🙏Xin quý cộng đoàn cầu nguyện cho linh hồn Vinh Sơn (Bố của tác giả website này) vừa được Chúa gọi về.🙏

0:00

0:00

Status:
Audio Bài giảng
Đạo diễn:
Phim Công giáo HD
Diễn viên:
Phim Công giáo HD
Thể loại:
Audio Bài giảng, Kinh Thánh 100 Tuần
Sản xuất:
Phim Công giáo HD
Thời lượng:
45 Phút
Năm phát hành:
2013

Tuần 89: Thư Côlôsê và thư Êphêsô

TUẦN 89: (Tuần 14 – Tân Ước)

Tuần 89: Thư Côlôsê và thư Êphêsô

THƯ CÔLÔSSÊ

Tuần 89: Thư Côlôsê và thư Êphêsô

I. THÁNH THI VỀ CHÚA KITÔ (1,15-20)

Cũng như thánh thi trong thư Philipphê 2,6-11, thánh thi này là một trong những tư liệu thần học quan trọng nhất trong Tân Ước về Chúa Kitô.

Chúa Kitô được xưng tụng là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, nghĩa là Người biểu tỏ Thiên Chúa nơi chính bản thân Người. Người được gọi là trưởng tử mọi loài thụ tạo vì mọi sự đều được tạo thành qua trung gian của Người. Tác giả thư Côlôssê thêm vào một vài câu để làm nổi bật tầm vóc vũ trụ của công trình tạo dựng : trên trời và dưới đất, hữu hình và vô hình, dũng lực thần thiêng và quyền năng thượng giới. Tất cả mọi sự được tạo dựng không những trong Người và qua Người mà còn cho Người. Tất cả mọi sự đều tuỳ thuộc vào Người, và chính qua quyền năng sáng tạo của Người mà toàn thể tạo thành tiếp tục đi tới. Như thế, không có gì là do may rủi cả nhưng mọi sự đều ở dưới quyền kiểm soát của Chúa Kitô. Chúa Kitô cũng là đầu của thân thể Người, tức là Hội Thánh. Đây là sự phát triển suy tư thần học của thánh Phaolô nhưng đi xa hơn. Hội Thánh được hiểu ở đây không chỉ là Hội Thánh địa phương như thánh Phaolô thường nói trong các thư khác, nhưng là Hội Thánh hoàn vũ.

Phần thứ hai của thánh thi nói về Chúa Kitô như khởi nguyên của ơn cứu độ. Người là Đấng đầu tiên kinh nghiệm sự sống phục sinh, do đó là trưởng tử trong số những người chết sống lại. Lại một lần nữa, thánh thi nhấn mạnh tính ưu việt của Chúa Kitô và tầm vóc vũ trụ của ơn cứu độ mà Người mang đến : Người đứng hàng đầu, Người làm cho mọi sự viên mãn. Sự hoà giải Chúa Kitô đem đến nhờ việc đổ máu trên thập giá cũng mang tầm vóc vũ trụ, vì sự hoà giải này được áp dụng cho mọi sự, trên trời cũng như dưới đất.

Cùng với thánh thi này, thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu Côlôssê hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha vì Người cho ta được chung hưởng phần gia nghiệp của dân thánh, giải thoát ta khỏi quyền lực tối tăm (1,12-13). Đồng thời ngài khuyến khích ta sống như Chúa đòi hỏi và làm đẹp lòng Chúa về mọi phương diện (1,10-11).

Là Kitô hữu, bạn có ý thức về vị trí tối thượng của Chúa Kitô? Chúa Kitô chiếm vị trí nào trong cuộc đời bạn? Bạn sống niềm tin của mình ra sao?

II. ĐỜI SỐNG TÔNG ĐỒ ĐÍCH THỰC (1,24 – 2,3)

Theo truyền thống tông đồ, các thừa tác viên trong Hội Thánh là những người được Chúa sai đi, và họ phải rao giảng Lời Chúa cho trọn vẹn (1,25). Lời này là mầu nhiệm được mạc khải cho dân thánh, nhưng trước đây được giữ kín. Mầu nhiệm đó chính là Đức Kitô, “Đấng đang ở giữa anh em và ban cho anh em niềm hi vọng đạt tới vinh quang” (1,27). Chính Chúa Kitô là Đấng mà các thừa tác viên trong Hội Thánh phải rao giảng, với mục đích duy nhất là giúp mọi người nên hoàn thiện trong Chúa Kitô. Những lời này trong thư Côlôssê khiến chúng ta – những người muốn tham dự vào sứ mạng tông đồ – phải luôn luôn tự hỏi : khi làm việc tông đồ, có thật sự là tôi rao giảng Chúa Kitô hay chỉ rao giảng sự khôn ngoan thế gian? Mục đích của những việc tông đồ tôi làm là gì? Là giúp người khác nên hoàn thiện trong Chúa Kitô hay nhằm mục đích nào khác?

