🙏Xin quý cộng đoàn cầu nguyện cho linh hồn Vinh Sơn (Bố của tác giả website này) vừa được Chúa gọi về.🙏

Câu chuyện người con hoang đàng

1. Buổi đọc Kinh Truyền Tin

Trong bài chia sẻ trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật Đức Thánh Cha Phanxicô đã diễn giải dụ ngôn “Lúa và Cỏ Lùng”. Ngài nêu bật hai điểm. Trước hết, sự dữ không đến từ Thiên Chúa, nhưng do Quỷ Dữ gây ra vào lúc đêm hôm, ở những nơi không có ánh sáng. Thứ hai, Thiên Chúa là Đấng giàu lòng từ bi và rất kiên nhẫn, luôn chờ đợi chúng ta. Đức Thánh Cha nói:

“Anh chị em thân mến,

Trong những Chúa Nhật gần đây, phụng vụ gửi đến cho chúng ta một số dụ ngôn. Đó là những trình thuật ngắn gọn mà Đức Giêsu dùng để rao giảng cho đám đông về Nước Trời. Trong những dụ ngôn của Tin Mừng hôm nay, có một dụ ngôn khá phức tạp, khiến chúng ta không thể hiểu được ngay từ lúc đầu, nhưng Đức Giêsu đã giải thích cho các môn đệ về sau: đó là dụ ngôn lúa tốt và cỏ lùng, đề cập đến sự dữ trong thế gian và đề cao sự kiên nhẫn của Thiên Chúa. Cảnh tượng diễn ra trên một cánh đồng trên đó người thợ gieo hạt giống tốt; nhưng vào một đêm nọ, kẻ thù đã đến và gieo vào đó cỏ lùng, từ này trong tiếng Do Thái có gốc từ chữ “Satan” và nói đến việc chia rẽ. Tất cả chúng ta đều biết rằng quỷ dữ là người gieo cỏ lùng: luôn tìm cách gây chia rẽ con người với nhau, chia rẽ trong gia đình, quốc gia và dân tộc. Những người đầy tớ muốn ngay lập tức nhổ cỏ xấu đi, nhưng ông chủ ngăn cản lại vì “sợ rằng khi nhổ cỏ lùng thì nhổ nhầm cả lúa” (Mt 13,29). Bởi vì chúng ta biết rằng cỏ lùng, khi lớn lên, trông rất giống lúa tốt, nên dễ gây nhầm lẫn.”

Ngài nói tiếp: 

“Giáo huấn của dụ ngôn này có một ý nghĩa kép. Trước hết, dụ ngôn nói rằng sự xấu trên thế giới này không đến từ Thiên Chúa, nhưng đến từ kẻ thù của Ngài là Quỷ Dữ. Quỷ Dữ đến trong đêm để gieo cỏ lùng, trong đêm tối, trong sự hỗn loạn… Nơi đâu không có ánh sáng, quỷ sẽ đến để gieo cỏ lùng. Kẻ thù này rất tinh khôn: hắn gieo sự xấu vào giữa điều tốt, để chúng ta không thể nào tách biệt ra rõ ràng, nhưng cuối cùng, Thiên Chúa sẽ tách biệt khi thời gian đến.

Và ở đây, chúng ta thấy được ý nghĩa thứ hai: sự đối nghịch giữa sự nóng vội của các tôi tớ và sự kiên nhẫn đợi chờ của chủ ruộng, hình ảnh biểu tượng của Thiên Chúa. Đôi khi chúng ta vội vàng kết án, xếp loại, cho người này tốt, người kia xấu… Nhưng chúng ta hãy nhớ đến lời cầu nguyện của người kiêu ngạo: “Lạy Chúa, con xin tạ ơn Chúa vì con tốt lành và không như tên xấu xa kia”. Chúng ta hãy nhớ điều này. Thiên Chúa luôn chờ đợi. Ngài nhìn đến “cánh đồng” cuộc sống của mỗi người với lòng nhẫn nại và từ bi: Ngài thấy rõ hơn chúng ta những điều nhơ uế và xấu xa, Ngài cũng thấy những hạt giống tốt và tin tưởng chờ đợi nó trưởng thành. Thiên Chúa rất kiên nhẫn, biết chờ đợi. Thật tuyệt vời: Thiên Chúa của chúng ta là một người cha kiên nhẫn, luôn chờ đợi chúng ta và chờ đợi chúng ta với con tim rộng mở để đón chào chúng ta, để tha thứ cho chúng ta. Ngài luôn tha thứ cho chúng ta, nếu chúng ta đến với Ngài…”

