Tuần 101: SÁCH CÔNG VỤ TÔNG ĐỒ (Chương 1-8)
TỔNG QUÁT
1. Tầm quan trọng của sách Công vụ
Sách Công Vụ là cuốn sách duy nhất trong bộ Tân Ước đã nối kết câu truyện về Chúa Giêsu với câu truyện về Giáo Hội sơ khai. Nhờ đó không những chúng ta có thêm thông tin về Giáo Hội sơ khai mà còn hiểu thêm về những sách khác trong Tân Ước.
Tuy nhiên, tầm quan trọng của sách Công Vụ không chỉ ngừng lại ở đây. Chúng ta tin rằng những gì được ghi lại trong Sách Thánh không chỉ là những lời liên quan đến quá khứ nhưng còn là lời Chúa nói với ta ngày nay. Vì thế những câu truyện trong sách Công Vụ là những mẫu điển hình, qua đó ta hiểu được cách thế Thiên Chúa hướng dẫn Dân Ngài, ngày xưa cũng như ngày nay. Dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, thánh Luca đã viết sách Công Vụ trong ý hướng này. Trong số rất nhiều câu truyện, ngài đã chắt lọc những gì quan trọng nhất để làm mẫu mực cho đời sống Kitô hữu. Ngài tập trung vào một số câu truyện và mô tả thật sâu. Ngài nối kết truyện kể với các diễn từ, nhờ đó làm nên tổng thể cho những vấn đề được trình bày. Khi viết như thế, thánh Luca không chỉ đóng vai một sử gia thuần tuý nhưng còn như một mục tử cung cấp mẫu sống đức tin cho cộng đoàn tín hữu. Vì thế sách Công Vụ không chỉ đơn thuần là một tư liệu lịch sử nhưng trước hết và trên hết, là bài tường thuật đức tin. Thật vậy, ta có thể coi sách Công Vụ là bản trình bày lối sống Kitô hữu bước theo Chúa Giêsu, được thể hiện cách sinh động nơi các Kitô hữu thuở ban đầu.
2. Lược đồ tổng quát
1,12 – 8,3 Giáo Hội tại Giêrusalem được khai sinh và phát triển trong tác động của Thánh Thần
8,4 – 9,31 Cuộc bách hại và sự phát triển của Giáo Hội tại Giuđêa và Samaria
9,32 – 15,35 Dân ngoại: Phêrô và Cornêliô, Barnabê và Saulê, Công đồng Giêrusalem
15,36 – 18,23 Sứ mạng của thánh Phaolô: hành trình truyền giáo lần II
18,24 – 21,14 Thánh Phaolô tại Giêrusalem: hành trình truyền giáo lần III
21,15 – 26,32 Tù nhân Phaolô làm chứng cho sự phục sinh
27,1 – 28,31 “Con sẽ làm chứng tại Roma”
NHỮNG CHỦ ĐỀ CHÍNH
1. Chương trình cứu độ được hoàn thành
Sách Công Vụ khởi đầu bằng sự kiện Thăng Thiên và Lễ Ngũ Tuần. Thánh Thần là sự thể hiện tối hậu những lời hứa cho Abraham. Chính Ngài xức dầu các vị thủ lãnh của Dân Chúa, ban sức mạnh cho các Kitô hữu để họ rao giảng, chữa lành, xua trừ thần dữ, và làm chứng cho Đức Kitô Phục sinh đến tận cùng trái đất. Như thế, Ngài khôi phục Israel và chúc phúc cho mọi dân tộc bằng cách đưa họ vào Dân Thiên Chúa mà không cần phải chịu phép cắt bì.
2. Đức Kitô Phục sinh hoạt động qua các môn đệ trong tác động của Thánh Thần
Sau khi về trời, Chúa Giêsu tiếp tục hoạt động qua các môn đệ của Người bằng cách ban Thần Khí của Người cho họ, để họ rao giảng và chữa lành nhân danh Người; cách riêng qua thánh Phaolô là người “rao giảng ánh sáng cho dân Do Thái cũng như cho dân ngoại” (26,23). Ai khước từ các môn đệ Chúa Giêsu là khước từ chính Chúa và bị loại ra khỏi sự hiệp thông với Dân Chúa (3,23).