Tác giả thư Côlôssê còn nhấn mạnh một điều mà ta dễ quên: “Giờ đây tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (1,24). Như thế người tông đồ tiếp tục kinh nghiệm nơi thân xác mình những khổ đau mà chính Chúa Kitô đã trải qua trước phục sinh, và đón chịu những khổ đau đó để sinh ích lợi cho Hội Thánh. Xác quyết này giúp ta khám phá giá trị tích cực của những đau khổ phải chịu trong đời sống tông đồ, và phải nói thêm rằng chỉ khi ta chấp nhận những đau khổ đó thì công việc tông đồ mới đem lại hoa trái dồi dào.

III. ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH (3,18 – 4,1)

Ngày nay, có thể không ít người trong chúng ta cảm thấy khó chấp nhận những lời khuyên trong thư Côlôssê về đời sống gia đình. Cần phải đặt lá thư này trong bối cảnh lịch sử cụ thể của nó. Bối cảnh đó là xã hội phụ hệ, trong đó người vợ phải phục tùng chồng; do đó tác giả cũng khuyên cộng đoàn làm như thế, và coi đó như bổn phận trong Chúa. Tương tự như thế, tác giả khuyên những người nô lệ phải vâng phục chủ trong mọi sự. Tuy nhiên tác giả không chỉ nói đến bổn phận phục tùng của các bà vợ mà đồng thời nhấn mạnh “người làm chồng hãy yêu thương vợ chứ đừng cay nghiệt với vợ” và “những bậc cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.” Một người chồng thật sự yêu thương vợ con, tình yêu thương được thể hiện qua việc chu toàn trách nhiệm làm chồng và làm cha… chắc chắn sẽ không gây đau khổ cho vợ con và cũng đáng được vâng phục.

Thời đại ngày nay nhấn mạnh sự bình đẳng, và giáo huấn của thư Côlôssê cần được đọc trong bối cảnh mới. Sự vâng phục và tình yêu ở đây cần được nhìn từ góc độ hỗ tương: vâng phục lẫn nhau, yêu thương lẫn nhau, tránh gây đau khổ và bực tức cho nhau. Hiểu như thế, giáo huấn của thư Côlôssê về đời sống gia đình vẫn luôn mang tính thời sự.

—–o0o—–

THƯ ÊPHÊSÔ

A. TỔNG QUÁT

Thư Êphêsô được coi là lá thư thánh Phaolô viết trong tù, nhưng các học giả ngày nay đều nhận xét đây không phải là thư của Phaolô cho bằng của một người chịu ảnh hưởng của Phaolô, được viết khoảng năm 80. Mặc dù tác giả chịu ảnh hưởng của Phaolô nhưng chỉ cần đọc thoáng qua cũng có thể thấy những khác biệt về văn phong, từ ngữ, cách diễn tả.

Lá thư bắt đầu bằng lời chào (1,1-2), chúc lành (1,3-14), và tạ ơn (1,15-23). Tiếp đó là một suy tư thần học (2,1 – 3,21) về những lý do dâng lời chúc tụng và tạ ơn: ơn cứu độ trong Chúa Kitô, sự hiệp nhất trong Thân Mình Chúa Kitô, và kế hoạch của Thiên Chúa muốn đem người Do thái và dân ngoại xích lại gần nhau trong Chúa Kitô. Phần cuối (4,1 – 6,9) là lời khuyến dụ về sự hiệp nhất trong Hội Thánh, sống như một nhân loại mới, sự tương phản giữa đời sống cũ và đời sống mới… Phần này kết thúc với lời kêu gọi đứng vững trong cuộc chiến tâm linh (6,10-20) và một ghi chú (6,21-24).

I. NHỮNG SUY TƯ THẦN HỌC VỀ GIÁO HỘI

Thư Eâphêsô có những đóng góp quan trọng vào việc đào sâu mầu nhiệm Giáo Hội. Có thể nói đến năm ý tưởng chính:

– Giáo Hội là nơi biểu lộ sức mạnh và quyền bính của Chúa Kitô (1,20-23): “Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô, và đã đặt Người làm Đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người”

– Giáo Hội là Thân Mình Chúa Kitô và là Dân Thiên Chúa (2,11-22): sự chết và phục sinh của Chúa Kitô đã phá vỡ bức tường ngăn cách, làm cho người Do thái và dân ngoại trở thành một Dân, thành Thân Mình duy nhất của Chúa Kitô: “Nhờ Người, cả đôi bên chúng ta được liên kết trong một Thánh Thần duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.”

– Các tông đồ là nền móng của Giáo Hội (3,1-13): Giáo Hội là phương thế nhờ đó Tin Mừng được rao giảng cho toàn thể vũ trụ. Và Giáo Hội là “tông truyền” theo nghĩa Giáo Hội được xây dựng trên nền móng các tông đồ, và tiếp tục sứ mạng của các tông đồ, tức là sứ mạng rao giảng Tin Mừng.

– Vai trò của các đặc sủng trong Giáo Hội (4,7-16): Chúa Kitô là nguồn mọi đặc sủng, và các đặc sủng trong Giáo Hội nhằm mục đích xây dựng Giáo Hội thành Thân Mình Chúa Kitô.

