🙏Xin quý cộng đoàn cầu nguyện cho linh hồn Vinh Sơn (Bố của tác giả website này) vừa được Chúa gọi về.🙏

Câu chuyện về Ðền Thánh Phaolô Ngoại Thành

1. Chúa chuẩn bị chúng ta để thực hiện tốt sứ vụ của mình

Khi Chúa muốn trao cho chúng ta một sứ vụ, Ngài chuẩn bị để chúng ta đón nhận và thực hiện tốt điều đó. Sự đáp lại của chúng ta với Chúa cần phải dựa vào lời cầu nguyện và lòng trung thành. Đó là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh Lễ sáng thứ Sáu, 13 tháng 06, tại nguyện đường Santa Marta.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha dùng câu chuyện của ngôn sứ Ê-li-a, được mô tả trong Sách Các Vua Quyển Thứ Nhất (x.19,11-16) như là một kinh nghiệm điển hình của người tín hữu. Đoạn văn phụng vụ nổi tiếng này miêu tả việc Ê-li-a đến núi Khô-rếp là núi của Thiên Chúa, ông vào một cái hang và nghỉ đêm tại đó. Ông nhận được lệnh của Chúa là ra khỏi hang vì Thiên Chúa đang đi qua. Khi Chúa đi qua, xuất hiện một cơn gió mạnh, một trận động đất, và một ngọn lửa, nhưng Chúa đã không hiện diện trong bất kỳ biến động nào. Cuối cùng là một làn gió nhẹ … ông Ê-li-a đã nhận ra Chúa đi qua trong đó.

Thiên Chúa không ở trong gió bão, trận động đất, hỏa hoạn, nhưng trong tiếng thì thầm của một làn gió nhẹ, dấu hiệu diễn tả sự hòa bình. Có một bản văn thật đẹp mô tả về chủ để Thiên Chúa là sự tĩnh lặng. Làm thế nào Ê-li-a biện phân được những mặc khải kinh thiên đó về sự hiện diện Thiên Chúa. Vì Chúa đã chuẩn bị cho ông ơn biện phân sáng suốt. Và sau đó Chúa trao cho ông sứ vụ.

Sứ vụ mà Thiên Chúa trao phó cho Ê-li-a là xức dầu cho vị vua mới của Israel và kêu gọi một vị ngôn sứ khác tiếp nối sứ vụ của chính ông. Thiên Chúa chuẩn bị tâm hồn, chuẩn bị trái tim và Ngài chuẩn bị điều này bằng một cuộc thanh luyện, bằng sự vâng phục, trong sự kiên trì.

Khi Chúa trao cho chúng ta một sứ vụ, hay một nhiệm vụ, Ngài đã chuẩn bị cho chúng ta. Ngài chuẩn bị để chúng ta thực hiện điều đó cách tốt nhất, như Ngài đã chuẩn bị cho ông Ê-li-a. Điều quan trọng nhất trong câu chuyện này không phải là ông Ê-li-a đã gặp được Chúa: Không phải vậy đâu! Điều quan trọng nhất trong toàn bộ hành trình của Ê-li-a và bài học cho chúng ta là việc đón nhận sứ vụ do Chúa ủy thác. Có một sự khác biệt giữa sứ vụ tông đồ mà Chúa ủy thác riêng cho các mục tử và một nhiệm vụ chung dành cho chúng ta. Và anh chị em hoàn thành nhiệm vụ này, làm với tất cả trách nhiệm của một người trung thực, công chính.

Khi Chúa trao cho chúng ta một sứ vụ, Ngài luôn luôn dẫn chúng ta vào một tiến trình, tiến trình của sự thanh lọc, sự biện phân, sự vâng phục và cầu nguyện.

Trung thành với tiến trình này là để cho Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta. Trong trường hợp của Ê-li-a, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, ông đã vượt qua nỗi sợ đối với nữ hoàng Jezebel, người luôn tìm cách truy sát ông.