Đức Thánh Cha tiếp tục: “Thái độ của người chủ cũng là thái độ của niềm hy vọng sâu thẳm chắc chắn rằng sự dữ không phải là khởi đầu và cùng đích. Có cái gì đó hơn thế nữa: nhờ niềm hy vọng đầy kiên nhẫn này của Thiên Chúa mà chính cỏ lùng, chính là những con tim xấu xa, ngập tràn tội lỗi, cuối cùng, có thể trở nên hạt giống tốt. Nhưng hãy lưu ý: sự kiên nhẫn của Tin Mừng không phải là sự làm ngơ trước cái ác; không phải là lẫn lộn giữa tốt và xấu! Trước cỏ lùng đang hiện diện trên thế giới, người môn đệ của Chúa được mời gọi để bắt chước sự kiên nhẫn của Chúa, nuôi dưỡng niềm hy vọng với sự nâng đỡ của một niềm tin không dao động vào chiến thắng chung cuộc của sự thiện, là chính Thiên Chúa.

Thực vậy, vào phút cuối, sự dữ sẽ bị nhổ lên và bị hủy diệt: vào mùa gặt, tức là vào ngày phán xét, các thợ gặt sẽ làm theo lệnh của ông chủ, phân cỏ lùng ra để đem đi đốt. Trong ngày gặt chung cuộc, thẩm phán sẽ là Đức Giêsu, Đấng đã gieo hạt giống tốt trên thế giới và chính Ngài cũng là hạt giống, đã chết đi và đã phục sinh. Vào ngày sau cùng, tất cả sẽ bị xét xử theo tiêu chí này: Chính là tiêu chí mà chúng ta đã xét đoán người khác: lòng thương xót mà chúng ta đã dùng để ứng xử với người khác sẽ được dùng lại với chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria, Mẹ chúng ta, giúp chúng ta lớn lên trong sự kiên nhẫn, trong niềm hy vọng và trong tình thương mến dành cho tất cả anh chị em.”

2. Câu chuyện Người Con Hoang Đàng

Giảng giải cho dân chúng, Chúa Giêsu nói: “Tôi bảo thật anh em, triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”.

Rồi Người kể dụ ngôn sau:

“Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: ‘Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng’. Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.

Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. 

Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy’. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.

Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm chồm anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…’ Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu. Rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy’. Và họ bắt đầu ăn mừng.

Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: ‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì được lại cậu ấy mạnh khoẻ’. Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: ‘Cha ơi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!’

Nhưng người cha nói với anh ta: ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết, nay lại sống, đã mất, nay lại tìm thấy’.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Một trong những giai thoại nổi tiếng nhất trong lịch sử hội họa, đó là câu chuyện danh họa Leonard da Vinci đi tìm người mẫu để họa lại khuôn mặt của Giuđa, kẻ phản bội Chúa. Khi vẽ bức tranh “Bữa Tiệc Ly” trong nhà cơm của tu viện “Ðức Mẹ Ban Ơn” tại thành phố Malina, phía Bắc nước Italia, ông vẽ rất chậm vì không tìm ra các người mẫu thích hợp. Một hôm, ông gặp trong công viên Casellor một thanh niên tên là Fx. Baldisteny có gương mặt bầu dục tuyệt đẹp, với vầng trán an hòa và quí phái, đôi mắt sâu và trong suốt, tóc vàng hoe có gợn sóng. Leonardo da Vinci liền mời chàng trai tuấn tú ấy đến ngồi làm mẫu để vẽ Chúa Giêsu.

Vài năm sau, bức họa vẫn chưa xong, Leonard da Vinci ngày đêm gãi đầu bứt tai, vì không sao tìm ra được một người có gương mặt dữ dằn làm mẫu để vẽ hình Giuđa, kẻ phản bội đã nộp Chúa. Tình cờ vào một buổi chiều nọ, khi bước vào một quán ăn, Leonard da Vinci trông thấy một người đàn ông có gương mặt xấu xí dữ dằn đang nhìn các người khách đánh cá ngựa, hắn chửi thề luôn miệng. Leonard da Vinci vui mừng vì đã tìm thấy một người đàn ông đang cần. Ông gọi hắn ra một góc và đề nghị nếu hắn nhận làm mẫu cho ông vẽ thì sẽ được thưởng nhiều tiền. Gã đàn ông nhận lời và đã cùng với họa sĩ Leonard da Vinci vào trong tu viện “Ðức Bà Ban Ơn”.

Trong lúc Leonard da Vinci chăm chú nhìn gương mặt gã với vầng trán buồn, đôi mắt dữ tợn, tóc tai dựng đứng và chợt nhớ đến một kỷ niệm, thì ông nghe một tiếng nấc nghẹn ngào.

