Chương III: Thiện Hảo và Bình An Trong Con Người
Trước hết hãy giữ tâm hồn bình an; sau đó bạn mới có thể đem bình an cho người khác. Một người bình an thi hành nhiều điều tốt lành hơn là một người học thức. Trong khi người dễ nóng giận biến điều tốt thành điều xấu và vội vã tin tưởng vào điều xấu, người bình an, vì chính họ tốt lành, biến đổi mọi điều trở nên tốt.
Ai tuyệt đối thanh thản thì không bao giờ hồ nghi, nhưng một tinh thần giao động và bất mãn thì bực mình bởi nghi ngờ nhiều thứ. Chính họ không an tâm và cũng không để người khác yên nghỉ. Họ thường nói những điều không nên nói, và bỏ dở những điều đúng đắn nên làm. Họ lưu tâm đến trách nhiệm của người khác nhưng chểnh mảng bổn phận của chính mình.
Bởi vậy, trước hết hãy rèn luyện chính mình, sau đó bạn mới có thể áp dụng kỷ cương trên người khác với sự công bằng. Bạn giỏi trích dẫn lời lẽ để tô điểm cho hành động của mình với những lý do bào chữa mà bạn không muốn chấp nhận nơi người khác, tuy đúng ra phải kết án chính bạn và bào chữa anh chị em. Nếu bạn muốn người khác chịu đựng mình, bạn phải chịu đựng người khác. Thấy không, bạn thật xa với lòng bác ái và khiêm tốn đích thật mà nó không bao giờ tức giận bất cứ ai, hoặc trở nên phẫn nộ chỉ để bảo vệ chính mình!
Để làm bạn với người tốt lành và nhân từ thì không có gì vĩ đại cả, vì sự bầu bạn đó mang lại sự vui thích tự nhiên. Ai ai cũng thích một đời sống êm đềm và có những người cùng một tính tình. Nhưng để sống bình an với người thô lỗ và ngoan cố, hay với những người vô kỷ luật và những người luôn khiêu khích chúng ta, đó là một ơn sủng lớn lao, một điều đáng ca ngợi và can đảm.
Một số người sống bình an trong tâm hồn và với người khác, nhưng có những người không bao giờ có bình an trong tâm hồn và họ cũng không thể đem bình an cho người khác. Những người này trở nên gánh nặng cho mọi người, nhưng họ càng trở nên gánh nặng đối với chính mình. Sau cùng, chỉ một ít người sống bình an trong tâm hồn và tìm cách đem lại bình an cho người khác.
Vì vậy, trong thế giới khốn khổ này mọi sự bình an của chúng ta được tìm thấy trong sự khiêm tốn chịu đựng đau khổ hơn là thoát khỏi đau khổ. Ai giỏi chịu đựng đau khổ sẽ vui hưởng sự bình an lớn lao, vì họ đã chiến thắng chính mình, một bậc thầy của thế gian, một người bạn của Đức Kitô, và là người thừa hưởng thiên đàng.