Bà là một Nữ hoàng độc ác, đã thanh trừng tất cả các kẻ thù của mình. Và vị ngôn sứ đã sợ hãi.Nhưng Chúa mạnh mẽ hơn. Ngài làm cho vị ngôn sứ hiểu rằng điều cần nhất là cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng đã chuẩn bị cho ông trong sứ vụ. Chúng ta thấy điều này nơi cuộc đời của ông: ông lên đường, tuân theo lệnh Chúa, gặp đau khổ, biện phân, cầu nguyện … và sau cùng ông đã thấy Chúa. 

Xin Chúa ban ân sủng của Ngài để chính chúng ta cũng chuẩn bị mỗi ngày một cách thức sống, nhờ đó chúng ta có thể làm chứng cho ơn cứu độ của Chúa Giêsu.

2. Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: Ai phải trả giá cho tham nhũng

Người nghèo là những người phải trả giá cho những thiệt hại gây ra bởi sự băng hoại của những kẻ quyền thế, là những kẻ khao khát tước đoạt từ người nghèo những thứ họ cần và những quyền lẽ ra họ đáng được hưởng. Đức Thánh Cha đã nêu ra nhận xét trên trong thánh lễ sáng Thứ Hai 16 tháng 6 tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư của mình dựa trên bài đọc trong ngày trích từ sách Các Vua Quyển Thứ Nhất.

Ông Na-vốt người Gít-rơ-en có một vườn nho bên cạnh cung điện vua A-kháp. Nhà vua muốn ông nhường lại vườn nho cho mình nhưng ông Na-vốt thưa với vua A-kháp: “Xin Chúa đừng để tôi phải nhượng gia sản tổ tiên tôi cho ngài!”

Vua A-kháp trở về nhà buồn rầu và bực bội vì lời ông Na-vốt. Bấy giờ hoàng hậu I-de-ven nhân danh vua A-kháp viết thơ, rồi dùng con dấu của vua mà đóng ấn, và gửi cho các kỳ mục và thân hào cư ngụ trong thành. Trong thơ bà viết rằng: “Hãy công bố một thời kỳ chay tịnh và đặt Na-vốt ngồi ở hàng đầu dân chúng. Hãy đặt hai đứa vô lại ngồi đối diện với nó, để chúng tố cáo nó: “Nó đã nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua”. Sau đó, hãy đem nó ra ngoài ném đá cho chết.

Ông Na-vốt bị giết vì lòng tham lam của vua. Đó là một câu chuyện rất buồn dù nó xưa như trái đất. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Câu chuyện này liên tục lặp đi lặp lại trong hàng ngũ của kẻ có quyền có thế trên mọi phương diện vật chất, chính trị hay tâm linh”

Đọc báo, chúng ta thấy nhiều lần: Lại một chính trị gia đột nhiên giàu có như bởi ma thuật đã bị đưa vào tòa án. Còn ông thương gia kia đột nhiên giàu lên như có phép mầu đã bị bắt giam về tội bóc lột công nhân của mình. Chúng ta cũng nghe quá nhiều những chuyện về các vị giám chức đã trở nên giàu có quá, và lơ là công việc mục vụ của mình để chăm sóc cho quyền lực bản thân. Nói tắt một lời: các chính trị gia tham nhũng, các thương gia tham nhũng và các giáo sĩ tham nhũng có thể được tìm thấy ở khắp mọi nơi – và chúng ta phải nói sự thật: tham nhũng là tội lỗi mà những người có quyền trong mọi lãnh vực – cho dù là chính trị, kinh tế, hay Giáo Hội – đều sẵn sàng phạm nhất hơn hẳn những người khác. Tất cả chúng ta đều bị cám dỗ để tham nhũng. Nó là một tội lỗi ‘tiện dụng’, nhưng một người có thẩm quyền, thì cám dỗ để phạm tội lỗi này mạnh hơn vì khi có quyền trong tay người ta cảm thấy mình gần giống như Chúa vậy.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng người ta tham nhũng khi đặt ưu tiên đời mình nơi “sự giàu có, tiền bạc, sức mạnh, phù hoa, niềm tự hào – và sau đó mọi thứ đều trở thành có thể, thậm chí là giết người”.

Đức Thánh Cha tiếp tục với câu hỏi,” ai là người phải trả giá cho tham nhũng” và câu trả lời là, trên thực tế, người nghèo phải trả giá.

