TUẦN 63: SÁCH DIỄM CA
I. TỔNG QUÁT
1. Tại sao sách Diễm Ca lại có mặt trong bộ Thánh Kinh?
Không giống với những sách khác trong Thánh Kinh Cựu Ước, xem ra sách Diễm Ca không liên quan gì đến lịch sử thánh, lề luật, giao ước hay các tiên tri. Thậm chí không nhắc đến Thiên Chúa nữa. Chúng ta cũng không biết sách Diễm Ca được viết khi nào, ai viết, và với mục đích gì! Vậy tại sao sách này lại có mặt trong bộ Thánh Kinh? Ngay cả Do thái giáo cũng tranh luận nhiều về vấn đề này.
Đến năm 90 trước Công nguyên, mọi sự được ấn định khi rabbi Akiba đưa ra lý do: sách này diễn tả cuộc hôn nhân giữa Đức Chúa và Dân Người tuyển chọn. Đồng thời sách này được trích đọc trong lễ Vượt Qua hằng năm. Kitô giáo cũng chấp nhận như thế, tuy nhiên ít sử dụng trong cử hành Phụng Vụ. Sau này một số đoạn được chọn để đọc vào các dịp lễ kính Đức Maria.
2. Ý nghĩa sách Diễm Ca
Trong nhiều thế kỷ, cả Do Thái giáo và Kitô giáo đều giải thích nội dung sách này theo nghĩa biểu tượng chứ không theo nghĩa thể lý và cảm xúc bình thường. Cuộc hôn nhân giữa Đức Chúa và Israel hoặc giữa Chúa Kitô và Hội Thánh được coi là chủ đề chính của sách. Đôi khi trong phụng vụ Kitô giáo, hình ảnh người thiếu nữ trong sách được hiểu về Đức Trinh nữ Maria. Trong các văn bản của các nhà thần bí, mỗi linh hồn cũng khát khao được kết hợp với Chúa Kitô là người yêu của họ.
Giải thích theo nghĩa biểu tượng thế nào còn tùy cách hiểu các bài thơ trong sách như tỷ ngôn (allegory) hay dụ ngôn (parable). Giải thích theo tỷ ngôn thì từng câu từng chi tiết đều phải mang một ý nghĩa thiêng liêng nào đó. Một số nhà phê bình đề nghị giải thích như một dụ ngôn, nghĩa là toàn bộ câu chuyện (chứ không phải từng câu) mang một ý nghĩa thiêng liêng cho đời sống của ta về mặt cá nhân cũng như cộng đoàn.
II. SÁCH DIỄM CA TRONG CỬ HÀNH PHỤNG VỤ
Đọc hai bản văn sau đây:- Dc 2,8-14- Lc 1,39-45
Nếu chỉ đọc Dc 2,8-14, ta chỉ gặp được ở đây một áng thơ tình vào loại tuyệt tác, với những từ ngữ đầy tình tứ như bạn tình, người đẹp, linh dương, bồ câu; với ngôn ngữ hình ảnh sống động “tiết đông giá lạnh đã qua, mùa mưa đã dứt đã xa lắm rồi…”
Nhưng nếu đọc bản văn Diễm ca cùng với trình thuật Luca về việc Mẹ Maria đi thăm bà Elisabeth, ta sẽ khám phá một tầng ý nghĩa mới thật sâu sắc và phong phú về Ơn Cứu độ.
“Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa” (Lc 1,39). Sự việc này xảy ra ngay sau biến cố Truyền tin; vì thế “Mẹ Maria vội vã lên đường” là chính Thiên Chúa nhập thể trong cung lòng thanh khiết của Mẹ đang vội vã lên đường. Thiên Chúa lên đường đến thăm và đem Ơn Cứu độ đến cho nhân loại mà ở đây Gioan tẩy giả trong lòng bà Elisabeth là đại diện. Thế nên bước chân Thiên Chúa quả là bước chân “chàng đang tới, nhẩy nhót trên đồi, tung tăng trên núi” (Dc 2,8).
Và tiếng gọi của Thiên Chúa Cứu độ vang lên, “Dậy đi em, bạn tình của anh; người đẹp của anh, hãy ra đây nào” (Dc 2,10); tiếng gọi làm oà vỡ niềm vui khiến Gioan “nhẩy lên” trong bụng mẹ (Lc 1,41). Ơn Cứu độ đã đến, “tiết đông giá lạnh đã qua, mùa mưa đã dứt đã xa lắm rồi. Sơn hà nở rộ hoa tươi, và mùa ca hát vang trời về đây” (Dc 2,11-12).
Trong ánh sáng của trình thuật Thăm Viếng, bản văn Dc 2,8-14 trở thành bài thơ diễn tả nội dung thần học và kinh nghiệm thần bí, mở đường cho các nhà thần bí như Gioan Thánh Giá sử dụng ngôn ngữ thi ca và hình ảnh của tình yêu hôn nhân để diễn tả kinh nghiệm linh hồn kết hợp với Thiên Chúa. Đồng thời, trình thuật Thăm Viếng không chỉ đơn thuần là bài giảng về bác ái và phục vụ, dù là bài học rất tốt đẹp và cần thiết, nhưng chuyển tải Tin Mừng Cứu độ muôn dân chờ đợi.
(Audio: Anh Tuấn)
[…] Tuần 63: Sách Diễm Ca […]