Ông hỏi hắn:

– Có chuyện gì vậy? Bác cảm thấy người không khỏe hay sao?

Gã đàn ông trả lời:

– Không! Tôi khóc vì căm hận cuộc đời tàn tạ hư đốn của tôi.

Leonard da Vinci lại hỏi:

– Thế nghĩa là sao?

Gã đàn ông trả lời:

– Thưa thầy, chắc thầy còn nhớ cách đây ba năm tôi cũng ngồi ghế này làm mẫu cho thầy vẽ hình Chúa Giêsu… Gã đàn ông nhìn bức tranh gần hoàn thành trên tường, thở dài và nói tiếp: “Tôi thật là một tên khốn nạn. Ðam mê và tội lỗi đã biến tôi ra thân tàn ma dại như thế này”.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Chúng ta không biết câu chuyện Người Con Hoang Ðàng kết thúc ra sao? Không hiểu khi tha thứ, phục hồi phẩm giá cho người con thứ đã hư mất, người cha già có thành công trong việc thuyết phục người con cả vui vẻ vào nhà dự tiệc mừng em sống lại hay không? Nhưng chúng ta biết một điều chắc chắn này là đa số trong chúng ta đều có cùng một tâm thức và cung cách hành xử như người con cả. Chúng ta không bỏ Chúa đi hoang, nhưng lối hành xử của chúng ta không phản ảnh tinh thần Tin Mừng của Chúa, nghĩa là chúng ta cũng rất xa Chúa và như thế có khác nào chúng ta cũng hư mất.

Cũng giống như người con cả trong dụ ngôn, cho đến nay chúng ta chưa quyết định bỏ Chúa, nhưng chúng ta cũng chưa bao giờ nhất quyết bước vô nhà, sống với Chúa thực sự: “Con ơi, mọi sự của cha là của con”. Chính lời nói đó của người cha già khiến anh con cả sợ hãi. Anh sợ hãi phải có một con tim, như con tim nhân hiền quảng đại vô bờ bến của người cha. Anh sợ hãi phải có một cái nhìn yêu thương đại đồng và tâm tình bao dung của cha. Anh sợ hãi phải sống mà không hề nuôi các tâm tình thù ghét, báo oán, gian ác trong lòng.

Cũng giống như người con cả của dụ ngôn, chúng ta sợ hãi phải trở nên giống Chúa hoàn toàn, phải chia sẻ mọi sự với Chúa và nên thánh như Cha. Do đó, chúng ta giữ đạo nhưng không sống đạo. Như anh thanh niên Baldisteny, là người đã được làm người mẫu Chúa Giêsu, có thể chúng ta thường xuyên đi dự lễ ngày Chúa Nhật hay cả ngày thường nữa, đọc kinh và lãnh nhận các bí tích, nhưng đạo không thấm vào lòng chúng ta. Ra khỏi nhà thờ, chúng ta ăn nói chua ngoa và hành xử gian dối, không hề biết Tin Mừng của Chúa, và đạo đó quả thật là đạo nhà thờ. Nhưng sống như thế là chúng ta khước từ chấp nhận mầu nhiệm nhập thể và nhập thế của Chúa, như thế là đi hoang rồi.

Theo dõi
Thông báo
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Bình chọn nhiều nhất
Inline Feedbacks
View all comments

Xem thêm...

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors
Search in posts
Search in pages
Filter by Categories
Abouts
Audio Bài giảng
Bài giảng
Blog
Các Vua
Chúa Giêsu
Cựu ước
Gương Chúa Giêsu
Hạnh các Thánh
Hoạt hình
Hoạt hình Công giáo
Hôn nhân
Kinh thánh
Kinh Thánh 100 Tuần
Lời Chúa
Lòng thương xót Chúa
Mẹ Fatima
Mẹ Lộ Đức
Mẹ Maria
Mùa Chay
Mùa Giáng sinh
Mùa Phục sinh
Mùa thường niên
Mùa vọng
Phim Công giáo
Phim Cựu ước
Phim Giáo dục Đức Tin
Phim Giáo dục gia đình
Phim Tân ước
Phút cầu nguyện
Quà tặng cuộc sống
Sách Audio
Suy niệm
Suy niệm năm A
Suy niệm năm C
Tâm lý - Tình cảm
Tân Ước
Tạo dựng
Thần học Online
Thánh ca Mp3
Thánh Giuse
Thánh Nhân
Thủ lãnh
Tiên tri
Tin tức
Tổ phụ
Video Công giáo
Video Thánh ca
Video Ý nghĩa
VietCatholic New