“Nếu chúng ta nói về trường hợp tham nhũng trong chính trị hay kinh tế, những người phải trả giá cho tham nhũng của họ là ai? Bệnh viện không có thuốc, các bệnh nhân không được chăm sóc, trẻ em không được giáo dục. Họ là những ông Na-vốt hiện đại, những người phải trả giá cho sự tham nhũng của những người quyền thế. Và những ai phải trả giá cho sự tham nhũng của một vị giám chức? Thế hệ trẻ phải trả giá, đó là những người không biết làm dấu thánh giá, không biết đến giáo lý, không được chăm sóc mục vụ. Những người bệnh không được đến thăm, những tù nhân không nhận được đón nhận của ăn tâm linh. Người nghèo phải trả giá. Tham nhũng được thanh toán bởi người nghèo: nghèo về vật chất và tinh thần”.

Cách duy nhất để thoát khỏi tham nhũng, cách duy nhất để vượt qua sự cám dỗ để phạm tội tham nhũng, là sự phục vụ. Bởi vì, trong phục vụ người ta xác định đúng ưu tiên của đời mình.

Hôm nay, chúng ta dâng Thánh Lễ cho họ – là đông đảo những người đang phải trả giá cho tham nhũng, đang phải gánh chịu chi phí của tham nhũng. Những vị tử đạo vì sự tham nhũng trong chính trị, kinh tế, và Giáo Hội. Chúng ta cầu nguyện cho họ. Xin Chúa đưa chúng ta gần gũi hơn với họ. Chắc chắn, Ngài đã rất gần gũi với Na-vốt, trong thời điểm ông bị ném đá cho đến chết, như Ngài đã gần gũi thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi. Xin Chúa gần gũi và ban sức mạnh cho những ai đang phải mang vác trên vai gánh nặng của tham nhũng, để họ có thể tiến về phía trước với chứng tá của họ.

3. Buổi triều yết chung sáng thứ Tư 18 tháng 6

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong buổi triều yết chung sáng thứ Tư 18 tháng 6, Đức Thánh Cha đã bắt đầu loạt bài mới về Giáo Hội. Ngài cũng đặc biệt đề cập đến các cộng đoàn Công Giáo tại Iraq là những cộng đoàn đã có từ thời các thánh Tông Đồ nhưng giờ đây theo lời Đức Tổng Giám Mục của tổng giáo phận Mosul đã phải bỏ lại cơ ngơi gồm hơn 300 nhà thờ để lánh nạn trước làn sóng khủng bố của người Hồi Giáo trong những ngày vừa qua.

Anh chị em thân mến: Hôm nay bắt đầu một chu kỳ mới các bài giáo lý dành cho Giáo Hội. Giáo Hội không chỉ đơn giản là một tổ chức nhưng là một người mẹ, một gia đình, một mầu nhiệm nhằm ôm ấp toàn thể nhân loại. Được Chúa Giêsu Kitô thành lập, Giáo Hội bắt nguồn từ Cựu Ước, nơi Thiên Chúa đã gọi Abraham lên đường với gia đình mình đến một vùng đất mới và hứa sẽ làm cho ông trở nên tổ phụ của đông đảo nhân loại, những người từ hết thảy các dân tộc được Chúa chúc phúc. 

Điều đáng nói đó là chính Thiên Chúa là Đấng đã đi bước đầu tiên: Ngài đã chọn Abraham và tất cả người nhà ông để theo Ngài trong đức tin. 

Con đường do Thiên Chúa vạch ra không phải lúc nào cũng rõ ràng, không phải lúc nào cũng bằng phẳng nhưng đôi khi cũng có những chướng ngại, trong đó phải kể đến những cám dỗ, những tội lỗi và sự bất trung của dân Ngài. 

Lịch sử của dân Thiên Chúa, tức là Giáo Hội, là một lịch sử của lòng trung tín tuyệt đối của Thiên Chúa, lòng thương xót và tình yêu vô biên của Ngài. Chỉ có sự trợ giúp không bao giờ mệt mỏi của Chúa, chúng ta mới có thể vượt qua tội lỗi mình và kiên trì đi theo con đường Chúa đã chỉ ra cho chúng ta nơi Chúa Kitô. 