3. Duy trì sự liên tục ngay giữa những thay đổi
Ngày nay, không ít Kitô hữu cảm thấy ngỡ ngàng và bực bội trước những thay đổi quá nhanh trong Giáo Hội. Vào thời thánh Luca cũng thế, cách riêng với những Kitô hữu gốc Do thái. Sách Công Vụ cho thấy chính Thiên Chúa khởi xướng những thay đổi lớn lao này, từ chỗ chỉ là một nhóm môn đệ người Do thái đến chỗ trở thành một Giáo Hội với đa số là người gốc dân ngoại, có mặt khắp đế quốc Rôma, nhất là khi thánh Phêrô và Phaolô đón nhận dân ngoại vào Giáo Hội mà không cần chịu phép cắt bì. Tuy nhiên, thay đổi mà vẫn duy trì tính liên tục. Nhóm Mười Hai và những Kitô hữu gốc Do thái là sợi giây nối kết hiện tại với truyền thống.
4. Kitô giáo phát triển vượt qua mọi trở ngại
Sách Công Vụ thường xuyên ghi nhận rằng “Lời Thiên Chúa tiếp tục được trải rộng”, bất kể bị bắt bớ hay bách hại thế nào.
5. Thiên Chúa hướng dẫn Dân Ngài
Toàn bộ sách Công Vụ làm nổi bật sự chỉ đạo của Thiên Chúa. Các tông đồ không tự ý đi đến nơi các ngài muốn. Chúa không cho phép Phaolô đi đến châu Á nhưng hướng dẫn ông đi Macêđônia và Hi Lạp (chương 16). Thiên Chúa chỉ đạo Dân Ngài qua Thánh Thần, những thị kiến, giấc mơ, các thiên thần, những lời tiên tri. Tất cả đều cho thấy những quyết định và hành động của Giáo Hội sơ khai không phải là ý tưởng nhân loại nhưng là hành động theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa.
6. Biện hộ cho Kitô giáo, cách riêng thánh Phaolô
Sách Công Vụ biện hộ cho thánh Phaolô và các Kitô hữu gốc Do thái (khi họ bị kết án là phản đạo) bằng cách nhấn mạnh sự trung thành của họ với Lề luật, đồng thời nhấn mạnh rằng việc đón nhận dân ngoại mà không cần cắt bì là quyết định của Thiên Chúa. Sách Công Vụ cũng biện hộ cho sự vô tội của Phaolô đối với luật Rôma. Việc các thẩm phán Rôma kết luận Phaolô “vô tội” (Cv 22-26) cho thấy các Kitô hữu không phải là mối đe dọa cho sự an ninh của đất nước.
PHÉP RỬA TRONG THÁNH THẦN (2, 1-21)
Cuối cùng, điều mà Chúa Cha đã hứa, điều mà Đức Kitô đã nói đến và các môn đệ trông mong (Cv 1,4), điều ấy đã đến, đó là Phép Rửa trong Thánh Thần.
Vào ngày lễ Ngũ Tuần, người Do thái đi hành hương lên Giêrusalem để kỷ niệm việc Thiên Chúa thiết lập Dân Ngài qua việc ban Lề luật trên núi Sinai. Trong ngày ấy, khi cộng đoàn các môn đệ Chúa Giêsu đang họp nhau cầu nguyện (x.1,14), thì “bỗng từ trời phát ra một tiếng động như tiếng gió mạnh ùa vào… Rồi họ thấy những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một” (2,2-3). Từ rất lâu trong Cựu Ước, người Do thái đã liên kết “gió” với “thần khí”. Gioan Tẩy giả đã nói tiên tri về lửa và Thánh Thần: Đấng đến sau tôi nhưng quyền năng hơn tôi, “sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3,16). Như thế, đây chính là lúc lời tiên tri được thực hiện.
Khi “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói đến các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (2,4). Việc nói các thứ tiếng khác ở đây là ân huệ Thánh Thần nhằm thi hành sứ vụ truyền giáo. Thật ích lợi biết bao nếu các nhà truyền giáo có thể rao giảng Lời Chúa bằng nhiều ngôn ngữ! Ở đây xem ra thánh Luca không nghĩ đến điều mà thánh Phaolô gọi là “ơn ngôn ngữ” trong thư 1Cor 12-14. Thánh Phaolô không mô tả “ơn ngôn ngữ” như nói thứ tiếng nào của loài người, nhưng là cách thế cầu nguyện với Thiên Chúa mà không cần đến lời nói và lý luận.
