nên nghiêm khắc hơn Toà Thánh.

Theo dõi
Thông báo
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Bình chọn nhiều nhất
Inline Feedbacks
View all comments

Xem thêm...

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors
Search in posts
Search in pages
Filter by Categories
Abouts
Audio Bài giảng
Bài giảng
Blog
Các Vua
Chúa Giêsu
Cựu ước
Gương Chúa Giêsu
Hạnh các Thánh
Hoạt hình
Hoạt hình Công giáo
Hôn nhân
Kinh thánh
Kinh Thánh 100 Tuần
Lời Chúa
Lòng thương xót Chúa
Mẹ Fatima
Mẹ Lộ Đức
Mẹ Maria
Mùa Chay
Mùa Giáng sinh
Mùa Phục sinh
Mùa thường niên
Mùa vọng
Phim Công giáo
Phim Cựu ước
Phim Giáo dục Đức Tin
Phim Giáo dục gia đình
Phim Tân ước
Phút cầu nguyện
Quà tặng cuộc sống
Sách Audio
Suy niệm
Suy niệm năm A
Suy niệm năm C
Tâm lý - Tình cảm
Tân Ước
Tạo dựng
Thần học Online
Thánh ca Mp3
Thánh Giuse
Thánh Nhân
Thủ lãnh
Tiên tri
Tin tức
Tổ phụ
Video Công giáo
Video Thánh ca
Video Ý nghĩa
VietCatholic New