Chúng ta hãy xin Chúa nâng đỡ Giáo Hội trên hành trình đức tin trong cuộc lữ hành trần thế, để hướng dẫn Giáo Hội về đến quê trời và ban ân sủng để Giáo Hội trở nên một dấu chỉ của kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa dành cho tất cả con cái Ngài.

4. Sỉ nhục có thể làm chết người

Trong Thánh Lễ sáng thứ Năm, 12 tháng 06, tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha nói rằng, Chúa dạy chúng ta ba tiêu chuẩn để thắng vượt sự xung đột: hành động cụ thể, sự hàn gắn bằng việc thỏa thuận ôn hòa, và tinh thần huynh đệ bắt nguồn từ địa vị làm con.

Làm thế nào chúng ta có thể yêu thương nhau theo lời Chúa Giêsu dạy? Chúa Giêsu dạy chúng ta phải yêu người thân cận của mình, nhưng không phải như cách của người Pharisêu. Chúa Giêsu, đưa ra chúng ta ba tiêu chuẩn:

Trước hết là có hành động cụ thể: một hành động có tính lành mạnh. Nếu trong anh chị em có điều gì đó phiền lòng nhau nhau và anh chị em không thể làm hòa thì hãy tìm một giải pháp – ít ra là cùng với người mình không ưa giải quyết ổn thỏa với nhau khi đang còn đi trên đường. Việc này không phải là chuyện của ý tưởng, nhưng là một hành động cụ thể, một thỏa thuận với nhau để giải quyết xung đột. Tiêu chuẩn như vậy là một hành động cụ thể.

Những nỗ lực để đạt được một sự thỏa thuận nhằm giải quyết xung đột là một điều tốt, mặc dù có những người cho rằng “điều này mang tính phàm tục quá! Nhưng trong thực tế để có một hợp đồng hai bên thì “người ta phải làm một giao kèo – người này thực hiện một bước, thì người kia cũng phải có một bước và ít ra cũng đã có một sự ôn hòa: một thỏa thuận đưa đến sự ôn hòa.

Chúa Giêsu cũng nói điều này, khả năng thực hiện sự thỏa thuận giữa chính chúng ta vượt hơn sự thánh thiện của người Pharisêu, những vị thầy của lề luật. Chúng ta phải đối mặt với nhiều tình huống khó khăn trong cuộc sống và trong khi chúng ta còn trên đường đi, chúng ta đưa ra một thỏa thuận … và theo cách này, chúng ta chấm dứt sự ghanh ghét và xung đột với nhau. Nói xấu một người nào đó là giết chết họ. Nói xấu nhau là đầu mối của sự hận thù. Giết một ai đó, không cần gươm dao, thì theo cách này: với tin đồn, với lời vu khống, sự phỉ báng. Nên nhớ, Chúa cảnh báo chúng ta rằng: “Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt.”

Ngày nay, chúng ta nghĩ rằng ‘không ra tay đánh người anh em mình nghĩa là không giết, xúc phạm hay làm hại gì họ. Nhưng không phải vậy đâu! Xúc phạm, làm hại, hay giết chết bắt nguồn từ việc hận thù. Nếu anh chị em không ghét người anh em mình là anh chị em không giết họ, không xúc phạm họ. Tuy nhiên, một thói quen xấu còn phổ biến giữa chúng ta là hay tìm cách xúc phạm người khác. Có những người, trong lòng căm thù thể hiện qua những lời lăng mạ và làm tổn thương người khác. Chúng ta đừng bao giờ chửi mắng hay xúc phạm người khác bằng những lời lăng mạ của mình. Đừng giết người, đừng xúc phạm họ bằng những lời lăng mạ. Đó là tiêu chuẩn của việc thực hành tốt. 