– Mối tương quan giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (5,21-33): đây là mối tương quan hết sức mật thiết đến nỗi tác giả vận dụng tương quan vợ-chồng để diễn tả, đồng thời chính ở đây mà tương quan vợ chồng tín hữu mang một ý nghĩa mới.

II. ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH ((5,21-33)

Liên quan đến đời sống gia đình, tác giả thư Ephêsô cũng có những lời khuyên giống như trong thư Côlôssê (3,18), tức là khuyên nhủ người vợ phải phục tùng chồng. Tuy nhiên tác giả đặt sự phục tùng này trong sự so sánh mối tương quan chồng-vợ với mối tương quan giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Cũng như Chúa Kitô là đầu của Hội Thánh thì người chồng cũng là đầu của vợ; và xét như thân mình của Chúa, Hội Thánh phục tùng Chúa Kitô thì người vợ cũng phục tùng chồng. Cách trình bày này có thể bị hiểu lầm là mang tính gia trưởng, nhất là đối với con người ngày nay. Để hiểu cho đúng ý hướng của tác giả, cần phải đọc những lời khuyên này trong toàn bộ văn mạch chương 5, trong đó tác giả nói đến sự tùng phục lẫn nhau, “Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau” (5,21), và nhấn mạnh bổn phận người chồng phải chu toàn (5,25-33).

Cũng như trong Col 3,19, người chồng được khuyên nhủ phải yêu thương vợ mình, nhưng khác với thư Côlôssê, tác giả thư Ephêsô trình bày bổn phận yêu thương này bằng cách so sánh với tình yêu Chúa Kitô đối với Hội Thánh. Cũng như Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh đến nỗi hiến mình cho Hội Thánh, thì người chồng cũng phải yêu thương vợ hết mình. Nhờ sự tự hiến, Chúa Kitô đã làm cho Hội Thánh nên thánh thiện, thanh tẩy Hội Thánh bằng nước thánh tẩy và Lời hằng sống, để Hội Thánh trở nên Hội Thánh vinh quang, tinh tuyền, không tì ố. Theo đó, cũng như Chúa Kitô yêu thương thân mình Người là Hội Thánh, thì người chồng cũng phải yêu thương vợ như yêu chính thân thể mình. Khi người chồng yêu thương vợ là họ yêu thương chính mình: “Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh.”

Tác giả thư Ephêsô trích dẫn St 2,24 để nhấn mạnh sự hợp nhất vợ chồng: “Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.” Ngay sau đó, tác giả nói thêm, “Mầu nhiệm này thật cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (5,32). Đây là một trong những nền tảng giúp ta hiểu hôn nhân là một bí tích, nghĩa là dấu chỉ diễn tả mối tương quan giữa Chúa và Hội Thánh, đồng thời ban ơn cho các đôi hôn phối để họ có thể sống và diễn đạt tình yêu cao cả đó trong cuộc đời mình: “Tình yêu vợ chồng đích thực được kết nhập trong tình yêu Thiên Chúa, được hướng dẫn và thêm phong phú nhờ quyền năng cứu chuộc của Chúa Kitô và hoạt động cứu rỗi của Giáo Hội, để hai vợ chồng được dẫn dắt cách hữu hiệu đến cùng Thiên Chúa, cũng như được nâng đỡ và kiện cường trong nhiệm vụ cao cả là làm cha mẹ” (GS 48).

(Audio: Anh Tuấn)

Theo dõi
Thông báo
guest

1 Bình luận
Mới nhất
Cũ nhất Bình chọn nhiều nhất
Inline Feedbacks
View all comments
trackback

[…] Tuần 89: Thư Côlôsê và thư Êphêsô […]

Xem thêm...

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors
Search in posts
Search in pages
Filter by Categories
Abouts
Audio Bài giảng
Bài giảng
Blog
Các Vua
Chúa Giêsu
Cựu ước
Gương Chúa Giêsu
Hạnh các Thánh
Hoạt hình
Hoạt hình Công giáo
Hôn nhân
Kinh thánh
Kinh Thánh 100 Tuần
Lời Chúa
Lòng thương xót Chúa
Mẹ Fatima
Mẹ Lộ Đức
Mẹ Maria
Mùa Chay
Mùa Giáng sinh
Mùa Phục sinh
Mùa thường niên
Mùa vọng
Phim Công giáo
Phim Cựu ước
Phim Giáo dục Đức Tin
Phim Giáo dục gia đình
Phim Tân ước
Phút cầu nguyện
Quà tặng cuộc sống
Sách Audio
Suy niệm
Suy niệm năm A
Suy niệm năm C
Tâm lý - Tình cảm
Tân Ước
Tạo dựng
Thần học Online
Thánh ca Mp3
Thánh Giuse
Thánh Nhân
Thủ lãnh
Tiên tri
Tin tức
Tổ phụ
Video Công giáo
Video Thánh ca
Video Ý nghĩa
VietCatholic New