Điều quan trọng trong trình thuật này là sự đảo ngược những gì đã xảy ra trong trình thuật tháp Babel (St 11,1-9). Ở Babel, người ta nói cùng một ngôn ngữ nhưng lại không hiểu nhau. Còn trong lễ Ngũ Tuần, cả những người sử dụng các ngôn ngữ khác vẫn hiểu được lời của các Tông đồ: “Tại sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?”
THÁNH THẦN TÁC ĐỘNG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN (2,42-47)
Thánh Luca trình bày hình ảnh lý tưởng về cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, và hình ảnh này vẫn là gợi hứng cần thiết cho Giáo Hội ngày nay. Khi một cộng đoàn Kitô hữu chân thành sám hối và mở lòng ra cho quyền năng Thánh Thần, thì sẽ có những thay đổi lạ lùng trong cộng đoàn và lôi kéo nhiều người khác đến với Chúa. Những yếu tố trong đời sống cộng đoàn được thánh Luca đề cao là: giáo huấn tông đồ, chia sẻ đời sống với nhau, bẻ bánh (Thánh Thể), cầu nguyện chung. Họ cảm nhận quyền năng của Thánh Thần qua những điềm thiêng dấu lạ (Cv 2,19; Joel 3,3).
“Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, để mọi sự làm của chung” (2,44). Điểm chính yếu ở đây là không ai phải thiếu thốn, không có cảnh người thì thừa mứa, kẻ lại thiếu ăn. Thánh Luca còn nhấn mạnh một hoa trái khác của Thánh Thần là niềm vui và sự ca tụng Chúa. Đừng quên rằng cộng đoàn đầu tiên này là Kitô hữu gốc Do thái. Họ vẫn gắn bó với truyền thống Do thái giáo, được người Do thái kính trọng và lôi kéo nhiều người Do thái khác vào cộng đoàn: “Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (2,47).
CUỘC TỬ ĐẠO CỦA THÁNH TÊPHANÔ VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA GIÁO HỘI (7,54 – 8,3)
“Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa và thấy Chúa Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông nói: “Kìa, tôi thấy trời mở ra và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa” (7,54). Trong Tân Ước, Chúa Giêsu nhiều lần dùng từ “Con Người” để nói về Ngài. Nhưng đây là lần đầu tiên, một người khác ngoài Chúa Giêsu nói về Chúa bằng từ “Con Người”.
Thánh Luca xây dựng trình thuật này bằng cách đối chiếu cái chết của Têphanô với cái chết của Chúa Giêsu. Têphanô bị lôi ra ngoài thành (Cv 7,58) cũng như Chúa Giêsu bị đóng đinh ngoài thành Giêrusalem. Khi bị hành hình, Têphanô cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy linh hồn con” (7,59), giống như lời cầu của Chúa Giêsu: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Cả hai vị đều tha thứ cho những người giết hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34) và “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (Cv 7,60). Điều đáng quan tâm ở đây là Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha, còn Têphanô cầu nguyện với Chúa Giêsu.
Với thánh Luca, lời cầu xin tha thứ này rất quan trọng. Ngài nối kết lời xin tha thứ của Chúa Giêsu với sự sám hối của người Do thái ở Giêrusalem (Cv chương 2 và 3). Cũng thế, lời cầu xin tha thứ của Têphanô gắn với ơn trở lại của Phaolô (Cv 9,4-6). Chính vì thế, ngay sau lời cầu xin tha thứ của Têphanô, thánh Luca đã nhắc đến Phaolô (8,1). Đây cũng là lý do ngay sau trình thuật về cuộc tử đạo của Têphanô, thánh Luca nói đến cuộc bách hại lan tràn: “mọi người đều phải tản mác về các vùng quê miền Giuđêa và Samari” (8,2). Tuy nhiên, đây lại là cơ hội cho Tin Mừng được lan rộng khắp nơi.
[…] Tuần 101: Sách Công vụ Tông đồ (chương 1 – 8) […]