Tiêu chuẩn thứ ba Chúa Giêsu đưa ra là tình anh em bắt nguồn từ địa vị làm con. Nếu chúng ta không giết anh chị em mình là vì người đó là anh chị em ruột của tôi, vì chúng tôi có cùng một cha. Cũng vậy, tôi không thể đến với Chúa Cha, nếu tôi không làm hòa với anh chị em của tôi. Đừng cầu nguyện với Thiên Chúa khi anh chị em không hòa thuận với với nhau. Nếu không hòa thuận được với nhau, ít nhất anh chị em cũng có một thỏa thuận ôn hòa.

Ba tiêu chuẩn: tiêu chuẩn của việc thực hành; tiêu chuẩn của sự gắn kết, có nghĩa là không giết hại và thậm chí không để xúc phạm, vì những xúc phạm người khác cũng là cách giết người; và tiêu chuẩn của tình anh em bắt nguồn từ địa vị làm con.

Người ta không thể cầu nguyện với Thiên Chúa nếu người ta không nói chuyện được với nhau- và điều này vượt lên trên thái độ thánh thiện so với các kinh sư và người Pharisêu. 

Ba tiêu chuẩn này không dễ dàng, phải không anh chị em? Nhưng đó là cách thức mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống.Chúng ta hãy xin Ngài ban ơn, để có thể đến với anh chị em để xây dựng hòa bình bằng việc thỏa thuận ôn hòa và luôn luôn bằng việc hàn gắn và trong tinh thần huynh đệ bắt nguồn từ địa vị làm con.

5. Đức Thánh Cha: Ơn gọi của kitô hữu là phản ánh tình yêu thương của Thiên Chúa

Ơn gọi của kitô hữu là phản ánh tình yêu thương của Thiên Chúa. Một người yêu thương tha nhân vì chính niềm vui yêu thương, phản ánh Thiên Chúa Ba Ngôi. Một gia đình trong đó người ta yêu thương nhau và trợ giúp nhau là phản ánh Thiên Chúa Ba Ngôi. Một giáo xứ, trong đó tín hữu yêu nhau và chia sẻ các của cải tinh thần và vật chất cho nhau là một phản ánh của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 15-6-2014 lễ kính Thiên Chúa Ba Ngôi Rất Thánh. Trong buổi đọc kinh Truyền Đức Thánh Cha cũng đã mời gọi mọi người hiệp ý với ngài cầu nguyện cho dân nước Irak được hưởng an ninh, hòa bình và hòa giải. Ngài cũng loan báo sẽ viếng thăm mục vụ Albania ngày 21 tháng 9 tới đây. Ngài nói:

Anh chị em thân mến, 

Hôm nay chúng ta cử hành lễ trọng Chúa Ba Ngôi Rất Thánh. Ngày lễ giới thiệu cho sự chiêm niệm và thờ lạy của chúng ta cuộc sống của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: một cuộc sống của sự hiệp thông sâu xa và của tình yêu hoàn hảo, là nguồn gốc và mục đích của toàn vũ trụ và của mọi thụ tạo. Đức Thánh Cha giải thích thêm như sau:

Trong Thiên Chúa Ba Ngôi chúng ta cũng nhận ra mô thức của Giáo Hội, trong đó chúng ta được mời gọi yêu thương nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta. Tình yêu là dấu chỉ cụ thể biểu lộ niềm tin nơi Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần. Tình yêu là dấu chỉ phân biệt của kitô hữu, như Chúa Giêsu đã nói: “Từ dấu này mọi người sẽ biết các con là môn đệ của Thầy đó là các con yêu thương nhau” (Ga 13,35). Thật là một mâu thuẫn nghĩ rằng các kitô hữu thù ghét nhau. Đó là một mâu thuẫn. Và ma qủy luôn luôn tìm điều đó: nó làm cho chúng ta thù ghét nhau, bởi vì nó luôn luôn gieo cỏ lùng của sự thù hận, nó không biết đến tình yêu: tình yêu là Thiên Chúa.

Chúng ta tất cả được mời gọi làm chứng và loan báo sứ điệp “Thiên Chúa là tình yêu”, Thiên Chúa không xa cách hay vô cảm đối với các biến cố của con người. Ngài ở gần chúng ta, Ngài luôn luôn ở bên cạnh chúng ta, đồng hành với chúng ta để chia sẻ các vui buồn cũng như các khổ đau, hy vọng và mệt nhọc của chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta tới độ đã nhập thể, và đến trong thế giới, không phải để xét xử thế giới nhưng để thể giới được cứu thoát nhờ Chúa Giêsu (Ga 3,16-17). Đó là tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Tình yêu này khó hiểu, nhưng chúng ta cảm thấy khi chúng ta tới gần Chúa Giêsu. Người luôn luôn tha thứ cho chúng ta, Người luôn luôn chờ đợi chúng ta. Người yêu thương chúng ta biết bao! Và tình yêu của Chúa Giêsu mà chúng ta cảm thấy là tình yêu của Thiên Chúa.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Chúa Thánh Thần, ơn của Chúa Giêsu phục sinh, thông truyền cho chúng ta cuộc sống thiên linh, và như thế làm cho chúng ta bước vào trong sự năng động của Thiên Chúa Ba Ngôi, là một sự năng động của tình yêu, của sự hiệp thông, của việc phục vụ nhau và chia sẻ. Rồi Đức Thánh Cha cụ thể hóa kiểu sống này như sau:

Một người yêu thương tha nhân vì chính niềm vui yêu thương, phản ánh Thiên Chúa Ba Ngôi. Một gia đình trong đó người ta yêu thương nhau và trợ giúp nhau là phản ánh Thiên Chúa Ba Ngôi. Một giáo xứ, trong đó tín hữu yêu nhau và chia sẻ các của cải tinh thần và vật chất cho nhau là một phản ánh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Tình yêu đích thật không giới hạn, nhưng biết tự giới hạn, để ra đi gặp gỡ người khác, để tôn trong sự tự do của người khác. Chúng ta đi lễ mọi ngày Chúa Nhật và chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể với nhau; và bí tích Thánh Thể giống như “bụi gai cháy” trong đó Thiên Chúa Ba Ngôi ở và thông truyền chính mình; vì thế Giáo Hội đã để lễ kính Mình Máu Thánh Chúa sau lễ Chúa Ba Ngôi. Ngày thứ năm tới đây, theo truyền thống tại Roma, chúng ta sẽ cử hành thánh lễ tại Đền thờ Gioan Laterano rồi đi rước kiệu Mình Thánh Chúa. Tôi mời gọi tất cả mọi tín hữu Roma và các khách hành hương tham dự để bầy tỏ ước muốn của chúng là một dân ”được quy tụ trong sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Thánh Cipriano). Tôi chờ đợi anh chị em tất cả ngày thứ năm lúc 19 giờ cho Thánh lễ và buổi rước kiệu Mình Thánh Chúa.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, là thụ tạo hoàn hảo của Thiên Chúa Ba Ngôi, giúp chúng ta biến toàn cuộc đời mình, cả trong các cử chỉ bé nhỏ và các lựa chọn quan trọng nhất, trở thành một bài ca chúc tụng Thiên Chúa là Tình Yêu.

6. Ðền Thánh Phaolô Ngoại Thành

Ðền Thánh Phaolô gọi là “ngoại thành” vì tọa lạc bên ngoài tường thành do Hoàng Ðế Aureliano xây cất năm 271 để bảo vệ thành Roma chống lại các cuộc tấn công của các lực lượng Man di. 

Ðền Thánh Phaolô được coi là biểu tượng hiệp nhất Kitô Giáo vì hàng năm vào chiều ngày 25 tháng Giêng lễ Thánh Phaolô trở lại, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi hát kinh chiều trọng thể tại đền thờ này để bế mạc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.

Khi đi tới Ðền Thờ này ở ngoại ô Roma, tín hữu hành hương nhớ đến những thăng trầm của vị Ðại tông Ðồ dân ngoại (sinh năm 35 sau Chúa Kitô), các cuộc hành trình truyền giáo của ngài trong toàn vùng Ðịa trung Hải, những lá thư đầy nhiệt huyết ngài gửi tới các cộng đoàn Kitô mới được thành lập bấy giờ, đặc biệt là thư gửi giáo đoàn Roma được thánh nhân viết trong khoảng năm 57-58, trong đó nổi bật các đề tài ơn cứu chuộc, sự tiền định và ơn công chính hóa. Toàn thể đời sống Kitô giáo của chúng ta thấm đượm những tổng hợp đạo lý quan trọng nhất của thánh nhân.

Theo chứng từ của Eusebio, thánh Phaolô tử đạo giữa tháng 7 năm 67 tới tháng 6 năm 68. Thi hài Thánh Phaolô được đặt trong ngôi mộ cạnh đường Ostiense, cũng như nhiều tội nhân bị kết án tử hình khác. Nhưng chẳng bao lâu mộ thánh nhân trở thành nơi hành hương và tôn kính của các Kitô hữu. Trên mộ ngài, người ta thiết lập một nhà tưởng niệm nhỏ (cella memoriae).

Chính hoàng đế Costantino đã khởi công xây dựng một thánh đường trên mộ thánh Phaolô và được thánh hiến ngày 18-11-324 dưới thời Ðức Giáo Hoàng Silvestro I (314-335). Kích thước của thánh đường nguyên thủy này tương đối nhỏ bé. Thánh đường to lớn hơn được xây cất tại nơi đó vào năm 386, tức là nửa thế kỷ sau khi hoàng đế Costantino qua đời.

Công trình bắt đầu năm 390 và được hoàn thành dưới thời Hoàng Ðế Onorio vào năm 395. Thánh đường có 5 gian, có 4 hàng cột phân ra, gồm 80 cột bằng cẩm thạch. Ðó là thánh đường lớn nhất của Kitô giáo trước khi Ðền Thờ Thánh Phêrô được kiến thiết. Suốt trong 15 thế kỷ, Vương Cung Thánh Ðường này không ngừng được săn sóc cẩn thận. Chẳng hạn, vào giữa thế kỷ thứ 5, thánh Giáo Hoàng Lêô Cả cho khởi sự một loạt các cuộc tu bổ và trang điểm đền thờ.

Thời Phục Hưng, Ðền Thánh Phaolô vẫn được để nguyên. Nhưng ngày 15 và 16-7-1823, do sự bất cẩn của một người thợ, Ðền Thờ bị hỏa hoạn thiêu rụi hoàn toàn. Hai kiến trúc sư Bosio và Belli khuyên nên xây lại hoàn toàn mới Ðền thờ, họa lại mô hình của Ðền Thờ cũ. Giới văn hóa, chính trị ủng hộ Ðức Lêô XII để ngài khởi công xây cất lại và ngày 25-1-1825. Thánh đường mới được khánh thành năm 1854, nhưng trong thực tế, công trình tái thiết kéo dài 100 năm, và chỉ vào năm 1928, với việc xây cất 4 cổng 100 cột, kiến trúc sư do Guglielmo Calderini, Ðền Thờ mới được hoàn thành như ta thấy hiện nay.

Theo dõi
Thông báo
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Bình chọn nhiều nhất
Inline Feedbacks
View all comments

Xem thêm...

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors
Search in posts
Search in pages
Filter by Categories
Abouts
Audio Bài giảng
Bài giảng
Blog
Các Vua
Chúa Giêsu
Cựu ước
Gương Chúa Giêsu
Hạnh các Thánh
Hoạt hình
Hoạt hình Công giáo
Hôn nhân
Kinh thánh
Kinh Thánh 100 Tuần
Lời Chúa
Lòng thương xót Chúa
Mẹ Fatima
Mẹ Lộ Đức
Mẹ Maria
Mùa Chay
Mùa Giáng sinh
Mùa Phục sinh
Mùa thường niên
Mùa vọng
Phim Công giáo
Phim Cựu ước
Phim Giáo dục Đức Tin
Phim Giáo dục gia đình
Phim Tân ước
Phút cầu nguyện
Quà tặng cuộc sống
Sách Audio
Suy niệm
Suy niệm năm A
Suy niệm năm C
Tâm lý - Tình cảm
Tân Ước
Tạo dựng
Thần học Online
Thánh ca Mp3
Thánh Giuse
Thánh Nhân
Thủ lãnh
Tiên tri
Tin tức
Tổ phụ
Video Công giáo
Video Thánh ca
Video Ý nghĩa
VietCatholic New